Khảo sát, tuyển chọn giống và kỹ thuật canh tác cây cói (Cyperus malaccensis Lam) tại một số vùng nh

admin21/04/2016 10:15 AM

MỞ ĐẦU

Cây cói (Cyperus malaccensis L.) là cây có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á, là cây công nghiệp có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp thủ công và có vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng của một số vùng đất nhiễm mặn ở nước ta. Hiện nay, cói được trồng tại26 tỉnh, thành phố ven biển; tập trung ở 4 vùng lớn: Vùng ven biển Bắc bộ, ven biển Bắc Trung bộ, ven biển Nam Trung bộ và vùng ven biển Nam bộ, với diện tích khoảng 11.500 ha, tổng sản lượng hàng năm 93.000 tấn.Trong đó tỉnh Bình Định có diện tích cói toàn tỉnh là 321 ha và đứng thứ 10 trong tốp những tỉnh có diện tích trồng cói lớn nhất trong cả nước.Tổng sản lượng cói hàng năm khoảng 2.000 tấn/năm. Với diện tích và sản lượng trên sản xuất cói đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trồng cói của cả nước và tỉnh Bình Định.

Sự Biến đổi khí hậu dẫn đến nhiễm mặn ngày càng phổ biến ở các vùng đất ven biển trên thế giới và Việt Nam trong đó có Bình Định. Diện tích đất nhiễm mặn của tỉnh Bình Định  khoảng2.600 ha và đang có xu hướng tăng do nước biển dâng và hạn hán.Cây cói là cây có nhiều lợi thế cạnh tranh so với hầu hết các đối tượng cây trồng hiện nay trên vùng đất bị nhiễm mặn vì cây cói có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trên đất có độ mặn 2‰, một số giống có khả năng sinh trưởng phát triển bình thường trên đất có độ mặn 4 - 8‰. Do vậy, cây cói là cây trồng có vị trí rất quạn trọng trong cơ cấu cây trồng ở vùng đất nhiễm mặn ven biển.

Nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm từ cói thân thiện với môi trường ngày càng tăng, điển hình như chiếu cói. Hiện nay, chiếu cói của Việt Nam đã được nhiều thị trường lớn tiêu thụ như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và các nước Đông Âu.

Tỉnh Bình Định thuộc vùng sinh thái Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB). Tổng diện tích đất tự nhiên là 602.506 ha, trong đó: đất phù sa thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình có 45.634 ha, đất gley - 15.986 ha, đất xám bạc màu nói chung - 425.835 ha. Hiện nay diện tích đất đã khai thác để sản xuất nông nghiệp là 117.569 ha.Chiều dài bờ biển của tỉnh là 134 km. Dải đất nhiễm mặn trãi dài trên các bãi ngang toàn tỉnh, tập trung tại vùng đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, vùng cửa sông Tam Quan. Vì nằm trong vùng sinh thái DHNTB nên Bình Định mang đậm nét khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với các thông số thời tiết: có 2 mùa mưa nắng rõ rệt, thời gian sinh trưởng trong năm xung quanh 300 ngày, nhiệt độ trung bình năm 270C, ẩm độ trung bình 80%, lượng mưa/năm biến động từ 1.800 - 2.200 mm, số giờ nắng/năm từ 2.200 - 2.400 giờ. Như vậy, điều kiện đất đai và khí hậu ở tỉnh Bình Định thích hợp để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung đối với các loại cây trồng nguồn gốc nhiệt đới có giá trị kinh tế cao và những vùng đất khó khăn (loại đất có vấn đề) - vùng đất nhiễm mặn - cây cói sinh trường phát triển tốt và đã trở thành cây trồng hàng hóa.

Tuy nhiên, sản xuất cói ở Bình Định còn có một số hạn chế như người trồng cói vẫn sử dụng những giống bị lẫn tạp, chưa qua tuyển chọn nên năng suất và chất lượng thấp. Hầu hết người dân sản xuất cói theo kinh nghiệm truyền thống, trồng, bón phân và chăm sóc chưa đúng quy trình kỹ thuật. Công tác điều tra phát hiện sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ hợp lý và hiệu quả cũng chưa được áp dụng tại các địa phương trồng cói trong tỉnh.Đồng thời những công trình nghiên cứu về cây cói như tuyển chọn giống và quy trình kỹ thuật trồng cói ở Bình Định cũng như ở nước ta còn rất ít.

Như vậy, giống và kỹ thuật trồng cói của một số vùng trồng cói chính trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế nên cần phải nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất quy trình kỹ thuật canh tác cói cho vùng đất bị nhiễm mặn của tỉnh Bình Định.Để từng bước khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cói và đáp ứng những tiêu chí trên thì trong thời gian tới cần phải chuyển giao, hỗ trợ giống và kỹ thuật thâm canh cói tiên tiến đến người dân vùng trồng cói tỉnh Bình Định.

Vì vậy, đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học: “Khảo sát, tuyển chọn giống và kỹ thuật canh tác cây cói (Cyperus malaccensis Lam) tại một số vùng nhiễm mặn của tỉnh Bình Định” là rất cần thiết để giải quyết những vấn đề trên.


CHƯƠNG 1

MỤC TIÊU, NỘI DUNGVÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. MỤC TIÊU

- Tuyển chọn 1-2 giống cói (xuất xứ cói) năng suất 85 - 95 tạ/ha/vụ phục vụ sản xuất.

- Hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh cây cói.

- Xây dựng mô hình trồng cây cói đạt năng suất 85-95 tạ/ha/vụ.

2.2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.2.1. Điều tra hiện trạng sản xuất cói tại một số vùng nhiễm mặn ở tỉnh Bình Định

- Địa điểm điều tra ở 4 huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước là địa phương có diện tích đất bị nhiễm mặn trong tỉnh Bình Định.

- Nội dung điều tra: diện tích, phương thức sản xuất, mùa vụ, kỹ thuật canh tác, giống, sâu bệnh, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, hiệu quả kinh tế,...

- Quy mô điều tra: 4 huyện x 2 xã/huyện x 30 phiếu/xã = 240 phiếu{mẫu/ phiếu điều tra (n)}.

- Thời gian thực hiện: năm 2012

2.2.2. Khảo sát, tuyển chọn giống cói có năng suất cao, kháng một số sâu bệnh hại chính và thích nghi với một số vùng nhiễm mặn tỉnh Bình Định

2.2.2.1. Điều tra, khảo sát và thu thập các giống cói có năng suất cao, kháng một số sâu bệnh hại chính và thích nghi với một số vùng nhiễm mặn trong tỉnh BìnhĐịnh

- Quy mô: 4 huyện và 1 vụ; mỗi vụ 10 ngày/ huyện (4 huyện x 1 vụ x 10 ngày/vụ/huyện = 40 ngày)

- Thời gian thực hiện: tháng 03/2013 đến tháng 4/2013

- Địa điểm điều tra tại 4 huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và Tuy Phước

2.2.2.2. Tuyển chọn giống/xuất xứ cói có năng suất cao, kháng một số sâu bệnh hại chính và thích nghi với một số vùng nhiễm mặn tỉnh Bình Định

- Quy mô:432 m2 (12m2/giống x 6 giống x 3lặp x 2điểm x 2 năm).

- Địa điểm: xã Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn và xã Cát Tiến -Phù Cát.

- Thời gian thực hiện: 2013-2014

2.2.3. Nghiên cứu bổ sung kỹ thuật canh tác (mật độ, phân bón) để hoàn thiện quy trình sản xuất cói

2.2.3.1. Nghiên cứu mật độ trồng cói

- Công thức thí nghiệm:

+ CT1 (M1): 15 x 20 cm (cây 15 cm, hàng 20 cm); 333.333 khóm/ha;

+ CT2 (M2 Đ/C): 20 x 20 cm (cây 20 cm, hàng 20 cm); 250.000 khóm/ha (đối chứng);

+ CT3 (M3): 25 x 20 cm (cây 25 cm, hàng 20 cm); 200.000 khóm/ha;

(Giống sử dụng là giống cói bông trắng trên nền phân: 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh + 1.000 kg vôi; 240 N + 32 P2O5 + 150 K2O).

- Quy mô: 216 m2 (3 CT x 12 m2/CT x 3 lặp x 1 vụ/năm x 2 năm x 2 điểm)

- Thời gian thực hiện: 2013 - 2014

- Địa điểm: Xã Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn và xã Cát Tiến - Phù Cát.

2.2.3.2. Nghiên cứu phân bón cho cây cói

- Công thức thí nghiệm:

+ CT1 (P1): 200 N + 32 P2O5 + 150 K2O

+ CT2 (P2): 220 N + 32 P2O5 + 150 K2O

+ CT3 (P3): 240 N + 32 P2O5 + 150 K2O

+ CT4 (P4): 260 N + 32 P2O5 + 150 K2O

+ CT5 (P5 Đ/C): 600 kg NPK 20-20-15 (Đ/c - Nông dân đang thực hiện)

(Giống sử dụng là giống cói bông trắng trên nền phân: 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh + 1.000 kg vôi)

- Quy mô: 360 m2 (5 CT x 12 m2/CT x 3 lặp x 1 vụ/năm x 2 năm x 2 điểm)

- Thời gian thực hiện: 2013 – 2014

- Địa điểm: Xã Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn và xã Cát Tiến - Phù Cát.

2.2.4. Phân tích hóa tính đất và nước tại các thí nghiệm và xây dựng mô hình

- Quy mô: 20 mẫu(5 mẫu/lượt/huyện x 2 lượt trước và sau x 2 huyện).

+ Phân tích đất: 9 chỉ tiêu (pHKCl; N tổng số; Mùn tổng số; P2O5 tổng số, P2O5 dễ tiêu; K2O tổng số, K2O dễ tiêu; độ mặn %o);

+ Phân tích nước: 1 chỉ tiêu (Độ mặn %o);

- Địa điểm: Huyện Hoài Nhơn và Phù Cát;

- Năm thực hiện: 2013, 2015

2.2.5. Xây dựng mô hình trình diễn trồng cói thâm canh

2.2.5.1. Xây dựng mô hình trình diễn

- Quy mô: 2,0 ha (trong đó huyện Hoài Nhơn 1,9 ha, huyện Phù Cát 0,1 ha)

- Địa điểm: Huyện Hoài Nhơn và Phù Cát;

- Năm thực hiện: 2014-2015 (2 vụ)

2.2.5.2. Tập huấn kỹ thuật

- Quy mô: 100 người(50 người/ huyện x 2 huyện)

- Địa điểm: Huyện Hoài Nhơn và Phù Cát;

- Năm thực hiện: 2014

2.2.5.3. Hội nghị đầu bờ

- Quy mô: 100 người(50 người/ huyện x 2 huyện)

- Địa điểm: Huyện Hoài Nhơn và Phù Cát;

- Năm thực hiện: 2015

2.3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ TIẾP CẬN

2.3.1. Cách tiếp cận

Đề tài được tiếp cận theo các quan điểm sau:

(1) Tiếp cận theo quan điểm kế thừa

Kế thừa các số liệu đã sẵn có ở các cấp chính quyền, ban ngành để làm cơ sở cho quá trình phân tích, đánh giá những ưu điểm và tồn tại trong lĩnh vực nghiên cứu.

Kế thừa những kết quả nghiên cứu trong, ngoài nước thuộc lĩnh vực đề tài quan tâm để làm nền tảng cho việc xác định các luận cứ, định hướng nghiên cứu, chọn địa điểm triển khai, thiết kế thực nghiệm, đề xuất giải pháp,… trong quá trình triển khai thực hiện đề tài.

Đặc biệt là sự kế thừa các giống đang sản xuất có hiệu quả tại các địa phương.

(2) Tiếp cận theo quan điểm cộng đồng

Điều tra, tìm hiểu tập quán canh tác truyền thống của nông dân sản xuất cói tại địa phương thực hiện đề tài để chọn lọc những thông tin/ kiến thức bản địa hoặc truyền thống để tiến hành nghiên cứu, xây dựng mô hình, tập huấn nhằm mục đích sau khi đề tài kết thúc thì những kết quả nghiên cứu sẽ được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

(3) Tiếp cận theo quan điểm từ thực tiễn và hệ thống

Kế thừa kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước để làm cơ sở nghiên cứu

Điều tra, khảo sát, thu thập giống (xuất xứ) cói có năng suất cao, kháng một số sâu bệnh hại chính và thích nghi với một số vùng nhiễm mặn trong tỉnh Bình Định

Khảo nghiệm tuyển chọn các giống (xuất xứ) cói có năng suất cao, kháng một số loại sâu bệnh chính và thích hợp với điều kiện nhiễm mặn ở Bình Định

Nghiên cứu bổ sung các biện pháp canh tác cây cói trong điều kiện nhiễm mặn ở Bình Định

Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất cói thâm canh tại vùng nhiễm mặn ở Bình Định


2.3.2. Phương pháp nghiên cứu

(1) Phương pháp điều tra, thu thập thông tin, số liệu

- Thu thập và phân tích số liệu thứ cấp từ các cơ quan tỉnh, huyện, xã như Niên giám Thống kê, Báo cáo hàng năm, các công trình nghiên cứu từ trước có liên quan.

- Sử dụng phương pháp điều tra nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân (PRA), phiếu điều tra in sẳn để điều tra thông tin về thực trạng sản xuất cói tại các huyện ven biển trong tỉnh để rút ra những nguyên nhân hạn chế về phát triển cây cói bền vững.

(2) Đối với nội dung tuyển chọn giống và kỹ thuật canh tác

- Các thí nghiệm tuyển chọn giống và biện pháp canh tác được bố trí theo phương pháp khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh (RCBD) với 3 lần nhắc lại.

- Đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển (tỷ lệ sống, khả năng đâm chồi, chiều cao, đường kính thân,…), năng suất (mật độ cây/m2 (số cây thực thu), khối lượng khô 100 cây, năng suất),tỷ lệ cói loại 1 (trên 165 cm), khả năng chống chịu với một số đối tượng sâu bệnh hại chính.

- Đánh giá hiệu quả kinh tế đối với các thí nghiệm về biện pháp canh tác

- Đánh giá về tình hình sâu bệnh hại: Quy chuẩn QCVN01-38: 2010/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc giá về Phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng.Ngoài ra, những đối tượng côn trùng không có trong danh mục sâu hại cần theo dõi của quy chuẩn ngành QCVN 01-61:2011/BNNPTNT

(3) Đối với mô hình trình diễn

- Triển khai mô hình có sự tham gia của người dân, cán bộ khuyến nông cơ sở và có đối chứng là giống cói địa phương và kỹ thuật canh tác người dân đang sử dụng.

(4) Phương pháp lấy mẫu và phân tích đất

- Mẫu đất được lấy ở tầng canh tác tại các điểm đã được chọn trong các công thức thí nghiệm và các điểm xây dựng mô hình trước và sau thí nghiệm.

- Các chỉ tiêu và phương pháp phân tích đất như sau:

Chỉ tiêu

Phương pháp

pH KCl

Đo bằng pH met với điện cực thuỷ tinh

N%,

Kjeldahl

OM%

Tiurin

P2O5 % , P2O5 dễ tiêu

So màu

K2O  %, K2O dễ tiêu

Quang kế ngọn lửa

Độ mặn %o

Xác định tổng số muối tan bằng độ dẫn điện

(5) Phương pháp xử lý số liệu

- Số liệu về nghiên cứu (sinh trưởng, năng suất) dùng phần mềm IRRISTAT, EXCEL xử lý thống kê sinh học.

- Số liệu về xây dựng mô hình (về sinh trưởng, năng suất) và hóa tính đất dùng phần mềm EXCEL tính giá trị trung bình.

