KHOAI SÁP MDH.01

admin20/04/2016 10:36 AM

Khảo nghiệm giống và kỹ thuật trồng khoai sáp MDH.01 tại Sơn Hòa – Phú Yên

1. Giống

Giống khoai sáp MDH.01 do TS. Nguyễn Thanh Phương và cộng sự (Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB) chọn tạo và được công nhận theo QĐ 608/QĐ-TT-CLT ngày 14/12/2010 của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp & PTNT. Giống MDH.01 có ưu điểm là năng suất củ cao và ổn định (>20 tấn/ha), thời gian sinh trưởng 9,0 - 9,5 tháng, chịu được bệnh nấm rễ khá và chất lượng củ ăn luộc ngon.

Sử dụng giống khoai sáp MDH.01 vào sản xuất.

2. Thời vụ trồng

Thời vụ trồng cho các vùng canh tác sử dụng nước trời ở các xã miền núi của cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa, một số xã miền núi của Tuy An, Đồng Xuân của tỉnh Phú Yên và huyện Kbang – Gia Lai, được bắt đầu chuẩn bị đất tháng 3 - 4 và trồng vào tháng cuối tháng 5 dương lịch (sau mưa tiểu mãn từ 5 - 7 ngày có mưa giông, đất đủ độ ẩm), thu hoạch tháng 2 - 3 năm sau (trong dịp tết âm lịch).

3. Chọn và chuẩn bị đất trồng 

Chọn nơi đất tương đối tốt, tơi xốp, đủ ẩm. Có thể trồng xen trong các vườn keo 1 - 2 năm, vườn xà cừ, vườn cà phê, vườn cao su tiểu điền mới trồng 1 - 3 năm đầu chưa khép tán. Dọn sạch thực bì, bả xác thực vật. Đất mới khai hoang cày 2 lần, đất đã canh tác cày 1 lần, cày thật thục. Xử lý đất trước khi trồng bằng việc rải đều vôi 600 kg/ ha và bừa cho đều. Thời gian cày trước 15 - 30 ngày.

4. Mật độ trồng

Tùy theo đất mà bố trí mật độ khác nhau, với giống khoai sáp MDH.01 thì bố trí trồng là 50 x 75 cm (hàng cách hàng 75 cm, cây cách cây 50 cm, tương đương 26.667 cây/ha).

5. Xử lý giống

Củ giống được chọn đúng giống, không bị nhiễm bệnh, hư thối. Củ cái hoặc củ con khi cắt phải đồng đều, hình vuông hoặc chữ nhật với kích thước 4 - 5 cm.

Xử lý giống bằng một số loại thuốc BVTV phòng trừ nấm bệnh như: Anvil 5SC, ngoài ra còn có thể dùng Bavistin 50FL

Cách xử lý: Rửa nguyên cả củ giống bằng nước sạch để làm sạch củ, để củ ráo, cắt củ giống thành những mẫu có kích thước 4 - 5 cm. Ngâm củ giống đã cắt vào thuốc với nồng độ 0,1% trong thời gian 10 phút. Vớt ra trồng ngay.

Việc dùng thuốc BVTV để xử lý giống trước khi trồng có tác dụng phòng trừ bệnh thối rễ chết cây ở giai đoạn cây con rất tốt, nhưng ở giai đoạn cuối vụ thuốc hết hiệu lực nên cần phải phun thuốc phòng trừ bệnh cho môn ở giai đoạn cuối vụ.

6. Cách trồng

- Rạch hàng và cuốc hốc như khoảng cách đã chọn, hốc sâu 10 cm, rộng 20 x 30 cm.

- Đặt củ giống ở độ sâu 7 - 8 cm dưới đất, phủ một lớp đất mỏng.

- Trồng xong phủ một lớp rơm rạ hay cỏ khô trên mặt luống là rất cần thiết để giữ ẩm cho củ giống mọc mầm nhanh, sau này cho cây sinh trưởng mạnh và còn hạn chế được xói mòn đất do mưa

7. Chăm sóc (Làm cỏ, xới xáo, bón phân, vun gốc và phòng trừ sâu bệnh hại)

Trồng khoai sáp trên đồi nên việc làm cỏ, xới xáo, bón thúc phân và vun gốc là cần thiết trong vòng 3 - 4 tháng đầu sau trồng. Khi tán lá đã che kín luống thì không cần thiết làm cỏ nữa. Hai tháng cuối, khi cây xuống dọc, nếu có cỏ chỉ nên nhổ bằng tay không nên cuốc cỏ sâu sẽ gây vết thương và ảnh hưởng đến sự phát triển củ. Ở giai đoạn phình củ, vì củ luôn phát triển hướng lên do đó để củ có chất lượng tốt, không sượng, phải đảm bảo củ luôn được vùi dưới mặt đất. Lúc này cuốc đất xa gốc đắp lên luống, phủ thêm vào gốc là tốt nhất.

