1. Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu khảo nghiệm và phát triển sản xuất các giống lúa gạo màu dinh dưỡng cao theo hướng hữu cơ tại tỉnh Bình Định
2. Tên chủ nhiệm nhiệm vụ: Phạm Văn Nhân
3. Các thành viên thực hiện chính, thư ký khoa học: Nguyễn Hòa Hân, Phạm Vũ Bảo, Hồ Sĩ Công.
4. Mục tiêu của nhiệm vụ:
Mục tiêu tổng thể:
Xác định giống, hoàn thiện quy trình và phát triển sản xuất các giống lúa gạo màu dinh dưỡng cao theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân, bảo vệ môi trường và cung cấp cho cộng đồng và xã hội sản phẩm gạo màu sạch có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Mục tiêu cụ thể:
- Xác định được 1 - 2 giống lúa gạo màu mới có hàm lượng protein và sắt cao hơn so với gạo trắng và thích ứng với điều kiện đất đai và khí hậu ở tỉnh Bình Định.
- Hoàn thiện được quy trình canh tác hữu cơ đối với giống lúa gạo màu đã được xác định thích ứng với điều kiện đất đai và khí hậu ở tỉnh Bình Định.
- Xây dựng được 1 - 2 mô hình canh tác hữu cơ đối với giống lúa gạo màu đã được xác định thích ứng với điều kiện đất đai và khí hậu ở tỉnh Bình Định.
- Xây dựng được nhãn hiệu gạo màu hữu cơ của tỉnh Bình Định.
5. Các nội dung nghiên cứu khoa học:
* Nội dung 1: Đánh giá thực trạng tình hình canh tác và tiềm năng chuyển đổi/trực tiếp sản xuất lúa hữu cơ của tỉnh Bình Định.
- Phiếu điều tra: 150 phiếu (50 phiếu/huyện)
- Địa điểm điều tra: Huyện An Lão, huyện Hoài Ân và Thị xã An Nhơn
- Công việc: Xây dựng báo cáo chuyên đề: Báo cáo kết quả đánh giá thực trạng tình hình canh tác và tiềm năng chuyển đổi/trực tiếp sản xuất lúa hữu cơ của tỉnh Bình Định.
- Thời gian thực hiện: Tháng 12/2022.
- Phương pháp nghiên cứu:
+ Sử dụng phương pháp kế thừa để điều tra thu thập các số liệu thứ cấp về diện tích và đất đai, khí hậu vùng nghiên cứu ở các đơn vị chức năng trên địa bàn;
+ Lập phiếu điều tra để thu thập thông tin liên quan khu vực/vùng đất đang canh tác lúa có tiềm năng chuyển đổi/trực tiếp canh tác lúa hữu cơ, lịch sử canh tác lúa của các khu vực/vùng đất đang canh tác lúa có tiềm năng chuyển đổi/trực tiếp canh tác lúa hữu cơ;
+ Sử dụng phương pháp phân tầng để lựa chọn mẫu điều tra;
+ Sử dụng phương pháp điều tra nhanh nông thôn có và không có sự tham gia của nông dân để thu thập các thông tin sơ cấp thông qua phiếu điều tra;
+ Phân tích số liệu theo phương pháp thống kê bằng phần mềm Excel và Statistix 8.2. để đánh giá ưu và nhược điểm trong sản xuất lúa hữu cơ;
* Nội dung 2: Nghiên cứu khảo nghiệm khả năng thích ứng và sinh trưởng, phát triển của một số giống lúa gạo màu triển vọng
- Công việc 1: Khảo nghiệm diện hẹp trong 03 vụ (từ tháng 01/2023 - 5/2024), quy mô 1.080 m2 tại 02 điểm (bao gồm 01 điểm ở khu vực đồng bằng - Cơ sở 2 của Viện tại An Nhơn và 01 điểm khu vực trung du miền núi - HTX Nông nghiệp Ân Tín).