(6) Phân tích hiệu quả kinh tế

Sử dụng phương pháp phân tích hiệu quả kinh tế của cây trồng để phân tích hiệu quả theo các tiêu chí sau: Tổng giá trị thu nhập (GR) = Năng suất x Giá bán trung bình;Tổng chi phí lưu động (TVC) = Chi phí vật tư + Chi phí lao động + Chi phí năng lượng + Lãi suất vốn đầu tư +....;Lợi nhuận (RVAC) = GR –TVC;Tỷ suất lãi so với vốn đầu tư (VCR) = RVAC / TVC.

2.4.3.Kỹ thuật canh tác sử dụng

Áp dụng kinh nghiệm thâm canh cói tại Nga Sơn – Thanh Hóa và có tổng hợp, chọn lọc, bổ sung của một số tác giả công bố về kỹ thuật trồng cói trong nước.

- Chọn giống cói:Chọn giống cói già thân ngầm to, khoẻ, bánh tẻ, dày mắt, trên các ruộng đã trồng ít nhất ba năm trở lên.

- Thời vụ: Cói trồng 2 vụ/ năm: (i) Vụ Đông xuân trồng từ tháng 12 và thu hoạch vào tháng 5 năm sau; (ii) Vụ Hè trồng từ tháng 4-5 và thu hoạch vào tháng 8-9.

- Làm đất: Cói thích hợp trồng trên đất thịt, phù sa ven biển, đất trồng cói phải chủ động nước, ở chân ruộng có nước mặn, phải tưới nước thường xuyên. Cày sâu khoảng 40 cm, bón lẫn phân chuồng, phân xanh.

- Mật độ: Cấy thưa ít tốn giống, nhưng ruộng cói thưa, năm đầu năng suất thấp, cỏ dại mọc nhiều, nên cấy dày vừa phải. Mật độ 20 x 20 cm, độ sâu 3 - 5 cm , mỗi khóm cấy từ 3 - 4 dảnh, hàng cấy so le để mầm phát triển nhanh, phủ kín đều mặt ruộng.

- Phân bón:

+ Bón lót: 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh, 1.000 kg vôi bột.

+ Bón thúc: 240 N + 32 P2O5 + 150 K2O

+ Số lần bón: 3 lần (bón thúc lần 1 sau khi cấy 20-30 ngày, bón lần cuối trước khi thu hoạch 10-15 ngày)

- Chăm sóc: Làm sạch cỏ từ khi cày đất, sau khi trồng 20 - 30 ngày phải làm cỏ đợt đầu, cứ mỗi tháng làm một lần là tốt nhất.

- Phòng trừ sâu bệnh: Chú ý bệnh nấm vàng trên cói, thường xuất hiện từ tháng hai đến tháng ba, dùng thuốc Booc-đô, rắc vôi bột và sử dụng các loại thuốc trị nấm khác. Khi cói đẻ nhánh, thường bị sâu đục thân, nên sử dụng Basudin, Regent,... một loại thuốc trừ sâu dạng hạt, rắc xuống đất khoảng 1,5 -40 kg/ha. Ruộng cói thường hay bị chuột cắn gốc, đào củ để ăn, diệt chuột bằng cách cho nước ngập ruộng từ 20 - 30 cm, sau 2 ngày rải thuốc phải tháo nước và vệ sinh môi trường.

- Nước tưới: Mực nước sau khi trồng trong ruộng từ 4 - 5 cm, tốt nhất giữ mặt ruộng vừa ẩm. Thời kỳ sinh trưởng, mức nước phải đạt từ 5 - 7 cm. Thời kỳ cói chín, nếu khô hạn sẽ xuống bộ, nên phải luôn giữ độ ẩm.

- Thu hoạch:Thu hoạch đúng lúc cói chín- lúc hoa cói chuyển sang màu nâu, ngọn cói héo dần, thân từ màu xanh chuyển sang màu vàng óng, bẹ gốc bắt đầu thối, cắt thấy rắn gốc. Thời vụ thu hoạch vào tháng 4; tháng 8 hoặc tháng 12. Trước khi thu hoạch 15-20 ngày nên rút nước phơi ruộng cho cói trắng thân, dễ cắt, phẩm chất cói chẻ tốt. Khi thu hoạch đảm bảo nguyên tắc: cắt sạch gốc, nhặt sạch bổi, giữ cói tươi để dễ chẻ. Cắt đến đâu giũ sạch bổi đến đấy. Nên thu hoạch vào lúc trời mát, tốt nhất cắt cói vào buổi chiều, chẻ buổi tối, phơi buổi sáng.


CHƯƠNG 2

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Kết quả điều tra hiện trạng sản xuất cói tại một số vùng nhiễm mặn ở tỉnh Bình Định

3.1.1. Tình hình sản xuất cói tại Bình Định

Bảng 2. Diện tích, năng suất, sản lượng cói tỉnh Bình Định từ 2006 – 2013

Năm

Diện tích (ha)

Năng suất(tạ/ha)

Sản lượng (tấn)

2006

304

59,1

1.798

2007

363

59,7

2.166

2008

345

60,2

2.073

2009

339

62,0

2.013

2010

321

60,7

1.948

2011

305

62,2

1.898

2012

308

63,3

1.949

2013

301

65,0

1.945

(Nguồn: Cục Thống kê Bình Định, 2014)

Số liệu bảng 2 cho thấy: Từ năm 2006 - 2013, diện tích cói của toàn tỉnh dao động từ 301 – 363 ha. Trong đó, huyện Hoài Nhơn có diện tích trồng cói 254 ha, chiếm trên 70% diện tích cói toàn tỉnh. Tuy nhiên, đến năm 2013 diện tích trồng cói của Hoài Nhơn giảm xuống còn 170,6 ha (Theo Báo cáo của Phòng Kinh tế Hoài Nhơn, 2014). Diện tích cói giảm mạnh chủ yếu phụ thuộc vào thị trường đầu ra của chiếu cói. Sản xuất chiếu cói truyền thống trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với thị trường sản xuất các mặt hàng chiếu công nghiệp giá thành thấp, mẫu mã đẹp.

Sản lượng có xu hướng giảm 2.166 tấn (năm 2007) xuống 1.945 tấn (năm 2013). Từ diễn biến diện tích và sản lượng cói của Bình Định liên tục giảm từ năm 2007 -2013, để duy trì diện tích và sản lượng cói cần phải tìm hiểu và xác định nguyên nhân tồn tại trong sản xuất, canh tác cói của Bình Định.

Tuy nhiên, năng suất cói của tỉnh Bình Định còn thấp hơn nhiều so với năng suất cói bình quân của cả nước, cụ thể được thể hiện trong biểu đồ sau:

(Nguồn: Số liệu thống kê Bộ NN&PTNT 2014 và Niên giám Thống kê 2014 Bình Định)

Hình 1. Năng suất cói bình quân của cả nước và tỉnh Bình Định

Giai đoạn 2006 - 2013, năng suất cói tăng (từ 59,1 – 65,0 tạ/ha) thấp hơn năng suất cói bình quân chung của cả nước nhiều. Năm 2013 năng suất của Bình Định chỉ đạt 81,8% năng suất bình quân của cả nước.

Bảng 3. Diện tích, năng suất, sản lượng cói của các huyện trong tỉnh Bình Định năm 2013

Hoài Nhơn

Phù Mỹ

Phù Cát

Tuy Phước

Cả tỉnh

Diện tích (ha)

254

5

36

26

321

Năng suất (tạ/ha)

60,7

60,0

68,3

50,0

60,7

Sản lượng (tấn)

1.542

30

246

130

1.948

(Nguồn: Niên giám Thống kê 2013 tỉnh Bình Định, Cục Thống kê Bình Định, 2014)

Số liệu bảng trên cho thấy: Huyện Hoài Nhơn có diện tích cói lớn nhất tỉnh với 254 ha, trong đó, xã Hoài Châu Bắc có 750 hộ trồng hơn 56,5 ha cây cói; làng nghề Giang Đống là nơi xuất xứ trồng cây cói đầu tiên của tỉnh Bình Định; từ năm 1978 đến nay cây cói đã đem lại lợi nhuận cao cho người dân sản xuất cói. Tuy nhiên, việc đầu tư các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất còn bị hạn chế (qua 5 năm nhưng năng suất cói vẫn từ 59,1 – 62,7 tạ/ha). Từ thực trạng đó, người dân và chính quyền địa phương đề nghị tỉnh, huyện và các đơn vị nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật để tuyển chọn giống, kỹ thuật canh tác,...

3.1.2. Hiện trạng kỹ thuật canh tác cói ở Bình Định

Bảng 4. Quy mô nông hộ sản xuất cói ở tỉnh Bình Định

(Dung lượng mẫu/ phiếu điều tra: n=240)

Tiêu chí

Tổng nhân khẩu/hộ (người)

Lao động chính/hộ (người)

Diện tích cói (ha)

Diện tích lúa nhiễm mặn (ha)

Cây trồng khác (ha)

Tổng diện tích đất nông nghiệp/hộ (ha)

Trung bình

5,1

2,9

0,11

0,04

0,02

0,31

Thấp nhất

3,0

2,0

0,03

0,01

0,01

0,11

Cao nhất

7,0

5,0

0,4

0,2

0,4

0,65

Hệ số biến động (CV%)

24,1

38,9

71,2

362,2

231,8

36,9

Độ lệch chuẩn

1,23

0,56

0,72

0,40

0,40

1,1

Kết quả điều tra ở bảng 4 cho thấy: Tổng nhân khẩu trên hộ là 5,1 người/hộ, trong đó lao động chính là 2,9 người/hộ. Diện tích đất canh tác nông nghiệp trung bình 0,31 ha/hộ, diện tích bình quân nông hộ của vùng sản xuất cói là 0,31 ha/hộ và còn thấp so với nhân khẩu có trong gia đình. Trong đó, diện tích cói chiếm 1/3 diện tích canh tác nông nghiệp của các hộ điều tra, diện tích cói 0,11ha/hộ. Do đó, cây cói chiếm tỷ lệ diện tích khá lớn và có vị trí khá quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của người dân tại vùng đất bị nhiễm mặn, diện tích đất sản xuất cói của nông hộ như trên lại là tiềm năng để quy hoạch phát triển sản xuất tập trung và hàng hóa. Ngoài ra, với lực lượng lao động chính là2,9 người/hộ, chiếm trên 50% so với tổng nhân khẩu cũng là điều kiện thuận lợi về nhân công lao động trong sản xuất.

Một trong những hạn chế trong sản xuất: diện tích đất sản xuất, diện tích sử dụng để canh tác cói là mức độ biến động quá lớn giữa các hộ được điều tra. Khoảng biến động của diện tích đất sản xuất cói từ 0,03 - 0,4 ha với hệ số biến động là 71,2%.Có 100% diện tích sử dụng cho sản xuất cói và lúa là diện tích canh tác 2 vụ/năm. Qua thông tin từ các hộ diện tích lúa bị nhiễm mặn hầu hết ở gần khu vực trồng cói do bị nhiễm mặn nên hiệu quả của sản xuất lúa rất thấp.

Bảng 5.Đặc điểm của ruộng trồng cói ở tỉnh Bình Định(n=240)

Tiêu chí đánh giá

Tỷ lệ (%)

1. Loại ruộng

Nhiễm mặn

100,0

Không nhiễm mặn

0

2. Địa điểm ruộng bị nhiễm mặn

Ven biển

12,5

Ven cửa sông

87,5

Nội đồng

0

3. Năm bắt đầu bị nhiễm mặn

20-40 năm (từ khi chủ hộ bắt đầu trồng cói)

100,0

4. Vụ nhiễm mặn nặng

Cuối vụ Đông Xuân

32,1

Vụ Hè Thu

67,9

Qua số liệu bảng 5 cho thấy: Đặc điểm ruộng trồng cói của hầu hết các hộ dân thuộc vùng ven cửa sông và ven biển nên 100% ruộng trồng cói của các hộ bị nhiễm mặn. Qua điều tra nông hộ cho thấy ruộng trồng cói của các hộ bị nhiễm mặn từ 20 - 40 năm. Trong điều kiện đất đai bị nhiễm mặn thì cây cói là cây có lợi thế cạnh tranh và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hầu hết các cây trồng khác, vì cói là cây chịu mặn và điều kiện đất nhiễm mặn chính là điều kiện cần thiết để có chất lượng cói tốt. Nhiễm mặn diễn ra quanh năm trên ruộng trồng cói ven cửa sông và ven biển.Tuy nhiên, thời điểm thường bị nhiễm mặn nặng nhất vào cuối mùa khô (tháng 7, tháng 8). Theo thông tin từ các hộ trồng cói 67,9% các hộ cho rằng thời điểm nhiễm mặn nặng nhất vào vụ Hè Thu, còn lại 32,1% hộ cho rằng thời điểm bị nhiễm mặn nặng thường xảy ra vào cuối vụ Đông Xuân.

Bảng 6. Giống, kỹ thuật làm đất và bón phân hộ trồng cói tại Bình Định(n=240)

Tiêu chí đánh giá

Tỷ lệ %

1. Giống cói đã sử dụng 

- Giống cói bông trắng

63,7

- Giống cói bông đỏ

36,3

2. Làm đất khi trồng

- Cày cuốc toàn diện

100,0

- Bừa (1 lần)

100,0

- Khác

0

3. Xử lý mặn cho đồng ruộng

- Không xử lý mặn

75,8

- Bón vôi

0

- Rửa mặn

24,2

4. Bón lót khi trồng

- Phân chuồng

65,8

- Phân vi sinh

7,5

- Không bón lót

27,7

5. Bón thúc

- Số hộ có bón thúc

100,0

- 2 lần/vụ

69,6

- 3 lần/vụ

30,4

Kết quả điều tra ở bảng trên cho thấy : Giống cói hiện tại trên đồng ruộng của các hộ 100% là giống cói của địa phương có từ rất lâu đời và được chia ra thành 2 giống chính là giống cói bông đỏ và cói bông trắng. Trong đó, giống cói bông trắng là giống hầu hết người dân đánh giá có nhiều ưu điểm hơn về năng suât, chất lượng. Vì vậy, tỷ lệ hộ trồng giống cói bông trắng chiếm 63,7% cao hơn nhiều so với cói bông đỏ.

Kỹ thuật làm đất của các hộ áp dụng cho cây cói cũng như hầu hết các cây trồng khác là cày cuốc toàn diện sau đó bừa 1 lần trước khi cấy giống. Vì cây cói là cây chịu mặn và cần có độ mặn để đảm bảo chất lượng cói tốt đồng thời hầu hết các hộ theo canh tác truyền thống dựa trên kinh nghiệm. Tỷ lệ hộ có rửa mặn là 24,2%; rửa mặn được áp dụng trong mùa khô nếu độ mặn quá cao. Có 100% hộ không bón vôi.Độ mặn thích hợp cho cây cói 1 - 2%o và pHKCl thích hợp 6 - 7. Do vậy, để sản xuất cói đạt năng suất chất lượng cao trong quá trình trồng cần kiểm tra độ mặn và pHKCl để có các giải pháp khắc phục như thau chua, rửa mặn để đảm bảo điều kiện tối thích cho cây cói phát triển.

Tỷ lệ hộ bón lót trước khi trồng cói chiếm 73,5%; trong đó có 65,8% hộ sử dụng phân chuồng để bón lót và có 7,5% hộ sử dụng phân hữu cơ vi sinh. Tỷ lệ hộ bón thúc chiếm 100%, trong đó 69,6% hộ bón thúc 2 lần/vụ còn lại 30,4% hộ bón thúc 3 lần/vụ.

Từ kết quả trên cho thấy: Kỹ thuật bón phân và sử dụng phân bón của các hộ chưa theo một quy trình, hầu hết các hộ bón phân theo kinh nghiệm. Vì vây, việc đưa ra quy trình bón phân cho cây cói ở vùng trồng cói của Bình Định là cần thiết.

