Thông báo số 536/TB-VNTB Hướng dẫn thực hiện NĐ số 63/2019/NĐ-CP của CP

admin05/08/2019 08:29 AM

VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP

DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ


Số: 536/TB-VNTB

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập-Tự do- Hạnh phúc


Bình Định,  ngày 25 tháng 7 năm 2019

THÔNG BÁO

V/V Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định

xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công

Kính gửi:     Các cá nhân và đơn vị trực thuộc Viện

Căn cứ Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ V/v Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vự quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thông báo

Hướng dẫn thực hiện một số quy định chính về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, cụ thể như sau:

I. Quy định chung

1. Đối tượng áp dụng

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công

2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công quy định tại Nghị định này là 01 năm. Riêng các hành vi vi phạm hành chính đối với tài sản công là nhà, đất và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.

3. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

3.1. Hình thức xử phạt chính:

a) Hình thức xử phạt chính quy định tại Nghị định bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền;

b) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.

3.2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

3.3. Biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công:

Tùy theo hành vi, tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như:

a) Buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản;

b) Buộc nộp lại số tiền do thực hiện hành vi vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc hoàn trả lại tài sản, trường hợp tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả bằng tiền hoặc trả bằng tài sản khác có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;

d) Buộc phá dỡ công trình đã xây dựng trên phần diện tích lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

đ) Buộc hủy các báo cáo kê khai bị khai man, giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định trong việc đăng nhập, sử dụng số liệu về tài sản công;

e) Buộc điều chỉnh, bổ sung số liệu, thông tin, báo cáo kê khai bổ sung về tài sản công.

II. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.(Mức xử phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả chi tiết theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP)

1. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đầu tư, mua sắm tài sản công (Điều 6, NĐ63)

a)  Phạt tiền đối với hành vi thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

b) Phạt tiền đối với hành vi không thực hiện mua sắm tập trung đối với các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định.

c)  Phạt tiền đối với hành vi đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đi thuê tài sản (Điều 7, NĐ63)

a) Phạt tiền hành vi thực hiện đi thuê tài sản khi không có quyết định về thuê tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền;

b) Phạt tiền hành vi đi thuê tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Buộc nộp lại số tiền đã thuê tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức đối với hành vi quy định;

c) Phạt tiền hành vi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản không đúng hình thức, trình tự theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.

3. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về giao, sử dụng tài sản công, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công (Điều 8, NĐ63)

a) Phạt tiền đối với hành vi giao tài sản công vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành (không đúng đối tượng, vượt diện tích, vượt số

lượng, vượt mức giá).

b) Phạt tiền đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích (sử dụng tài sản công không đúng với mục đích, công năng sử dụng của tài sản được đầu tư, trang bị, mua sắm; sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân; sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn; sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân; sử dụng máy móc, thiết bị, tài sản khác vào mục đích cá nhân).

c) Phạt tiền đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về cho mượn; về trao đổi, tặng cho tài sản công không đúng quy định (Điều 9, Điều 10, NĐ63)

Phạt tiền đối với hành vi cho mượn, sử dụng tài sản công không đúng quy định (cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tài sản công không phân biệt có hợp đồng cho mượn hay không có hợp đồng cho mượn, không phân biệt thời hạn cho mượn).

Phạt tiền đối với hành vi trao đổi tài sản công không đúng quy định (dùng tài sản công của tổ chức để đổi lấy tài sản của tổ chức, cá nhân khác mà không được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép).

5. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (Điều 11, NĐ63)

a) Phạt tiền đối với hành vi lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (Tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất liền kề tự chuyển dịch mốc giới thửa đất để mở rộng diện tích đất hoặc xây dựng công trình lấn chiếm sang không gian phần diện tích đất thuộc khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị).

b) Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

6. Hành vi chiếm đoạt tài sản công (Điều 12, NĐ63)

Phạt tiền đối với hành vi chiếm đoạt tài sản công mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nắm giữ, sử dụng tài sản công mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép).

7. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (Điều 13, NĐ63)

a) Phạt tiền đối với hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi không có quyết định phê duyệt Đề án của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại thời điểm thực hiện hành vi theo các mức phạt sau:

b) Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về xác định giá trị tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

c) Phạt tiền đối với hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết sai mục đích so với đề án đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao.

8. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo quy định của pháp luật (Điều 14, NĐ63)

Tổ chức đã được cấp có thẩm quyền giao dự toán bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo quy định của pháp luật nhưng không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản dẫn đến tài sản bị hư hỏng thì bị xử phạt.

9. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về xử lý tài sản công (Điều 15, NĐ63)

a) Phạt tiền đối với một trong các hành vi sau đây:

- Không thực hiện kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công không đúng thời hạn theo quy định;

- Không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp tài sản công hết hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng vẫn còn sử dụng được và cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn nhu cầu sử dụng thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hình thức xử lý cho phù hợp).

b) Phạt tiền đối với tổ chức để hư hỏng, thất thoát tài sản trong thời gian chờ xử lý.

c) Phạt tiền đối với hành vi xử lý tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

d) Hành vi kê khai không đúng danh mục, hiện trạng tài sản đề nghị xử lý (dẫn đến việc quyết định xử lý tài sản không đúng quy định)

10. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về tổ chức xử lý tài sản công (Điều 16, NĐ63)

