Sau khi thành lập, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của thực tế SX và chiến lược nghiên cứu toàn vùng, trong 5 năm qua Viện đã được các cơ quan chủ quản Bộ NN-PTNT, Bộ KH- CN giao chủ trì và phối hợp thực hiện nhiều đề tài, dự án. Có thể kể: Từ 2006 đến nay Viện đã thực hiện 88 đề tài, dự án các loại, trong đó có 16 đề tài trọng điểm cấp Bộ; 15 đề tài cơ sở; 26 đề tài phối hợp các Viện, Trường; 34 đề tài phối hợp với các tỉnh; 6 Dự án nông thôn miền núi; 3 Dự án sản xuất thử... Riêng trong năm 2010 Viện được bổ sung thêm 28 đề tài và dự án mới. Kết quả đã tuyển chọn được 1 số giống cây trồng như: giống lúa BM 9962, ĐB 06, KD 18, PC6, ML 203, SH2, DH06; các giống lạc: L23, L18, LDH01; đậu xanh: NTB01, ĐX14; đậu tương: ĐVN5, ĐTDH 01, ĐTDH 02; khoai sáp: MDH 01; điều: ĐDH 102-293... Đặc biệt trong năm 2010, Viện đã được Bộ NN-PTNT công nhận 2 giống chọn tạo, đó là giống đậu tương DDTDH01 của thạc sỹ Hồ Huy Cường và giống khoai sáp MDH01 của tiến sỹ Nguyễn Thanh Phương. Chỉ 5 năm hoạt động với 88 đề tài, dự án đã nói lên sự phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ Viện KHKTNNDHNTB. Ngoài ra, từ năm 2006-2010, hàng năm Viện còn thực hiện các mô hình trình diễn của từ 6 đến 8 dự án thuộc Chương trình Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia gồm các loại cây lúa, ngô, điều, xoài, lạc, chương trình 3 giảm 3 tăng trong SX lúa chất lượng, rau, hoa... trên diện tích 150-250 ha với 1.000 hộ tham gia. + PGS.TS Tạ Minh Sơn: “Với những diễn biến về khí hậu, thời tiết trong khu vực ngày càng thất thường, khắc nghiệt, Viện cần tăng cường nghiên cứu các giống cây trồng chống chịu tốt nắng hạn và bão gió phù hợp điều kiện thổ nhưỡng từng địa phương để ổn định năng suất. Các giống cây công nghiệp cũng cần được quan tâm, xứ sở càng nhiều nắng gió, khô hạn cây công nghiệp càng có điều kiện phát triển”. + GS.TS Bùi Chí Bửu - PGĐ Viện Khoa học nông nghiệp VN - Viện trưởng Viện KHNN miền Nam: “Chỉ trong 5 năm hoạt động mà tập thể cán bộ viên chức của Viện KHKTNNDHNTB đã khẳng định bước trưởng thành mạnh mẽ. Kết quả từ việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KTKH của Viện đã góp phần tích cực trong SXNN trong khu vực”. Song song đó, hàng năm Viện còn thực hiện từ 3-5 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi gồm các loại cây lúa, ngô, cỏ, điều, sa nhân, đậu đỗ... với diện tích 150-200 ha tại các vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm khó khăn ở các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên. Đứng chân trên địa bàn có khí hậu và thời tiết bất thuận cho SXNN, hạn hán, mưa lũ dập dồn nên trong quá trình hoạt động Viện đã lưu tâm đến những đề tài nghiên cứu nhiều loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện khắc nghiệt như: Các giống lúa DH06, PC6, ML203 cho những vùng đất khó ở Bình Định; giống lúa chịu ngập IR64-Sub 1 cho vùng DHNTB; giống sắn KM98-5 và quy trình canh tác trên đất cát ven biển và đất đồi; giống khoai lang KTM7, DH3 trên đất cát bạc màu ở Bình Định... TS Hoàng Minh Tâm, Viện trưởng Viện KHKTNNDHNTB cho biết: “Để thực hiện được khối lượng công việc khá lớn và đạt được kết quả trên, ngay từ khi thành lập chúng tôi đã bắt tay xây dựng nguồn nhân lực. Từ 51 cán bộ vào năm 2006 đến nay đã tăng đến 93 cán bộ. Chất lượng cán bộ cũng được nâng cao, nếu năm 2006 chỉ có 2 tiến sĩ, 5 thạc sĩ thì đến năm 2010 Viện đã có 6 tiến sĩ, 13 thạc sĩ”. Cũng theo ông Tâm, từ nay đến năm 2020, Viện sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng và đề xuất chính sách thích hợp để phát triển SX theo hướng hàng hóa trên toàn vùng; nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên các loại đất canh tác; thu thập, đánh giá và bảo tồn nguồn gen các đối tượng cây trồng dài ngày như điều, xoài, gỗ bản địa..., cây trồng chịu hạn, tài nguyên sinh vật có ích... để phục vụ công tác chọn, tạo giống mới theo hướng thích ứng, chống chịu và nghiên cứu chọn tạo giống trồng và biện pháp canh tác tiên tiến, thích nghi với điều kiện đất đai khí hậu ở các vùng sinh thái nông nghiệp trong khu vực DHNTB. Nguồn: báo nông nghiệp |