KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HOẠC CÔNG NGHỆ NĂM 2023
1. Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu chọn tạo giống đậu xanh và vừng năng suất cao cho các tỉnh phía Nam
2. Chủ nhiệm nhiệm vụ:TS. Hồ Huy Cường
Những người thực hiện chính: TS. Hồ Huy Cường, ThS. Trương Thị Thuận, ThS. Đỗ Thị Xuân Thùy, KS. Đặng Thị Thu Trang, ThS. Phan Trần Việt, KS. Bùi Ngọc Thao, ThS. Mạc Khánh Trang, ThS. Nguyễn Văn Chương, ThS. Bùi Quang Định, TS. Nguyễn Ngọc Quất.
3. Mục tiêu của nhiệm vụ:
* Mục tiêu tổng quát
- Chọn tạo được giống đậu xanh và vừng năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng với các tỉnh phía Nam.
* Mục tiêu cụ thể
- Chọn tạo được giống đậu xanh có thời gian sinh trưởng ngắn,năng suất từ 2,0 - 2,5 tấn/ha, kháng trung bình với bệnh khảm vàng (MYMD), phù hợp để canh tác theo phương thức cơ giới hóa, thích hợp với các tỉnh phía Nam và giống vừng có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất từ 1,5 - 2,0 tấn/ha, hàm lượng dầu trên 53%, nhiễm trung bình với bệnh đốm lá (CLS), phù hợp để canh tác theo phương thức cơ giới hóa, thích hợp với các tỉnh phía Nam.
- Xây dựng được quy trình canh tác cho giống đậu xanh và vừng mới chọn tạo, năng suất đạt từ 2,0 tấn/ha trở lên đối với cây đậu xanh và 1,5 tấn trở lên đối với cây vừng và thích hợp với các tỉnh phía Nam.
- Xây dựng được mô hình trình diễn giống và quy trình canh tác mới đối với cây đậu xanh và vừng, năng suất đạt từ 2,0 tấn/ha trở lên đối với cây đậu xanh và 1,5 tấn trở lên đối với cây vừng,hàm lượng dầu trên 53% đối với cây vừng và hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so với canh tác truyền thống.
4. Các nội dung phải thực hiện:
4.1. Nội dung 1. Nghiên cứu chọn tạo giống đậu xanh
- Nội dung 1.1. Điều tra hiện trạng sản xuất đậu xanh ở các tỉnh phía Nam
- Nội dung 1.2. Nghiên cứu tạo vật liệu khởi đầu.
+ Hoạt động 1. Nhập nội nguồn gen đậu xanh. Duy trì, khảo sát, đánh giá tập đoàn các giống đậu xanh.
+ Hoạt động 2: Lai hữu tính đối với cây đậu xanh.
- Nội dung 1.3. Chọn lọc và đánh giá
+ Hoạt động 1. Chọn lọc dòng ưu tú cây đậu xanh.
+ Hoạt động 2. So sánh sơ bộ các giống/dòng thuần cây đậu xanh.
+ Hoạt động 3. So sánh chính quy các giống triển vọng cây đậu xanh.
+ Hoạt động 4. Đánh giá khả năng chịu hạn của cây đậu xanh trong điều kiện nhà lưới.
- Nội dung 1.4. Khảo nghiệm các giống/dòng đậu xanh triển vọng
+ Hoạt động 1. Khảo nghiệm giá trị canh tác – VCU.
+ Hoạt động 2. Khảo nghiệm tính khác biệt - DUS các giống đậu xanh
- Nội dung 1.5. Nghiên cứu biện pháp canh tác cho giống đậu xanh mới chọn tạo.
- Nội dung 1.6. Xây dựng điểm trình diễn giống đậu xanh mới chọn tạo.
4.2. Nội dung 2. Nghiên cứu chọn tạo giống vừng
- Nội dung 2.1. Điều tra hiện trạng sản xuất vừng ở các tỉnh phía Nam.
- Nội dung 2.2. Nghiên cứu tạo vật liệu khởi đầu
+ Hoạt động 1. Nhập nội nguồn gen vừng. Duy trì, khảo sát, đánh giá tập đoàn các giống vừng.
+ Hoạt động 2. Lai hữu tính đối với cây vừng.
- Nội dung 2.3. Chọn lọc và đánh giá
+ Hoạt động 1. Chọn lọc dòng ưu tú cây vừng.