Bảng 7. Mật độ và lượng phân bón/ha/vụ cho cây cói(n=240)

Tiêu chí

Mật độ trồng/ha (khóm/ha)

Số lần bón thúc

Lượng đạm (kg)

Lượng lân

(kg)

Lượng kali

(kg)

Lượng NPK (kg)

1. Giá trị trung bình

166.400

2,3

226,8

28,1

30,2

230,7

2. Giá trị thấp nhất

130.000

2,0

160,0

-

-

160,0

3. Giá trị cao nhất

250.000

3,0

360,0

100,0

120,0

360,0

4. Khuyến cáo của Khuyến nông huyệnTuy Phước

250.000

-

550,0

350,0

450,0

600,0

Hệ số biến động (CV%)

27,1

20,0

26,4

123,4

122,0

26,5

Độ lệch chuẩn

45.028,3

0,46

59,8

34,6

36,9

61,0

Kết quả điều tra cho thấy: mật độ giữa các hộ dân biến động rất lớn từ 130.000 - 250.000 khóm/ha, hệ số biến động là 27,1% và trung bình 166.400 khóm/ha thấp hơn rất nhiều so với mật độ của Trạm Khuyến nông huyện Tuy Phước khuyến cáo (250.000 khóm/ha). Hầu hết các hộ sử dụng phân đạm kết hợp với NPK, một số ít hộ sử dụng thêm phân lân và kali cho bón thúc, nhưng lượng áp dụng giữa các hộ khác nhau rất nhiều. Phân đạm từ 160 - 360 kg/ha, trung bình 226 kg/ha với hệ số biến động là 26,4%; phân lân từ 0 - 100 kg/ha, trung bình 28,1 kg/ha với hệ số biến động là 123,4%; phân kali thay đổi từ 0 - 120 kg/ha, trung bình là 30,2 kg/ha và hệ số biến động 122,0%; NPK áp dụng cho 1 ha từ 160 - 360 kg và trung bình 230,7 kg, hệ số biến động 26,5%. Như vậy, dựa trên các hệ số biến động, lượng phân bón giữa các hộ khác nhau rất nhiều và so sánh giữa các hộ với khuyến cáo của Khuyến nông huyện Tuy Phước khác nhau nhiều, điều này chứng tỏ kỹ thuật sử dụng phân bón của các hộ chưa thống nhất theo một quy trình bón phân cụ thể. Như vậy, mật độ trồng và lượng phân bón là một trong những biện pháp cần nghiên cứu xác định để phát huy tối đa năng suất cói của Bình Định.

Bảng 8. Hiệu quả kinh tế sản xuất cói tại Bình Định (tính 1 ha/ năm)(n=240)

Đơn vị tính: 1.000 đồng

TT

Chỉ tiêu đánh giá

Vụ ĐX

Vụ Hè thu

Cả năm

1

Tổng chi phí (A)

39.753

49.817

89.571

1.1

Công lao động

32.608

41.454

74.063

1.2

Vật tư, phân bón

7.145

8.362

15.507

2

Tổng doanh thu (B)

63.867

74.720

138.427

2.1

Năng suất khô (kg/ha)

5.830

6.554

12.384

2.2

Giá bán bình quân (đồng/kg)

10.955

11.401

11.178

3

Lãi thuần = (B) - (A)

24.113

24.903

48.855

4

Thu nhập thuần (tính cả công lao động)

56.722

66.358

122.919

5

Tỷ suất lợi nhuận (lần)

0,61

0,50

0,55

Kết quả số liệu bảng 8: Lãi thuần sản xuất cói bình quân của các hộ điều tra đạt 48.855.000 đồng/ha/năm. Số liệu trên cũng cho thấy mức đầu tư vật tư, phân bón cho sản xuất cói khá thấp (15.507.000 đồng/ha), trong khi đó đầu tư về công là rất lớn (138.427.000 đồng/ha/năm) do sản xuất cói tốn rất nhiều công thu hoạch và cho sơ chế. Vì vậy, nếu sản xuất lấy công làm lãi thì cây cói sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với cây trồng khác ở vùng đất bị nhiễm mặn.

Bảng 9. Một số ý kiến đề nghị chính của người dân có liên quan đến sản xuất và tiêu thụ cây cói tại Bình Định (n=240)

Ý kiến

Tỷ lệ (%)

1. Cần có nhiều thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ của chính quyền các cấp về tìm đầu ra ổn định (như có các chương trình quảng bá về sản phẩm chiếu cói truyền thống)

64,8

2. Hỗ trợ về giống mới và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cói

34,3

3. Chính sách ổn định giá vật tư, phân bón

21,6

4. Hỗ trợ vốn sản xuất

5,2

5. Xây dựng hệ thống thủy lợi tốt hơn

4,7

Kết quả điều tra nông hộ cho biết: Có 64,8% hộ đề nghị chính quyền các cấp có nhiều chương trình về thông tin thị trường và sản phẩm chiếu cói. Như vậy, phần lớn người dân rất quan tâm đến thị trường tiêu thụ như thông tin giá cả, tính ổn định của giá cả đầu ra, khả năng cạnh tranh của sản phẩm chiếu cói truyền thống với các mặt hàng công nghiệp; có 34,3% người dân đề nghị cần hỗ trợ giống mới và kỹ thuật sản xuất cói thông qua các chương trình nghiên cứu và thông tin khoa học trên truyền thông đại chúng về kỹ thuật sản xuất cói và 21,6% hộ nhận định giá cả vật tư nông nghiệp trong nhưng năm gần đây tăng nhiều nên có đề nghị nhà nước cần có chính sách bình ổn giá phân bón. Số ít hộ đề nghị hỗ trợ vốn sản xuất và xây dựng hệ thống thủy lợi. (Bảng 9)

* Từ điều tra thực tế sản xuất cói tại Bình Định chúng tôi đưa ra một số nhận xét sau:

- Diện tích và sản lượng cói từ năm 2007 đến nay luôn có xu hướng giảm mặc dù quỹ đất bị nhiễm mặn có khả năng mở rộng diện tích cói còn nhiều.

- Năng suất cói trong vài năm gần đây của tỉnh Bình Định có tăng nhưng không đáng kể mặc dù năng suất cói bình quân của tỉnh còn thấp hơn nhiều so với cói của cả nước.

- Diện tích trồng cói của các hộ tập trung chủ yếu ở vùng ven cửa sông và ven biển và 100% diện tích cói của các hộ dân bị nhiễm mặn nên cây cói ở vùng bị

nhiễm mặn là cây thích hợp và mang lại lợi thế canh tranh cũng như hiệu quả cao hơn so với cây trồng khác

- Giống cói sử dụng trong sản xuất với tỷ lệ 100% là giống cói địa phương (giống bông trắng và giống bông đỏ) có nguồn gốc trong dân và rất lâu năm, bị lẫn tạp và một số bị thoái hóa nên năng suất thấp.

- Quy trình canh tác (mật độ trồng, phân bón,…) của các hộ sản xuất rất khác nhau giữa các hộ, giữa các vùng và khác nhiều so với khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định.

- Nhiều người dân sản xuất cói thiếu thông tin tiến bộ kỹ thuật về sản xuất cói, thông tin thị trường đầu ra, giá cả vật tư,…

* Từ những đánh giá chung về sản xuất cói chúng tôi đưa ra một số đề xuất sau:

- Nghiên cứu quy trình kỹ thuật và thử nghiệm giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả của sản xuất cói qua đó duy trì và phát triển về diện tích cói tại vùng nhiễm mặn.

- Các cơ quan khoa học và khuyến nông tỉnh cần quan tâm nhiều hơn đến các chương trình nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân thông qua truyền thông đại chúng, tập huấn,…

- Cần có chính sách cho ngành sản xuất chiếu cói truyền thống như chương trình đào tạo, hỗ trợ thông tin về thị trường tiêu thụ cho các hộ sản xuất cói và chính sách bình ổn giá cả vật tư phân bón qua đó duy trì và phát triển ngành sản xuất chiếu cói của tỉnh Bình Định.

3.2. Kết quả khảo sát, tuyển chọn giống/ xuất xứ cói có năng suất cao, kháng một số sâu, bệnh hại chính và thích nghi với một số vùng đất bị nhiễm mặn tỉnh Bình Định

3.2.1. Kết quả khảo sát và thu thập các giống/ xuất xứ cói có năng suất cao, kháng một số sâu, bệnh hại chính và thích nghi với một số vùng đất bị nhiễm mặn trong tỉnh Bình Định

- Kết quả khảo sát và thu thập giống: Thu được 2 xuất xứ của giống cói bông trắng và 4 xuất xứ của giống cói bông đỏ, trên cơ sở điều tra khảo sát 40 thửa ruộng của hộ dân có trồng cói ở 4 huyện và thu được 40 mẫu giống của 40 hộ, qua đánh giá các đặc điểm của mẫu giống thu được với các đặc điểm như sau:


Bảng 10. Một số đặc điểm chính của giống/xuất xứ cói thu thập được tại4 huyện trong tỉnh Bình Định

TT

Tiêu chí

Đặc điểm nông sinh học chính

Cói bông đỏ

Tuy Phước

Cói bông đỏ

Hoài Nhơn

Cói bông đỏ

Phù Mỹ

Cói bông đỏ

Phù Cát

Cói bông trắng

Hoài Nhơn

Cói bông trắng

Phù Cát

1

Rễ

Rễ tập trung ở tầng đất canh tác từ 0-20 cm, rễ mọc ra từ thân ngầm

Rễ tập trung ở tầng đất canh tác từ 0-20 cm, rễ mọc ra từ thân ngầm

Rễ tập trung ở tầng đất canh tác từ 0-20 cm, rễ mọc ra từ thân ngầm

Rễ tập trung ở tầng đất canh tác từ 0-20 cm, rễ mọc ra từ thân ngầm

Rễ tập trung ở tầng đất canh tác từ 0-20 cm, rễ mọc ra từ thân ngầm

Rễ tập trung ở tầng đất canh tác từ 0-20 cm, rễ mọc ra từ thân ngầm

2

Thân

- Thân chính màu xanh đậm khi còn non và chuyển dần sang màu xanh nhạt khi thu hoạch;

- Chiều cao đạt từ 1,4-1,7 m,

- Tiết diện thân trung bình (5,5-6,0mm), tam giác hơi tròn, tiêm mọc đứng

- Thân chính màu xanh đậm khi còn non và chuyển dần sang màu xanh nhạt khi thu hoạch;

- Chiều cao đạt từ 1,4-1,7 m,

- Tiết diện thân trung bình (5,5-6,0 mm), tam giác hơi tròn, tiêm mọc đứng

- Thân chính màu xanh đậm khi còn non và chuyển dần sang màu xanh nhạt khi thu hoạch;

- Chiều cao đạt từ 1,4-1,7 m,

-Tiết diện thân trung bình (5,5-6,0mm), tam giác hơi tròn, tiêm mọc đứng

- Thân chính màu xanh đậm khi còn non và chuyển dần sang màu xanh nhạt khi thu hoạch;

- Chiều cao đạt từ 1,4-1,7 m,

- Tiết diện thân trung bình (5,5-6,0mm), tam giác hơi tròn, tiêm mọc đứng

- Thân chính màu xanh đậm khi còn non và chuyển dần sang màu xanh vàng khi thu hoạch;

-Chiều cao đạt từ 1,6-2,0 m,

- Tiết diện thân to (6,0-6,5mm), tam giác hơi tròn, tiêm mọc xiên

- Thân chính màu xanh đậm khi còn non và chuyển dần sang màu xanh vàng khi thu hoạch;

- Chiều cao đạt từ 1,6-2,0 m,

- Tiết diện thân to (6,0-6,5mm), tam giác hơi tròn, tiêm mọc xiên

3

Hoa

Hoa mới nở có mầu nâu nhạt sau đó chuyển sang màu nâu sẫm

Hoa mới nở có mầu nâu nhạt sau đó chuyển sang màu nâu

Hoa mới nở có mầu nâu nhạt sau chuển sang màu nâu

Hoa mới nở có mầu nâu nhạt sau đó chuyển sang màu nâu sẫm

Hoa mới nở có màu trắng sau chuyển sang màu nâu

Hoa mới nở có màu trắng sau chuyển sang màu nâu

4

Lá: Bẹ lá mác màu nâu đỏ, dài từ 2-4cm

Lá: Bẹ lá mác màu nâu đỏ, dài từ 2-4cm

Lá: Bẹ lá mác màu nâu đỏ, dài từ 2-4cm

Lá: Bẹ lá mác màu nâu đỏ, dài từ 2-4cm

Lá: Bẹ lá mác màu nâu, nhọn và dài từ 3-5 cm

Lá: Bẹ lá mác màu nâu, nhọn và dài từ 3-5 cm

5

Năng suất

Năng suất đạt từ 6,2-6,5 tấn/ha

Năng suất đạt từ 6,4-6,5 tấn/ha

Năng suất đạt từ 5,8-6,0 tấn/ha

Năng suất đạt từ 6,0-6,5 tấn/ha

Năng suất đạt từ 7,5-8,5 tấn/ha

Năng suất đạt từ 7,0-8,5 tấn/ha

Qua điều tra, thu thập đã thu thập và chọn lọc lại được 6 giống/ xuất xứ, trong đó được chia làm 02 giống là giống cói bông đỏ và giống cói bông trắng. Vì vậy, nên trong bảng mô tả về giống của các giống bông đỏ có xuất xứ khác nhau nhưng về đặc điểm hình thái tương đối giống nhau và tương tự với giống cói bông trắng. Qua điều tra khảo sát cho thấy, hầu hết giống trên ruộng cói của các hộ dân bị lẫn tạp và nhiều ruộng cói có hiện tượng thoái hóa giống do sử dụng lâu năm không được chọn lọc và trồng mới lại.


3.2.2. Nghiên cứu tuyển chọn giống/ xuất xứ cói

Bảng 11. Một số chỉ tiêu sinh trưởng phát triển bình quân của các giống/ xuất xứ cói từ 2013 - 2014 tại điểm thí nghiệm Hoài Nhơn và Phù Cát

Giống/ xuất xứ

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

Tỷ lệ

sống(%)

Chiều cao cây (cm)

Đường kính thân (mm)

Tỷ lệ

sống (%)

Chiều cao cây (cm)

Đường kính thân (mm)

G1

100

159,7

5,8

100

158,9

5,9

G2 (Đ/C)

100

166,8

6,1

100

167,6

6,2

G3

100

164,3

6,0

100

164,7

6,0

G4

100

165,8

6,2

100

166,3

6,2

G5

100

161,5

5,9

100

160,0

6,0

G6

100

162,0

6,0

100

160,7

6,0

Ghi chú:  G1 giống cói bông đỏ Tuy Phước; G2 giống cói bông trắng Hoài Nhơn; G3 giống cói bông đỏ Hoài Nhơn; G4 giống cói bông trắng Phù Cát; G5 giống cói bông đỏ Phù Cát; G6 giống cói bông đỏ Phù Mỹ.

Qua theo dõi cho thấy tỷ lệ mọc của các giống cói ở cả hai điểm đều đạt 100%, do cói là cây có sức sống mạnh đồng thời giống sử dụng trong thí nghiệm là giống được chọn lọc và tách mống cói có sức sống tốt.

Cói là cây trồng để lấy thân nên sinh trưởng phát triển về chiều cao cây và đường kính thân có ý nghĩa quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng cói. Các chỉ  tiêu sinh trưởng trên không những phụ thuộc vào phân bón, chế độ canh tác mà còn phụ thuộc nhiều vào đặc điểm di truyền của giống. Qua theo dõi sinh trưởng của cho thấy: chiều cao cây của giống cói bông trắng có xuất xứ huyện Hoài Nhơn và Phù Cát đều có chiều cao trung bình trên 165 cm, trong khi đó giống cói bông đỏ có xuất xứ huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và Tuy Phước đều có chiều cao cây dưới 165,0 cm, trong đó giống đối chứng cói chiều cao cây 166,8 cm (điểm Hoài Nhơn) và 167,6 cm (điểm Phù Cát), trong đó thấp nhất là giống cói bông đỏ huyện Tuy Phước ở cả hai điểm thí nghiệm. Tương tự như chiều cao cây, đường kính thân của các giống cói bông đỏ ở cả hai điểm thí nghiệm đều nhỏ hơn so với giống cói bông trắng. Đối với điểm huyện Hoài Nhơn đường kính thân biến động từ 5,8-6,2 mm, điểm huyện Phù Cát đường kính thân biến động từ 5,9-6,2 mm, trong đó nhỏ nhất là giống bông đỏ Tuy Phước và lớn nhất là giống bông trắng Hoài Nhơn. Qua đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng cho thấy các giống cói đều sinh trưởng phát triển tốt, nhưng cói giống bông trắng là giống được đánh giá cao hơn do chiều cao cây và đường kính thân lớn hơn so với giống bông đỏ.

