Bộ giống lúa mới cho năng suất cao, phù hợp với đồng đất Bình Định
Những giống lúa mới do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ lai tạo và chọn lọc cho hiệu quả cao trên đồng đất Bình Định.
Thay thế những giống lúa đã thoái hóa
Những năm qua, ngành nông nghiệp Bình Địnhđã có nhiều cố gắng trong việc tuyển chọn, lai tạo và đưa vào sản xuất nhiều giống lúa có năng suất cao, chất lượng khá, góp phần tăng năng suất, sản lượng. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, nhiều giống lúa hiện nay đã bắt đầu thoái hóa, năng suất không ổn định, nhiễm sâu bệnh nặng, dẫn đến năng suất giảm, chất lượng gạo chưa cao và cho hiệu quả kinh tế thấp.
Tham quan mô hình sản xuất giống lúa BĐR57 tại xã Nhơn An (Thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Các giống lúa phổ thông đang được nông dân Bình Định sản xuất đại trà hiện nay như: ĐV108, Khang dân 18, Q5, TBR1, Ải 32, 13/2... đều bị nhiễm nặng các loại sâu bệnh hại. Do vậy, việc đưa các giống lúa mới có năng suất cao và ổn định, phẩm chất gạo khá, chống chịu sâu được bệnh, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Từ thực tế trên, trong vụ đông xuân2021 - 2022, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phối hợp với HTX Nông nghiệp Nhơn Hưng và HTX Nông nghiệp Nhơn An (Thị xã An Nhơn, Bình Định) đã tổ chức xây dựng mô hình trình diễn giống các lúa mới BĐR57, BĐR79 thuộc nhóm gạo chất lượng, giống BĐR999 thuộc nhóm gạo chế biến và sản xuất đại trà giống lúa ANS1 (An Sinh 1399).
Theo đó, mô hình các giống lúa mới BĐR57, BĐR79 và BĐR999 được triển khai tại xã Nhơn An với diện tích 9,5 ha với 102 hộ nông dân tham gia, giống lúa đối chứng là giống ĐV108 đang được sản xuất đại trà trên địa bàn. Mô hình lúa thương phẩm ANS1 được triển khai tại phường Nhơn Hưng với diện tích 20 ha với 154 hộ nông dân tham gia, giống lúa đối chứng cũng là giống ĐV108.
“Chúng tôi xây dựng các mô hình nói trên nhằm giới thiệu cho nông dân trong vùng các loại giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt là có khả năng chống chịu các loại sâu bệnh với điều kiện bất lợi của thời tiết nhằm hạn chế sử dụng thuốc BVTV để nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch và bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho hay.
Nhiều lựa chọn cho nông dân
Cũng theo TS Hồ Huy Cường, các giống lúa nói trên đều do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ lai tạo và chọn lọc.
Lúa BĐR79 khoe trái trên đồng đất Nhơn An (Thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
- Giống lúa thuần BĐR57 cho năng suất 75 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 80 tạ/ha. Giống lúa này có dạng hạt thon dài, gạo trắng, cơm mềm, dẻo nhẹ, hàm lượng Amylose 16 - 17%, thuộc nhóm gạo chất lượng.
Giống lúa BĐR57 có thời gian sinh trưởng trong vụ đông xuân từ 105 - 110 ngày, vụ hè thu từ 90 - 92 ngày; cứng cây, khả năng đẻ nhánh trung bình, khả năng chịu lạnh, chịu nóng tốt. Giống lúa BĐR57 có khả năng thích nghi rộng, phù hợp với cơ cấu 2 - 3 vụ lúa/năm, giống có khả năng chống chịu vừa với bệnh đạo ôn, chống chịu sâu bệnh hại chính khác ở mức trung bình.
- Giống lúa BĐR79 cũng là giống lúa thuần có năng suất trung bình từ 75 - 80 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 85 tạ/ha. Dạng hạt dài, gạo trắng trong, cơm mềm, dẻo nhẹ và có vị đậm. Hàm lượng Amylose 16 - 17%, thuộc nhóm gạo chất lượng cao. Giống lúa BĐR79 có thời gian sinh trưởng vụ đông xuân từ 105 - 110 ngày, vụ hè thu từ 90 - 95 ngày, dạng hình gọn, khả năng đẻ nhánh trung bình, khoe bông, trỗ thoát cổ bông hoàn toàn, tỷ lệ chắc cậy cao.
Giống lúa BĐR79 có khả năng thích nghi rộng, phù hợp với cơ cấu 2 - 3 vụ lúa/năm. Giống lúa BĐR79 có khả năng kháng bệnh đạo ôn, kháng vừa với rầy nâu. Nhiễm nhẹ với bệnh thối thân, thối bẹ ở vụ hè thu, khả năng chịu nóng và chịu rét khá.
- Giống lúa ANS1 là giống lúa thuần cho năng suất trung bình đạt 75 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 80 tạ/ha. Dạng hạt tròn dài, gạo trắng, cơm mềm, dẻo nhẹ. Hàm lượng Amylose 17 - 18%, thuộc nhóm gạo chất lượng. Giống ANS1 có thời gian sinh trưởng vụ đông xuân từ 105 - 110 ngày, vụ hè thu từ 87 - 90 ngày. Chiều cao cây từ 95 - 105 cm; chiều dài bông từ 20 - 22cm, trỗ thoát tốt, khả năng đẻ nhánh trung bình, cứng cây, độ đóng hạt dày, khối lượng 1.000 hạt là 24 gam. Giống có khả năng chống chịu vừa với bệnh đạo ôn, chống chịu sâu bệnh hại chính khác ở mức trung bình, khả năng chịu lạnh, chịu nóng tốt.
