NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP CANH TÁC TỎI THEO PHƯƠNG THỨC KHÔNG BỔ SUNG ĐẤT ĐỎ BAZAN VÀ KHÔNG THAY CÁT SAN HÔ Ở HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN, TỈNH QUẢNG NGÃI
Hồ Huy Cường1, Vũ Văn Khuê1, Phan Ái Chung1, Lý Nữ Cẩm Duyên1
1 Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ
TÓM TẮT
Nghiên cứu giải pháp canh tác tỏi theo phương thức không bổ sung đất đỏ bazan và không thay cát san hô ở huyện đảo Lý Sơn được bố trí trong 2 vụ Đông xuân 2015 - 2016 và Đông xuân 2016 – 2017. Thí nghiệm bố trí 3 giải pháp canh tác mới (Công thức 2, 3 và 4) để so sánh, đánh giá với giải pháp canh tác truyền thống của người dân (Công thức 1). Kết quả cho thấy, khi canh tác tỏi theo phương thức không bổ sung đất đỏ bazan, loại bỏ lớp cát san hô cũ, cày xới lớp đất đỏ bazan từ vụ trước, bón phân hữu cơ, che phủ thân xác thực vật (đã xử lý), bón phân vô cơ, phân vi sinh FITO HUMIC và phun phân bón lá Rong biển SEAWEED – 95% (công thức 3) đã không làm sụt giảm năng suất và chất lượng so với phương thức đối chứng (Năng suất đạt trung bình 5,45 tấn/ha; hàm lượng Iốt, protein, tinh dầu và alixin tương đương), nhưng hiệu quả kinh tế đã tăng thêm 22.800.000 đ/ha, đặc biệt là hiệu quả về môi trường.
Từ khóa: Tỏi Lý Sơn, đất đỏ bazan, cát san hô
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Lý Sơn được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”, là huyện đảo nằm ở hướng Đông của tỉnh Quảng Ngãi, có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.Tổng dân số của huyện khoảng 21 nghìn dân, với hơn 60% sống bằng nghề biển, 10% làm dịch vụ, buôn bán và 30% làm nông. Tổng diện tích gieo trồng tỏi hàng năm tại Lý Sơn dao động trong khoảng 300-350ha, song do diễn biến điều kiện khí hậu thời tiết thất thường nên năng suất thường không ổn định theo từng năm, năm khí hậu thích hợp năng suất có thể đạt đến 60,0 - 70,0 tạ/ha, nhưng năm mất mùa năng suất chỉ đạt từ 30,0 – 40,0 tạ/ha. Đặc biệt, tỏi tại Lý Sơn chỉ trồng ở vụ Đông xuân, các vụ còn lại không canh tác do điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên và thiếu nước tưới. Mặt khác, do diện tích canh tác tính trên đầu người ở huyện đạo Lý Sơn thấp dẫn đến việc thâm canh rất cao, hậu quả là làm mất độ phì nhiêu, nguồn sâu bệnh hại tiềm ẩn trong đất ngày càng nhiều. Do đó, người dân Lý Sơn đã áp dụng giải pháp sử dụng đất đỏ bazan và cát san hô để canh tác tỏi với lý giải là: cung cấp dinh dưỡng, hạn chế sâu bệnh hại, giữ nước, dinh dưỡng, làm sạch lá khi trời mưa và mát củ khi trời nắng, hạn chế sâu bệnh hại, tạo độ xốp để củ phát triển, từ đó làm tăng năng suất và chất lượng của cây tỏi.
Tuy nhiên, việc thay đất đỏ bazan và cát san hô diễn ra trong một thời gian dài đã gây ra những tác động tiêu cực đối với huyện đảo Lý Sơn, làm tăng chi phí sản xuất, đặc biệt làgây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường chung của toàn đảo do khai thác đất đỏ bazan và cát san hô. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và đề xuất được giải pháp canh tác tỏi không bổ sung đất đỏ bazan và không thay cát san hô sẽ mở ra hướng canh tác tỏi mới bền vững cho huyện đảo Lý Sơn.
II. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Vật liệu nghiên cứu
Giống tỏi Lý Sơn, cát san hô, đất đỏ bazan, thân xác thực vật, phân vô cơ, phân HCVS FITO HUMIC vàphân bón lá rong biển SEAWEED – 95%.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Phương pháp bố trí thí nghiệm:
- Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCBD) với 3 lần nhắc lại, diện tích ô cơ sở là 50m2.
- Các giải pháp canh tác khác nhau được bố trí ở 4 công thức sau:
Công thức | Giải pháp canh tác |
CT1 (Đ/c) | Canh tác tỏi có bổ sung đất, thay cát theo phương thức của dân |
CT2 | Không bổ sung đất, giữ lại lớp cát cũ (cào lại trước khi cày), cày xới lớp đất bazan từ vụ trước + Phân vô cơ + Phân vi sinh FITO HUMIC + Phun phân bón lá Rong biển SEAWEED – 95% |
CT3 | Không bổ sung đất, loại bỏ lớp cát cũ, cày xới lớp đất bazan từ vụ trước + Che phủ thân xác thực vật (đã xử lý) + Phân vô cơ + Phân vi sinh FITO HUMIC + Phun phân bón lá Rong biển SEAWEED – 95%. |
CT4 | Không bổ sung đất, loại bỏ lớp cát cũ, cày xới lớp đất bazan từ vụ trước + Vùi thân xác thực vật (đã xử lý) + Phân vô cơ + Phân vi sinh FITO HUMIC + Phun phân bón lá Rong biển SEAWEED – 95% |
- Thời gian thực hiện: Vụ Đông xuân 2015 - 2016 và 2016 - 2017
2.2.2. Các chỉ tiêu theo dõi:
-Các chỉ tiêu sinh trưởng: Thời gian sinh trưởng (ngày), chiều cao thân giả (cm), đường kính gốc thân giả (cm), số lá/cây (lá), chiều dài lá (cm), chiều rộng lá (cm).
-Các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất: Số tép/củ (tép), đường kính củ (cm), số cây thu hoạch/ô (cây), khối lượng trung bình củ khô (g), khối lượng trung bình củ tươi (g), NSTT củ tươi (tấn/ha), NSTT củ khô (tấn/ha)
- Các chỉ tiêu chất lượng tỏi: Hàm lượng I ốt (%), hàm lượng Protein (%), hàm lượng tinh dầu (%), hàm lượng Alixin (%)
- Các chỉ tiêu theo dõi sâu, bệnh hại:
Theo dõi sâu, bệnh hại được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng: QCVN 01-38 : 2010/BNNPTNT.
2.2.3. Phân tích hiệu quả kinh tế
Sử dụng phương pháp phân tích hiệu quả kinh tế của cây trồng để phân tích hiệu quả theo các tiêu chí sau: Tổng giá trị thu nhập(GR) = năng suất x giá bán trung bình;Tổng chi phí lưu động (TVC) = chi phí vật tư + chi phí lao động + chi phí năng lượng + lãi suất vốn đầu tư;Lợi nhuận(RVAC)=GR-TVC; Tỷ suất lãi so với vốn đầu tư (VCR)=GR/TVC.
2.3. Các biện pháp kỹ thuật canh tác áp dụng
2.3.1. Đối với phương thức canh tác không bổ sung đất, không thay cát (công thức 2, 3 và 4):
- Làm đất:Loại bỏ 60 - 70% lớp cát san hô cũ trên bề mặt, 30 - 40 % cát còn lại được trộn với lớp đất thịt bên dưới bằng biện pháp cuốc xới ở độ sâu 20 cm.
- Bón lót: Lượng phân bón/ha: 5 tấn phân hữu cơ đã được ủ hoai mục bằng chế phẩm EMINA + 800 kg phân hữu cơ vi sinh FITO - HUMIC + 200 kg supe lân + 300 kg NPK (20:20:15+TE) + 500 kg vôi bột.
-Che phủ luống bằng thân xác thực vật: Sử dụng các phế phụ phẩm từ thân xác thực vật đã được ủ với chế phẩm vi sinh chức năng EMINA – E trước khi trồng tỏi từ 1,5 – 2,0 tháng để phủ lên bề mặt luống, phủ xong tưới ẩm thêm và có thể rải thêm 1 lớp đất bột mỏng nhằm giữ cho lớp thảm không bị gió bay hoặc bị dồn thành từng đám nhỏ.
