Chinh phục được nông dân, thị trường khắc mở
Khi sản phẩm khoa học được nông dân tin dùng, đó là dấu hiệu sản phẩm đã được thị trường chấp nhận và sẽ nuôi sống được đơn vị tạo ra sản phẩm ấy, Viện trưởng ASISOV Hồ Huy Cường tâm niệm.
Nông dân là "cầu nối"
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) là tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa họcvà chuyển giao công nghệ về nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội vùng Nam Trung bộ.
Theo Viện trưởng Hồ Huy Cường, từ năm 2007, đơn vị nói riêng và các đơn vị sự nghiệp khoa học nói chung đã xây dựng cơ chế tự chủ theo Nghị định (NĐ) 115, tiếp theo là các NĐ 16 và 54, mới đây nhất là NĐ 60.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ phải sang) cùng Viện trưởng Hồ Huy Cường (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình khảo nghiệm diện hẹp bộ giống lúa gạo màu tại thị xã An Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T
Trong cơ chế tự chủ, ngoài một phần kinh phí được Nhà nước cấp thì các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập cũng phải có nguồn kinh phí tự chủ để đảm bảo chi thường xuyên, để trang trải hoạt động, phần kinh phí cần thiết còn lại đơn vị phải tự tạo ra từ chính những sản phẩm khoa học, những đứa con tinh thần của đơn vị. Từ khi xây dựng cơ chế tư chủ, ASISOV cũng không là ngoại lệ.
Sau khi xây dựng cơ chế tự chủ, ngoài các nhiệm vụ khoa học - công nghệ các cấp, ASISOV đã định hướng trong công tác nghiên cứu để thích ứng trong cơ chế thị trường nhằm tìm chỗ đứng bằng cách quan tâm đến các sản phẩm khoa học của đơn vị, để sản phẩm khoa học đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Theo chia sẻ của ông Hồ Huy Cường, thị trường của sản phẩm khoa học nông nghiệp chính là nhu cầu thực tiễn trong sản xuất của nông dân, bản chất thị trường của các sản phẩm khoa học là như vậy. ASISOV là đơn vị sự nghiệp công lập, chức năng nhiệm vụ của Viện là phục vụ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, như vậy, đối tượng trực tiếp sử dụng sản phẩm khoa học của đơn vị là nông dân. Khi nông dân tin dùng sản phẩm khoa học của mình, chứng tỏ sản phẩm này đã thuyết phục được thị trường.
Viện trưởng Hồ Huy Cường giới thiệu ruộng khảo nghiệm của ASISOV tại thị xã An Nhơn (Bình Định) với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Cường nêu ví dụ: Ví như nông dân tin dùng 1 giống lúa mới do đơn vị nghiên cứu chọn tạo, có nghĩa là giống lúa ấy có nhiều tính ưu việt hơn những giống lúa được nông dân từng sử dụng trước đây. Ưu việt hơn về chất lượng gạo, về năng suất, về tính chống chịu với sâu bệnh, cứng cây chống đổ ngã, tính thích ứng với biển đổi khí hậu… Thế nhưng quan trọng hơn là khi nông dân sử dụng đại trà giống lúa ấy, có nghĩa là các cơ sở xay xát gạo đang thu mua mạnh. Mà khi cơ sở xay xát gạo thu mua mạnh có nghĩa là loại gạo này đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Khi nông dân có nhu cầu thì đơn vị lại tổ chức sản xuất giống lúa ấy. Việc sản xuất giống lúa trước tiên là để đáp ứng nhu cầu của nông dân, sau đó, công việc này sẽ tạo ra nguồn kinh phí tiếp sức cho đơn vị tự chủ vững vàng trong cơ chế thị trường.
Ông Hồ Huy Cường khẳng định: Những công trình nghiên cứu của nhà khoa học nông nghiệp trước tiên phải hướng đến nông dân. Khi đã có sản phẩm khoa học chất lượng thì cánh cửa thị trường sẽ mở toang để sản phẩm ấy đi vào.
Giống đậu phộng LDH.09 thích hợp với chân đất cát, nhiễm mặn, cho năng suất bình quân trên 40 tạ/ha trên đất huyện Phù Cát (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
“Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ xác định thị trường của các sản phẩm khoa học là nông dân vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Trên địa bàn Tây Nguyên, với đối tượng cây công nghiệp dài ngày thì đã có Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên; giống các loại cây ngắn ngày như lúa, đậu phộng (lạc), mè (vừng), đậu xanh, mì (sắn)… là trách nhiệm của chúng tôi. Trong bối cảnh vùng hoạt động có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; bão lũ, hạn hán thường xuyên xảy ra, nhiệm vụ của chúng tôi là phải nghiên cứu, chọn tạo ra các giống cây trồng vừa đạt năng suất, chất lượng, vừa phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng. Được như vậy thì sản phẩm khoa học của chúng tôi không lo gì không trụ vững giữa cơ chế thị trường”, Viện trưởng Hồ Huy Cường khẳng định.
