Ðưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất nông nghiệp: Nỗ lực vượt “định kiến”
Cây trồng biến đổi gen (BÐG) và những mặt lợi - hại của nó là chủ đề gây chú ý trong thời gian gần đây. Ðiều quan trọng là xác định đúng tiềm năng phát triển, giá trị thật sự của cây trồng BÐG để có hướng phát triển phù hợp tại nước ta.
Ðó là lý do để Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam phối hợp Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ tổ chức hội thảo Công nghệ sinh học và tiềm năng ứng dụng ở Việt Nam, được tổ chức tại TP Quy Nhơn cuối tuần qua.
|
Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã trồng khảo nghiệm một số giống bắp biến đổi gen tại xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ). |
Khởi đầu của bắp BĐG
Theo GS.TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, tính bình quân đầu người, Việt Nam là một trong những nước có quỹ đất thấp nhất thế giới. Ðất sản xuất nông nghiệp ngày càng teo dần, mỗi năm mất đi 50.000 - 70.000 ha, trong khi dân số không ngừng tăng. Trong khi đó, tiềm năng sản xuất nông nghiệp bị hạn chế bởi vấn nạn phá rừng, xói mòn; bóc lột đất quá mức; thay đổi môi trường; thiếu đất canh tác... diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Với nhu cầu về lương thực ngày càng tăng, trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, một trong những giải pháp là phải ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất.
Từ năm 2006, Việt Nam đã thí nghiệm cây trồng BÐG trên đồng ruộng, giai đoạn 2010 - 2015 thương mại hóa sản phẩm. Dự kiến đến năm 2020, diện tích một số cây trồng BÐG đã được chọn như bắp, bông, đậu nành chiếm 30 - 50% tổng diện tích sản xuất. “Sở dĩ, Chính phủ chọn các loại cây tiên phong ứng dụng cây trồng BÐG nói trên vào sản xuất là để giảm áp lực về nhập khẩu nguyên liệu, đặc biệt trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ðưa giống bắp và đậu nành BÐG vào sản xuất sẽ giải được bài toán về nguyên liệu sản xuất, với sản lượng các loại cây BÐG tăng lên 22%” - GS.TS. Lê Huy Hàm cho hay.
Thông tin đưa ra tại hội thảo, đến tháng 6.2016, tại Việt Nam đã có 8 giống bắp kháng sâu, kháng thuốc diệt cỏ, vừa kháng sâu vừa kháng thuốc diệt cỏ đưa vào sản xuất. Gần 15.000 ha
bắp BÐG đã được trồng từ năm 2014-2016. Chi phí cho cây BÐG thấp hơn nhưng sản lượng tăng 22%, từ đó tăng 68% lợi nhuận cho nông dân so với giống bắp truyền thống.
GS.TS. Lê Huy Hàm khẳng định: “Sau khi triển khai thí nghiệm trồng bắp BÐG ở tỉnh Hưng Yên và nhiều mô hình ở một số nơi khác cho kết quả khả quan, chúng tôi tin loại cây trồng này có thể vững vàng trước các điều kiện thời tiết cực đoan bởi khả năng kháng sâu và thuốc diệt cỏ tốt; năng suất nhờ đó tăng lên, giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, bắp BÐG không hề có sự khác biệt về đa dạng sinh học và môi trường so với loại cây trồng cũ”.
Tại tỉnh Bình Ðịnh, đến thời điểm này cũng đã trồng khảo nghiệm một số giống bắp BÐG tại huyện Phù Mỹ. TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, cho biết: Kết quả trồng khảo nghiệm đã tuyển chọn được giống bắp BÐG 6919S sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất cao (74,14 tạ/ha, tăng 16,6% so với giống đối chiếu CP333). “Từ kết quả đó, việc đánh giá mở rộng so sánh giống bắp BÐG này ở một số địa phương khác trên các chân đất hiện đang sản xuất bắp trong chính vụ, nhất là trong vụ Hè Thu trên chân đất chuyển đổi ở Bình Ðịnh và vùng duyên hải là cần thiết” - TS. Phương đề xuất.
Chưa hết nghi ngại
Theo GS.TS. Lê Huy Hàm, hiện nay vẫn còn sự nghi ngại nhất định về loại cây trồng BÐG. Nhưng, thế giới đã có lịch sử trồng và sử dụng sản phẩm BÐG từ rất lâu, với khoảng 350 triệu
người sử dụng, song đến nay chưa từng ghi nhận bất kỳ bằng chứng nào cho thấy cây trồng này và sản phẩm của nó không an toàn cho môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi.
TS. Trương Thị Huệ, Phó Trưởng khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường Ðại học Quy Nhơn, đặt vấn đề: “Thông tin tại hội thảo cho thấy có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh cây trồng BÐG không có nhiều nguy cơ và rủi ro so với cây trồng truyền thống cùng loại. Vậy thì tại sao ở các nước, cũng như Việt Nam, việc xuất hoặc nhập cây trồng BÐG lại hết sức thận trọng. Chúng ta có khuyến khích cây trồng BÐG hay không?”.
GS.TS. Lê Huy Hàm cho biết: Hiện nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng rất hiểu những quan ngại của công chúng đối với cây trồng BÐG, vì có rất nhiều luồng tuyên truyền khác nhau, với mục đích khác nhau, ảnh hưởng đến tâm trạng chung của người dân. Hiện Chính phủ chỉ cho phép 3 giống cây trồng BÐG là bắp, bông và đậu nành. Chúng ta nhập khẩu 50 - 60% bắp, nhập khẩu 95% bông, và đậu nành cũng nhập đến 95%. “Có điểm khác biệt trong chính sách đối với cây trồng BÐG của Việt Nam so với các nước; đó là sản phẩm BÐG để được trồng cấy, sử dụng tại Việt Nam phải được 5 nước phát triển cho sử dụng với cùng một mục đích. Ðó là những nước có nền tảng khoa học, hệ thống quản lý an toàn sinh học và an toàn thực phẩm cao nhất” - ông Hàm cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Ðinh Quốc Huy, cán bộ nghiên cứu Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, cho rằng, nên phát triển cây trồng BÐG vì đây là một tiến bộ khoa học. Tuy nhiên, hầu hết giống đều do các công ty nước ngoài sản xuất, liệu có tình trạng “độc quyền” hạt giống của các công ty nước ngoài?”.
Về vấn đề này, GS.TS. Lê Huy Hàm cho rằng, hiện có khoảng chục công ty đa quốc gia kinh doanh giống cây trồng BÐG trên thị trường Việt Nam. Khó có khả năng xảy ra độc quyền, bởi các công ty này phải cạnh tranh với nhau. Bên cạnh đó, một trong những điều kiện mà Bộ NN&PTNT đưa ra đối với các doanh nghiệp là phải song song cung cấp cả giống BÐG và giống truyền thống khi nông dân cần.
baobinhdinh.com.vn