NGHỊ ĐỊNH 94/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh

admin19/12/2019 10:37 AM

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt
về giống cây trồng và canh tác

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết khoản 2 Điều 12, khoản 8 Điều 15, khoản 3 Điều 16, khoản 3 Điều 17, khoản 4 Điều 21, khoản 3 Điều 22, khoản 7 Điều 24, khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28, khoản 5 Điều 29, khoản 2 Điều 56, khoản 3 Điều 57 của Luật Trồng trọt.

2. Nội dung về canh tác hữu cơ quy định tại khoản 5 Điều 69 của Luật Trồng trọt được thực hiện theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ.

Điều 2. Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính trong Nghị định này

1. Nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính: Tùy theo điều kiện tiếp nhận, trả kết quả của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng (cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax):

a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính: Các thành phần hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có đóng dấu của cơ sở đối với văn bản do cơ sở ban hành.

b) Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường mạng: Các thành phần hồ sơ phải được scan, chụp từ bản chính.

2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

3. Thời gian trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ:

a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ.

b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thông báo cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung.

4. Cách thức nộp phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí theo quy định hiện hành trực tiếp tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính hoặc bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

5. Cách thức trả kết quả: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng.

6. Trong Nghị định này có nội dung quy định khác với quy định nêu tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này thì thực hiện theo quy định đó.

7. Trường hợp hồ sơ là bản bằng chữ nước ngoài phải có bản dịch ra tiếng Việt được công chứng hoặc bản dịch ra tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật.

8. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về tính xác thực của hồ sơ đã nộp.

Chương II

GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 3. Bảo tồn nguồn gen giống cây trồng và Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu

1. Điều tra, thu thập nguồn gen giống cây trồng:

a) Cục Trồng trọt căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế đặt hàng cho tổ chức, cá nhân có năng lực và điều kiện phù hợp điều tra, thu thập định kỳ nguồn gen giống cây trồng.

b) Nguồn gen giống cây trồng được thu thập dưới dạng hạt giống, cây giống, hom giống, củ giống hoặc vật liệu di truyền của giống cây trồng phụ thuộc vào từng loài cây trồng.

c) Kết quả điều tra, thu thập phải được tư liệu hóa mô tả rõ các thông tin có liên quan đến việc điều tra, thu thập như địa điểm, thời gian, loại mẫu vật, số lượng, hình thức thu thập.

2. Lưu giữ và xây dựng ngân hàng gen giống cây trồng:

a) Nguồn gen giống cây trồng được lưu giữ tại Trung tâm tài nguyên thực vật và các đom vị mạng lưới của hệ thống bảo tồn tài nguyên thực vật trong cả nước theo đặt hàng của Cục Trồng trọt.

b) Tùy thuộc vào nguồn lực và điều kiện thực tế, việc lưu giữ có thể thực hiện theo một trong hai hoặc cả hai hình thức:

Lưu giữ chuyển chỗ (lưu giữ ex-situ) là lưu giữ ngoài phạm vi phát sinh của giống cây trồng trong điều kiện lạnh (trong kho lạnh, trong nitơ lạnh hoặc các hình thức bảo quản phù hợp khác khi có các công nghệ mới); hoặc trong ống nghiệm (lưu giữ in-vitro); hoặc vật liệu di truyền hoặc lưu giữ trên đồng ruộng;

Lưu giữ tại chỗ (lưu giữ in-situ) là lưu giữ ngay trong phạm vi phát sinh của giống cây trồng.

3. Đánh giá nguồn gen giống cây trồng:

a) Đánh giá nguồn gen giống cây trồng bao gồm các hoạt động giải mã gen, đánh giá chỉ tiêu nông học, sinh học và giá trị sử dụng của nguồn gen giống cây trồng.

b) Căn cứ nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin về nguồn gen giống cây trồng Cục Trồng trọt đặt hàng cho tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện giải mã gen, đánh giá chỉ tiêu nông học, sinh học và giá trị của nguồn gen giống cây trồng.

