Than sinh học (Biochar) không những làm tăng năng suất cây đậu phụng trên đất cát mà còn giữ ẩm, giữ phân bón, giữ nguồn vi sinh sinh vật có lợi trong đất…
Đó là kết luận của TS. Hoàng Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, qua kết quả một dự án, trong đó có mô hình thử nghiệm dùng Biochar tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Theo TS. Hoàng Minh Tâm, thực chất than trấu (Biochar từ trấu) đã có một dự án hợp tác với Úc cách đây khoảng 9 năm, sử dụng bón cho cây đậu phụng trên đất bạc màu thiếu nước ở xã Cát Trinh cũng ở Phù Cát.
Kết quả là năng suất đậu phụng tăng hơn ruộng không bón than trấu, nhưng ngặt một nỗi đây chỉ là thí nghiệm, than trấu mua từ Philippines giá 2.000 đ/kg, so với giá thị trường lúc bấy giờ là quá đắt, nên hiệu quả thấp. Dự án chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm, để có các dự án tiếp theo khi tự SX Biochar tại chỗ, giá thành rẻ hơn thì sẽ có lợi nhuận cao.
Mãi đến năm 2015, Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ mới thực hiện mô hình bón than trấu cho cây đậu phụng tại xã Cát Hiệp. Thực chất là mô hình tổng hợp dùng than trấu với phương pháp tưới mini - pan (theo dõi độ ẩm qua chảo chứa nước) để tiết kiệm nước.
Trên 1 ha bón 11,1 tấn than trấu, không bón phân chuồng. Các loại phân còn lại như NPK bón thấp hơn ruộng của nông dân; vôi cũng bón 500 kg/ha. Riêng các ruộng đối chứng bón phân chuồng từ 5 - 10 tấn/ha.
Kết quả ruộng có bón than trấu năng suất đạt 38,2 tạ/ha, cao hơn ruộng bón theo cách truyền thống của nông dân 4 tạ/ha; hiệu quả kinh tế cũng cao hơn, lãi ròng 41,2 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng của nông dân 6 triệu đồng/ha.
Lượng than trấu cho thí nghiệm không phải mua ở nước ngoài như trước mà do người dân SX tại chỗ, với giá 1.000 đ/kg. Cách tạo ra loại than này khá đơn giản.
Theo Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ: Nhen một ít củi cho cháy lên, sau đó tuần tự cho từng lớp trấu lên đống lửa, khi lớp trấu này vừa cháy mạnh thì đổ chồng lên lớp trấu tiếp theo, cứ như vậy liên tục, để tránh hiện tượng trấu cháy kiệt thành tro, tạo điều kiện thiếu khí khi cháy để “hầm” trấu thành than.
Cũng có cách đốt đơn giản nữa là cho vật đốt (trấu, mùn cưa, rơm, lá cây, bã mía….) vào một chiếc thùng rồi đốt, khi ngọn lửa vừa bốc mạnh lên thì đậy nắp thùng lại. Vì cháy trong điều kiện thiếu khí nên vật cháy thành than, không thành tro. Nếu SX quy mô lớn thì có lò hầm than, bằng tôn, bằng lò xây gạch, đốt trong điều kiệm yếm khí, áp suất cao để cho ra Biochar đúng tiêu chuẩn, tức là than chứ không thành tro.
Qua nhiều lần sử dụng thí nghiệm than sinh học cho cây đậu phụng ở Phù Cát, trên chân đất bạc màu thiếu nước tưới, TS. Hoàng Minh Tâm cho rằng, cần khuyến cáo nông dân sử dụng Biochar để cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí, đem lại lợi nhuận cao; nhất là vùng đất cát bạc màu thiếu nước.
Theo các chuyên gia sinh học, than sinh học giữ được thành phần dinh dưỡng có trong vật tạo ra nó (rơm, rạ, trấu…), có độ phân hủy chậm, làm chậm quá trình thoái hóa đất, giảm bạc màu, chống chua cho đất, giữ ẩm, tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất phát triển, giúp cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng. Sử dụng Biochar sẽ tạo ra sản phẩm sạch, chi phí đầu tư thấp và tiết kiệm một lượng nước tưới đáng kể.
Theo các nhà SX, phân than - Biochar không những được tạo ra từ trấu, mà còn tạo ra được từ vỏ hạt cà phê, rơm rạ, lá cây, cành nhánh cây, rác hữu cơ… Đối với Bình Định thì nguồn nguyên liệu làm ra Biochar là rất dồi dào. Tuy vậy đây là điều mới mẻ chưa được phổ biến tới nông dân.
Biochar không những bón cho cây đậu phụng nó còn dùng để bón cho nhiều loại cây trồng khác như lúa, mì, bắp... hay các loại cây rau màu, cây công nghiệp, cây trồng rừng. Nhiều nơi ở nước ta như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương… bà con đã tự SX Biochar từ phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng.
Nguồn: nongnghiep.vn