+ Hoạt động 2. So sánh sơ bộ các giống/dòng thuần cây vừng.
+ Hoạt động 3. So sánh chính quy các giống triển vọng cây vừng.
+ Hoạt động 4. Đánh giá khả năng chịu hạn của cây vừng trong điều kiện nhà lưới.
- Nội dung 2.4. Khảo nghiệm các giống/dòng vừng triển vọng
+ Hoạt động 1. Khảo nghiệm giá trị canh tác – VCU.
+ Hoạt động 2: Khảo nghiệm tính khác biệt - DUS các giống đậu xanh
- Nội dung 2.5. Nghiên cứu biện pháp canh tác cho giống vừng mới chọn tạo.
- Nội dung 2.6. Xây dựng điểm trình diễn giống vừng mới chọn tạo.
5. Thời gian thực hiện:60 tháng, từ tháng 01/2018 đến tháng 12 năm 2022
6. Phương thức khoán chi:nhiệm vụ được thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần.
7. Tổng số kinh phí thực hiện nhiệm vụ: 4.200,0 triệu đồng, trong đó:
Kính phí hỗ trợ từ SNKH: 4.200,0 triệu đồng
8. Sản phẩm nhiệm vụ:
(1) Điều tra và xác định được những lợi thế và hạn chế chủ yếu trong sản xuất đậu xanh và vừng ở các tỉnh phía Nam là:
Điều kiện khí hậu và đất đai thích hợp cho sản xuất đậu xanh và vừng theo hướng hàng hóa; Được sự quan tâm của các cấp chính quyền thông qua việc đề xuất chủ trương và kế hoạch đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tình hình biến đổi khí hậu; Nông hộ sản xuất cơ bản có nguyện vọng và ý thức tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật mới để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất đậu xanh và vừng.
Điều kiện tưới nước chưa chủ động; Bộ giống mới có tiềm năng năng suất cao, kháng bệnh (bệnh khảm vàng), chín tập trung (đối với cây đậu xanh), chất lượng cao (hàm lượng dầu cao) (đối với cây vừng) còn thiếu, chưa phong phú và đa dạng; Giống mới trong sản xuất chiếm tỷ lệ ít; Dùng hạt thương phẩm để làm giống gieo trồng vẫn còn chiếm tỷ lệ rất cao; Sử dụng phân bón cho cây đậu xanh chưa cân đối (thừa hoặc thiếu) so với nhu cầu của cây và chưa chú trọng đầu tư thâm canh (bón phân thiếu và không cân đối) đối với cây vừng; Thiếu thông tin về các tiến bộ kỹ thuật; Hạn chế việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất; Đầu ra sản phẩm chưa ổn định.
(2) Đánh giá và xác định 02 giống đậu xanh khảo nghiệm triển vọng là ĐXBĐ.08 và ĐXBĐ.09 phục vụ công tác chọn tạo giống giai đoạn tiếp theo. Các giống đậu xanh triển vọng thích nghi với điều kiện khí hậu và đất đai ở các tỉnh phía Nam, thời gian sinh trưởng dưới 80 ngày, kháng trung bình bệnh khảm vàng, giống ĐXBĐ.08 thuộc dạng hạt nhỏ (khối lượng 1000 hạt dưới 60 gram), giống ĐXBĐ.09 thuộc dạng hạt lớn (khối lượng 1000 hạt trên 65 gram), chống đổ tốt, không bị tách quả (điểm 1), năng suất đạt trên 20 tạ/ha, chín tập trung với năng suất thực thu lần 1 đạt trên 65%.
(3) Tự công bố lưu hành 01 giống đậu xanh ĐXBĐ.07 cho các tỉnh phía Nam. Giống đậu xanh ĐXBĐ.07 có thời gian sinh trưởng dưới 80 ngày, khối lượng 1000 hạt lớn trên 65 gram, năng suất đạt trên 20 tạ/ha, chín tập trung (thời gian chín mỗi đợt ≤ 16 ngày), không bị tách quả (điểm 1) và kháng bệnh khảm vàng (điểm 1).