+ Phương pháp nghiên cứu: Khảo nghiệm diện hẹp được bố trí theo phương pháp khối ngẫu nhiên hoàn toàn (RCBD), 3 lần nhắc lại, diện tích ô cơ sở là 10 m2; Sử dụng phương pháp thống kê sinh học để phân tích số liệu thực nghiệm bằng phần mềm Excel và Statistix 8.2; Các chỉ tiêu cần theo dõi (thời gian sinh trưởng, độ dài trỗ, độ đồng đều, sinh trưởng, yếu tố cấu thành năng suất, năng suất, mức độ nhiễm sâu bệnh hại trong điều kiện đồng ruộng,…) và phương pháp theo dõi được thực hiện đúng theo TCVN 13381-1:2021.
- Công việc 2: Khảo nghiệm diện rộng trong 02 vụ (từ tháng 01/2023 - 12/2023), quy mô 48.000 m2 tại 02 điểm (bao gồm 01 điểm ở khu vực đồng bằng - Cơ sở 2 của Viện tại An Nhơn và 01 điểm khu vực trung du miền núi - HTX Nông nghiệp Ân Tín).
+ Phương pháp nghiên cứu: Khảo nghiệm diện rộng được bố trí theo phương pháp khối ngẫu nhiên không lặp lại, diện tích ô cơ sở là 2.000 m2, theo dõi các chỉ tiêu về thời gian sinh trưởng, yếu tố cấu thành năng suất, năng suất, mức độ nhiễm sâu bệnh hại trong điều kiện đồng ruộng và phương pháp theo dõi được thực hiện đúng theo TCVN 13381-1:2021.
- Công việc 3: Xây dựng báo cáo chuyên đề: Báo cáo kết quả nghiên cứu khảo nghiệm khả năng thích ứng và sinh trưởng, phát triển của một số giống lúa gạo màu triển vọng. Thời gian thực hiện: Tháng 12/2024.
- Khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định (DUS) thực hiện theo TCVN 13381-1:2021 đối với cây lúa do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ thực hiện.
+ Số lượng: 02 giống.
+ Thời gian thực hiện: Từ tháng 05/2024 - 12/2024.
+ Địa điểm: Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ.
* Nội dung 3: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác hữu cơ đối với giống lúa gạo màu đã xác định
- Địa điểm: 02 điểm (bao gồm 01 điểm ở khu vực đồng bằng - Cơ sở 2 của Viện tại An Nhơn và 01 điểm khu vực trung du miền núi - HTX Nông nghiệp Ân Tín).
- Vật liệu: 2 giống lúa gạo màu triển vọng do ASISOV chọn tạo đã được xác định từ nội dung 2.
- Thời gian thực hiện: ĐX 2023-2024 và HT 2024.
- Quy mô: 1.200 m2
+ Phương pháp nghiên cứu: Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp khối ngẫu nhiên hoàn toàn (RCBD), 3 lần nhắc lại, diện tích ô cơ sở từ 25 m2.
+ Các công thức thí nghiệm:
Công thức 1 (CT1): Nền (không bổ sung phân bón và thuốc BVTV);
Công thức 2 (CT2): Nền + 5 tấn phân chuồng/vụ + Phân hữu cơ vi sinh (bón theo lượng khuyến cáo của nhà sản xuất) + Phòng trừ sâu, bệnh chính hại lúa bằng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học (nằm trong danh mục cho phép và đáp ứng TCVN 11041-5:2018);
Công thức 3 (CT3): Nền + 5 tấn phân chuồng/vụ + Phân đạm sinh học qua lá (được tạo ra từ bánh dầu và phế thải thủy, hải sản) + Phòng trừ sâu, bệnh chính hại lúa bằng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học (nằm trong danh mục cho phép và đáp ứng TCVN 11041-5:2018);
Công thức 4 (CT4): Nền + 5 tấn phân chuồng/vụ + Phân hữu cơ vi sinh (bón theo lượng khuyến cáo của nhà sản xuất) + Phân đạm sinh học qua lá (được tạo ra từ bánh dầu và phế thải thủy, hải sản) + Phòng trừ sâu, bệnh chính hại lúa bằng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học (nằm trong danh mục cho phép và đáp ứng TCVN 11041-5:2018).
+ Các chỉ tiêu cần theo dõi và phương pháp theo dõi được thực hiện theo TCVN 13381-1:2021 đối với cây lúa.