4. Thiết lập, bảo quản và chia sẻ dữ liệu về nguồn gen giống cây trồng:

a) Dữ liệu về nguồn gen giống cây trồng được tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này và tổ chức, cá nhân có liên quan (người cung cấp thông tin) thiết lập phục vụ quản lý, khai thác, sử dụng nguồn gen giống cây trồng.

b) Dữ liệu về nguồn gen giống cây trồng được lưu giữ dưới các hình thức phiếu điều tra, phiếu mô tả, phiếu đánh giá, tiêu bản, hình vẽ, bản đồ phân bố, ảnh, ấn phẩm thông tin, cơ sở dữ liệu dạng văn bản hoặc số hóa (bao gồm số liệu cơ bản về nguồn gen và các thông tin liên quan đến nguồn gen).

c) Dữ liệu về nguồn gen giống cây trồng được lưu giữ tại Trung tâm tài nguyên thực vật.

d) Chia sẻ về dữ liệu nguồn gen giống cây trồng quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

5. Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng

1. Hồ sơ đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:

a) Văn bản đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo Mẫu số 01.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Kết quả khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng đề nghị công nhận lưu hành.

c) Kết quả khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng.

d) Quy trình canh tác của giống do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn.

đ) Bản công bố các thông tin về giống cây trồng do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn theo Mẫu số 02.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:

a) Văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo Mẫu số 03.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức, cá nhân trong Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng.

3. Hồ sơ đề nghị gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:

a) Văn bản đề nghị gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo Mẫu số 04.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Kết quả khảo nghiệm có kiểm soát quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 của Luật Trồng trọt thực hiện trong vòng một năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng.

4. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:

a) Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt. Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt thẩm định hồ sơ, cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo Mẫu số 05.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và đăng tải Quyết định, các tài liệu kèm theo trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Giống cây trồng được phép lưu hành, kể từ ngày ký Quyết định công nhận lưu hành.

b) Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt. Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt cấp lại Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo Mẫu số 06.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và đăng tải Quyết định, các tài liệu kèm theo trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Trình tự, thủ tục, thẩm quyền gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng: Trong thời hạn 06 tháng trước khi Quyết định công nhận lưu hành hết hiệu lực, tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt. Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt cấp Quyết định gia hạn công nhận lưu hành giống cây trồng theo Mẫu số 07.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và đăng tải Quyết định, các tài liệu kèm theo trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt. Trường hợp không gia hạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp tổ chức, cá nhân không nộp hồ sơ đăng ký gia hạn theo quy định tại khoản 3 Điều này thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 4 Điều này.

5. Đình chỉ hiệu lực Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng

Khi tiếp nhận thông tin về giống cây trồng quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật Trồng trọt, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm tra thông tin và ban hành Quyết định đình chỉ lưu hành giống cây trồng khi có đủ bằng chứng vi phạm; đăng tải Quyết định trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt.

6. Phục hồi Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng

Giống cây trồng sau khi khắc phục được các vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật Trồng trọt và được tổ chức khảo nghiệm xác nhận, tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị Cục Trồng trọt phục hồi Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định và thông báo việc phục hồi Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng; đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt. Trường hợp không phục hồi hiệu lực phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

7. Hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng

a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận thông tin vi phạm quy định tại điểm a, d, đ khoản 7 Điều 15 của Luật Trồng trọt, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định thông tin và ban hành Quyết định hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo Mẫu số 08.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; đăng tải Quyết định trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt.

b) Trường hợp tiếp nhận thông tin quy định tại điểm b khoản 7 Điều 15 của Luật Trồng trọt, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm tra thông tin và ban hành Quyết định hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng khi có đủ bằng chứng vi phạm; đăng tải Quyết định trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt.