Bảng 12. Các yếu tố cấu thành năng suất của các giống/ xuất xứ cói tại điểm Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn và Cát Tiến - Phù Cát trong vụ 1 năm 2013

Giống/ xuất xứ

Điểm Hoài Nhơn

Điểm Phù Cát

Số cây TT/m2 (cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

Số cây TT/m2(cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

G1

208,3

297,6

6,20

215,3

293,4

6,31

G2 (Đ/C)

218,7

332,8

7,28

213,0

321,2

6,84

G3

204,3

332,4

6,80

217,7

299,1

6,49

G4

210,3

328,7

6,91

215,0

326,6

7,02

G5

206,0

305,8

6,32

210,0

276,2

5,80

G6

211,0

293,8

6,20

214,3

303,7

6,50

Qua bảng số liệu trên cho thấy: Tại điểm Hoài Nhơn, số cây thực thu/m2 đạt từ 204,3-218,7 cây/m2, trong đó cao nhất là giống cói bông trắng Hoài Nhơn (218,7 cây/m2) và thấp nhất là giống bông đỏ Hoài Nhơn (204,3 cây/m2). Khối lượng 100 cây biến động từ 293,8–332,8g, trong đó thấp nhất là giống cói bông đỏ Phù Mỹ (G6) và giống cói bông đỏ Tuy Phước (G1), cao nhất là giống cói bông trắng Hoài Nhơn. Năng suất lý thuyết đạt từ 6,20-7,28 tấn/ha, tương tự như khối lượng 100 cây, năng suất lý thuyết thấp nhất là giống cói bông đỏ Phù Mỹ (G6) và giống cói bông đỏ Tuy Phước (G1), cao nhất là giống cói bông trắng Hoài Nhơn (G2).

Tại điểm Phù Cát, số cây thực thu/m2 đạt từ 210,0-217,7 cây/m2, trong đó cao nhất là giống cói bông đỏ Hoài Nhơn (217,7cây/m2) và thấp nhất là giống bông đỏ Phù Cát (210,0 cây/m2). Khối lượng 100 cây biến động từ276,2-326,6 g, trong đó thấp nhất là giống cói bông đỏ Phù Cát (G5) và cao nhất là giống cói bông trắng Phù Cát (G6). Năng suất lý thuyết đạt từ 5,80-7,02 tấn/ha, tương tự như khối lượng 100 cây, năng suất lý thuyết thấp nhất là giống cói bông đỏ Phù Cát (G5) và cao nhất là giống cói bông trắng Phù Cát. Tóm lại, các chỉ tiêu cấu thành năng suất của các giống/ xuất xứ cói ở cả hai điểm thí nghiệm còn thấp vì đây là vụ thu hoạch đầu tiên nên mật độ cây còn thưa do cói mới trồng nên chưa đạt được mật độ tối ưu.

Bảng 13. Các yếu tố cấu thành năng suất các giống/ xuất xứ cói tại điểm Hoài Nhơn và Phù Cát – Vụ ĐXnăm 2014

Giống/ xuất xứ

Điểm Hoài Nhơn

Điểm Phù Cát

Số cây TT/ m2 (cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

Số cây TT/ m2 (cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

G1

278,3

280,7

7,81

279,0

273,7

7,64

G2 (Đ/C)

280,3

330,5

9,26

290,7

315,3

9,17

G3

278,0

298,6

8,30

295,7

283,9

8,39

G4

283,7

325,2

9,22

279,7

315,8

8,83

G5

274,3

288,0

7,90

280,3

275,7

7,73

G6

274,0

281,0

7,70

278,0

271,4

7,54

Trái lại với vụ cói đầu tiên của năm 2013, các yếu tố cấu thành năng suất cói trong năm 2014 cao hơn nhiều so với năm 2013 do từ vụ thứ 2 trở đi cây cói đã đạt được mật độ cây tối ưu. Tại điểm Hoài Nhơn, số cây thực thu/m2 đạt từ 274,0– 283,7 cây/m2, trong đó giống cói bông trắng Hoài Nhơn (280,3 cây/m2), giống cói bông trắng Phù Cát (283,7 cây/m2) và thấp nhất là giống bông đỏ Phù Mỹ (274,0 cây/m2). Hai giống cói bông trắng có khối lượng 100 cây và năng suất lý thuyết cao hơn các giống cói bông đỏ vì giống cói bông trắng có ưu điểm tiết diện thân và chiều cao cây lớn hơn giống cói bông đỏ, khối lượng 100 cây của hai giống/xuất xứ bông trắng đều đạt trên 320 g, trong đó các giống bông đỏ đạt dưới 300 g, trong đó cao nhất là giống cói bông trắng Hoài Nhơn (Đ/C) đạt 330,5g và thấp nhất là giống cói bông đỏ Tuy Phước (280,7 g). Năng suất lý thuyết cao nhất là giống cói bông trắng Hoài Nhơn (Đ/C) đạt 9,26 tấn/ha và giống cói bông trắng Phù Cát (9,22 tấn/ha) và thấp nhất là giống cói bông đỏ Tuy Phước và Phù Mỹ (7,70 tấn/ha).

Tại điểm Phù Cát, số cây thực thu/m2 đạt từ 278,0– 295,7 cây/m2, trong đó cao nhất là giống G3 (295,7 cây) và thấp nhất là giống G6(278,0 cây). Khối lượng 100 cây đạt từ 271,4-315,8 g, trong đó cao nhất là hai giống cói bông trắng Hoài Nhơn (Đ/C) và bông trắng Phù Cát (đều đạt trên 315 g), trái lại các giống bông đỏ đều đạt dưới 300 g. Tương tự như khối lượng 100 cây, năng suất lý thuyết cao nhất là giống cói bông trắng Hoài Nhơn (9,17 tấn/ha) tiếp đến là giống cói bông trắng Phù Cát (8,83 tấn/ha) và thấp nhất là giống cói bông đỏ Phù Mỹ (7,54 tấn/ha).

Bảng 14. Các yếu tố cấu thành năng suất các giống/ xuất xứ cói tại điểm Hoài Nhơn và Phù Cát – Vụ HT năm 2014

Giống/ xuất xứ

Điểm Hoài Nhơn

Điểm Phù Cát

Số cây TT/ m2 (cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

Số cây TT/ m2 (cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

G1

291,3

278,3

8,10

292,7

254,2

7,44

G2 (Đ/C)

281,7

332,4

9,37

284,3

326,9

9,29

G3

298,0

285,2

8,50

286,0

289,4

8,28

G4

282,0

322,3

9,09

282,0

318,0

8,97

G5

293,0

276,5

8,10

285,3

271,4

7,74

G6

286,3

279,4

8,00

292,0

273,0

7,97

Qua số liệu bảng trên cho thấy: Tại điểm Hoài Nhơn, số cây thực thu/m2 đạt từ 281,7 - 298,0 cây/m2, trong đó thấp nhất là giống cói bông trắng Hoài Nhơn (281,7 cây/m2), giống cói bông trắng Phù Cát (282,0 cây/m2) và cao nhất là giống G3 (298,0 cây/m2). Tương tự vụ ĐX, vụ HT khối lượng 100 cây và năng suất lý thuyết của giống bông trắng cao hơn các giống cói bông đỏ, khối lượng 100 cây của hai giống/xuất xứ bông trắng đều đạt trên 320 g, trong đó các giống bông đỏ đạt dưới 290 g, trong đó cao nhất là giống cói bông trắng Hoài Nhơn (Đ/C) đạt 332,4 g và thấp nhất là giống cói bông đỏ Phù Cát (276,5 g). Năng suất lý thuyết cao nhất là giống cói bông trắng Hoài Nhơn (9,37 tấn/ha) và giống cói bông trắng Phù Cát (9,09 tấn/ha) và thấp nhất là giống cói bông đỏ Phù Mỹ (8,0 tấn/ha).

Tại điểm Phù Cát, số cây thực thu/m2 đạt từ 282,0 – 292,7 cây/m2, trong đó cao nhất là giống G1 (293,7 cây) và thấp nhất là giống G4 (282,0 cây). Khối lượng 100 cây đạt từ 254,2– 326,9 g, trong đó cao nhất là hai giống cói bông trắng Hoài Nhơn (Đ/C) và bông trắng Phù Cát (đều đạt trên 315 g), trái lại các giống bông đỏ đều đạt dưới 290 g. Tương tự như khối lượng 100 cây, năng suất lý thuyết cao nhất là giống cói bông trắng Hoài Nhơn (9,29 tấn/ha) tiếp đến là giống cói bông trắng Phù Cát (8,97 tấn/ha) và thấp nhất là giống cói bông đỏ Tuy Phước (7,44 tấn/ha).

Bảng 15.Năng suấtcủa các giống/ xuất xứ cói tại điểm thí nghiệmHoài Nhơn và Phù Cát  trong năm 2013-2014

Đơn vị tính: tấn/ha

Giống/ xuất xứ

Năng suất tại điểm Hoài Nhơn

Năng suất tại điểm Phù Cát

Vụ HT 2013

Vụ ĐX 2014

Vụ HT
2014

Vụ HT 2013

Vụ ĐX 2014

Vụ HT
2014

G1

5,41

6,96

7,08

5,62

7,05

6,95

G2 (Đ/C)

6,58

8,59

8,83

6,23

8,58

8,53

G3

6,00

7,58

7,37

6,02

7,88

7,67

G4

6,34

8,27

8,50

6,20

8,16

8,40

G5

5,47

7,04

7,37

5,76

7,12

7,03

G6

5,59

7,21

7,24

5,24

6,90

7,24

CV (%)

8,8

8,1

8,3

7,8

6,9

9,0

LSD0,05

0,91

1,12

1,16

0,80

0,96

1,25

Ghi chú: Vụ HT 2013: vụ thứ 1 (V1); Vụ ĐX 2014: vụ thứ 2 (V2); Vụ HT 2014: vụ thứ 3 (V3)

Năng suất và chất lượng là hai chỉ tiêu chính để đánh giá một giống tốt đồng thời là chỉ tiêu chính quyết định hiệu quả kinh tế trong sản xuất trong nông nghiệp nói chung và trong sản xuất cói nói riêng. Qua hai năm triển khai, đánh giá 6 giống/ xuất xứ kết quả được thể hiện qua số liệu bảng 14, cụ thể như sau:

Tại điểm Hoài Nhơn, năng suất cói vụ HT 2013 (vụ thứ 1) chỉ đạt 5,41-6,58 tấn/ha, trong đó giống đối chứng (bông trắng Hoài Nhơn) là giống cói có năng suất cao nhất và cao hơn giống cói bông đỏ Tuy Phước, giống bông đỏ Phù Cát và giống cói bông đỏ Phù Mỹ có ý nghĩa thống kê ở mức 95%, tiếp đến là giống cói bông trắng Phù Cát (6,34 tấn/ha). Năng suất cói vụ ĐX 2014 (vụ thứ 2) tăng lên khá nhiều so với vụ thứ 1 do mật độ cói vụ 2 đã đạt được mật độ tối ưu, năng suất cói vụ thứ 2 biến động từ 6,96-8,59 tấn/ha, trong đó giống đối chứng đạt cao nhất (8,59 tấn/ha), so sánh năng suất của giống đối chứng tăng lên so với các giống cói bông đỏ Tuy Phước và giống bông đỏ Phù Cát 22,9%; bông đỏ Phù Mỹ 19,4% có ý nghĩa thống kê ở mức 95%. Giống cói bông trắng Phù Cát đạt năng suất 8,27 tấn/ha cao hơn hai giống bông đỏ Tuy Phước và bông đỏ Phù Cát có ý nghĩa thống kê ở mức 95%. Tương tự với vụ thứ 2, năng suất cói vụ HT 2014 (vụ thứ 3) cao nhất là ở hai giống cói bông trắng Hoài Nhơn và giống bông trắng Phù Cát, năng suất đạt lần lượt là 8,83 tấn/ha và 8,50 tấn/ha, trong đó giống đối chứng (bông trắng Hoài Nhơn) cao hơn bốn giống/ xuất xứ cói bông đỏ từ 18,9-23,9% có ý nghĩa thống kê ở mức 95%.

Tại điểm Phù Cát, tương tự như điểm Hoài Nhơn giống cói bông trắng đều cho năng suất vượt trội hơn so với giống cói bông đỏ của các huyện cụ thể như: Vụ thứ 1, năng suất cói bông trắng Hoài Nhơn đạt 6,23 tấn/ha và bông trắng Phù Cát đạt 6,20 tấn/ha, trong khi các giống bông đỏ chỉ đạt 5,24-6,02 tấn/ha, trong đó giống có năng suất thấp nhất và thấp hơn hai giống cói bông trắng có ý nghĩa thống kê ở mức 95% là giống bông đỏ Phù Cát (5,2 tấn/ha). Vụ cói thứ 2, năng suất cói đạt từ 6,90-8,58 tấn/ha, trong đó cao nhất là giống đối chứng (bông trắng Hoài Nhơn), tiếp đến là giống cói bông trắng Phù Cát 8,16 tấn/ha. So sánh giống đối chứng có năng suất tăng lên so với các giống theo thứ tự là bông đỏ Phù Mỹ 23,9%, bông đỏ Tuy Phước và bông đỏ Phù Cát 21,1%. Tương tự vụ thứ 2, năng suất cói vụ thứ 3 cao nhất là 2 giống cói bông trắng Hoài Nhơn và bông trắng Phù Cát đạt lần lượt 8,53 tấn/ha và 8,40 tấn/ha và cao hơn các giống cói bông đỏ Tuy Phước, bông đỏ Phù Cát và bông đỏ Phù Mỹ có ý nghĩa thống kê ở mức 95%.

