Khi được tưới nước, vườn điều ra hoa sớm hơn các vườn điều trong vùng, khả năng đậu trái tốt hơn, do đó số quả bình quân trên chùm cao hơn nhiều so với những vườn không được tưới nước.
Mô hình tưới hợp lý tại vườn điều của nông dân Lê Thành Tiến
Nắng nóng, khô hạn đã ảnh hưởng trực tiếp đến SXNN của nông dân Nam Trung bộ. Trước thực tế này, Bộ NN-PTNT đã giao cho Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ tổ chức nhiều mô hình tưới tiết kiệm cho cây trồng, sau đó nhân rộng trong toàn khu vực, trong đó có cây điều.
Vụ điều 2015 - 2016, Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đã tiến hành xây dựng mô hình ứng dụng chảo bốc thoát hơi nước (mini-pan) để xác định lịch trình tưới hợp lý cho cây điều với diện tích 1ha tại thôn Xuân An, xã Cát Tường, huyện Phù Cát.
Hộ nông dân tham gia mô hình được cán bộ của viện trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn điều như tỉa thưa, tỉa cành tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại và kỹ thuật tưới nước theo chảo bốc thoát hơi nước. Đặc biệt, nông dân được hướng dẫn cụ thể cách lắp đặt hệ thống tưới, các thời kỳ cần phun thuốc, tưới nước, lượng nước tưới và các loại thuốc cần phun trong từng giai đoạn phát triển của cây điều.
Nông dân Lê Thành Tiến ở thôn Xuân An, xã Cát Tường trực tiếp tham gia mô hình chia sẻ, khi được tưới nước, vườn điều ra hoa sớm hơn các vườn điều trong vùng, khả năng đậu trái tốt hơn, do đó số quả bình quân trên chùm của vườn điều nhà ông cao hơn nhiều so với những vườn không được tưới nước. Yếu tố này quyết định năng suất, nhờ đó vườn điều nhà ông có năng suất thực thu khoảng trên 2.500 kg/ha. Trong khi đó năng suất các vườn điều trong vùng chỉ đạt khoảng 1.800 kg/ha.
“Tui là một trong những hộ trồng điều lâu năm ở huyện Phù Cát nhưng chưa bao giờ đạt năng suất cao như vụ này. Điều này chứng tỏ khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, kết hợp tưới nước hợp lý sẽ khai thác hết tiềm năng năng suất của cây điều”, ông Tiến nhìn nhận.
Theo tính toán của ông Tiến, tổng chi phí cho 1ha điều đã bước vào giai đoạn kinh doanh qua các bước áp dụng biện pháp thâm canh tổng hợp kết hợp tưới nước trong 1 năm tiêu tốn khoảng 21.890.000 đồng. Trong đó, chi phí vật tư là 12.890.000 đồng, chi phí nhân công 9 triệu đồng. Tổng thu nhập 1ha điều đạt 75 triệu đồng, lãi ròng đạt hơn 53,1 triệu đồng. Trong khi đó lãi ròng của những vườn điều ngoài mô hình chỉ đạt hơn 37,8 triệu đồng/ha/vụ.
Theo TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, chảo bốc thoát hơi nước có đường kính 60 - 80cm có nhiệm vụ xác định thời điểm tưới thích hợp cho cây trồng, đồng thời tùy vào từng loại đất, độ sâu của tầng rễ để xác định liều lượng tưới, không để xảy ra tình trạng lãng phí nước.
Nông dân Bình Định thu hoạch điều
Đúc kết kinh nghiệm sau khi tham gia mô hình thâm canh tổng hợp và tưới nước hợp lý cho cây điều, nông dân Lê Thành Tiến cho hay: “Vườn điều của tui trồng năm 2004 có 160 cây, khi áp dụng mô hình tui tỉa thưa hiện chỉ còn 146 cây. Khi tham gia mô hình tui được Viện đầu tư thuốc BVTV, sang năm 2016 tui lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt với kinh phí trên 35 triệu đồng, trong đó viện hỗ trợ 2/3 kinh phí. Vụ điều 2015 - 2016 thời tiết quá khắc nghiệt, nắng nóng có lúc lên đến 33 - 37oC, bông trái muốn khô hết. Nhưng nhờ được tưới hợp lý nên đất giữ được độ ẩm, cây điều giảm khô bông, khô trái, nhờ đó năng suất tăng cao hơn vụ trước. Nếu vụ điều 2014 - 2015 vườn điều của tui thu được chỉ 1,5 tấn thì vụ này thu được đến 2 tấn”.
Theo đánh giá của TS Nguyễn Thanh Phương, khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp, kết hợp tưới nước hợp lý, vườn điều cho năng suất cao hơn, tăng giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích. Kết quả này có được là nhờ cây điều được đầu tư phân bón và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời. Mặt khác, khi được tưới nước, cây điều sinh trưởng phát triển tốt hơn, tỷ lệ cành hữu hiệu đạt 74,5%, ra hoa sớm hơn, tỷ lệ đậu quả cao hơn, hạt điều sáng đẹp, chắc mẩy.
“Bộ NN-PTNT đã giao cho viện nhân rộng các giải pháp ứng phó với điều kiện hạn hán trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong đó có giải pháp tưới tiết kiệm cho từng loại cây trồng theo phương pháp tưới đúng vị trí cây trồng cần, đúng lượng nước và thời điểm. Sau khi tổng hợp các mô hình, chúng tôi sẽ trình các tỉnh trong khu vực những giải pháp tưới tiết kiệm cho các cây trồng chủ lực như lạc, xoài, điều để ứng dụng vào SX”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ.