Quảng Nam: Mô hình canh tác vừng trên chân đất lúa thiếu nước ở vụ hè thu
Do đặc thù về vị trí địa lý nên vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán và lũ lụt thường xuyên xảy ra đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của vùng nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Tình trạng nắng nóng kéo dài trong mùa khô và mưa ít trong mùa mưa hoặc mưa nhiều nhưng phân bổ không đều đã gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng, đặc biệt trong vụ Hè Thu. Cây lúa là cây tiêu tốn lượng nước lớn, khi thiếu nước, canh tác lúa gặp nhiều rủi ro, có thể mất trắng hoặc sụt giảm năng suất. Bên cạnh đó chi phí bơm tưới trong mùa nắng hạn tăng cao nên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Trong khi đó, các cây trồng cạn ngắn ngày, trong đó có cây vừng lại tiêu tốn ít nước hơn, khả năng chịu hạn tốt hơn và cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa.
Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có nhu cầu nước tưới ít hơn và chuyển đổi giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt hơn trên chân đất lúa kém hiệu quả là rất cần thiết và phù hợp với chủ trương của tỉnh Quảng Nam nói riêng và các địa phương ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.
Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ đã thực hiện mô hình canh tác vừng (mè) trên chân đất lúa thiếu nước ở vụ Hè Thu năm 2020, 2021, 2022 tại Quảng Nam. Mô hình thuộc dự án Xây dựng một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số tỉnh Nam Trung Bộ.
Năm 2020, năng suất thực thu của mô hình đạt 10,0 tạ/ha. Với giá bán 40.000 đồng/kg, doanh thu đạt 40,00 triệu đồng/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, lãi ròng cho 1 ha sản xuất vừng trên đất lúa thiếu nước đạt 15,46 triệu đồng với tỷ suất lãi so với vốn đầu tư là 0,63 lần.
Năm 2021, năng suất thực thu của mô hình đạt 8,1 tạ/ha. Với giá bán 45.000 đồng/kg thì doanh thu đạt 36,45 triệu đồng/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, lãi ròng cho 1 ha sản xuất vừng trên đất lúa thiếu nước đạt 11,91 triệu đồng với tỷ suất lãi so với vốn đầu tư là 0,49 lần.
Vụ hè thu năm 2022, mô hình được triển khai thực hiện ở thôn Hòa An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành trên diện tích 5 ha. Giống triển khai thực hiện mô hình là mè đen với lượng giống đưa vào sản xuất 5 kg/ha. Kỹ thuật chăm sóc là tỉa thưa và dặm, giúp cây phát triển đồng đều, khỏe, phân cành mạnh, phát triển tốt và đạt năng suất cao. Dự kiến năng suất của mô hình đạt 10,5 tạ/ha.
Cánh đồng trồng vừng (mè) tại thôn Hoà An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành
Ngày 16/6/2022, tại hội trường UBND xã Tam Giang, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ phối hợp với UBND xã Tam Giang đã tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ mô hình với sự tham dự của bà con tham gia mô hình tại thôn Hòa An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành.
Tại hội nghị, đại diện Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đề nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho phép nhân rộng mô hình vào sản xuất đại trà ở vùng thực hiện dự án và các khu vực khác có điều kiện sản xuất tương tự ở địa phương. Để việc nhân rộng được hiệu quả, Viện đề xuất các giải pháp về kỹ thuật như cần lưu ý triển khai đúng lịch thời vụ; lựa chọn giống vừng có phẩm cấp giống cao, được thị trường ưa chuộng; biện pháp làm đất, gieo hạt cần được quan tâm áp dụng theo đúng quy trình khuyến cáo của dự án; quan tâm áp dụng biện pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp, tưới nước hợp lý và quản lý sâu bệnh hại tổng hợp (IPM). Về giải pháp tổ chức, cần có chủ trương chuyển đổi từ chính quyền các cấp và phải đạt được sự đồng thuận cao; điểm chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn nói chung và cây vừng nói riêng cần có hạ tầng đồng ruộng tốt. Đặc biệt quan tâm đến hệ thống thủy lợi, trong đó hệ thống tiêu thoát nước là quan trọng và cần có sự tự nguyện tham gia của các hộ dân. Khi chuyển đổi cần quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát… và có đánh giá, sơ, tổng kết và rút kinh nghiệm./.
Đặng Ngọc Sơn
Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam