GIỐNG LÚA AN26 -1

admin16/01/2016 09:17 AM

GIỐNG LÚA AN26 -1

TS. Lưu Văn Quỳnh*, KS. Nguyễn Thị Huyền, KS. Tạ Thị Huy Phú,

KS. Phạm Văn Nhân, KS. Trần Vũ Thị Bích Kiều

(Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB)

I. NGUỒN GỐC

Giống lúa AN26-1 do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai Thơm đen/ ML2003// OM4498.

Được công nhận là giống lúa mới sản xuất thử theo Quyết định số 70/QĐ-TT-CLT ngày 28/2/2013 của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT.

II. ĐẶC TÍNH NÔNG HỌC

Giống AN26-1 có thời gian sinh trưởng: Vụ hè thu 92 – 95 ngày; vụ đông xuân: 98 – 105 ngày.

Chiều cao cây đến 115 cm,; chiều dài bông: 24 cm; dạng bông chùm, hạt đóng dày. Tổng số hạt/ bông: 180 – 250; tỷ lệ lép 5 – 7%. Khối lượng 1000 hạt: 23 gam. Độ bạc bụng gạo < 10%. Chất lượng cơm khá.

Khả năng chống chịu khá: kháng rầy nâu cấp 3 – 5; bệnh đạo ôn: cấp 1 – 3; bệnh bạc lá: cấp 3 – 5. Hạt khó rụng (độ rụng hạt < 1%).

Năng suất: 6,5 – 7,5 tấn/ha.

III. QUY TRÌNH KỸ THUẬT SẢN XUẤT

1. Chuẩn bị hạt giống

Giống lúa gieo phải đạt tiêu chuẩn hạt giống kỹ thuật (tối thiểu là cấp xác nhận). Lượng giống gieo 90-100 kg/ha, những chân đất ngeo dinh dưỡng gieo tối đa 110 kg/ha.

Ngâm 24 giờ trong nước sạch. Nếu thời tiết lạnh nên pha nước (2 sôi + 3 nguội) để ngâm, sau khi thấy hạt đã no nước (hạt trong) ủ kín 36 giờ, trong thời gian ủ phải thường xuyên kiểm tra sự bốc nóng của đống hạt. Nếu hạt ra rễ dài, mầm ra ngắn phải banh đống hạt không ủ kín để kích thích sự ra mầm. 

Trong trường hợp hạt giống đang giai đoạn ngủ nghỉ có thể xử lí bằng HNO30,1% trong thời gian ngâm nhưng phải đãi sạch trước khi vớt ủ.

2.Thời vụ gieo

Có thể gieo các vụ trong năm. Lịch gieo theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Vụ đông xuân nên gieo sau 5/12 - 20/12. Không nên gieo sớm hơn để tránh gặp rét muộn kéo dài ảnh hưởng làm đồng.

Vụ hè thu, bố trí gieo sớm (giữa tháng 5) để thu hoạch sớm tránh mưa lũ về gây đổ ngã thất thoát năng suất. Các chân ruộng phụ thuộc điều kiện tưới tiêu chú ý tranh thủ gieo sớm ngay trà đầu khi có điều kiện.

3. Chuẩn bị đất

Đất gieo sạ thích hợp các chân đất vàn có tưới vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đất gieo nên được bừa trục kỹ, sạch cỏ dại, thoát nước tốt.

4. Bón phân

- Mức phân sử dụng:  80-60-60 kg NPK/ha hoặc 100-80-60 kgNPK/ha phụ thuộc chân đất. Nếu đất có độ phì cao có thể sử dụng mức phân nhẹ hơn 80-60-60 kg NPK/ha kèm theo vôi bột.

- Cách bón:

Bón lót 100% phân lân (superlân), phân chuồng và vôi bột. Nếu phân lân dễ tiêu như DAP không nên lót sớm vì dễ bị sủi váng làm chết mầm ở các chân đất khó thoát nước. Phân bón lót xong cần được kéo bừa qua một lượt.

Bón thúc lần 1: Sau gieo 10 -12 ngày: 1/3 N + 1/3 P2O5(nếu là DAP). Bón phân đợt này chú ý điều tiết mực nước trong ruộng để không cho váng phân DAP đè lên lúa làm chết. Trước khi bón phân đợt 2 tỉa dặm đảm bảo mật độ đồng đều.

Bón thúc lần 2: Sau gieo 20-25 ngày bón tỷ lệ phân: 1/3 N + 2/3 P2O5( nếu sử dụng phân DAP) + 1/2  K2O

Bón thúc lần 3: Sau gieo 45 ngày:  Bón hết số phân còn lại.

Một số lưu ý cách bón phân:

- Phụ thuộc thời tiết, điều kiện sinh trưởng của cây lúa trên đồng ruộng để điều chỉnh thời kỳ bón phân trễ hơn 5 - 7 ngày. Nếu sau thời kỳ bón phân đợt 2 thấy lúa phát triển tốt, lá xanh sau thời kỳ đẻ rộ có thể rút nước khô, kìm hãm sự sinh trưởng và vươn cao của giống. Nếu lúa bị đổi màu sớm giai đoạn trổ, vào chắc có thể bổ sung 4-5 kg urê/ha (bón vớt hạt) hay một số loại phân bón lá thích hợp.

- Khác với các giống lúa chịu phân và các giống trung, dài ngày khác, kỹ thuật bón phân cho giống lúa chất lượng, ngắn ngày nghiêm ngặt hơn về liều lượng và khoảng thời gian bón thúc lần 2 đến lần 3.

5. Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh

- Để hạn chế cỏ dại cần làm đất kỹ, phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như Sofit sau gieo 2 ngày khi đất còn ẩm ướt. Các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm khác cần tham khảo những người đã sử dụng có kinh nghiêm. Nếu nhiều cỏ cần thiết phải làm tay và nên tập trung làm sớm trước khi bón phân đợt 2.

- Phòng trừ sâu bệnh: Giống lúa AN26-1 mặc dù ít nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh đạo ôn nhưng cũng phải theo dõi thường xuyên. Nếu có dịch bùng phát cần kịp thời có các biện pháp phòng trị bằng các loại thuốc đặc hiệu. Chú ý bọ trĩ giai đoạn sau gieo nên dùng các loại thuốc tiếp xúc. Sâu cuốn lá, khi thấy bướm xuất hiện cần phải dùng thuốc bơm xịt ngay, không để sâu non cuốn lá rồi mới bơm xịt. Trường hợp phát hiện có lá bị cuốn cần phải dùng các loại thuốc lưu dẫn mới có hiệu quả. Đối với sâu đục thân, khi phát hiện có sâu ở giai đoạn lúa vào chắc (bông khô) dùng thuốc hạt rãi đều, liều lượng theo khuyến cáo. Trong vụ hè thu, giai đoạn lúa trổ - vào chắc nên dùng các loại thuốc phòng trừ bọ xít để bơm xịt để hạn chế hạt bị lép, lững.

- Phòng trừ chuột hại: Chuột là đối tượng gây hại nghiêm trọng đặc biệt với các trà lúa chín sớm. Biện pháp tốt nhất đào bới các hang có dấu hiệu chuột ở để bắt, tổ chức đánh bẩy đánh bã đồng loạt. Các ruộng lúa chín sớm hơn có thể bao kín nilon cao 50 - 60 cm để không cho chuột xâm nhập và có cửa đặt bẩy khi chuột tìm đường vào ruộng lúa, bao nilon phải được làm sớm trước khi lúa bắt đầu đẻ rộ.

6. Thu hoạch

Trước khi thu hoạch 5-7 ngày rút khô nước. Cắt lúa xong nên cho ra hạt luôn để tránh hao hụt và mất sức nảy mầm (nếu để giống).

Hiện nay, việc áp dụng máy gặt đập liên hợp đã giảm được rất nhiều chi phí thu hoạch và hao hụt do rơi vãi.

IV. ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ ÁP DỤNG

Qui trình đã được giới thiệu ở các địa phương có sản xuất giống lúa AN26-1. Trong đó, ở huyện Phú Hòa tỉnh Phú Yên vụ hè thu 2012 sản xuất trên 300 ha, quy trình đã được áp dụng tốt và cho năng suất phổ biến trên 70 -75 tạ/ha.

Ngoài ra, nhiều địa phương khác ở tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi cũng đã được hướng dẫn qui trình sản xuất và cho và năng suất trung bình 65 - 70 tạ/ha.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hà Văn Nhân, 2012. Báo cáo kết quả phân tích chất lượng các giống lúa ngắn ngày Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ năm 2012.

2. Lưu Văn Quỳnh, 2011. - Báo cáo công nhận giống cây trồng mới tháng 10 năm 2011.Báo cáo kết quả chọn tạo giống lúa AN13 cho vùng sinh thái Nam Trung bộ.

3. Lưu Văn Quỳnh, 2009. Báo cáo nghiệm thu đề tài “Đánh giá tính kháng rầy nâu, bệnh VL-LXL bộ giống lúa miền Trung” tháng 12 năm 2009.

4. Phạm Văn Nhân, 2011. Báo cáo kết quả thí nghiệm phân bón và mật độ gieo cho các giống lúa ngắn ngày Nam Trung bộ năm 2011.

5. Phòng Nông nghiệp huyện Phú Hòa. Báo cáo kết quả chỉ đạo sản xuất vụ hè thu 2012.

lvquynh2007@yahoo.com



Tin cùng chuyên mục