Điều 5. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, hủy bỏ quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng

1. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng:

a) Văn bản đề nghị công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Mẫu số 01.ĐC Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Bản mô tả đặc tính của giống và hiện trạng sử dụng theo Mẫu số 02.ĐC Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Biên bản nộp mẫu lưu.

d) Trường hợp cấp lại phải có văn bản đề nghị cấp lại theo Mẫu số 03.ĐC Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng:

a) Trong thòi hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng theo Mẫu số 04.ĐC Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

b) Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng được cấp lại trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng theo Mẫu số 03.ĐC Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, Cục Trồng trọt cấp lại Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng theo Mẫu số 05.ĐC Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận thông tin vi phạm quy định tại khoản 7 Điều 15 của Luật Trồng trọt, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định thông tin và ban hành Quyết định hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng theo Mẫu số 06.ĐC Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; đăng tải Quyết định trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt.

Điều 6. Hồ sơ, trình tự, thủ tục tự công bố lưu hành giống cây trồng

1. Hồ sơ tự công bố lưu hành giống cây trồng:

a) Bản tự công bố lưu hành giống cây trồng theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Quy trình canh tác của giống do tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng biên soạn.

c) Bản công bố các thông tin về giống cây trồng theo Mẫu số 02.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Trình tự, thủ tục tự công bố lưu hành giống cây trồng:

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng, Cục Trồng trọt đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt. Tổ chức, cá nhân được sản xuất, kinh doanh giống cây trồng sau khi thông tin được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt.

b) Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Cục Trồng trọt thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.

Điều 7. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng

1. Hồ sơ cấp Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng:

a) Văn bản đề nghị cấp Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng theo Mẫu số 01.KN Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm.

c) Tài liệu chứng minh địa điểm, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị thực hiện khảo nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm giống cây trồng.

2. Hồ sơ cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng:

a) Văn bản đề nghị cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng theo Mẫu số 02.KN Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin liên quan đến tổ chức khảo nghiệm trong Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng.

3. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng:

a) Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt, trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định, đánh giá hồ sơ, năng lực thực tế của cơ sở. Trường hợp tổ chức khảo nghiệm đáp ứng đủ điều kiện, Cục Trồng trọt cấp Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm theo Mẫu số 03.KN Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này và đăng tải Quyết định trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt; thông báo cho tổ chức, cá nhân trong trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung. Trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Trồng trọt, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp lại hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng theo Mẫu số 04.KN Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này và đăng tải Quyết định, các tài liệu kèm theo trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Chi phí thẩm định thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

4. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận thông tin quy định tại khoản 3 Điều 21 của Luật Trồng trọt, Cục Trồng trọt ban hành Quyết định hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng theo Mẫu số 05.KN Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi có đủ bằng chứng; đăng tải Quyết định trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt.

Điều 8. Quy định chi tiết điều kiện về sản xuất, buôn bán giống cây trồng

Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật Trồng trọt và một số quy định chi tiết sau đây:

1. Trước khi buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

2. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.

Điều 9. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng, cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm nhân giống bằng phương pháp vô tính

1. Hồ sơ cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng theo Mẫu số 01.CĐD Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Báo cáo kết quả bình tuyển cây đầu dòng theo Mẫu số 02.CĐD Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này; báo cáo kết quả thiết lập vườn cây đầu dòng theo Mẫu số 03.CĐD Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng:

a) Tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng gửi hồ sơ tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đề nghị công nhận.

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng. Hội đồng tối thiểu 05 thành viên là đại diện các nhà khoa học, cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn liên quan. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thành lập, Hội đồng có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng tại địa điểm có cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.

c) Trường hợp cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đáp ứng đủ điều kiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thẩm định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng theo Mẫu số 04.CĐD, Mẫu số 05.CĐD Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền đình chỉ Quyết định công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng

a) Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra tình hình khai thác, sử dụng và bảo vệ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.

b) Trường hợp cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng không đảm bảo chất lượng theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, đoàn kiểm tra lập biên bản kết quả kiểm tra.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định đình chỉ Quyết định công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.

4. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền phục hồi Quyết định công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng

a) Khi cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng khôi phục được chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở, tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phục hồi Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định. Trường hợp cây đầu dòng, vườn cây đâu dòng đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định phục hồi Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng. Trường hợp không phục hồi Quyết định phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Trong thời hạn tối đa 01 năm, kể từ thời điểm ban hành Quyết định đình chỉ, tổ chức, cá nhân không phục hồi được chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đã cấp.