- Mật độ trồng: 83 cây/m2
-Bón thúc: Lượng sử dụng cho 1ha là: 500 kg Ure + 400 kg kali sulphat.
- Sử dụng phân bón lá SEAWEED – Rong biển 95%.
2.3.2. Đối với phương thức canh tác đối chứng của người dân (công thức 1)
- Lượng phân bón được sử dụng như ở công thức 2, 3 và 4
- Các biện pháp kỹ thuật khác áp dụng theo phương thức canh tác của người dân
2.4. Phương pháp xử lý số liệu
Sử dụng phương pháp thống kê sinh học để phân tích số liệu thu được thông qua phần mềm Microsoft Office Excel 2010 và Statistix 8.2.
III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Ảnh hưởng của giải pháp canh tác tỏi không bổ sung đất, không thay cát đến sinh trưởng của cây tỏi Lý Sơn
Kết quả ở bảng 1 cho thấy: việc không bổ sung đất và không thay cát đã ảnh hưởng đến sinh trưởng về hình thái của cây tỏi Lý Sơn ở tất cả các chỉ tiêu về chiều cao thân giả, số lá/cây, chiều dài lá, chiều rộng lá, đường kính thân giả và thời gian sinh trưởng. Trong 4 công thức thí nghiệm thì ở công thức 3 với việc không bổ sung đất, loại bỏ lớp cát cũ, cày xới lớp đất bazan từ vụ trước + che phủ thân xác thực vật (đã xử lý) + phân vô cơ + phân vi sinh FITO HUMIC + phun phân bón lá Rong biển SEAWEED – 95% cho các chi tiêu sinh trưởng cao nhất so với các công thức còn lại. Trong vụ tỏi Đông Xuân 2015-2016 do ảnh hưởng của mưa phùn kéo dài và sâu bệnh hại diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng đáng kể đến sinh trưởng của cây tỏi. Tuy nhiên, thay vì bổ sung đất và thay cát thì việc làm đất kỹ, cung cấp đầy đủ phân bón và vật liệu che phủ đất, đã làm thay đổi kết cấu đất, bộ rễ tỏi ăn sâu nên tăng khả năng chống chịu so với phương thức canh tác truyền thống của người dân.
Bảng 1: Ảnh hưởng của giải pháp canh tác tỏi không bổ sung đất, không thay cát đến sinh trưởng của cây tỏi Lý Sơn ở vụ Đông xuân 2015-2016 và Đông xuân 2016-2017
Chỉ tiêu Công thức | Số lá/ cây (lá) | Chiều cao thân giả (cm) | Đường kính thân giả (cm) | Chiều rộng lá (cm) | Chiều dài lá (cm) | Thời gian sinh trưởng (ngày) |
ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 | ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 | ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 | ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 | ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 | ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 |
CT 1 (Đ/c) | 13,4 | 15,2 | 25,5 | 29,8 | 2,5 | 2,6 | 0,9 | 1,5 | 27,3 | 42,9 | 110,3 | 117,4 |
CT 2 | 13,2 | 15,4 | 24,7 | 27,6 | 2,1 | 2,3 | 0,9 | 1,3 | 23,6 | 39,7 | 113,1 | 119,1 |
CT 3 | 13,2 | 15,2 | 25,9 | 30,9 | 2,5 | 2,6 | 1,1 | 1,5 | 27,9 | 44,7 | 117,3 | 122,8 |
CT 4 | 13,4 | 15,2 | 25,8 | 29,3 | 2,3 | 2,5 | 1,0 | 1,5 | 26,8 | 42,5 | 116,5 | 123,2 |
Về thời gian từ trồng tới thu hoạch, các công thức thực nghiệm không thay đất đỏ bazan và cát san hô có thời gian dài hơn so với đối chứng từ 1,7-5,8 ngày. Điều này được lý giải bởi tỏi được trồng trong điều kiện không bổ sung đất, không thay cát nhưng làm đất tơi xốp, có bổ sung đầy đủ phân hữu cơ và phủ mặt luống nên bộ rễ ăn sâu, tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng khoáng nên cây tỏi sinh trưởng khỏe, dẫn đến kéo dài thời gian sinh trưởng so với đối chứng.
