HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT PHỤC HỒI SẢN XUẤT ĐỐI VỚI DIỆN TÍCH LÚA BỊ NGẬP

admin21/02/2017 09:27 AM

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT PHỤC HỒI SẢN XUẤT ĐỐI VỚI DIỆN TÍCH LÚA BỊ NGẬP ÚNG SAU ĐỢT MƯA ĐẦU THÁNG 2/2017 TẠI  TỈNH BÌNH ĐỊNH

1. Đối với diện tích lúa chưa xuống giống do nước chưa rút hết và diện tích lúa bị ngập, không còn khả năng khôi phục (cây bị chết hoàn toàn hoặc rễ đã bị thối), tập trung các giải pháp tích cực nhất để tiêu thoát nước:

- Trường hợp có thể rút cạn nước để gieo sạ lại trước 20/2/2017: Sử dụng các giống cực ngắn ngày (90-100 ngày trong vụ Đông Xuân như OMCS96, ML48, ANS1,…) để gieo sạ. Tiến hành các biện pháp chăm sóc tích cực để cây sinh trưởng tốt, đảm bảo thời điểm thu hoạch gần với các trà lúa trước.

- Trường hợp không thể rút cạn nước để gieo sạ lại trước trước 20/2/2017: Không tiếp tục canh tác lúa vụ Đông Xuân vì sẽ ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống vụ Hè Thu và không thu hoạch lúa kịp trước lũ tiểu mãn.

2. Đối với ruộng lúa đã xuống giống bị ngập úng cây có khả năng khôi phục (còn lá và rễ chưa bị thối đen):

a) Đối với lúa sạ có từ 2 - 3 lá:

- Tranh thủ tối đa các phương tiện để rút nước càng sớm càng tốt;

- Tiến hành tỉa, dặm để đảm bảo mật độ phân bố đều trên ruộng;

- Điều chỉnh nước trên ruộng phù hợp, không để cây lúa bị đổ rạp. khi lá lúa nhô cao mặt nước trên 10 cm, lá lúa chuyển màu xanh cần phun phân bón lá Polyfeed 5 Chim Én hỗn hợp Kithita 1.4 DD (liều lượng 72 g Polyfeed + 12 ml Kithita pha 16 lít nước phun cho 1 sào) để giúp lúa nhanh ra rễ và phục hồi (Có thể sử dụng một số chế phẩm phân bón lá và kích thích sinh trưởng khác hiện bán ở địa phương nhưng có tác dụng tương tự các chế phẩm trên);

- Bón từ 4-5 kg NPK (16:16:8)/sào hoặc 2-3 kg DAP + 2 kg Kali/sào nhằm giúp cây lúa hồi phục nhanh và đẻ nhánh khỏe.

b) Đối với lúa sạ ở giai đoạn đẻ nhánh (sau sạ 22 - 25 ngày):

- Tiến hành bón 3 kg urê  + 3 kg kali/sào để lúa đẻ nhánh khỏe và tập trung.

3. Phòng trừ sâu, bệnh hại đối với diện tích lúa có khả năng phục hồi:

- Ốc Bươu vàng đang phát triển mạnh và nhất là những vùng ngập lụt, do vậy cần theo dõi đồng ruộng và phòng trừ (nếu phát hiện) như sau:

+ Sử dụng các thuốc có hoạt chất Metaldehyde để rải như: Boxer 15GR, liều lượng rải 300g thuốc/sào;...

+ Sử dụng thuốc Starpumper 800WP (Liều lượng 17 - 25g pha 16 lít nước phun cho 1sào), Anpuma 700 WP (Liều lượng 35g pha 16 lít nước phun cho 1 sào);...

- Theo dõi Bọ trĩ, nếu phát hiện thì sử dụng: Virtako 40WG (liều lượng pha 3g pha bình 24 lít nước phun cho 1 sào), Regent 800WG, Tango 800WG (liều lượng 2 - 3g thuốc pha 24 lít nước phun cho 1 sào)./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI THẢO LUẬN

Tin cùng chuyên mục