Điều 10. Ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng

1. Ghi nhãn giống cây trồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa và nội dung ghi nhãn như sau:

a) Tên giống cây trồng.

b) Cấp giống theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

c) Đặc tính của giống bao gồm: Chỉ tiêu bắt buộc gồm chỉ tiêu nêu trong tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở về giá trị canh tác, giá trị sử dụng; chỉ tiêu chất lượng vật liệu nhân giống theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở phù hợp quy định tại Điều 25 của Luật Trồng trọt. Trường hợp sử dụng tiêu chuẩn cơ sở khi chưa có tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phải có đủ thông tin về các chỉ tiêu quy định tại Mẫu số 02.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; chỉ tiêu tự nguyện khác về giống cây trồng (nếu có).

d) Hướng dẫn bảo quản và sử dụng: Ghi rõ điều kiện bảo quản; phạm vi sử dụng của giống về thời vụ, vùng địa lý, tóm tắt quy trình trồng và chăm sóc (khi có yêu cầu đặc biệt) phù hợp với thông tin trong hồ sơ cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng.

đ) Thông tin cảnh báo an toàn (nếu có).

e) Định lượng giống cây trồng (khối lượng giống hoặc số lượng cây, bầu, hom giống).

g) Ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng; ngày sản xuất cây ghép là ngày ghép; ngày sản xuất cành giống, hom giống là ngày cắt cành giống, hom giống; ngày sản xuất hạt giống, củ giống là ngày thu hoạch; ngày sản xuất của cây giống nhân theo phương pháp nuôi cấy mô là ngày chuyển từ ống nghiệm ra vườn ươm.

h) Tên và địa chỉ của tổ chức sản xuất, nhập khẩu giống cây trồng.

i) Mã số lưu hành giống cây trồng đối với giống cây trồng được cấp quyết định lưu hành, gia hạn quyết định lưu hành.

k) Xuất xứ giống cây trồng: Ghi cụm từ “sản xuất tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất với giống cây trồng nhập khẩu.

l) Mã hiệu lô giống phù hợp với hồ sơ truy xuất nguồn gốc giống cây trồng, mã hiệu lô giống thực hiện theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.

m) Thông tin về cây trồng biến đổi gen đối với vật liệu nhân giống của giống cây trồng biến đổi gen.

2. Quảng cáo giống cây trồng:

a) Giống cây trồng có Quyết định công nhận lưu hành, Quyết định công nhận lưu hành đặc cách, giống cây trồng tự công bố lưu hành tại Việt Nam được quảng cáo theo quy định của pháp luật quảng cáo.

b) Nội dung quảng cáo giống cây trồng phải theo đúng nội dung trong Quyết định công nhận lưu hành, Quyết định công nhận lưu hành đặc cách, bản công bố các thông tin về giống cây trồng tự công bố lưu hành.

3. Trường hợp giống cây trồng nhập khẩu với mục đích triển lãm, hội chợ thì thực hiện quảng cáo theo nội dung Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Điều 11. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép xuất khẩu giống cây trồng theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Trồng trọt

1. Hồ sơ:

a) Văn bản đề nghị cấp phép xuất khẩu theo Mẫu số 01.XK Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Tờ khai kỹ thuật (mỗi giống chỉ nộp một lần khi xuất khẩu lần đầu) theo Mẫu số 02.XK Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận Đầu tư hoặc Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân đối với cá nhân đăng ký xuất khẩu.

d) Bản sao thỏa thuận hợp tác bằng tiếng nước ngoài kèm theo bản dịch công chứng sang tiếng Việt đối với trường hợp xuất khẩu phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, hợp tác quốc tế.

đ) Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triển lãm của đơn vị tổ chức đối với trường hợp xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm.