3.2. Ảnh hưởng của giải pháp canh tác không bổ sung đất, không thay cát đến các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất của cây tỏi Lý Sơn
Từ kết quả ở bảng 2 cho thấy:
- Số cây thu hoạch/ m2 (cây): mặc dù mật độ trồng ở các công thức đều là 83 cây/m2 nhưng do sâu bệnh hại và tác động của thời tiết khí hậu nên khi thu hoạch chỉ còn dao động trong khoảng 69,6-76,5 cây, trong đó cao nhất ở công thức 3 (72,8 - 76,5 cây/ m2), cao hơn so với đối chứng từ 1,0 - 1,3 cây/m2 và thu được thấp nhất là ở công thức 2, giảm so với đối chứng từ 1,2 - 3,3 cây/m2
- Số tép/củ dao động giữa các công thức và ở 2 thời vụ từ 12,2 - 21,4 tép/củ. Trong đó, ở công thức 3 và 4(phương thức canh tác không bổ sung đất, không thay cát)đạt tương đương so với công thức 1 (phương thức canh tác có bổ sung đất và thay cát) và cao hơn có ý nghĩa thống kê so với công thức 2(giữ lại lớp cát cũ).
- Đường kính củ: Biến động trong khoảng 2,0 - 2,6cm, trong đó cao nhất là công thức đối chứng đạt từ 2,4 - 2,6 cm, cao hơn có ý nghĩa thống kê ở độ tin cậy 95%so với công thức 2,3 và 4 từ 0,4 - 0,6cm.
- Khối lượng củ: mặc dù đường kính củ ở phương thức canh tác không bổ sung đất, không thay cát (Công thức 3 và 4) thấp hơn so với công thức đối chứng (Công thức 1) nhưng khối lượng củ lại đạt tương đương. Trong 4 công thức thì khối lượng củ ở công thức 2 đạt thấp nhất trong vụ Đông xuân 2016 - 2017 (thấp hơn từ 0,4 - 1,2 g).
- Năng suất thực thu: Năng suất tỏi trong 2 thời vụ dao động từ 4,22 - 6,03 tấn/ha, trong đó thấp nhất là công thức 2 ở cả 2 vụ Đông xuân 2015 - 2016 và Đông xuân 2016 - 2017 ( đạt từ 4,22 - 5,12 tấn/ha), thấp hơn so với 3 công thức còn lại từ 0,64 - 0,91 tấn/ha.Ở công thức 3 và 4 (phương thức canh tác tỏi không bổ sung đất, không thay cát) đạt tương đương có ý nghĩa thống kê so với công thức đối chứng ở cả 2 thời vụ (vụ Đông xuân 2015 - 2016 đạt từ 4,67 - 4,86 tấn/ha; vụ Đông xuân 2016 - 2017 đạt từ 5,62 - 6,03 tấn/ha).
Bảng 2: Ảnh hưởng của giải pháp canh tác không bổ sung đất, không thay cát đến các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất của cây tỏi Lý Sơn ở vụ Đông xuân 2015-2016 và Đông xuân 2016-2017
Chỉ tiêu Công thức | Số cây thu hoạch/m2 (cây) | Số tép (tép) | Đường kính củ (cm) | Khối lượng trung bình củ | NSTT củ (tấn/ha) |
ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 | ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 | ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 | ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 | ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 |
CT 1 (Đ/c) | 71,8 | 75,2 | 13,8ab | 20,8a | 2,4a | 2,6a | 5,6a | 7,2b | 4,71a | 5,62ab |
CT 2 | 69,6 | 71,9 | 12,2c | 16,7b | 2,0b | 2,1c | 5,2a | 6,8b | 4,22b | 5,12b |
CT 3 | 72,8 | 76,5 | 14,4a | 21,4a | 2,2ab | 2,3bc | 5,9a | 8,0a | 4,86a | 6,03a |
CT 4 | 71,2 | 76,2 | 12,8bc | 21,0a | 2,1b | 2,2c | 5,7a | 7,8a | 4,67a | 5,89ab |
CV% | | | 4,39 | 6,58 | 7,87 | 5,16 | 8,61 | 3,71 | 4,55 | 6,95 |
LSD0.05 | | | 1,17 | 2,63 | 0,35 | 0,24 | 0,96 | 0,55 | 0,42 | 0,79 |
3.3. Ảnh hưởng của giải pháp canh tác không bổ sung đất, không thay cát đến chất lượng tỏi Lý Sơn
Mục tiêu quan trọng khi đưa ra giải pháp canh tác tỏi không bổ sung đất, không thay cát là phải đảm bảo được cả năng suất cũng như chất lượng so với phương thức canh tác của người dân (đối chứng). Qua phân tích chất lượng tỏi ở 4 công thức thí nghiệm, các kết quả được thể hiện qua bảng sau:
Bảng 3: Ảnh hưởng của giải pháp canh tác không bổ sung đất, không thay cát đến chất lượng tỏi Lý Sơn ở vụ Đông xuân 2016-2017
Công thức | Hàm lượng Iốt (%) | Hàm lượng protein (%) | Hàm lượng tinh dầu (%) | Hàm lượng alixin (%) |
CT 1 (Đ/c) | 0,10 | 6,60 | 0,19 | 0,029 |
CT 2 | 0,08 | 5,68 | 0,15 | 0,021 |
CT 3 | 0,09 | 6,57 | 0,20 | 0,029 |
CT 4 | 0,10 | 6,46 | 0,18 | 0,028 |
Từ kết quả ở bảng 3 cho thấy: Hàm lượng Iốt, Protein, tinh dầu và alixin giữa các công thức có sự sai khác. Trong đó, ở công thức 2 khi giữ nguyên lớp cát cũ để canh tác thì tất cả 4 chỉ tiêu đều cho hàm lượng thấp hơn đáng kể so với công thức đối chứng và công thức 3, 4.Mặt khác ta thấy, ở công thức 3, tất cả 4 chỉ tiêu đều đạt hàm lượng tương đương so với công thức đối chứng (công thức 1).
3.4. Ảnh hưởng của giải pháp canh tác không bổ sung đất, không thay cát đến khả năng chống chịu một số sâu bệnh hại chính của cây tỏi Lý Sơn
Qua nghiên cứu ảnh hưởng của các giải pháp canh tác đến khả năng chống chịu một số sâu, bệnh hại chính, kết quả nghiên cứu được thể hiện ở bảng sau:
Bảng 4: Ảnh hưởng của giải pháp canh tác không bổ sung đất, không thay cát đến khả năng chống chịu một số sâu bệnh hại chính của cây tỏi Lý Sơn ở vụ Đông xuân 2015-2016 và Đông xuân 2016-2017
Chỉ tiêu Công thức | Bọ trĩ (Cấp) | Bệnh thối nhũn (% cây bị hại) | Bệnh khô đầu lá (% cây bị hại) | Bệnh sương mai (% cây bị hại) |
ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 | ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 | ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 | ĐX 2015-2016 | ĐX 2016-2017 |
CT 1 (Đ/c) | 1 | 1 | 10,5 | 6,4 | 7,6 | 5,3 | 30,5 | 22,4 |
CT 2 | 1 | 1 | 13,1 | 10,4 | 8,8 | 6,2 | 36,1 | 24,7 |
CT 3 | 1 | 1 | 9,3 | 4,8 | 5,6 | 4,0 | 19,3 | 14,8 |
CT 4 | 1 | 1 | 11,2 | 5,2 | 6,2 | 4,6 | 21,2 | 15,2 |
Kết quả ở bảng 4 cho thấy: Ở các công thức không bổ sung đất và không thay cát (Công thức 3 và 4), khi đất được cày xới kỹ,bổ sung đầy đủ phân bón phân hữu cơ, đa, trung và vi lượng kết hợp với việc che phủ luống bằng thân xác thực vật đã làm giảm một số bệnh hại chính so với phương thức canh tác truyền thống của người dân. Riêng đối với bọ trĩ, tất cả các công thức trong 2 thời vụ đều ghi nhận sự xuất hiện ở mức độ nhẹ (cấp 1).
