Ảnh hưởng của nhiệt độ và lượng mưa do biến đổi khí hậu đến cơ cấu cây trồng dài ngày ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa
Hồ Huy Cường, Nguyễn Phi Hùng, Phạm Vũ Bảo, Vũ Văn Khuê
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình ở huyện Vạn Ninh,
Khánh Hòa có xu hướng ngày càng tăng, lượng mưa trong mùa khô có xu
hướng giảm và tăng lượng mưa trong mùa mưa dẫn đến các hiện tượng cực
đoan như khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô, mưa lớn gây lũ
trong mùa mưa. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định những điểm mạnh và
những điểm yếu của từng cơ cấu cây dài ngày hiện có để lường trước những
rủi ro, hoặc cân nhắc trong quá trình sản xuất. Kết quả cho thấy điều kiện khí
hậu vùng sản xuất cơ bản phù hợp với yêu cầu sinh thái về khí hậu của cây
mía, dừa, chuối mốc, điều và xoài, đồng thời điều kiện khô hạn từ tháng 1 - 8
do biến đổi khí hậu sẽ làm giảm mức độ nhiễm bệnh thán thư và thuận lợi cho
quá trình thụ phấn, thụ tinh của cây xoài, cây điều. Nguồn nước mặt của các
khe suối, sông và nước ngầm đang được khai thác để tưới cho cây xoài rất
hiệu quả. Bên cạnh những thuận lợi thì cơ cấu chuyên canh cây dài ngày cũng
bộc lộ những điểm yếu: hầu hết diện tích trồng cây dài ngày đều canh tác phụ
thuộc vào nước trời nên nguy cơ gặp hạn rất cao, đặc biệt trong bối cảnh biến
đổi khí hậu đến năm 2030, nguy cơ cây chuối mốc, mía, gặp hạn hán cao
trong giai đoạn sinh trưởng thân lá (từ tháng 1 - 8); cây điều sẽ gặp hạn hán
trong thời kỳ ra hoa cũng như đậu quả. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đến
năm 2030 sẽ thuận lợi cho côn trùng chích hút (bọ trĩ, bọ xít muỗi…) xuất
hiện gây hại trên lá, đọt và quả non của cây xoài và cây điều