Bảng 16: Năng suất thực thu và tỷ lệ cói loại 1 của các giống/ xuất xứ và thời vụ khác nhau tại điểm Hoài Nhơn và Phù Cát

Giống/Xuất xứ

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

Trung bình 2 điểm

Năng suất (tấn/ha)

Tỷ lệ cói loại 1 (%)

Năng suất (tấn/ha)

Tỷ lệ cói loại 1 (%)

Năng suất (tấn/ha)

Tỷ lệ cói loại 1 (%)

Trung bình theo giống của 3 vụ

G1

6,48c

39,80b

6,54b

37,80c

6,51

38,80

G2 (Đ/C)

8,00a

64,50a

7,78a

65,50a

7,89

65,00

G3

6,98bc

44,70b

7,18ab

43,70b

7,08

44,20

G4

7,70ab

61,20a

7,59a

63,20a

7,65

62,20

G5

6,63c

42,60b

6,47b

39,60c

6,55

41,10

G6

6,68c

40,30b

6,63b

46,30b

6,66

43,30

CV% (Giống)

12,30

9,70

12,47

7,40

Trung bình theo vụ

V1 (HT 2013)

5,89b

49,36a

5,84b

49,99a

5,87

49,68

V2 (ĐX 2014)

7,61a

48,68a

7,62a

48,59a

7,62

48,64

V3 (HT 2014)

7,73a

48,52a

7,64

49,47a

7,69

49,00

CV% (Giống*Vụ)

5,42

5,85

4,10

6,08

P (Giống)

0,0185

0,0000

0,0345

0,0000

P (Vụ)

0,0000

0,6514

0,0000

0,5800

P (Giống*Vụ)

0,7482

0,8066

0,4860

0,5473

dc(Ghi chú: a, b, c ... chỉ ra các giống (công thức) có cùng ký tự trong một cột không có sai khác ý nghĩa tại mức 0,05; P> 0,05: không có sự khác biệt; P< 0,05: có sự khác biệt)

Số liệu bảng 16 cho thấy: Tại điểm Hoài Nhơn, năng suất thực thu giữa các giống/xuất xứ khác nhau dao động từ  6,63 – 8,00 tấn/ha và có sự sai khác khá nhiều (P =0,0185 < 0,05), trong đó G2 (bông trắng Hoài Nhơn) có năng suất cao nhất 8,00 tấn/ha và thấp nhất là G5 (6,63 tấn/ha). Giữa các thời vụ khác nhau có sự sai khác khá lớn giữa vụ HT năm 2013 so với vụ ĐX và HT năm 2014, năng suất của 2 vụ năm 2014 đạt trên 7,5 tấn/ha, trong khi vụ HT năm 2013 chỉ đạt 5,98 tấn/ha với P = 0,0000, tuy nhiên, giữa hai vụ năm 2014 năng suất tương đương nhau. Tương tự với điểm Hoài Nhơn, điểm Phù Cát năng suất thực thu có sự sai khác rõ rệt giữa các giống/xuất xứ, trong đó giống G2 có năng suất cao nhất (7,78 tấn/ha) và thấp nhất là G5 (6,47 tấn/ha) với P = 0,0345 < 0,05. Đồng thời, giữa các vụ khác nhau có sự khác biệt lớn với P = 0,0000, cụ thể vu HT năm 2013 có năng suất thấp nhất (5,84 tấn/ha), trong khi 2 vụ ĐX và HT năm 2014 có năng suất tương đương nhau lần lượt là 7,62 và 7,64 tấn/ha.Sự khác nhau lớn giữa vụ HT năm 2013 so với vụ ĐX và HT năm 2014 là do vụ HT năm 2013 là vụ cói mới cấy nên mật độ cói chưa đạt đến mật độ tối ưu, hai vụ ĐX và HT năm 2014 không có sự khác nhau là do từ vụ thứ 2 cây cói đã đạt được mật độ tối ưu và ổn định.

Tỷ lệ cói loại 1 (chiều dài sợi cói lớn hơn 165 cm) là một là một chỉ tiêu quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng cói. Tỷ lệ cói loại 1 có sự sai khácrõ rệt giữa nhóm giống cói bông trắng và nhóm giống cói bông đỏ ở cả hai điểm thí nghiệm với P = 0,0000 ở cả hai điểm,  cụ thể tại điểm Hoài Nhơn tỷ lệ cói loại 1 của giống/xuất xứ cói bông trắng Hoài Nhơn và bông trắng Phù Cát đều đạt trên 60%, trong khi các giống cói bông đỏ tỷ lệ cói loại 1 chỉ đạt dưới 45%. Tương tự với điểm Hoài Nhơn, ở Phù Cát, tỷ lệ cói loại 1 của giống/ xuất xứ cói bông trắng đều vượt trội so với các giống/xuất xứ cói bông đỏ, cụ thể tỷ lệ cói loại 1 của giống cói bông trắng Hoài Nhơn đạt 65,5%, giống cói bông trắng Phù Cát đạt 63,2%, còn lại các giống/ xuất xứ cói bông đỏ đều có tỷ lệ cói loại 1 đạt dưới 47%. Vì vậy, qua số liệu của hai điểm thí nghiệm cho thấy giống/ xuất xứ cói bông trắng được đánh giá là giống cho năng suất và chất lượng cao hơn rất nhiều so với giống/xuất cói bông đỏ. Tuy nhiên, giữa các vụ khác nhau tỷ lệ cói loại 1 là không cói sự sai khác ở cả hai điểm, ở điểm Hoài Nhơn với P = 0,6514, tỷ lệ cói loại 1 đạt từ 48,52 – 49,36% và ở Phù Cát với P = 0,5800 tỷ lệ cói loại 1 đạt từ 48,59-49,99%.

Tóm lại, qua theo dõi trong 2 năm cho thấy giống cói bông trắng là giống có các yếu tố cấu thành năng suất (số cây/m2, khối lượng cói/ m2, năng suất lý thuyết) vượt trội hơn so với giống cói bông đỏ, các yếu tố cấu thành năng suất vượt trội là do đặc điểm của giống bông trắng có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, chiều cao cây, đường kính thân và khả năng đẻ nhánh tốt hơn giống bông đỏ. Qua đó, năng suất và chất lượngcủa giống cói bông trắng Hoài Nhơn (năng suất đạt 8,00 tấn, tỷ lệ cói loại 1 đạt 65%) vượt trội so với giống/ xuất xứcói bông đỏ.

Bảng 17. Mức độ gây hại của một số loại sâu, bệnh chính trên các giống/ xuất xứ cói trong thí nghiệm tại Hoài Nhơn và Phù Cát

Giống/ xuất xứ

Điểm Hoài Nhơn

Điểm Phù Cát

Sâu đục thân (%)

Đốm vàng (cấp 1-9)

Sâu đục thân (%)

Đốm vàng (cấp 1-9)

G1

0,8

1

1,3

1

G2(Đ/C)

1,3

1

0,7

1

G3

1,1

1

1,4

1

G4

1,4

1

1,5

1

G5

0,7

1

1,5

1

G6

1,6

1

1,2

1

Sâu, bệnh là một trong những nguyên nhân chính làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng. Trong điều kiện canh tác cói ở Bình Định sâu hại đục thân và bệnh đốm vàng được xác định là đối tượng sâu bệnh gây hại nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng cói ở các vùng trồng cói. Vì vậy, trong điều kiện thí nghiệm, cói ở các công thức thí nghiệm thường xuyên được kiểm tra và phun phòng trừ sâu, bệnh hại kịp thời nên mức gây hại của sâu bệnh trong thí nghiệm ở mức thấp và ít loài gây hại.

Qua theosố liệu sâu bệnh thấy có hài loài gây hại chính là sâu đục thân và bệnh đốm vàng. Mức độ gây hại của sâu đục thân ở các công thức thí nghiệm dưới 2%, ở cả hai điểm thí nghiệm, bệnh đốm vàng bị hại ở cấp 1 ở cả hai điểm thí nghiệm, với mức độ sâu bệnh hại như trên không có ảnh hưởng gì đến năng suất cói trong thí nghiệm.

3.3. Nghiên cứu mật độ trồng cói

3.3.1. Ảnh hưởng của mật độ đến sinh trưởng phát triển, năng suất của cói

Bảng 18.Ảnh hưởng của mật độ trồng cói đến một số chỉ tiêu sinh trưởng phát triển của cây cói tại điểm Hoài Nhơn và Phù Cát

Công thức

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

Tỷ lệ

sống(%)

Cao cây
(cm)

Đường kính thân (mm)

Tỷ lệ

sống(%)

Cao cây
(cm)

Đường kính thân (mm)

M1

100

164,3

6,0

100

157,9

6,1

M2(Đ/C)

100

165,5

6,1

100

160,1

6,0

M3

100

164,6

6,1

100

160,7

6,1

Ghi chú: M1 mật độ 15 x 20 cm; M2 (Đ/C) mật độ 20 x 20 cm; M3 mật độ 20 x 25 cm.

Qua số liệu bảng 18 cho thấy: Nhìn chung các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển bình quân trong 2 năm của cây cói ở các mật độ khác nhau ít có sự khác biệt giữ các mật độ cụ thể là: Tỷ lệ sống của cói của các mật độ khác nhau trong cả hai điểm thí nghiệm đều đạt 100%, chiều cao cây đạt 164,3-165,5 cm đối với điểm Hoài Nhơn, và đạt 157,9-160,7 cm đối với điểm Phù cát. Đường kính thân của cói ở các mật độ khác nhau của cả hai điểm đều đạt từ 6,0-6,1 cm

Bảng 19.Ảnh hưởng của mật độ trồng cói đến các yếu tố cấu thành năng suất cói tại hai điểm Hoài Nhơn và Phù Cát trong vụ ĐX năm 2013 (vụ thứ 1)

Công thức

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

Số cây TT/ m2 (cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

Số cây TT/ m2 (cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

M1

266,7

278,4

7,42

251,3

270,7

6,81

M2 (Đ/C)

229,3

282,8

6,48

220,7

276,4

6,10

M3

201,7

288,6

5,82

203,3

280,3

5,70

Số liệu bảng 19 cho thấy: Các yếu tố cấu thành năng suất ở các mật độ khác nhau trong vụ 1 ở cả hai điểm thí nghiệm có sự khác biệt nhau khá lớn, đặc biệt là số cây/m2 cụ thể như sau: Đối với điểm Hoài Nhơn, số cây/m2 biến động từ 201,7–266,7 cây/m2, trong đó cao nhất là mật độ 15x20 cm (M1), tiếp đến là mật độ đối chứng (M2) 229,3 cây/m2 và số cây thấp nhất là mật độ 20 x 25 cm. Khối lượng 100 cây đạt từ 278,4 - 288,6 g, trong đó M2 có khối lượng 100 cây là 282,8g, cao hơn M1(15x20 cm) và thấp hơn mật độ 20x25 cm.Năng suất lý thuyết cao nhất là M1 (7,42 tấn/ha), tiếp đến là M2 (Đ/C) là 6,48 tấn/ha và thấp nhất là M3 là 5,82 tấn/ha. Đối với điểm Phù Cát các yếu tố cấu thành năng suất của cói ở các mật độ khác nhau tương tự với điểm Hoài Nhơn cụ thể là số cây/m2 biến động từ 203,3–251,3 cây/m2, trong đó cao nhất là M1, tiếp đến là M2 (Đ/C) là 220,7 cây/m2 và số cây thấp nhất là M3. Khối lượng 100 cây đạt từ 270,7 – 280,3 g, trong đó công thức đối chứng có khối lượng 100 cây là 276,4 g, thấp hơn M3 và cao hơn M1. Năng suất lý thuyết cao nhất là M1 (6,81 tấn/ha), tiếp đến M2 (Đ/C) là6,10 tấn/ha và thấp nhất M 3 là 5,70 tấn/ha. Nhìn chung,số cây/m2 trong vụ đầu ở các mật độ khác nhau có sự khác biệt rõ ràng vì khả năng đẻ nhánh của cói ở vụ đầu chưa đạt được mật độ tối ưu nên M1 (15x20 cm) có năng suất lý thuyết cao hơn M2 (20x20 cm) và M3 (20x25 cm).

Bảng 20.Ảnh hưởng của mật độ trồng cói đến các yếu tố cấu thành năng suất cói huyện Hoài Nhơn và Phù Cát năm 2014

Công thức

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

Số cây TT/ m2 (cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

Số cây TT/ m2 (cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

M1

281,3

341,2

9,60

285,7

323,8

9,25

M2 (Đ/C)

287,7

342,6

9,86

276,7

325,7

9,02

M3

273,0

342,9

9,36

279,3

325,5

9,10

Từ kết quả bảng 20 cho thấy: Các yếu tố cấu thành năng suất ở các mật độ khác nhau trong năm thứ 2 ở cả hai điểm thí nghiệm không có sự khác biệt nhau nhiều cụ thể như sau: Đối với điểm Hoài Nhơn, số cây/m2 biến động từ 273,0-287,7 cây/m2, trong đó cao nhất là công thức M2 (287,7 cây/m2), tiếp đến là M1 (281,3 cây/m2) và số cây thấp nhất là M3. Khối lượng 100 cây đạt từ 341,2 - 342,9g, trong đó M2 có khối lượng là 242,6g.Năng suất lý thuyết cao nhất là M2

(9,86 tấn/ha), tiếp đến là M1 (9,60 tấn/ha) và thấp nhất là M3 (9,36 tấn/ha).

Đối với điểm Phù Cát các yếu tố cấu thành năng suất của cói ở các mật độ khác nhau cụ thể, số cây/m2 biến động từ 276,7-285,7 cây/m2, trong đó cao nhất là M1, tiếp đến là M3(279,3 cây/m2)  và M2 (276,8 cây). Khối lượng 100 cây đạt từ 323,8 - 325,7g, trong đó M2 có khối lượng 100 cây là 325,7g, cao hơn M1 (323,8g) và M3 (325,5g). Năng suất lý thuyết cao nhất là M1 (9,25 tấn/ha), tiếp đến là M3 (9,10 tấn/ha) và M2 đối chứng (9,02 tấn/ha).

Bảng 21. Ảnh hưởng của mật độ trồng cói đến năng suất cói trong năm 2013 - 2014tại Hoài Nhơn và Phù Cát

Đơn vị tính: tấn/ha

Công  thức

Năng suất tại điểm Hoài Nhơn

Năng suất tại điểm Phù Cát

Vụ HT 2013

Vụ ĐX 2014

Vụ HT
2014

Vụ HT 2013

Vụ ĐX 2014

Vụ HT
2014

M1

6,55

8,67

8,42

6,15

8,51

8,48

M2 (Đ/C)

6,31

8,45

8,73

5,59

8,24

8,57

M3

5,71

8,39

8,60

5,16

8,31

8,53

CV (%)

5,4

6,5

6,7

7,5

7,8

8,8

LSD0,05

0,76

1,25

1,30

0,96

1,47

1,69

Ghi chú: Vụ HT 2013: vụ thứ 1 (V1); Vụ ĐX 2014: vụ thứ 2 (V2); Vụ HT 2014: vụ thứ 3 (V3)

Số liệu về năng suất bảng 21 cho thấy: Ở cả hai điểm thí nghiệm năng suất cói vụ thứ 1 có sự sai khác nhau khá lớn giữ các mật độ trồng. Tuy nhiên từ vụ thu hoạch thứ 2 trở đi năng suất cói ở các mật độ trồng khác nhau hầu như không có sự sai khác cụ thể tại điểm Hoài Nhơn, năng suất cói vụ một biến động từ 5,71-6,55 tấn/ha, năng suất cói ở M2 (Đ/C) đạt 6,31 tấn/ha, thấp hơn M1 (4,5%), cao hơn M3 (10,5%) và không có sự sai khác thống kê so với các mật độ còn lại, tuy nhiên công thức M1 là công thức có năng suất cao nhất và cao hơn công thức M3 (15,8%) ở mức có ý nghĩa thống kê. Năng suất cói vụ 2 và vụ 3 trong năm 2014 ở các mật độ trồng khác nhau không có sự sai khác nhauvề mặt thống kê cụ thể: năng suất ở vụ 2 đạt từ 8,39-8,67 tấn/ha, trong đó công thức đối chứng đạt 8,45tấn/ha, năng suất cói vụ 3 của các mật độ khác nhau đạt từ 8,42-8,73 tấn/ha, trong

đó đối chứng (8,73 tấn/ha). 

Tại điểm Phù, năng suất cói vụ một biến động từ 5,16-6,15 tấn/ha, năng suất cói ở công thức đối chứng đạt 5,59 tấn/ha , thấp hơn công thức một, cao hơn công thức 3 và không có sự sai khác thống kê so với các công thức còn lại, tuy nhiên công thức M1 là công thức có năng suất cao nhất và cao hơn công thức 3 (17,3%). Tương tự điểm Hoài Nhơn, năng suất cói vụ 2 và vụ 3 trong năm 2014 ở các mật độ trồng khác nhau không có sự sai khác nhau về mặt thống kê cụ thể: năng suất ở vụ 2 đạt từ 8,24-8,51 tấn/ha, trong đó công thức đối chứng đạt 8,24 tấn/ha, năng suất cói vụ 3 của các mật độ khác nhau đạt từ 8,48-8,57 tấn/ha, trong đó đối chứng (8,57 tấn/ha).