Bệnh thối nhũn: Tỷ lệ bị bệnh ở các công thức dao động từ 4,8 - 13,1%, trong đó vụ Đông xuân năm 2015 - 2016 tỷ lệ bệnh bị nặng hơn so với vụ Đông xuân năm 2016 - 2017 từ 2,7 - 8,3%, trong đó bị nặng nhất là ở công thức 2 (từ 10,4 - 13,1%), ở 3 công thức còn lại tỷ lệ bị bệnh chênh lệch nhau không đáng kể (từ 9,3-11,2% vụ Đông xuân năm 2015 - 2016 và từ 4,8 -6,4% vụ Đông xuân năm 2016 - 2017).
Bệnh khô đầu lá: Tỷ lệ bị hại ở các công thức dao động từ 4,0 - 8,8%, trong đó bị nặng nhất là ở công thức 2 (giữ nguyên lớp cát cũ để canh tác) với tỷ lệ cây bị nhiễm từ 6,2 - 8,8%. Hai công thức 3 và 4 bị nhiễm tương đương nhau và nhẹ hơn so với công thức 1 (đối chứng) từ 1,3 - 2,0%.
Bệnh sương mai: Qua theo dõi cho thấy, tỷ lệ bệnh hại dao động từ 14,8 - 36,1% cây bị hại, trong đó ở vụ Đông xuân năm 2015-2016 tỷ lệ bị hại nặng hơn so với vụ Đông xuân năm 2016 - 2017 từ 3,6 - 15,7%. Trong 4 công thức thí nghiệm thì tỷ lệ bị hại nặng nhất ở công thức 2 (24,7 - 36,1%), tiếp đến là công thức 1 (22,4 - 30,5%) và thấp nhất là ở công thức 3 và 4 (chỉ từ 14,8 - 21,2%).
3.5. Ảnh hưởng của giải pháp canh tác không bổ sung đất, không thay cát đến hiệu quả kinh tế của cây tỏi Lý Sơn
Kết quả phân tích hiệu quả kinh tế trong canh tác tỏi ở giải pháp canh tác không bổ sung đất, không thay cát so với giải pháp canh tác truyền thống của người dân (có bổ sung đất, có thay cát) được trình bảy ở bảng 5:
Bảng 5: Ảnh hưởng của giải pháp canh tác không bổ sung đất, không thay cát đến hiệu quả kinh tế của cây tỏi Lý Sơn ở vụ Đông Xuân 2015-2016 và Đông Xuân 2016-2017
Công thức | NSTT (tấn/ha) | Đơn giá (1.000 đồng/tấn) | Tổng thu (1.000 đồng/ha) | Tổng chi (1.000 đồng/ha) | Lãi suất (1.000 đồng/ha) | Tỷ suất lãi VCR (lần) |
CT 1 (Đ/c) | 5,17 | 70.000 | 361.550 | 201.000 | 160.550 | 1,80 |
CT 2 | 4,67 | 70.000 | 326.900 | 172.800 | 154.100 | 1,89 |
CT 3 | 5,45 | 70.000 | 381.150 | 197.800 | 183.350 | 1,93 |
CT 4 | 5,28 | 70.000 | 369.600 | 197.800 | 171.800 | 1,87 |
* Ghi chú: Năng suất trung bình trong 2 vụ Đông xuân 2015 – 2016 và Đông xuân 2016 - 2017
Từ kết quả ở bảng 5 cho thấy: Sau khi hạch toán giữa thu và chi thì các công thức cho lãi từ 154.100.000 - 183.350.000 đ/ha. Trong đó, đạt cao nhất ở công thức 3, cao hơn so công thức 1 (đối chứng) là 22.800.000 đ/ha. Tỷ suất lãi giữa các công thức đạt từ 1,80 - 1,93 lần, trong đó cao nhất là công thức 3.