Cụ thể chăm sóc như sau:

(i) Lần 1: sau trồng 1 - 1,5 tháng khi cây mọc đều có từ 2 - 3 lá, làm cỏ, bón phân N:P:K 16-16-8 liều lượng 100 kg/ha;

(ii) Lần 2: khi cây 3 lá hoặc cao 20 - 25 cm (2,5 - 3 tháng sau trồng), làm cỏ, bón phân N:P:K 16-16-8 liều lượng 200 kg/ha, 25 kg Kaly và vun nhẹ;

(iii) Lần 3: sau trồng 4 tháng, khi cây cao > 30 cm hoặc 5- 6 lá, tiến hành xới, bón phân N:P:K 16-16-8 liều lượng 75 kg/ha và 35 kg Kaly, vun cao 20 - 25 cm.

Kết hợp các lần chăm sóc, phun thuốc BVTV phòng trừ nấm bệnh cho cây khoai sáp:

+ Làm cỏ đợt 1, bón 3 kg VIDA 5WP hoặc phun Bavistin 50FL 2 lít/ ha;

+ Làm cỏ đợt 2, phun Bavistin 50FL 2 lít/ha hay Anvil 5SC 2 lít/ ha;

+ Làm cỏ đợt 3, phun Bavitin 2lít/ ha hay Monceren 2lít/ ha;

+ Trước và kết thúc mùa mưa (tháng 11 - 12) phun phòng Aliette 80WP hoặc Bavistin 50FL (2 lít/ha).

Khoai sáp trồng đại trà và giống địa phương tại 3 xã thuộc cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên và huyện Kbang, tỉnh Phú Yên thường xuất hiện một số loại bệnh hại chính: bệnh vàng héo lá, bệnh hại lá, bệnh thối củ. Với 3 loại bệnh này đã gây thiệt hại cho người trồng khoai sáp. Nếu được phun thuốc BVTV phòng trừ nấm bệnh kết hợp trong các đợt chăm sóc cũng đã hạn chế đến mức tối đa thiệt hại cho người dân trồng môn sáp. Trong khi đó trồng khoai sáp MDH.01 thâm canh chưa thấy xuất hiện bệnh hại.

8. Thu hoạch, bảo quản

8.1. Thu hoạch

- Dọc : Dọc khoai thường thu hoạch cùng với củ, tuy nhiên, trước khi thu hoạch củ khoảng một tháng, có thể tỉa bớt dọc lá để làm thức ăn chăn nuôi. Dọc khoai dùng muối chua (ủ lên men) hay làm thức ăn cho gia súc, búp lá cũng có thể muối dưa hay nấu canh.

- Củ : Khi cây xuống dọc (2/3 số dọc lụi hay héo úa chuyển sang vàng) thì chuẩn bị thu hoạch. Củ chín sinh lý là vào thời điểm hàm lượng đường trong củ thấp nhất. Thời gian thu hoạch củ phụ thuộc vào giống và kỹ thuật trồng. Thường khoai sáp thu hoạch sau 9 – 9,5 tháng trồng. Thu hoạch tốt nhất thực hiện vào mùa khô hoặc vào những ngày nắng ráo. Vào thời điểm đó, bộ rễ lụi dần nên nhổ cây dễ, đỡ tốn sức.

Có thể cắt dọc trước, đào củ sau hoặc thu hoạch cả củ lẫn dọc, không rửa và đem về nhà để chỗ mát. Thu hoạch chủ yếu bằng các dụng cụ cầm tay như cuốc, xẻng. Đất xung quanh gốc cây được đào tải ra sau đó củ được nhổ lên bằng cách túm lấy gốc dọc kéo lên.

8.2. Bảo quản khoai thương phẩm

Hiện nay, người dân thường bán khoai ngay tại ruộng khi thu hoạch hoặc có thể  bảo quản trong thời gian ngắn trước khi đem bán. Cách làm như sau: Lúc mới thu về để cả bụi ở nơi thoáng mát, cao cách mặt đất 15 - 20 cm. Khi bụi củ lụi khô chồi đỉnh củ cái có thể xếp vào giàn thấp cách mặt đất 20 cm hoặc dưới gầm giường. Cũng có thể bảo quản khoai thương phẩm trong các hầm dưới đất, có quạt thông gió ở các phía.

8.3. Bảo quản củ giống

Có hai phương pháp thường được nông dân sử dụng để bảo quản củ giống là vùi trong đất ẩm, mát ngay ở trên nương rẫy hoặc bảo quản trong nhà (dưới gầm giường hoặc trên dàn thấp).

Trồng khoai sáp MDH.01 xen trong vườn cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản tại Sơn Hòa – Phú Yên

Tin cùng chuyên mục