TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho biết: Thực hiện đề tài nghiên cứu, chọn tạo giống lúa ngắn ngày cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, trong vụ đông xuân 2021 - 2022, Viện đã xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm giống BĐR79 tại phường Sông Bờ (Thị xã Ayun Pa, Gia Lai) trên diện tích 2.000m2 của hộ nông dân Lê Quang Liêm. Mô hình này gieo sạ vào ngày 1/12/2021, giống lúa BĐR79 cho thấy có thời gian sinh trưởng 115 ngày, ngắn hơn 7 ngày so với giống lúa đối chứng là ĐV108, dự kiến năng suất đạt từ 8,5 - 9 tấn/ha, cao hơn giống ĐV108 1,5 tấn/ha.
Mô hình trình diễn giống lúa mới chất lượng cao BĐR79 do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ xây dựng tại xã Hòa An (huyện Krông Pắc, Đăk Lăk). Ảnh: Asisov.
Tại thôn 6B, xã Hòa An (huyện Krông Pắc, Đăk Lăk), Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cũng xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm giống BĐR79 trên diện tích 1.500m2 của hộ nông dân Nguyễn Văn Tường.
Lúa BĐR79 trong mô hình của nông dân Nguyễn Văn Tường dự kiến thời gian sinh trưởng 125 ngày là cho thu hoạch, ngắn hơn giống ST24 khoảng 7 ngày; năng suất ước đạt từ 9 - 9,5 tấn/ha, cao hơn giống ST24 từ 1,5 - 2 tấn/ha.
Ưu điểm nổi bật của giống BĐR79 tại 2 địa điểm xây dựng mô hình thử nghiệm nói trên được ngành chức năng địa phương và nông dân trực tiếp sản xuất nhận xét là nhẹ phân, ít sâu bệnh, chịu lạnh tốt nên tỉ lệ hạt chắt rất cao.
Cũng theo TS Hồ Huy Cường, giống lúa chất lượng cao BĐR79 do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chọn lọc từ tổ hợp lai VTNA06 và An Sinh 1399, được gửi đi khảo nghiệm quốc gia từ vụ hè thu năm 2020.
Theo số liệu của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống - Sản phẩm cây trồng Tây Nguyên, giống BĐR79 có thời gian sinh trưởng từ 117 - 130 ngày trong vụ đông xuân, và từ 93 - 108 ngày trong vụ hè thu, ngắn hơn giống HT1 từ 9 - 11 ngày. Giống BĐR79 nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, rầy nâu. Năng suất thực thu trong vụ hè thu đạt 64,81 tạ/ha và vụ đông xuân đạt 91,53 tạ/ha, cao hơn so với giống đối chứng HT1.
Giống lúa BĐR36 khoe bông sáng trưng trên đất Tây Nguyên. Ảnh: Asisov.
“Giống BĐR79 có tỉ lệ gạo lức 78,83%, cao hơn 10,4% so với giống đối chứng HT1; tỉ lệ gạo xát 66,63%, cao hơn 2,84% so với giống đối chứng HT1; tỉ lệ trắng trong 92,02%, cao hơn 5,72% so với giống đối chứng HT1. Ngoài ra, giống BĐR79 có tỉ lệ gạo nguyên 54,41%, hàm lượng Amylose 18,43%; gạo có độ mềm dẻo, trắng, vị ngon cơm gần tương đương với giống HT1”, TS Hồ Huy Cường cho hay.
Cũng trong vụ đông xuân 2021 - 2022, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ còn xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm giống BĐR36 tại phường Sông Bờ (Thị xã Ayun Pa, Gia Lai) trên diện tích 1.800m2. Diện tích lúa BĐR36 nói trên hiện đã thu hoạch, hộ dân tham gia mô hình cân bán tại ruộng được 1.800 kg thóc thương phẩm, trong khi giống ĐV108 được sản xuất cùng diện tích và cùng điều kiện canh tác chỉ thu được 1.500kg.
Mô hình thí nghiệm xác định mật độ gieo sạ và phân bón phù hợp cho 2 giống lúa mới BĐR79 và BĐR36 do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ xây dựng tại Tây Nguyên. Ảnh:Asisov.
Ngoài ra, qua thực tế sản xuất, nông dân Huỳnh Văn Nghĩa ở phường Sông Bồ (Thị xã Ayun Pa, Gia Lai), người trực tiếp sản xuất và ngành chức năng địa phương ghi nhận giống BĐR36 rất sạch sâu bệnh, xuyên suốt vụ không phải phun thuốc BVTV nhưng không có sâu bệnh phát sinh.
“Đặc biệt, giống BĐR36 rất cứng cây, chống đổ ngã rất tốt. Trong khi giống ĐV108 được sản xuất tại cùng địa phương phải sử dụng thuốc phòng đạo ôn cổ bôngtrước trỗ và phun trừ rầy giai đoạn lúa vào chắc, nhưng ruộng BĐR36 của tôi từ đầu đến cuối vụ không hề phun bất cứ loại thuốc BVTV nào”, ông Nghĩa cho hay.
Cũng trong vụ đông xuân 2021 - 2022, mô hình sản xuất thử nghiệm giống BĐR36 cũng được Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ xây dựng tại xã Hòa An (huyện Krông Pắc, Đăk Lăk) trên diện tích 2.000m2 của hộ nông dân Nguyễn Cường.
Mô hình này gieo sạ giống vào ngày 1/1/2022, hiện lúa đã vào chắc, dự kiến thời gian sinh trưởng 120 ngày cho thu hoạch, ngắn hơn giống ST24 khoảng 10 ngày; năng suất ước đạt từ 8,5 - 9 tấn lúa khô/ha, cao hơn ST24 từ 1 - 1,5 tấn/ha. Mô hình này cũng được ngành chức năng địa phương và nông dân trực tiếp sản xuất đánh giá là sạch sâu bệnh, từ khi gieo sạ đến thời điểm gần thu hoạch chưa phải sử dụng thuốc BVTV.
Cán bộ Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ kiểm tra ruộng sản xuất thử nghiệm 2 giống lúa BĐR79 và BĐR36 tại Tây Nguyên. Ảnh: Asisov.
Theo TS Hồ Huy Cường, giống lúa thuần BĐR36 được Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ gửi đi khảo nghiệm quốc gia từ vụ hè thu 2020. Theo kết quả khảo nghiệm của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống - Sản phẩm cây trồng Tây Nguyên, giống BĐR36 có thời gian sinh trưởng từ 120 - 130 ngày trong vụ đông xuân và từ 93 - 100 ngày trong vụ hè thu; ngắn hơn giống HT1 từ 8 - 19 ngày, ít nhiễm sâu bệnh hại. Trong vụ hè thu 2020, lúa BĐR36 cho năng suất thực thu trung bình đạt 63,62 tạ/ha, cao hơn 9,9% so với giống đối chứng HT1; năng suất trong vụ đông xuân 2020 - 2021 đạt 90,10 tạ/ha, cao hơn 12,5% so với giống đối chứng HT1.
“Giống BĐR36 có tỉ lệ gạo xát 68,48%, cao hơn 4,69% so với giống đối chứng HT1; tỉ lệ gạo nguyên 57,72%, cao hơn 71% so với giống đối chứng HT1. Ngoài ra, giống lúa BĐR36 có hàm lượng Amylose 18,62%; cơm mềm dẻo, trắng, vị ngon cơm gần tương đương với giống HT1”, TS Hồ Huy Cường cho hay.
Vũ Đình Thung