ẢNH HƯỞNG CỦA LIỀU LƯỢNG PHÂN BÓN KALI TỚI SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN, NĂNG SUẤT VÀ HÀM LƯỢNG TINH BỘT TRÊN CÂY SẮN TẠI TỈNH ĐẮK NÔNG
TÓM TẮT
Sắn là một loại cây trồng lấy củ được trồng phổ biến, tuy nhiên việc đầu tư thâm canh thấp, thiếu sự bền vững đã làm cho đất trồng sắn ngày càng nghèo kiệt, mất dần sức sản xuất, dẫn đến năng suất và chất lượng sắn suy giảm. Bón phân hợp lý cho sắn, đặc biệt là phân kali sẽ tạo điều kiện tốt nhất để sắn sinh trưởng và phát triển. Thí nghiệm về liều lượng phân bón kali gồm 6 công thức 0; 40; 60; 80; 100; 120 kg K2O/ha, với nền phân bón là 60 kg N + 40 kg P2O5 + 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh, được bố trí trong 2 năm (2014; 2015) tại 3 điểm Krông Nô, Đắk Song, Đắk Glong được bố trí nhằm xác định được liều lượng bón kali hợp lý nhất. Liều lượng kali bón trong phạm vi nghiên cứu từ 40-120 kg K2O/ha đều tăng khả năng sinh trưởng, phát triển và khả năng chống chịu sâu bệnh hại so với không bón kali. Năng suất thực thu của mức bón 60-120 kg K2O/ha cao hơn có sự sai khác so với không bón và không có sự sai khác khi so sánh lẫn nhau ở mức ý nghĩa 95%. Hàm lượng tinh bột có xu hướng tăng so với đối chứng nhưng không có sự sai khác ở mức ý nghĩa 95%. Sử dụng mức bón 123,7 kg K2O/ha tại huyện Đắk Song, 113,9 kg K2O/ha tại huyện Đắk GLong và 107,3 kg K2O/ha tại huyện Krông Nô cho năng suất thực thu tối đa. Đồng thời, sử dụng mức bón 73,5 kg K2O/ha tại Đắk Song, 124,0 kg K2O/ha tại Đắk GLong và 97,0 kg K2O/ha tại Krông Nô cho hàm lượng tinh bột tối đa.
Từ khóa: Huyện Krông Nô, Đắk Song, Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, cây sắn, phân kali.