(4) Xác định được mật độ trồng, liều lượng dinh dưỡng khoáng đa lượng, nồng độ chế phẩm điều hòa sinh trưởng (Ethephon) và chế độ tưới nước hợp lý để nâng cao năng suất giống đậu xanh ĐXBĐ.07 lên trên 20 tạ/ha. Qua đó, xây dựng hồ sơ và được Hội đồng KHCN cấp cơ sở công nhận 1 quy trình canh tác giống đậu xanh ĐXBĐ.07 cho các tỉnh phía Nam.
(5) Xây dựng được 3 điểm trình diễn giống đậu xanh ĐXBĐ.07 ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ với tổng quy mô 3 ha. Năng suất giống đậu xanh ĐXBĐ.07 trong các mô hình trình diễn đạt trên 20 tạ/ha tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, trên 15 tạ/ha tại vùng nước trời Tây Nguyên, vượt so với các giống đang sản xuất đại trà (ĐX208 và V94-208) từ 5,3 - 26,9% và lãi thuần cao hơn 28,3 - 68,8% so với các giống đang sản xuất đại trà.
(6) Đánh giá và xác định 02 giống vừng khảo nghiệm triển vọng là D5 và HLVĐ.129 phục vụ công tác chọn tạo giống giai đoạn tiếp theo. Các giống vừng triển vọng thích nghi với điều kiện khí hậu và đất đai ở các tỉnh phía Nam, thời gian sinh trưởng dưới 80 ngày, nhiễm trung bình bệnh đốm lá (điểm 3), chiều cao đóng quả ≥ 15 cm, năng suất đạt trên 15 tạ/ha trong vụ trồng chính vùng Duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, năng suất đạt trên 10 tạ/ha vùng Tây Nguyên.
(7) Tự công bố lưu hành 02 giống vừng mới: Giống vừng BĐ.01 cho các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và giống vừng HLVĐ.78 cho các tỉnh phía Nam. Giống vừng BĐ.01 có thời gian sinh trưởng từ 76 - 83 ngày, khối lượng 1000 hạt lớn trên 3,0 gram, năng suất đạt trên 15 tạ/ha, chịu hạn tốt, nhiễm nhẹ bệnh đốm lá (điểm 3) chín tập trung (thời gian chín 7 - 11 ngày), không bị tách quả (điểm 1), chiều cao đóng quả từ 50 - 115 cm và hàm lượng dầu đạt 53,10%. Giống vừng HLVĐ.78 có năng suất đạt từ 15,1 - 16,0 tạ/ha, nhiễm nhẹ bệnh đốm lá (điểm 3), thời gian sinh trưởng dưới 80 ngày, chín tập trung (thời gian chín 6 - 8 ngày), không bị tách quả (điểm 1), chiều cao đóng quả từ 40 - 70 cm và hàm lượng dầu đạt 53,67%.
(8) Xác định được mật độ trồng, liều lượng dinh dưỡng khoáng đa lượng và chế độ tưới nước hợp lý để nâng cao năng suất giống vừng BĐ.01 và HLVĐ.78 lên trên 15 tạ/ha; xác định được nồng độ chế phẩm điều hòa sinh trưởng thích hợp thúc đẩy quá trình chín tập trung của giống vừng BĐ.01 và HLVĐ.78. Qua đó xây dựng hồ sơ và được Hội đồng KHCN cấp cơ sở công nhận 2 quy trình canh tác: Quy trình canh tác giống vừng BĐ.01 cho các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Quy trình canh tác giống vừng HLVĐ.78 cho các tỉnh phía Nam.
(9) Xây dựng được 3 điểm trình diễn giống vừng BĐ.01 và HLVĐ.78 ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ (BĐ.01), vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long (HLVĐ.78) với tổng quy mô 3 ha. Năng suất giống vừng BĐ.01 và HLVĐ.78 trong các mô hình trình diễn đạt trên 15 tạ/ha, vượt so với các giống đang sản xuất đại trà (vừng vàng Bình Định, vừng đen 2 vỏ Bình Thuận và vừng địa phương Đồng Tháp) từ 21,7 - 34,8% và lãi thuần cao hơn 41,8 - 71,7% so với các giống đang sản xuất đại trà.
(10) Đề tài đã công bố 7 bài báo liên quan đến kết quả nghiên cứu của đề tài và góp phần đào tạo 02 Thạc sỹ về cây đậu xanh.
(11) Đề tài đã đăng ký bảo hộ 01 giống đậu xanh ĐXBĐ.07 đạt năng suất trên 20 tạ/ha và kháng với bệnh khảm vàng (điểm 1).