2. Trình tự, thủ tục cấp phép xuất khẩu giống cây trồng:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Cục Trồng trọt. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định; thông báo cho tổ chức, cá nhân trong trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung. Trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Trồng trọt, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp lại hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép xuất khẩu theo Mẫu số 03.XK Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này; đăng thông tin trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 12. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép nhập khẩu giống cây trồng theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Trồng trọt

1. Hồ sơ:

a) Văn bản đề nghị nhập khẩu theo Mẫu số 01.NK Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Tờ khai kỹ thuật (mỗi giống chỉ nộp một lần khi nhập khẩu lần đầu) theo Mẫu số 02.NK Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Bản sao thỏa thuận hợp tác giữa các bên đối với trường hợp nhập khẩu phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, hợp tác quốc tế.

d) Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triển lãm của đơn vị tổ chức đối với trường hợp nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm.

2. Trình tự, thủ tục cấp phép nhập khẩu giống cây trồng:

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định hồ sơ; thông báo cho tổ chức, cá nhân trong trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung. Trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Trồng trọt, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp lại hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định, cấp Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng theo Mẫu số 03.XK Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này; đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Giống cây trồng biến đổi gen sau khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học, Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học được nhập khẩu với mục đích khảo nghiệm để đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này; Điều 4 Nghị định này và Điều 15 của Luật Trồng trọt.

Chương III

CANH TÁC

Điều 13. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

1. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Trồng trọt và các quy định sau đây:

a) Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

c) Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cen-ti-mét so với mặt ruộng.

2. Lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn quốc theo Mẫu số 01.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn quốc; đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn tỉnh theo Mẫu số 02.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn tỉnh; đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn huyện theo Mẫu số 02.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này.

d) Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ nhu cầu chuyển đổi của tổ chức, cá nhân trên địa bàn và kế hoạch chuyển đổi của cấp huyện ban hành kế hoạch chuyển đổi trên địa bàn theo Mẫu số 03.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển sang trồng cây lâu năm gửi 01 bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã theo Mẫu số 04.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã phải hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký.

c) Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Ủy ban nhân dân cấp xã, trong thời gian 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho người sử dụng đất.

d) Trường hợp không đồng ý, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản theo Mẫu số 05.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi và báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi theo quy định.

5. Đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định tại Điều này được thống kê là đất trồng lúa.

Điều 14. Bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước

Bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật Trồng trọt và các quy định sau đây:

1. Tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước có tác động đến tầng đất mặt thì phải bóc riêng tầng đất mặt đó để sử dụng vào mục đích nông nghiệp.

2. Độ sâu tầng đất mặt phải bóc tách từ 20 đến 25 cen-ti-mét tính từ mặt đất.

3. Tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước phải xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt theo Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này. Phương án sử dụng tầng đất mặt là thành phần hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất;

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước sang xây dựng công trình có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bóc tách, sử dụng tầng đất mặt.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2020.

2. Nghị định này bãi bỏ các quy định tại các văn bản sau đây:

a) Điều 4 của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

b) Khoản 1, khoản 2 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

c) Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.

d) Thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.

Điều 16. Quy định chuyển tiếp

1. Nhãn giống cây trồng, bao bì gắn nhãn đúng quy định tại Pháp lệnh giống cây trồng năm 2004 đã được sản xuất, in ấn trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng, nhưng không quá 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

2. Các cơ sở khảo nghiệm đã được chỉ định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

3. Giống cây trồng đã có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhưng không có Quyết định công nhận giống cây trồng mới, được tiếp tục sản xuất kinh doanh đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

4. Trường hợp giống cây trồng đăng ký bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng chưa có tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, ban hành tiêu chí bình tuyển để công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.

5. Đối với giống cây trồng đã có Quyết định công nhận sản xuất thử trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, phải bổ sung kết quả khảo nghiệm có kiểm soát và kết quả khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định để công nhận lưu hành.

6. Việc công nhận giống cây dược liệu được quy định tại Điều 4 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu thực hiện theo quy định của Luật Trồng trọt, Nghị định này kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

- Ngân hàng Chính sách Xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;

- Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: VT, NN (2b).

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Xuân Phúc

Văn bản cụ thể theo file đính kèm bên dưới

Tin cùng chuyên mục