Bảng 22: Ảnh hưởng của mật và thời vụ độ đến năng suất và tỷ lệ cói loại 1 tại hai điểm Hoài Nhơn và Phù Cát từ năm 2013 - 2014

Công thức

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

Trung bình tại 2 điểm

Năng suất (tấn/ha)

Tỷ lệ cói loại 1 (%)

Năng suất (tấn/ha)

Tỷ lệ cói loại 1 (%)

Năng suất (tấn/ha)

Tỷ lệ cói loại 1 (%)

Trung bình theo mật độ

M1

7,88a

61,80a

7,71a

62,40a

7,80

62,10

M2

7,83a

61,20a

7,47a

60,70a

7,65

60,95

M3

7,57a

60,50a

7,33a

61,10a

7,45

60,80

CV% (Mật độ)

8,64

9,04

11,67

5,71

Trung bình theo vụ

V1 (HT 2013)

6,19b

62,10a

5,63b

61,40a

5,91

61,75

V2 (ĐX 2014)

8,51a

60,74a

8,37a

60,30a

8,44

60,52

V3 (HT 2014)

8,59a

60,66a

8,53a

62,50a

8,56

61,58

CV% (Mật độ*Vụ)

7,61

4,76

7,65

4,37

P (Mật độ)

0,6107

0,8860

0,6518

0,6012

P (Vụ)

0,0000

0,5171

0,0000

0,2632

P (Mật độ*Vụ)

0,6550

0,3590

0,6195

0,2716

(Ghi chú: a, b, c ... chỉ ra các công thức có cùng ký tự trong một cột không có sai khác ý nghĩa tại mức 0,05; p > 0,05: không có sự khác biệt; p< 0,05: có sự khác biệt)

Tại điểm Hoài Nhơn, năng suất thực thu giữa các mật độ khác nhau dao động từ7,57 - 7,88 tấn/ha và không có sự sai khác (P = 0,6107 > 0,05). Tuy nhiên, giữa các vụ khác nhau có sự sai khác khá lớn giữa vụ HT năm 2013 so với vụ ĐX và HT năm 2014, năng suất của 2 vụ năm 2014 đạt trên 8,5 tấn/ha, trong khi vụ HT năm 2013 chỉ đạt 6,19 tấn/ha với P = 0,0000, giữa hai vụ năm 2014 năng suất không có sự sai khác. Tương tự với điểm Hoài Nhơn, điểm Phù Cát năng suất thực thu giữa các mật độ khác nhau không có sự sai khác, cụ thể năng suất biến động từ 7,33 – 7,71 tấn/ha với P = 0,6158 > 0,05. Tuy nhiên, giữa các vụ khác nhau có sự sai khác lớn với P = 0,0000, cụ thể vu HT năm 2013 có năng suất thấp nhất (5,63 tấn/ha), trong khi 2 vụ ĐX và HT năm 2014 có năng suất tương đương nhau lần lượt là 8,37 và 8,53 tấn/ha. Ở cả hai điểm Hoài Nhơn và Phù Cát, tỷ lệ cói loại 1 không có sự sai khác giữa các mật độ trồng khác nhau và giữa các thời vụ khác nhau với giá trị P ở cả hai điểm và hai thời vụ đều lớn hơn 0,05 cụ thể tỷ lệ cói loại 1 dao động từ 60,5 – 62,4% đối với mật độ trồng khác nhau, và từ 60,3 – 62,5% đối với vụ khác nhau.

Tóm lại, qua theo dõi sinh trưởng phát triển và các yếu tố cấu thành năng suất cho thấy mật độ trồng quyết định nhiều đến số cây/m2 ở vụ đầu, nhưng đến vụ thứ hai hầu như mật độ trồng không ảnh hưởng đến đến số cây/m2 vì sau vụ thứ 1 cói có khả năng đẻ nhánh để đạt được mật độ tối ưu do đó các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất cói ở các mật độ trồng khác nhau chỉ thể hiện sai khác trong vụ thứ 1, còn lại vụ thứ2 và thứ3 hầu như không có sự sai khác giữa các mật độ trồng khác nhau, nên đối với cây cói mật độ trồng chỉ có ý nghĩa trong vụ đầu tiên.

3.3.2. Ảnh hưởng của mật độ đến mức độ gây hại của một số loại sâu bệnh chính trên cây cói

Bảng 23. Mức độ gây hại của một số loại sâu bệnh chính trên cây cói

Công thức

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

Sâu đục thân (%)

Đốm vàng (cấp 1-9)

Sâu đục thân (%)

Đốm vàng (cấp 1-9)

M1

2,4

1

2,1

1

M2 (Đ/C)

1,1

1

1,3

1

M3

1,4

1

1,2

1

Trong điều kiện thí nghiệm, cói ở các công thức thí nghiệm thường xuyên được kiểm tra và phun phòng trừ sâu, bệnh hại kịp thời nên mức gây hại của sâu bệnh trong thí nghiệm ở mức thấp và ít loài gây hại. Qua theo dõi thí nghiệm chỉ thấy có hài loài gây hại chính là sâu đục thân và bệnh đốm vàng. Mức độ gây hại của sâu đục thân ở các công thức thí nghiệm dưới 2,5%, ở cả hai điểm thí nghiệm, bệnh đốm vàng bị hại ở cấp 1 ở cả hai điểm thí nghiệm, với mức độ sâu bệnh hại như trên không có ảnh hưởng gì đến năng suất cói trong thí nghiệm.

3.3.3. Hiệu quả kinh tế của thí nghiệm mật độ trồng cói

Bảng 24. Hiệu quả kinh tế bình quân 3 vụ cói trong thí nghiệm mật độ trồng tại hai điểm Hoài Nhơn và Phù Cát

Đơn vị tính: 1.000 đ

Chỉ tiêu đánh giá

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

M1

M2 (Đ/C)

M3

M1

M2 (Đ/C)

M3

1.Tổng chi (A)

59.200

57.360

55.480

58.720

56.160

54.628

- Công lao động

45.480

44.040

42.360

45.000

42.840

41.508

- Vật tư

13.720

13.320

13.120

13.720

13.320

13.120

2.Tổng thu (B)

94.800

94.000

90.800

92.400

90.000

87.960

- Năng suất (tấn/ha)

7,90

7,83

7,57

7,70

7,50

7,33

- Giá bán (1.000 đ/tấn)

12.000

12.000

12.000

12.000

12.000

12.000

3.Hiệu quả

- Lãi thuần = (B)-(A)

35.600

36.640

35.320

33.680

33.840

33.320

- Lãi tăng/giảm so Đ/C

-1.040

0

-1.320

-160

0

-508

- Tỷ suất lợi nhuận (lần)

0,60

0,64

0,64

0,57

0,60

0,61

Hiệu quả kinh tế trung bình ở các mật độ trồng khác nhau hầu như không có sự khác nhau ở cả hai điểm thí nghiệm cụ thể: tại Hoài Nhơn, lãi thuần đạt từ 35,32– 36,64 triệu đồng/ha, mặc dù M1 có tổng thu cao do năng suất cao, nhưng tổng chi lớn hơn M2 và M3 do chi phí giống và công tăng nên lãi thuần chỉ đạt tương đương M2 và M3, tỷ suất lợi nhuận từ 0,60–0,64 lần, trong đó M2 (Đ/C) và M3 có tỷ suất lợi nhuận đạt 0,64 lần cao hơn M1 (0,60 lần). Đối với điểm Phù Cát, lãi thuần ở 3 mật độ trồng khác nhau đạt 33,32–33,84 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận đạt từ 0,57–0,61 lần, trong đó đối chứng (M2) có tỷ suất lợi nhuận đạt 0,60 lần cao hơn M1 (0,57 lần). Nhìn chung, mặc dù hiệu quả kinh tế giữa các mật độ trồng khác nhau không có sai khác nhiều, nhưng mật độ trồng 20 x 20 cm (M2) là mật độ trồng có chi phí ở mức trung bình và lãi thuần đạt cao nhất (tính trung bình 2 điểm).

3.4. Nghiên cứu phân bón cho cây cói

3.4.1. Ảnh hưởng của phân bón đến sinh trưởng phát triển, năng suất của cây cói

Bảng 25.Ảnh hưởng của phân bón đến một số chỉ tiêu sinh trưởng phát triển của cói từ năm 2013 – 2014 tại điểm thí nghiệm ở Hoài Nhơn và Phù Cát

Công thức

Tại điểmHoài Nhơn

Tại điểmPhù Cát

Tỷ lệ sống
(%)

Cao cây
(cm)

Đường kính thân
(mm)

Tỷ lệ sống
(%)

Cao cây
(cm)

Đường kính thân
(mm)

P1

100

164,5

5,7

100

161,1

5,9

P2

100

165,7

6,0

100

162,9

6,0

P3

100

167,8

6,2

100

166,7

6,1

P4

100

169,6

6,3

100

166,8

6,1

P5 (Đ/C)

100

161,3

5,7

100

158,5

5,8

Ghi chú: P1: 200 N + 32 P2O5 + 150 K2O; P2: 220 N + 32 P2O5 + 150 K2O; P3: 240 N + 32 P2O5 + 150 K2O; P4: 260 N + 32 P2O5 + 150 K2O; P5: 600 kg NPK 20-20-15 (Đ/c – Nông dân đang thực hiện);

Qua số liệu bảng 25 cho thấy: Tỷ lệ sống của cói của các công thức trong cả hai điểm thí nghiệm đều đạt 100%, chiều cao cây đạt 161,3–169,6 cm đối với điểm Hoài Nhơn và đạt 158,5–167,8cm đối với điểm Phù cát, ở cả hai điểm thí nghiệm chiều cao cây của công thức đối chứng đều thấp nhất và cao nhất là công thức 4 (P4) tiếp đến là công thức 3 (P3). Tương tự như chiều cao cây, đường kính thân nhỏ nhất là công thức đối chứng của dân (P5) và lớn nhất là P4 và P3, cụ thể: đường kính thân của cói ở các công thức bón phân khác nhau tại Hoài Nhơn đạt từ 5,7–6,3 mm, điểm Phù Cát đạt 5,8–6,1 mm.

Bảng 26.Ảnh hưởng của phân bón đến các yếu tố cấu thành năng suất cói tại điểm Hoài Nhơn và Phù Cát năm 2013

Công thức

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

Số cây TT/ m2(cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

Số cây TT/ m2(cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

P1

211,7

306,5

6,49

209,0

284,3

5,94

P2

214,3

323,1

6,92

212,7

303,9

6,46

P3

224,0

321,4

7,20

223,3

291,1

6,50

P4

212,7

347,9

7,40

215,0

312,6

6,72

P5 (Đ/C)

209,3

287,7

6,02

211,7

278,7

5,90

Kết quả nghiên cứu trên cho thấy: Các yếu tố cấu thành năng suất ở các mức bón phân khác nhau trong vụ một ở cả hai điểm thí nghiệm có sự khác biệt nhau khá lớn cụ thể như sau: Đối với điểm Hoài Nhơn, số cây/m2 biến động từ 209,3–224,0 cây/m2, trong đó cao nhất là P3 (224,0 cây/m2), tiếp đến là P4 (212,7 cây/m2) và số cây thấp nhất là P5 (Đ/C) (209,3 cây/m2). Khối lượng 100 cây đạt từ 287,7-347,9 g, trong đó P5 có khối lượng 100 cây là 286,7 g, thấp hơn các công thức khác trong thí nghiệm, cao nhất là P4 (347,9 g) tiếp đến là P3 (321,4 g). Tương tự như khối lượng 100 cây, năng suất lý thuyết thấp nhất là P5 (6,02 tấn/ha), cao nhất là P4 (7,40 tấn/ha), tiếp đến là P3 (7,20 tấn/ha).

Đối với điểm Phù Cát, số cây/m2 biến động từ 209,0–223,3 cây/m2, trong đó P5 là 211,7 cây/m2 cao hơn P1 và thấp hơn các công thức còn lại, số cây/m2 cao nhất là P3 (223,3 cây/m2), tiếp đến là P4 (215,0 cây/m2) và số cây thấp nhất là P1 (209,0 cây/m2). Khối lượng 100 cây đạt từ 278,7-312,6 g, trong đó P5 có khối lượng 100 cây là 278,7g, thấp hơn P2; P3 và P4, cao nhất là công thức 4 (312,6g) tiếp đến là P3 (303,9 g). Vì vậy, năng suất lý thuyết thấp nhất là công thức đối chứng (P5) và P1 (5,94 tấn/ha), cao nhất là P4 (6,72 tấn/ha), tiếp đến là P3 (6,50 tấn/ha).Điều này cũng trùng với kết quả tại Hoài Nhơn. Tuy nhiên, kết quả về năng suất ở Hoài Nhơn luôn cao hơn so với thí nghiệm tại Phù Cát.

Bảng 27.Ảnh hưởng của phân bón đến các yếu tố cấu thành năng suất cói tại huyện Hoài Nhơn và Phù Cát năm 2014

Công thức

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

Số cây TT/ m2(cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

Số cây TT/ m2(cây)

Khối

lượng 100 cây (g)

NS lý thuyết (tấn/ha)

P1

274,0

298,3

8,17

274,0

292,8

8,03

P2

281,3

334,3

9,40

278,3

312,6

8,70

P3

289,0

338,9

9,80

288,7

313,1

9,03

P4

288,3

349,0

10,06

285,3

324,5

9,26

P5 (Đ/C)

273,7

295,5

8,07

275,7

286,5

7,90

Các yếu tố cấu thành năng suất ở các mức bón phân khác nhau trong năm thứ hai ở cả hai điểm thí nghiệm cao hơn nhiều so với vụ thứ 1: Đối với điểm Hoài Nhơn, số cây/m2 biến động từ 273,7–289,0 cây/m2, trong đó cao nhất là P3 (289,0 cây/m2), tiếp đến là P2 (281,3 cây/m2) và số cây/m2 thấp nhất là P5 (273,7cây/m2). Khối lượng 100 cây đạt từ 295,5-349,0 g, trong đó P5 có khối lượng 100 cây thấp nhất (295,5 g), cao nhất là P4 (349,0 g) tiếp đến là P3 (338,9 g). Tương tự,năng suất lý thuyết thấp nhất là P5 (8,07 tấn/ha), cao nhất là P4 (10,06 tấn/ha), tiếp đến là P3 (9,80 tấn/ha).

Tại điểm thí nghiệm Phù Cát, số cây/m2 biến động từ 274,0–288,7 cây/m2, trong đó P5là 275,7 cây/m2 cao hơn P1 và thấp hơn các công thức còn lại, số cây/m2 cao nhất là P3 (288,7 cây/m2), tiếp đến là P4 (285,3 cây/m2). Khối lượng 100 cây đạt từ 286,5-324,5 g, trong đó thấp nhất làP5(286,5 g), cao nhất là P4 (324,5 g) tiếp đến là P2 (312,6). Năng suất lý thuyết thấp nhất là P5 (7,90 tấn/ha), cao nhất là P4 (9,26 tấn/ha), tiếp đến là P3 (9,03tấn/ha).Điều này cũng trùng với kết quả thí nghiệm tại Hoài Nhơn. Tuy nhiên, kết quả về năng suất ở Hoài Nhơn luôn cao hơn so với thí nghiệm tại Phù Cát.

