Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững

admin25/11/2024 09:21 AM

Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững

Tại các huyện miền núi của Bình Ðịnh, những cánh đồng lúa cạn, bắp nếp và mì ngọt không chỉ là cây lương thực mà còn là biểu tượng sống động của bản sắc văn hóa. Ðứng trước nguy cơ mai một của các giống cây bản địa này, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) đã thực hiện nghiên cứu để bảo tồn di sản nông nghiệp, tham gia trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

Bảo vệ “kho báu” giữa đại ngàn

Đến thăm cánh đồng lúa cạn (còn gọi lúa rẫy, lúa nương) của gia đình bà Chúc ở làng 2, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh vào những ngày cuối tháng 10, khi lúa bắt đầu trổ bông, trước mắt chúng tôi là cánh đồng rộng 3 ha xanh mơn mởn trải dài tít tắp, căng đầy sức sống. Bà Chúc tâm sự: Lúa cạn là biểu tượng của mùa màng, là niềm tự hào của người dân miền núi chúng tôi, giống lúa này quý lắm, nó có từ thời xa xưa và nuôi sống chúng tôi qua bao mùa rẫy. Nhìn cánh đồng lúa xanh tốt thế này, chúng tôi rất mừng.

 

Mô hình canh tác 3 ha giống lúa cạn tại xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh.  Ảnh: H.G

Th.S Trương Thị Thuận, nghiên cứu viên của ASISOV, cho biết: Lúa cạn không đơn thuần là một loại cây lương thực mà còn là kho tàng tri thức bản địa được tích lũy qua nhiều thế hệ. Đặc tính độc đáo của giống lúa này là giống cảm quang, có khả năng thích nghi tuyệt vời với điều kiện khắc nghiệt miền núi. Chu kỳ sinh trưởng của nó hòa hợp hoàn hảo với quy luật tự nhiên - gieo vào mùa mưa (tháng 5 - 6) và trổ bông vào tháng 10 - 11, theo chu kỳ ánh sáng tự nhiên ngày ngắn, đêm dài. Chính vì đặc tính này mà lúa cạn thể hiện được tính ổn định về năng suất và khả năng sinh trưởng, ít chịu ảnh hưởng của thay đổi khí hậu.

Tương tự, các giống bắp nếp và mì ngọt cũng mang trong mình một câu chuyện về sự gắn bó với văn hóa và cuộc sống của đồng bào thiểu số. Thông qua các hoạt động canh tác, thu hoạch và chế biến, người dân không chỉ tạo ra lương thực, sản phẩm sau thu hoạch mà từ đó còn duy trì các nghi lễ và phong tục liên quan đến mùa vụ. Tuy nhiên, do thiếu sự bảo tồn và chỉ duy trì bằng cách tự gieo trồng qua nhiều mùa, các giống cây bản địa này đang dần thoái hóa, làm mất đi nguồn gen quý.

Bảo tồn các giống cây bản địa

Trước nguy cơ thoái hóa của các giống cây bản địa, ASISOV đã triển khai nghiên cứu bảo tồn toàn diện. Qua khảo sát tại các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn và An Lão, các nhà khoa học đã thu thập được 9 giống lúa cạn quý hiếm như: Ba Trăng, Ba Đác, Lúa to, Lúa đá, Ba von, Ba Kre, Ba Dú, Ba Níp, Ba toon; 3 giống bắp nếp độc đáo và các giống mì ngọt đặc trưng của vùng. Trên cơ sở đó, họ tiến hành phân tích và lập bảng mô tả một cách có hệ thống những thông tin quan trọng về hình thái, sinh trưởng, khả năng chống chịu… của chúng phục vụ cho công tác lưu trữ, bảo tồn cũng như tạo cơ sở để nghiên cứu phát triển giống trong tương lai. Đặc biệt, nghiên cứu áp dụng phương pháp bảo tồn kép vừa giữ gìn tại chỗ để duy trì khả năng thích nghi tự nhiên, vừa lưu trữ và bảo quản hạt giống trong môi trường thích hợp nhằm kéo dài thời gian sống của hạt. “Đây không chỉ là bảo tồn đơn thuần, mà còn là nền tảng để phát triển các giống cây mới có khả năng chống chịu tốt hơn trong tương lai” - Th.S Thuận nhấn mạnh.

Điểm nhấn của nghiên cứu nằm ở cách tiếp cận lấy phụ nữ làm trung tâm để phát triển bền vững các giống cây truyền thống bản địa. Thông qua việc xây dựng các mô hình canh tác thí điểm với quy mô 3 ha lúa cạn, 1 ha bắp nếp và 1 ha mì ngọt, nghiên cứu đã tạo cơ hội cho phụ nữ nông thôn và dân tộc thiểu số tiếp cận với kỹ thuật canh tác tiên tiến, đồng thời duy trì và phát triển các giống cây truyền thống. Điều này giúp các giống cây trồng được duy trì và phát triển, sinh kế của các hộ gia đình được cải thiện, hơn hết giúp vai trò và vị thế của phụ nữ trong việc ra quyết định và quản lý sản xuất nông nghiệp được nâng cao.

TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV, khẳng định: “Bảo tồn các giống cây bản địa không chỉ là trách nhiệm với văn hóa và môi trường mà còn là con đường thiết thực giúp nâng cao thu nhập cho phụ nữ nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững”.

HƯƠNG GIANG

Tin cùng chuyên mục