GIỐNG ĐẬU TƯƠNG ĐTDH.01

admin16/01/2016 09:14 AM

GIỐNG ĐẬU TƯƠNG ĐTDH.01

TS. Hồ Huy Cường 1; TS. Hoàng Minh Tâm 1; TS. Trần Thị Trường 2; ThS. Nguyễn Văn Thắng 2; ThS. Mạc Khánh Trang 1; ThS. Cái Đình Hoài 1; KS. Đỗ Thị Xuân Thùy 1; ThS. Nguyễn Thị Loan 2; ThS. Lê Thị Thoa 2; ThS. Nguyễn Thị Hằng Ni 1; KS. Đặng Thị Thu Trang 1; KS. Nguyễn Văn Hiền 1

(Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB ; 2Trung tâm NC&PT Đậu đỗ )

I. Nguồn gốc

Giống đậu tương ĐTDH.01 do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chọn lọc từ tổ hợp lai VX93 x DT94 năm 2004. Chọn dòng năm 2004 – 2007, khảo nghiệm cơ bản 2007 – 2008 và khảo nghiệm sản xuất năm 2009.

Giống ĐTDH.01 được Viện Khoa học Kỹ thuật  Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm sản phẩm cây trồng và phân bón vùng miền Trung và Tây Nguyên đánh giá khảo nghiệm và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống sản xuất thử theo Quyết định số 276/QĐ – TT – CCN ngày 5 tháng 8 năm 2010

II. Đặc điểm nông học

Giống ĐTDH.01 thuộc kiểu hình thấp cây, cao 45-60cm. Thời gian sinh trưởng: Vụ Đông xuân 75 – 82 ngày. Vụ Hè thu82 – 92 ngày. Kháng vừa với sâu cuốn lá, sâu đục quả và bệnh đốm lá. Khả năng chống đổ ngã tốt. Tỷ lệ quả 2 – 3 hạt cao(85%/ tổng số quả chắc).

- Khối lượng 1000 hạt 159 – 172 gram.

- Năng suất đạt 28,3 – 31,2 tạ/ha.

III. Quy trình trồng đậu tương ĐTDH.01

1. Đất trồng

- Chọn đất cát pha thịt nhẹ, chủ động tưới, tiêu, pH = 6 – 7.

- Đất được cày bừa kỹ, lên luống rộng 1,2 – 1,3m. Rạch rãnh sâu 5 – 7cm. Bón phân lót, lấp đất nhẹ và gieo hạt.

2. Thời vụ gieo trồng

-  Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ:

+Vụ Đông Xuân: từ 22/12 đến 5/1.

+ Vụ Hè thu: Bố trí vào đầu tháng 4, hoặc cuối tháng 5 để tránh ra hoa vào tiết Mang chủng.

- Vùng Tây Nguyên: Tùy vào thời gian mưa để bố trí gieo trồng vào vụ 1 hoặc vụ 2.

3. Mật độ gieo trồng

Gieo 4 hàng dọc luống, với khoảng cách hàng cách hàng 30 – 35 cm, cây cách cây từ 10 – 15cm, mỗi hốc gieo 2 hạt.

4.  Phân bón

+ Lượng phân bón đầu tư cho 1 ha: 5 tấn phân chuồng + 30kg N + 60kg P2O5+ 60kg K2O + 400kg Vôi.

+ Cách bón

- Bón lót 100% phân chuồng, phân lân và vôi .

- Bón thúc lần 1: Sau gieo 15 ngày, bón 2/3 đạm +1/2 kali.

- Bón thúc lần 2: Sau gieo 25 ngày, bón hết lượng phân còn lại.

+  Để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nên bổ sung một số hoạt chất điều hòa sinh trưởng ở các dạng thương phẩm như Atonik, Kali Humat, Rong biển, ... với cách sử dụng, liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì.

5. Chăm sóc và tưới nước

- Dặm hạt vào nơi mất khoảng khi cây có lá mầm.

- Khi cây có từ 2- 3 lá thật, tiến hành tỉa định cây theo mật độ quy định, kết hợp với làm cỏ lần 1.

- Khi cây có từ 5 - 6 lá thật (sau gieo 22-25 ngày) tiến hành bón thúc lần 2 và làm cỏ vun gốc.

Cần đảm bảo đủ ẩm cho cây ở các thời kỳ, nếu bị ngập úng cần tiêu úng kịp thời.

6. Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh

Đối với cỏ dại, ngoài các biện pháp thủ công có thể dùng thuốc hóa học Dual theo liều lượng hướng dẫn.

Đối với sâu: Ở giai đoạn cây con thường có sâu xám, sâu keo, sùng đất  dùng các loại thuốc như Basudin, BAM, Padan. Giai đoạn sau thường bị dòi đục thân, lá, sâu xanh hại lá, rầy, bọ xít, rệp và sâu đục quả gây hại. Phòng trừ các đối tượng này bằng thuốc Supracid 40 ND, Proclaim, Padan.

Bệnh hại đậu tương như: Thối rễ, đốm nâu, phòng trừ bằng thuốc Bavistin.

7. Thu hoạch

Thu hoạch khi lá đậu tương đã chuyển sang màu vàng và rụng, vỏ quả đã chuyển sang màu xám bạc hoặc nâu đen, hạt đã rắn. Chú ý, sau khi tách hạt không phơi đậu tương trực tiếp trên nền gạch, bê tông, vì nhiệt độ trên sân quá nóng dễ gây chảy dầu, làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt.

IVĐịa phương sản xuất.

Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông

V. Tài liệu tham khảo

1. Bộ Nông nghiệp & PTNT. Quy phạm khảo nghiệm giống đậu tương 10TCN 339-98.

2. Hồ Huy Cường, Trần Đình Long và CTV. Nghiên cứu xác định giống lạc, đậu tương, đậu xanh thích nghi với điều kiện đất đen trên đá bọt bazan huyện Cư Jút - Đắk Nông. Báo cáo tổng kết khoa học và kỹ thuật đề tài, Đắk Nông, 2006.

3. Hồ Huy Cường, Phạm Vũ Bảo và CTV. Nghiên cứu xác định các giống đậu đỗ (lạc, đậu tương, đậu xanh) thích nghi với một số tiểu vùng sinh thái ở tỉnh Kon Tum. Báo cáo tổng kết khoa học và kỹ thuật đề tài, Đắk Nông, 2007.

4. Ngô Thế Dân, Trần Đình Long, Trần Văn Lài, Đỗ Thị Dung, Phạm Thị Đào. Cây đậu tương, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 1999.

5. Hoàng Minh Tâm & CTV. Nghiên cứu tuyển chọn, phát triển một số giống lạc, đậu tương, đậu xanh có năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng với điều kiện sinh thái khó khăn vùng DHNTB. Báo cáo tổng kết nghiên cứu KH&PTCN, Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB, 2009.

Tin cùng chuyên mục