Bảng 28.Ảnh hưởng của phân bón đến năng suất cói tại điểmHoài Nhơn và

Phù Cát năm 2013–2014

Đơn vị tính: tấn/ha

Công  thức

Năng suất tại điểm Hoài Nhơn

Năng suất tại điểm Phù Cát

Vụ HT 2013

Vụ ĐX 2014

Vụ HT
2014

Vụ HT 2013

Vụ ĐX 2014

Vụ HT
2014

P1

5,90

7,27

5,31

7,17

7,26

P2

6,12

7,98

7,96

5,67

7,70

7,96

P3

6,50

8,60

8,68

6,10

8,53

8,67

P4

6,46

8,73

8,87

6,19

8,69

8,77

P5 (Đ/C)

5,38

6,84

6,93

5,25

6,97

7,19

CV (%)

7,7

6,4

7,7

5,9

5,7

7,3

LSD0,05

0,88

0,95

1,14

0,63

0,80

1,09

Ghi chú: Vụ HT 2013: vụ thứ 1 (V1); Vụ ĐX 2014: vụ thứ 2 (V2); Vụ HT 2014: vụ thứ 3 (V3)

Qua bảng số liệu trên cho thấy: tại điểm Hoài Nhơn, năng suất cói vụ thứ 1 biến động từ 5,38–6,50 tấn/ha, năng suất cói ở P5 đối chứng thấp nhất(5,38 tấn/ha), P3 có năng suất cao nhất (6,50 tấn/ha), P4 (6,46 tấn/ha) và tăng so với P5 đối chứnglà 20,4% có ý nghĩa thống kê ở mức 95%. Năng suất cói vụ thứ 2 và vụ thứ 3 trong năm 2014 ở các mức bón phân khác nhau có sự sai khác nhau khá lớn cụ thể: năng suất ở vụ thứ 2 đạt từ 6,84–8,73 tấn/ha, trong đó công thức đối chứng P5 đạt thấp nhất (6,84 tấn/ha), cao nhất và cao hơn đối chứng có ý nghĩa thống kê ở mức 95% là P4 (8,73 tấn/ha), tiếp đến là P3 (8,60 tấn/ha), P2 (7,98 tấn/ha), so sánh năng suất tăng so với P5 (đối chứng) theo thứ tự là P4 tăng 27,9%, P3 tăng 26,5%, P2 tăng 17,6%. Năng suất cói vụ thứ 3 đạt từ 6,93–8,87 tấn/ha, tương tự như vụ thứ 2 năng suất cói của P5  thấp nhất và thấp hơn P4, P3 và P2 có ý nghĩa thống kê ở mức 95%, so sánh năng suất tăng so với đối chứng lần lượt là P4 tăng 29,0%, P3 tăng 26,1%, P2 tăng 18,8%.

Tại điểm Phù, năng suất cói vụ một biến động từ 5,25–6,19 tấn/ha, năng suất cói ở công thức đối chứng P5 là thấp nhất (5,25 tấn/ha), P4 có năng suất cao nhất (6,19 tấn/ha), tiếp đến là P3 (6,10 tấn/ha) và cao hơn P5 là 15,1%, sai khác có ý nghĩa thống kê ở mức 95%. Năng suất cói vụ thứ 2 năm 2014 đạt từ 6,97–8,69 tấn/ha, trong đó P5đạt thấp nhất (6,97 tấn/ha), cao nhất và cao hơn đối chứng có ý nghĩa thống kê ở mức 95% là P4 (8,69 tấn/ha), tiếp đến là P3 (8,53 tấn/ha), so sánh năng suất tăng so với P5 (Đ/C) theo thứ tự là P4 tăng 24,3%, P3 tăng 21,4%. Năng suất cói vụ thứ 3 đạt từ 7,19–8,77 tấn/ha, tương tự như vụ 2 năng suất cói của P5 (Đ/C) thấp nhất và thấp hơn P4 vàP3 có ý nghĩa thống kê ở mức 95%, so sánh năng suất tăng so với đối chứng P5 theo thứ tựP4 tăng 22,2%, P3 tăng 20,8%.

Bảng 29: Năng suất và tỷ lệ cói loại 1 giữa các mức phân bón và thời vụ khác nhau tại hai điểm Hoài Nhơn và Phù Cát

Công thức

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

Trung bình tại 2 điểm

Năng suất (tấn/ha)

Tỷ lệ cói loại 1 (%)

Năng suất (tấn/ha)

Tỷ lệ cói loại 1 (%)

Năng suất (tấn/ha)

Tỷ lệ cói loại 1 (%)

Trung bình của phân bón

P1

6,77bc

51,21c

6,60b

50,20c

6,68

50,70

P2

7,43ab

60,40b

7,13b

57,50b

7,28

58,90

P3

7,93a

65,70ab

7,77a

63,80a

7,85

64,80

P4

8,03a

67,20a

7,89a

64,40a

7,97

65,80

P5 (Đ/C)

6,37c

48,30c

6,50b

47,30c

6,43

47,80

CV% (Phân)

10,70

8,33

8,33

5,50

Trung bình của vụ

V1 (HT 2013)

6,07b

59,0a

5,70b

57,3a

5,89

58,15

V2 (ĐX 2014

7,85a

58,4a

7,81a

55,9a

7,83

57,15

V3 (HT 2014)

7,98a

58,3a

7,97a

56,7a

7,92

57,50

CV% (Phân*Vụ)

4,46

4,95

5,33

5,02

P (Phân bón)

0,0100

0,0001

0,0027

0,0000

P (Vụ)

0,0000

0,7370

0,0000

0,4523

P (Phân*Vụ)

0,2176

0,6193

0,6415

0,3144

(Ghi chú: a, b, c ... chỉ ra các công thức có cùng ký tự trong một cột không có sai khác ý nghĩa tại mức 0,05; p > 0,05: không có sự khác biệt; p< 0,05: có sự khác biệt)

Tại điểm Hoài Nhơn, năng suất thực thu giữa các mức phân bón khác nhau dao động từ  6,37 – 8,03 tấn/ha và có sự sai khác nhiều (P = 0,0100< 0,05), trong đó P4 (với 260N) có năng suất cao nhất 8,03 tấn/ha, tiếp đến là P3 (7,93 tấn/ha) và thấp nhất là P5 (6,37 tấn/ha). Giữa các thời vụ khác nhau có sự sai khác khá lớn giữa vụ HT năm 2013 so với vụ ĐX và HT năm 2014, năng suất của 2 vụ năm 2014 đạt trên 7,8 tấn/ha, trong khi vụ HT năm 2013 chỉ đạt 6,07 tấn/ha với P = 0,0000. Tuy nhiên, giữa hai vụ năm 2014 năng suất không có sự sai khác. Tương tự với điểm Hoài Nhơn, điểm Phù Cát năng suất thực thu có sự sai khác rõ rệt giữa các mức phân bón, trong đó năng suất cao nhất P4 (7,89 tấn/ha, tiếp đến là P3 (7,77 tấn/ha) và thấp nhất là P5 (6,50 tấn/ha) với P = 0,0027< 0,05. Đồng thời, giữa các vụ khác nhau có sự sai khác lớn với P = 0,0000; cụ thể vu HT năm 2013 có năng suất thấp nhất (5,70 tấn/ha), trong khi 2 vụ ĐX và HT năm 2014 có năng suất tương đương nhau lần lượt là 7,81 và 7,97 tấn/ha. Sự khác nhau lớn giữa vụ HT năm 2013 so với vụ ĐX và HT năm 2014 là do vụ HT năm 2013 là vụ cói mới cấy nên mật độ cói chưa đạt đến mật độ tối ưu, hai vụ ĐX và HT năm 2014 không có sự khác nhau là do từ vụ thứ 2 cây cói đã đạt được mật độ tối ưu và ổn định.

Tỷ lệ cói loại 1 có sự sai khác rõ rệt giữa các mức phân bón khác nhau ở cả hai điểm thí nghiệm với P = 0,0000 ở cả hai điểm,  cụ thể tại điểm Hoài Nhơn, tỷ lệ cói loại 1 dao động từ 48,3 – 67,2%, trong đó tỷ lệ cói loại 1 đạt cao nhất ở P4 và P3 (trên 65%) và thấp nhất là P5 (đối chứng). Tương tự với điểm Hoài Nhơn, ở Phù Cát, tỷ lệ cói loại 1 dao động từ 47,3 – 64,4%, trong đó tỷ lệ cói loại 1 đạt cao nhất ở P4 và P3 (trên 63%) và thấp nhất là P5 (đối chứng). Tuy nhiên, giữa các vụ khác nhau tỷ lệ cói loại 1 là không cói sự sai khác ở cả hai điểm, ở Hoài Nhơn với P = 0,6514, tỷ lệ cói loại 1 đạt từ 58,3 – 59,0%, ở Phù Cát với P = 0,5800 tỷ lệ cói loại 1 đạt từ  từ 55,9 – 57,3%.

Tóm lại, qua 3 vụ triển khai theo dõi sinh trưởng phát triển, các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất của cói ở các mức bón phân khác nhau cho thấy lượng phân bón theo Trung tâm Khuyến nông (260N + 32 P2O5 + 150 K2O) và lượng phân bón 240N +32 P2O5 + 150 K2O cho năng suất và chất lượng cói tương đương nhau (năng suất trên 7,7 tấn/ha, tỷ lệ cói loại 1 trên 60%) và năng cao hơn trên 20% so với công thức đối chứng của dân (600 kg NPK 20-20-15).

3.4.2. Ảnh hưởng của phân bón đến mức độ gây hại của một số loại sâu bệnh

chính trên cây cói

Bảng30. Mức độ gây hại của một số loại sâu bệnh chính trên cây cói

Công thức

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

Sâu đục thân (%)

Đốm vàng (cấp 1-9)

Sâu đục thân (%)

Đốm vàng (cấp 1-9)

P1

1,2

1

0,7

1

P2

0,9

1

1,1

1

P3

1,4

1

1,5

1

P4

1,6

1

1,2

1

P5 (Đ/C)

0,7

1

0,8

1

Qua theo dõi thí nghiệm cho thấy có hài loài gây hại chính là sâu đục thân và bệnh đốm vàng. Mức độ gây hại của sâu đục thân ở các công thức thí nghiệm dưới 2%, ở cả hai điểm thí nghiệm, bệnh đốm vàng bị hại ở cấp 1 ở cả hai điểm thí nghiệm, với mức độ sâu bệnh hại như trên không có ảnh hưởng gì đến năng suất cói trong thí nghiệm.

3.4.3. Hiệu quả kinh tế của thí nghiệm bón phân cho cây cói

Bảng 31.Hiệu quả kinh tế tính trung bình của 3 vụ cói trongthí nghiệm phân bón tại điểm thí nghiệm ở Hoài Nhơn(tính cho 1 ha/vụ)

Đơn vị tính: 1.000 đồng

Chỉ tiêu đánh giá

Tại điểm Hoài Nhơn

P1

P2

P3

P4

P5 (Đ/C)

1. Tổng chi (A)

52.590

55.468

57.708

58.498

52.972

- Công lao động

40.140

42.588

44.388

44.748

38.772

- Vật tư

12.450

12.880

13.320

13.750

14.200

2. Tổng thu (B)

81.000

89.160

95.160

96.360

76.440

- Năng suất (tấn)

6,75

7,43

7,93

8,03

6,37

- Giá bán (1.000đ/tấn)

12.000

12.000

12.000

12.000

12.000

3. Hiệu quả

-Lãi thuần = (B) – (A)

28.410

33.692

37.452

37.862

23.468

- Lãi ròng tăng so với Đ/C

4.920

10.224

13.984

14.394

-

- Tỷ lệ lãi ròng so với Đ/C (%)

121,1

143,6

159,6

161,3

100,0

- Tỷ suất lợi nhuận (lần)

0,54

0,61

0,65

0,65

0,44

Kết quả tính toán về hiệu quả kinh tế cho thấy: tại điểm Hoài Nhơn, mặc dù tổng chi của công thức đối chứng (P5) thấp nhất chủ yếu là do chi phí công lao động thấp hơn khá nhiều so với các công thức còn lại, nhưng lãi thuần chỉ đạt 23,468 triệu đồng/ha/vụ vì năng suất thấp dẫn đến tổng thu thấp. Công thức P3 và P4 có hiệu quả kinh tế đạt cao nhất (trên 37,452 – 37,862 triệu đồng/ha/vụ), hiệu quả kinh tế tăng 59,6 – 61,3% (13,984 – 14,394 triệu đồng/ha/vụ) so với P5 (Đ/C), tỷ suất lợi nhuận đạt 0,65 lần, mặc dù tổng chi cao nhưng năng suất cói cao hơn khá nhiều so với các công thức còn lại do đó tổng thu của haiP3 và P4 đạt trên 95,160 – 96,360 triệu đồng/ha/vụ các công thức còn lại tổng thu đều đạt dưới 90 triệu đồng/ha/vụ.

Bảng 32. Hiệu quả kinh tế tính trung bình của 3 vụ cói trong thí nghiệm phân bón tại điểm thí nghiệm ở Phù Cát (tính cho 1 ha/vụ)

Đơn vị tính: 1.000 đồng

Chỉ tiêu đánh giá

Tại điểm Phù Cát

P1

P2

P3

P4

P5 (Đ/C)

1. Tổng chi (A)

52.014

54.388

57.132

57.994

53.440

- Công lao động

39.564

41.508

43.812

44.244

39.240

- Vật tư

12.450

12.880

13.320

13.750

14.200

2. Tổng thu (B)

79.080

85.560

93.240

94.680

78.000

- Năng suất (tấn)

6,59

7,13

7,77

7,89

6,50

- Giá bán (1.000đ/tấn)

12.000

12.000

12.000

12.000

12.000

3. Hiệu quả

-Lãi thuần = (B) - (A)

27.066

31.172

36.108

36.686

24.560

- Lãi ròng tăng so với Đ/C

2.506

6.612

11.548

11.548

-

- Tỷ lệ lãi ròng so với Đ/C (%)

110,2

126,9

147,0

149,4

100,0

- Tỷ suất lợi nhuận (lần)

0,52

0,57

0,63

0,63

0,46

Tương tự tại Phù Cátlãi thuần đạt cao nhất là công thức P4 (36,7 triệu đồng/ha), lợi nhuận tăng 49,4%(12,126 triệu đồng/ha) so với P5 (Đ/C), tiếp đến là P3 (36,1 triệu đồng/ha), lợi nhuận tăng 47,0% (11,548 triệu đồng/ha) so với công thức đối chứng, hai công thức P1 và P2 hiệu quả kinh tế có cao hơn công thức đối chứng nhưng ở mức thấp. Mặc dù công thức P4 có hiệu quả kinh tế cao hơn công thức P3 là 0,578 triệu đồng/ha, nhưng tỷ suất lợi nhuận là như nhau (0,63 lần). Như vậy, công thức bón phân P3 và P4 vừa đạt năng suất cao nhất, lãi thuần cao nhất nên sẽ khuyến cáo cho nông dân áp dụng vào sản xuất mức phân bón ở 2 công thức này tại huyện Hoài Nhơn và Phù Cát.