Phạt tiền đối với một trong các hành vi sau:

a) Quá thời hạn quy định mà vẫn chưa triển khai thực hiện phương án xử lý đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Hành vi quá thời hạn được xác định theo thời hạn xử lý quy định tại quyết định xử lý tài sản. Trường hợp tại quyết định xử lý tài sản không quy định thời hạn cụ thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý gia hạn việc xử lý tài sản thì thời hạn quy định được xác định theo thời hạn sau khi đã được gia hạn.

b) Không thực hiện bàn giao tài sản có quyết định điều chuyển, thu hồi cho cơ quan tiếp nhận đúng thời hạn quy định.

c) Thành lập không đúng thẩm quyền Hội đồng định giá theo quy định của pháp luật;

d) Thành lập không đúng thành phần Hội đồng định giá theo quy định của pháp luật;

e) Lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để xử lý tài sản không đúng hình thức, trình tự theo quy định của pháp luật;

f) Thực hiện không đầy đủ thông báo công khai bán đấu giá tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (không thực hiện niêm yết về việc bán đấu giá tài sản công tại những địa điểm quy định; không thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông báo nhưng không đủ thời gian đối với việc bán đấu giá tài sản công theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; nội dung niêm yết, thông báo công khai không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản).

g) Không thành lập Hội đồng định giá theo quy định của pháp luật;

h) Không thực hiện thông báo công khai bán đấu giá tài sản công theo quy định

i) Không thực hiện thẩm định giá để làm căn cứ xác định giá khởi điểm khi xử lý tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức bán; không thực hiện bán đấu giá tài sản đối với những trường hợp theo quy định của pháp luật phải thực hiện bán đấu giá:

11. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về việc đăng nhập và sử dụng số liệu về tài sản công (Điều 17, NĐ63)

Phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về việc đăng nhập và sử dụng số liệu về tài sản công như sau:

a) Lập Báo cáo kê khai về tài sản để đăng nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công không đúng hồ sơ, giấy tờ pháp lý, không phù hợp với hiện trạng tài sản của đơn vị;

b) Thực hiện phân cấp nhập dữ liệu cho đơn vị cấp dưới khi không có sự thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính;

c) Nhập, duyệt dữ liệu về tài sản công không đúng so với báo cáo kê khai của tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản.

d) Tẩy, xóa, sửa chữa báo cáo kê khai tài sản làm sai lệch số liệu về tài sản công so với hiện trạng của tài sản;

e) Truy cập, xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại, làm thay đổi số liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, cấu trúc chương trình phần mềm;

f) Khai thác thông tin tài sản công trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị không thuộc phạm vi quản lý;

g) Sử dụng số liệu về tài sản công trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

vào mục đích cá nhân mà không được cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu đó cho phép (sử dụng thông tin lưu giữ trong Cơ sở vào các mục đích khác ngoài các mục đích theo quy định pháp luật về quản lý, khai thác Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản công mà không được cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu đó cho phép).

III. Vi phạm quy định trong quản lý, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước.(Mức xử phạt tiền chi tiết theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP)

1. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về trang cấp tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước (Điều 18, NĐ63)

- Xử phạt tổ chức có hành vi thực hiện mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

- Xử phạt tổ chức có hành vi không thực hiện mua sắm tập trung đối với các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định.

- Xử phạt tổ chức có hành vi mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức.

- Xử phạt tổ chức có hành vi vi phạm quy định về thuê tài sản để phục vụ công tác quản lý của các dự án sử dụng vốn nhà nước.

2. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về giao, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước (Điều 19, NĐ63)

- Xử phạt tổ chức có hành vi giao, sử dụng tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc không đúng mục đích.

- Xử phạt tổ chức có hành vi cho mượn tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước không đúng quy định.

- Xử phạt tổ chức có hành vi trao đổi, biếu, tặng cho tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước không đúng quy định.

- Xử phạt tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của Ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước.

- Xử phạt tổ chức, cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước.

- Xử phạt tổ chức có hành vi vi phạm quy định về sử dụng tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết.

- Xử phạt tổ chức có hành vi không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước.

3. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về xử lý tài sản của các dự án khi dự án kết thúc hoặc không còn nhu cầu sử dụng (Điều 20, NĐ63)

a) Phạt tiền đối với một trong các hành vi sau đây:

- Không thực hiện kiểm kê, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý tài sản theo thời hạn quy định;

- Để tài sản bị hư hỏng, thất thoát trong thời gian chờ xử lý;

- Tháo dỡ, thay đổi kết cấu, phụ tùng, linh kiện của tài sản.

c) Xử phạt tổ chức có hành vi bán, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

d) Xử phạt tổ chức có hành vi kê khai không đúng danh mục, hiện trạng tài sản đề nghị xử lý.

e) Xử phạt tổ chức có hành vi vi phạm quy định về tổ chức xử lý tài sản đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

IV. Thời gian: Áp dụng thực hiện từ ngày 01 tháng 9 năm 2019.

Đề nghị Lãnh đạo các đơn vị và cá nhân trong Viện nghiêm túc thực hiện đúng quy định và chịu trách nhiệm trước những hành vi vi phạm theo nghị định này.

VIỆN TRƯỞNG

Nơi nhận: - Như trên;

- Viện trưởng, PVT (để b/c);                                   Đã ký

- Lưu VT, TCHC, TCKT.

File Nội dung Nghị định 63/2019/NĐ-CP được đính kèm bên dưới

Tin cùng chuyên mục