Giống lúa BĐR79 cho năng suất thực thu thống kê trung bình đạt 81,7 tạ/ha, cao hơn đối chứng 16,6 tạ/ha. Ảnh: V.Đ.T.
- Giống lúa BĐR999 là giống lúa thuần cho năng suất trung bình đạt 80 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 85 tạ/ha. Thuộc nhóm hạt bầu, gạo trắng, cơm khô cứng, hàm lượng Amylose 26 - 27%, phù hợp với chế biến bún bánh. Giống lúa BĐR999 có thời gian sinh trưởng vụ đông xuân từ 100 - 105 ngày, vụ hè thu từ 90 - 95 ngày, cứng cây, khả năng đẻ nhánh trung bình. Giống lúa BĐR999 có khả năng thích nghi rộng, phù hợp với cơ cấu 2 - 3 vụ lúa/năm. Giống có khả năng chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, chống chịu sâu bệnh hại chính khác ở mức trung bình. Nhiễm nhẹ với bệnh thối thân, thối bẹ ở vụ hè thu. Chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao
Trong vụ đông xuân 2021 - 2022 tại các địa phương xây dựng mô hình nói trên vào đầu vụ đều gặp mưa nên một số ruộng bị hư hại, ảnh hưởng đến mật độ gieo sạ. Tiếp đến là trời trở lạnh vào giai đoạn cây con. Thế nhưng các giống lúa trong mô hình đều sinh trưởng phát triển tốt, không có loại sâu bệnh hại nào gây hại. Trong khi giống lúa đối chứng ĐV108 bị nhiễm rầy nâu nặng, ảnh hưởng đến năng suất thực thu.
Giống lúa ANS1 được sản xuất đại trà tại phường Nhơn Hưng, Thị xã An Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Thời gian sinh trưởng của giống lúa BĐR57 là 103 ngày, BĐR79 là 105 ngày và BĐR999 là 103 ngày, giống đối chứng ĐV108 có thời gian sinh trưởng là 105 ngày. Như vậy các giống có thời gian sinh trưởng tương đương nhau, có thể bố trí trên cùng đồng ruộng và dễ dàng thu hoạch.
Giống BĐR57 có 314 bông/m2, tổng số hạt chắc/bông đạt 141 hạt/bông, năng suất lý thuyết giống đạt 104,9 tạ/ha, năng suất thực thu thống kê trung bình đạt 78,7 tạ/ha, cao hơn đối chứng ĐV108 13,6 tạ/ha. Giống lúa BĐR79 có 338 bông/m2, tổng số hạt chắc/bông là 131 hạt/bông, năng suất lý thuyết đạt 108,9 tạ/ha, năng suất thực thu thống kê trung bình đạt 81,7 tạ/ha, cao hơn đối chứng 16,6 tạ/ha. Giống lúa BĐR999 có 288 bông/m2, tổng số hạt chắc/bông của giống lúa BĐR999 là 154 hạt/bông, năng suất lý thuyết đạt 106,2 tạ/ha, năng suất thực thu thống kê trung bình đạt 79,7 tạ/ha, cao hơn đối chứng 14,6 tạ/ha.
Theo đánh giá của ngành chức năng Thị xã An nhơn, các giống trong mô hình có năng suất vượt trội so với đối chứng từ 20,9% đến 25,5%. Nguyên nhân được giải thích là do giống đối chứng ĐV108 được nông dân sản xuất đại trà bị nhiễm nặng rầy nâu, do đó tỷ lệ hạt lép nhiều, trọng lượng 1.000 hạt cũng giảm, dẫn tới năng suất thực thu giảm.
Trong khi các cánh đồng xung quanh bị rầy gây hại thì cánh đồng lúa ANS1 không phát sinh rầy. Ảnh: V.Đ.T.
Qua thực tế sản xuất cho thấy, hiệu quả kinh tế của giống lúa sản xuất đại trà ANS1 và các giống lúa trong mô hình gồm BĐR57, BĐR79 và BĐR999 cao hơn so với giống đối chứng ĐV108. Lãi ròng của các giống ANS1, BĐR57, BĐR79 và BĐR999 so với giống ĐV108 có giá trị tăng từ 1,7 lần đến 2,2 lần nhờ có chi phí đầu vào thấp, không phải sử dụng thuốc trị rầy nâu và đạo ôn cổ bông, đồng thời năng suất cũng cho cao hơn.
“Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tạo điều kiện cho sản xuất thử các giống lúa BĐR57, BĐR79 và BĐR999 ở các địa phương khác nhau, trên nhiều chân đất khác nhau để có thêm cơ sở đánh giá chính xác hơn. Đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đưa các giống nói trên vào cơ cấu chủ lực cả 2 vụ và cần nhân rộng sản xuất giống lúa ANS1 để đảm bảo năng suất cho bà con nông dân và nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đề nghị.
Vũ Đình Thung