3.5. Kết quả phân tích đất, nước trước và sau thí nghiệm, mô hình tại hai điểm Hoài Nhơn và Phù Cát

Bảng 33.Kết quả phân tích hóa tính đất, nước trước và sau thí nghiệm tại Hoài Nhơn và Phù Cát

Mẫu đất tại 2 điểm thí nghiệm

pHKCl

OM%

N (%)

P2O5 (%)

K2O (%)

P2O5dt (mg/100g)

K2Odt

(mg/100g)

Độ mặn

đất (‰)

Độ mặn

nước (‰)

Trước

Sau

Trước

Sau

Trước

Sau

Trước

Sau

Trước

Sau

Trước

Sau

Trước

Sau

Trước

Sau

Trước

Sau

1.      Phù Cát

- Giống

4,3

4,8

1,56

1,75

0,07

0,08

0,05

0,05

0,24

0,25

21,3

21,5

11,1

11,2

0,87

0,91

0,78

0,81

- Mật độ

4,2

4,6

1,52

1,71

0,07

0,07

0,06

0,06

0,22

0,22

20,9

20,9

10,9

10,9

0,85

0,90

- Phân bón

4,1

4,6

1,49

1,57

0,07

0,07

0,05

0,05

0,22

0,23

21,8

22,1

11,5

11,7

0,85

0,93

- Mô hình

4,2

4,7

1,61

1,83

0,06

0,07

0,05

0,05

0,19

0,19

18,5

18,7

9,82

9,90

1,03

1,10

0,83

0,85

2. Hoài Nhơn

- Giống

3,9

4,6

2,10

2,29

0,09

0,09

0,08

0,08

0,45

0,45

24,7

24,9

15,7

15,7

1,05

1,05

0,92

0,97

- Mật độ

4,0

4,6

2,18

2,30

0,08

0,09

0,08

0,09

0,42

0,43

24,3

24,5

14,5

14,6

1,04

1,06

- Phân bón

4,0

4,7

2,23

2,30

0,09

0,09

0,08

0,08

0,44

0,44

26,5

26,5

14,2

14,4

1,02

1,03

- Mô hình

4,4

4,8

1,97

2,27

0,07

0,08

0,07

0,07

0,37

0,38

21,2

21,3

12,6

12,8

1,10

1,10

0,95

1,03


Theo Hội Khoa học Đất Việt Nam (2000) về tiêu chuẩn đánh giá đất, kết quả phân tích đất trước thí nghiệm tại Hoài Nhơn, lượng hữu của đất là 1,97-2,23% thuộc nhóm đất có lượng hữu cơ trung bình, pH dưới 4,5 thuộc nhóm đất có pH hạn chế, hàm lượng N tổng số 0,07-0,09% thuộc nhóm đất nghèo đạm, hàm lượng lân tổng số 0,07-0,08% thuộc nhóm đất có lượng lân trung bình, hàm lượng kali tổng số 0,37-0,45% thuộc nhóm đất nghèo kali. Tại điểm Phù Cát, pH đất thuộc vào nhóm đất có pH hạn chế (dưới 4,5), hàm lượng hữu cơ trong đất thuộc nhóm đất có hàm lượng hữu cơ trung bình, đạm tổng số dưới 1%, lân tổng số dưới 0,6% và kali tổng số dưới 1% nên thuộc nhóm đất ngèo đạm và ngèo lân và nghèo kali. Như vậy, về mặt tổng thể thì đất thí nghiệm tại hai điểm thuộc nhóm đất còn một số hạn chế về pH đất và dinh dưỡng cho cây trồng.

Qua kết quả phân tích đất trước và sau thí nghiệm ở bảng 31 cho thấy: độ chua của đất đã được cải thiện đáng kể (pHKClsau thí nghiệm từ 4,6-4,8 trong khi trước thí nghiệm pHKCl dưới 4,5) đối với cả hai điểm thí nghiệm ở Hoài Nhơn và Phù Cát, dinh dưỡng đất được cải thiện đáng kể với hàm lượng mùn tổng số sau thí nghiệm từ 1,57-1,83% trong khi trước thí nghiệm từ 1,49-1,61% (điểm Phù Cát), hàm lượng mùn tổng số ở Hoài Nhơn sau thí nghiệm 2,27-2,30% trong khi trước thí nghiệm từ 1,97-2,23%. Các chỉ tiêu dinh dưỡng khác như N,P,K tổng số, lân dễ tiêu, kali dễ tiêu sau thí nghiệm hầu như không thay đổi và ít được cải thiện. Độ mặn của đất và nước trước và sau thí nghiệm hầu như không có thay đổi nhiều và độ mặn tại hai điểm trước và sau thí nghiệm biến động từ 0,8 – 1,1‰thích hợp cho cây cói sinh trưởng phát triển tốt.Về mặt tổng thể cho thấy đất trồng cói ở Hoài Nhơn có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với đất trồng cói ở Phù Cát.Vì vậy, các kết quả thí nghiệm so sánh giống, biện pháp canh tác đều cho thấy năng suất cói ở Hoài Nhơn cao hơn so với Phù Cát.

3.6. Xây dựng mô hình trình diễn thâm canh cây cói

Trên cơ sở quy trình sản xuất thâm canh cây cói trong năm đã hoàn thiện dựa trên cở sở các thí nghiệm đã triển khai; Viện tiến hành xây dựng mô hình thâm canh cói, cụ thể: 

- Quy mô: 2 ha/2 điểm, giống sử dụng là Cói bông trắng Hoài Nhơn

- Địa điểm: xã Hoài Châu Bắc - Hoài Nhơn (1,9 ha) và xã Cát Tiến - Phù Cát (0,1 ha).

- Số hộ tham gia xây dựng mô hình: 14 (Hoài Nhơn: 12, Phù Cát: 2)

- Thời gian thực hiện: từtháng 9năm 2014 đến tháng 8 năm 2015

3.6.1. Kết quả năng suất của mô hình thâm canh cây cói

Bảng 34. Các yếu tố cấu thành năng suất cói trong mô hình tại hai huyện

Điểm lấy mẫu

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

Chiều cao (cm)

Số cây TT/m2

Khối

lượng 100 cây (g)

Chiều cao (cm)

Số cây TT/m2

Khối

lượng 100 cây (g)

Điểm  trong mô hình

1

171,5

284

295,8

170,4

277

289,4

2

168,7

276

315,2

169,2

273

317,7

3

170,2

281

306,0

171,7

280

303,6

Trung bình trong mô hình

170,1

280,3

306,8

169,8

276,7

303,6

Trung bình ngoài mô hình

163,7

273,0

274,7

162,2

270,0

270,4

Qua kết quả từ mô hình cho thấy: Chiều cao cây trung bình trong mô hình ở cả hai điểm đều cao hơn so với ngoài mô hình, cụ thể ở cả hai điểm trong mô hình đều có chiều cao cây cao hơn 169 cm, còn ngoài mô hình chỉ đạt dưới 164 cm, đây chính là nguyên nhân dẫn đến đó tỷ lệ cói loại 1 (chiều dài cây cói > 165 cm) ngoài mô hình thấp hơn so với trong mô hình. Số cây thực thu trong mô hình cao hơn ngoài mô hình, cụ thể điểm hoài nhơn số cây thực thu trong mô hình đạt 280,3 cây/m2, ngoài mô hình chỉ đạt 273 cây/m2, điểm Phù Cát số cây thực thu trong mô hình đạt 276,7 cây/m2, ngoài mô hình đạt 270,0 cây/m2. Tại điểm Hoài Nhơn với chỉ tiêu khối lượng 100 cây trong mô hình đạt 306,8 g, trong đó ngoài mô hình đạt 274,7 g, tại điểm Phù Cát, khối lượng 100 cây trong mô hình đạt 303,6 g, trong đó ngoài mô hình đạt 270,4 g.

Bảng 35. Năng suất cói trong mô hình tại hai huyện Hoài Nhơn và Phù Cát

Điểm lấy mẫu

Tại điểm Hoài Nhơn

Tại điểm Phù Cát

NS TT (tấn/ha)

Tỷ lệ cói
loại 1 (%)

NS TT (tấn/ha)

Tỷ lệ cói
loại 1 (%)

Vụ thứ 1(ĐX)

Vụ thứ 2(HT)

Trung
bình

Vụ thứ 1(ĐX)

Vụ thứ 2(HT)

Trung bình

Điểm trong
mô hình

1

8,14

9,10

8,62

69,0

7,93

8,50

8,24

63,0

2

7,93

8,65

8,29

64,0

7,61

8,72

8,20

68,0

3

7,72

8,74

8,23

67,0

7,69

8,54

8,06

65,0

Trung bình
trong mô hình

7,93

8,83

8,38

66,7

7,74

8,59

8,17

65,3

Trung bình
ngoài mô hình

6,72

7,58

7,20

55,6

6,59

7,11

6,90

54,2

Tăng so với
ngoài mô hình (%)

17,9

15,8

16,9

19,9

15,4

17,3

18,8

20,5

Kết quả theo dõi số liệu cho thấy: Tại điểm Hoài Nhơn, năng suất thực thu trong mô hình ở cả hai vụ đều cao hơn năng suất ngoài mô hình, cụ thể năng suất trung bình của vụ 1 đạt 7,93 tấn/ha, vụ thứ 2 đạt 8,83 tấn/ha và năng suất trung bình của hai vụ đạt 8,38 tấn/ha cao hơn năng suất ngoài mô hình 16,9%. Tương tự tại điểm Phù Cát năng suất cói vụ 1 đạt 7,74 tấn/ha, vụ thứ 2 đạt 8,59 tấn/ha và trung bình đạt 8,17 tấn/ha và cao hơn năng suất cói ngoài mô hình 18,8%. Tỷ lệ cói loại 1 trong mô hình ở cả hai điểm đều đạt trên 65% cói loại 1, trong khi ngoài mô hình cói loại 1 chỉ đạt dưới 55,6% (ở Hoài Nhơn) và 54,2% (ở Phù Cát). Như vậy, với việc áp dụng giống cói bông trắng và quy trình kỹ thuật thực hiện theo mô hình đã đưa năng suất và chất lượng cói cao hơn nhiều so canh tác hiện tại của các hộ dân trong vùng sản xuất cói (Năng suất tăng 16,9 – 18,8% và tỷ lệ cói loại 1 tăng 19,9 – 20,5%).

Trong quá trình triển khai mô hình, cói trong mô hình được theo dõi sâu bệnh hại thường xuyên và được phòng trừ kịp thời khi phát hiện triệu trứng sâu bệnh, nên cói trong mô hình hầu như không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh đến năng suất và chất lượng cói.

3.6.2. Đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình

Bảng 36. Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng cói tại huyện Hoài Nhơn và Phù Cát

Đơn vị tính: 1.000 đồng

Chỉ tiêu đánh giá

Điểm Hoài Nhơn

Điểm Phù Cát

Trong MH

Ngoài MH

Trong MH

Ngoài MH

1. Tổng chi (A)

59.830

54.860

59.110

53.580

- Công lao động

46.080

41.760

45.360

40.680

- Vật tư

13.750

13.100

13.750

12.900

2. Tổng thu (B)

100.800

86.400

98.400

82.800

- Năng suấtkhô (tấn/ha)

8,4

7,2

8,2

6,9

- Giá bán (1.000 đ/tấn)

12.000

12.000

12.000

12.000

3. Hiệu quả

- Lãi thuần = (B)–(A)

40.970

31.540

39.290

29.220

- Lãi thuần tăng lên so với ngoài mô hình

9.430

-

10.070

-

- Tỷ lệ lãi so với ngoài mô hình (%)

129,9

100,0

134,5

100,0

- Tỷ suất lợi nhuận (lần)

0,68

0,57

0,66

0,55

Việc áp dụng giống và quy trình kỹ thuật theo mô hình đã làm tăng hiệu quả kinh tế của sản xuất cói lên đáng kể đối với cả hai điểm thí nghiệm, cụ thể tại điểm Hoài Nhơn trong mô hình lợi nhuận đạt 40,97 triệu đồng/ha/vụ tăng 29,9% (9,43 triệu đồng/ha) so với sản xuất của các hộ dân ngoài mô hình, tương tự đối với điểm Phù Cát trong mô hình lợi nhuận đạt 39,3 triệu đồng/ha/vụ, tăng 34,5% (10,07 triệu đồng/ha/vụ) so với sản suất cói ngoài mô hình. Tỷ suất lợi nhuận của sản xuất cói theo mô hình đạt 0,66-0,68 lần, trong khi ngoài mô hình chỉ đạt 0,55 lần so với vốn đầu tư ban đầu.

Từ những kết quả đã nghiên cứu, đồng thời cùng với việc xây dựng mô hình thâm canh cói và trong khuôn khổ dự toán kinh phí của đề tài, Chúng tôi đã tiến hành tổ chức 2 lớp tập huấn về quy trình canh tác cây cói cho 100 hộ dân và tổ chức 2 hội thảo đầu bờ về kết quả thực hiện mô hình trình diễn cây cói cho 100 đại biểu (chủ yếu là nông dân tại vùng triển khai mô hình, Khuyến nông viên ở xã, huyện và chính quyền địa phương thôn, xã), cụ thể như sau:

Bảng 37. Kết quả tập huấn và hội nghị đầu bờ

Nội dung

Địa điểm

Số lớp (hội nghị)

Số người/lớp (hội nghị)

Buổi /lớp (hội nghị)

Tổng số người

1. Tập huấn

Cát Tiến –Phù Cát

1

50

1

100

Tam Quan Bắc – Hoài Nhơn

1

50

1

2. Hội nghị

Cát Tiến –Phù Cát

1

50

1

100

Hoài Châu Bắc – Hoài Nhơn

1

50

1

Hầu hết học viên tham gia tập huấn đã nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cói và sẽ áp dụng vào sản xuất trên đồng cói của họ.

Nông dân và đại biểu tham gia hội nghị đầu bờ đều đánh giá cao kết quả mô hình trình diễn và có hướng sẽ nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

1. Kết luận

- Cói là cây trồng cói vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng vùng đất ven biển nhiễm mặn. Sản xuất cói của tỉnh Bình Định còn nhiều hạn chế về giống và kỹ thuật canh tác của người dân còn chưa áp dụng theo một quy trình nên hiệu quả sản xuất cói còn thấp so với tiềm năng sẵn có, năng suất cói trung bình của tỉnh đạt 65 tấn/ha thấp hơn 18,2% so với năng suất cói bình quân của cả nước. 

- Đãthu thập, đánh giá và chọn lọc được 6 giống/xuất xứ cói, trong đó có 2 giống cói: cói bông trắng, cói bông nâu và đưa vào thí nghiệm so sánh giống ở hai điểm Hoài Nhơn và Phù Cát.

- Giống cói bông trắng Hoài Nhơn có năng suấtcao nhất: đạt trên 8,6 tấn/ha/vu (trừ vụ 1),tỷ lệ cói loại 1 đạt 65,0% (trung bìnhhai điểm thí nghiệm), là giống có năng suất, chất lượng cao nhất và vượt trội so với giống bông đỏtrong 6 giống/ xuất xứ trong thí nghiệm.

- Mật độ trồng chỉ ảnh hưởng đến năng suất cói trong vụ đầu, với mật độ trồng 15 x 20 cm cho năng suất cói vụ thứ 1 cao nhất ở cả hai điểm.Từ vụ thứ 2 trở đi, các mật độ trồng khác nhau, năng suất và chất lượng cói không có sự khác nhau, mật độ trồng 20x20 cm cho năng suất cói đạt 8,5 tấn/ha/vụ, tỷ lệ cói loại 1 đạt 62,3%, mang lại hiệu quả kinh tế bình quân 2 điểm đạt cao nhất (34,6 triệu đồng/ha/vụ).

- Bón phân với lượng 240N + 32 P2O5 + 150 K2O(P3) và lượng phân bón theo Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Bình Định (P4) (260N + 32 P2O5 + 150 K2O) cho năng suất cói cao nhất, trung bình ở hai điểm đạt lần lượt 8,6 tấn/ha/vụ và 8,7 tấn/ha/vụ (trừ vụ1), tỷ lệ cói loại 1 đạt 64,7% và 65,8%.Hiệu quả kinh tế của công thức trên (P3 và P4) đạt từ 36,1-37,9 triệu đồng/ha/vụ, tăng từ 46,7-61,3% so với đối chứng (600 kg NPK 20-20-15).

- Mô hình thâm canh cói đã được triển khai đúng quy mô, năng suất cói trung bình ở hai điểm đạt 8,3 tấn/ha, tăng 17,7% so với ngoài mô hình, lãi thuần trong mô hình đạt 40,9 triệu đồng/ha/vụ (ở Hoài Nhơn), đạt 39,3 triệu đồng/ha/vụ (ở Phù Cát), tăng so với ngoài mô hình lần lượt là 29,9% và 34,5%.

2. Đề nghị

- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoàn thiện quy trình và kết quả của mô hình đã đạt được, đề tài đề nghị cần có giải pháp nhân rộng giống cói Bông trắng Hoài Nhơn và quy trình thâm canh cói phục vụ cho sản xuất cói trên địa bàn tỉnh Bình Định.

- Đề nghị phục tráng giống cói bông trắng xuất xứ Hoài Nhơn.

Tin cùng chuyên mục