Sản phẩm khoa học đi vào cuộc sống
Trước bối cảnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ thường xuyên bị hạn hán uy hiếp, nên nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất cao. Nhất là chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa thường xuyên bị thiếu nước tưới, sang canh tác các loại cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước thực tế này, ASISOV đã nghiên cứu, chọn tạo ra giống đậu phộng LDH.09 nhằm phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Qua thực tế sản xuất, giống đậu phộng LDH.09 chẳng những đã góp phần giúp công cuộc chuyển đổi cây trồng của vùng Duyên hải Nam Trung bộ thành công, mà còn tạo thu nhập cao cho nông dân ở những vùng đất khó.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Định thăm cánh đồng đậu phộng LDH.09 tại xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Đơn cử như ở Bình Định, nhiều năm gần đây, nông dân ở những vùng đất khó như ở xã Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Trinh, Cát Hải (huyện Phù Cát) ăn nên làm ra nhờ giống đậu phộng LDH.09. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm tỉnh Bình Định có khoảng 400ha đất canh tác sử dụng giống đậu phộng LDH.09, tập trung chủ yếu tại huyện Phù Cát và xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ).
Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, trước đây, nông dân ở những vùng đất cát kể trên sản xuất các giống đậu phộng đã thoái hóa, vừa dài ngày vừa bị bệnh héo xanh uy hiếp, nên cho năng suất rất thấp. Từ khi trên thị trường xuất hiện giống đậu phộng LDH.09 do ASISOV chọn tạo, nông dân tiếp cận với giống đậu phộng này và sau nhiều năm sản xuất, nhiều vùng nông thôn ở xứ cát bừng sáng nhờ có cuộc sống đủ đầy khi sản xuất đại trà giống đậu phộng này.
Cũng theo ông Khoa, LDH.09 là giống đậu phộng chịu mặn, khối lượng quả lớn, hạt lớn, đáp ứng phân khúc thị trường ăn tươi. Đây là một trong những ưu điểm của LDH.09 so với các giống khác. “Giống đậu phộng LDH.09 thích hợp với chân đất cát, nhiễm mặn của huyện Phù Cát, cho năng suất bình quân trên 40 tạ/ha. Mở rộng diện tích trồng đậu phộng với giống LDH.09 là 1 trong những định hướng phát triển sản xuất của huyện”, ông Lương Văn Khoa chia sẻ.
Viện trưởng ASISOV Hồ Huy Cường tại hội nghị đầu bờ giới thiệu 2 giống dưa chuột lai F1 do Viện chọn tạo là BĐ.01 và BĐ.02. Ảnh: V.Đ.T.
Song song với chọn tạo giống, ASISOV còn hoàn thiện quy trình canh tác cho giống đậu phộng LDH.09 trên đất cát ven biển. Việc thực hiện đồng bộ giống mới và quy trình canh tác phù hợp giúp LDH.09 tăng năng suất 15%, giảm chi phí và giảm nước tưới. Ưu điểm lớn của giống đậu phộng LDH.09 là có khả năng chịu mặn, kháng bệnh héo xanh tốt hơn so với các giống đậu phộng khác. Hoặc như giống đậu phộng LDH.01 cũng do Viện chọn tạo, nhiều năm nay được nông dân Bình Định và Quảng Ngãi sản xuất đại trà để phục vụ chế biến dầu, vì giống đậu phộng này có hàm lượng dầu rất cao.
ASISOV cũng đã có nhiều sản phẩm khoa học về giống lúa đang được nông dân tin dùng và được thị trường tiêu thụ rất mạnh. Ví như giống lúa BĐR57 đang được nông dân sản xuất đại trà để đáp ứng cho thị trường gạo chất lượng. Tương tự, giống BĐR999 cũng đang được nông dân rất thích vì thương lái thu mua mạnh để cung ứng cho thị trường chế biến bún bánh, vì giống này có hàm lượng tinh bột cao. Giống lúa An Sinh 1399 ngắn ngày có thể sản xuất cả 2 vụ/năm cho năng suất 66,5 - 73,5 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân của các giống đại trà từ 2,9 - 4,4% đang được nông dân nhiều địa phương tin dùng để thay thế cho những giống cũ đã thoái hóa.
Giống BĐR57 sản xuất vụ trong đông xuân 2022 - 2023 tại Quảng Ngãi. Ảnh: V.Đ.T.
“Các đơn vị khoa học nông nghiệp ắt nhiên phải tạo ra các sản phẩm khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng sản phẩm khoa học ấy phải được nông dân sử dụng và được thị trường chấp nhận thì mới chứng tỏ được sản phẩm khoa học ấy đã thỏa mãn nhu cầu của xã hội. Khi xã hội có nhu cầu cao về sản phẩm khoa học này thì đơn vị khoa học tạo ra sản phẩm ấy có điều kiện tạo được nguồn kinh phí để nuôi sống hoạt động”, Viện trưởng Hồ Huy Cường chia sẻ.
Nguồn: Vũ Đình Thung - Báo Nông Nghiệp Việt Nam