IV. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
4.1. Kết luận
Trong 4 công thức thí nghiệm ở vụ Đông xuân 2015 - 2016 và 2016 – 2017, ở công thức 3 khi trồng tỏi theo phương thức không bổ sung đất, loại bỏ lớp cát cũ, cày xới lớp đất bazan từ vụ trước + che phủ thân xác thực vật (đã xử lý) + phân vô cơ + phân vi sinh FITO HUMIC + phun phân bón lá Rong biển SEAWEED – 95% đã không làm sụt giảm năng suất và chất lượng so với phương thức đối chứng (Công thức 1), nhưng hiệu quả kinh tế đã tăng thêm từ 13.700.000 - 31.900.000 đ/ha, đặc biệt là hiệu quả về môi trường.
4.2. Đề nghị
Áp dụng phương thức canh tác tỏikhông bổ sung đất đỏ bazan, loại bỏ lớp cát san hô cũ, cày xới lớp đất bazan từ vụ trước kết hợp bón phân hữu cơ và vôi bột + che phủ thân xác thực vật (đã xử lý) + phân vô cơ + phân vi sinh FITO HUMIC + phun phân bón lá Rong biển SEAWEED – 95% để thay thế cho phương thức canh tác tỏi có bổ sung đất đỏ bazan và thay cát san hô ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Bùi Ngọc Trúc (2004), Báo cáo tổng kết đề tài “Giải pháp kỹ thuật canh tác hành, tỏi trong điều kiện thổ nhưỡng ở Lý Sơn”.
2. Hồ Huy Cường, Lê Văn Luy, Phan Ái Chung(2011), Báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu phục tráng giống tỏi ở Lý Sơn”.
3. Nguyễn Văn Lê, Lê Văn Luy, Phan Ái Chung, Vũ Văn Khuê (2014), Báo cáo tổng kết dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất tỏi ở huyện Lý Sơn theo hướng bền vững”.
4. Đặng Thị Thùy Linh (2014), Báo cáo tổng kết đề tài “Xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa”.
5. M.A. Farooqui, I.S. Naruka*, S.S. Rathore, P.P. Singh and R.P.S. Shaktawat (2009), Effect of nitrogen and sulphur levels on growth and yield of garlic (Allium sativum L.), Asian Journal of Food and Agro-Industry, As. J. Food Ag-Ind. 2009, Special Issue, S18-23.
6. M. S. ZaMan, M. A. Hashem, M. Jahiruddin And M. A. Rahim (2011), Effect of nitrogen for yield maximization of garlic in old Brahmaputra flood plain soil,Bangladesh J. Agril. Res. 36(2) : 357-367, June2011.
7. J.Z. Castellanos, J.L. Ojodeagua, F. Méndez, G. Alcantar, S. Villalobos-Reyes, P. Vargas, J.J. Muñoz-Ramos, and I. Lazcano-Ferrat (2002), Potassium Requirements for Garlic under Fertigation,Better Crops International Vol. 16, No. 1, May 2002.
8. http://vaas.org.vn/phong-tru-benh-thoi-nhun-hanh-toi-tai-hai-duong-a5985.html
The study on thesolutions of garlic cultivation without basalt red soil additional and replace the coral sand in the Ly Son district, Quang Ngai province
Ho Huy Cuong, Vu Van Khue,Phan Ai Chung, Ly Nu Cam Duyen
Abstract
The study on the solutions of garlic cultivation without amendments of basan red soil and coral sand in the Ly Son district is carried out in 2 winter-spring seasons 2015 - 2016 and 2016 – 2017. The experiment includes 3 new cultivation solutions (Treatment 2, 3 and 4) to compare and evaluate with the traditional cultivation (Treatment 1). The results show that, cultivation garlic following the way that do not amend basan red soil but remove the old coral sand layer; plow the basan soil from the previous crop; apply organic fertilizer; cover treated plant residues; apply inorganic fertilizers, microbial fertilizer FITO HUMIC and foliar SEAWEED - 95% (Treatment 3) has not reduced productivity and quality of garlic as compared to the traditional cultivation practice (average yield at 5.45 tons/ha, level of iodine, protein, essential oil and alixin is equivalent to the control), but economic efficiency has increased 22,800,000 VND/ha. The remarkable effect is sustainable environment.
Key words: Ly Son garlic, basalt red soil, coral sand
Vũ Văn Khuê
Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ
KV8, phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
ĐT: 0915.256.551
Email: khuevasi2003@yahoo.com.vn