+ Phân tích hiệu quả kinh tế: Sử dụng phương pháp phân tích hiệu quả kinh tế của cây trồng để phân tích hiệu quả theo các tiêu chí sau: Tổng giá trị thu nhập (GR) = năng suất x giá bán trung bình; Tổng chi phí lưu động (TVC) = chi phí vật tư + chi phí lao động + chi phí năng lượng + lãi suất vốn đầu tư; Lợi nhuận (RVAC) = GR-TVC; Tỷ suất lãi so với vốn đầu tư (VCR) = GR/TVC; Giá thành sản phẩm = Tổng chi phí/sản lượng.
Nội dung 4: Xây dựng mô hình canh tác lúa gạo màu hữu cơ
- Số lượng và địa điểm: 02 mô hình tại 02 điểm là HTX Nông nghiệp Ân Tín - Hoài Ân và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp An Toàn - An Lão.
- Vật liệu: 2 giống lúa gạo màu triển vọng đã được xác định từ nội dung 2.
- Kỹ thuật ứng dụng: Quy trình canh tác hữu cơ đối với giống lúa gạo màu đã được hoàn thiện nội dung 3 để triển khai xây dựng mô hình, xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận gạo hữu cơ.
- Quy mô: 10 ha
- Thời gian thực hiện: HT 2024 và ĐX 2024-2025.
+ Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng phương pháp có sự tham gia của nông dân/Hợp tác xã/Doanh nghiệp để xây dựng mô hình canh tác lúa hữu cơ. Trong đó, đề tài sẽ hỗ trợ về kỹ thuật (thông qua tập huấn và chỉ đạo kỹ thuật) và hỗ trợ một phần vật tư (giống, phân bón,…), nông dân/Hợp tác xã/Doanh nghiệp tham gia thông qua việc sử dụng diện tích đất canh tác, công lao động phổ thông và đối ứng một phần vật tư.
Nội dung 5: Xây dựng nhãn hiệu gạo màu hữu cơ của tỉnh Bình Định
5.1. Kiểm định, đánh giá và cấp chứng nhận gạo màu hữu cơ
- Ký hợp đồng với đơn vị chuyên môn được chỉ định về pháp lý để thực hiện việc kiểm định và cấp chứng nhận sản phẩm gạo màu gạo hữu cơ đạt Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-5:2018.
5.2. Xây dựng nhãn hiệu gạo màu hữu cơ
- Ký hợp đồng với đơn vị chuyên môn được chỉ định về pháp lý để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Gạo màu hữu cơ của tỉnh Bình Định” (Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ).
- Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2023 - 12/2025
Nội dung khác:
* Phân tích đánh giá hàm lượng proterin và sắt.
- Số lượng mẫu: 12 mẫu
- Thực hiện trong vụ ĐX 2023-2024.
- Phương pháp: Xác định hàm lượng Protein theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8125:2015 (ISO 20483:2013). Phân tích đánh giá hàm lượng proterin và sắt được thực hiện trong vụ ĐX 2023-2024, quy mô: 12 mẫu (6 dòng/giống x 2 chỉ tiêu x 1 vụ x 2 điểm).
* Tập huấn kỹ thuật
- Địa điểm: HTX Nông nghiệp Ân Tín - Hoài Ân và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp An Toàn - An Lão.
- Số lượng: 02 lớp (30 người/lớp).
- Thành phần tham dự: nông dân trong vùng sản xuất lúa hữu cơ
- Thời gian thực hiện: Vụ HT 2024.
- Phương pháp: Sử dụng phương pháp tập huấn FFS (lớp học hiện trường) cho nông dân/Hợp tác xã/Doanh nghiệp để chuyển giao/truyền đạt kỹ thuật canh tác lúa hữu cơ từ kết quả hoàn thiện quy trình (nội dung 3 của đề tài) để xây dựng mô hình và nhân kết quả khi kết thúc.
* Hội nghị đầu bờ:
- Địa điểm: HTX Nông nghiệp Ân Tín - Hoài Ân và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp An Toàn - An Lão.
- Số lượng: 02 hội nghị (30 người/hội nghị)
- Thành phần tham dự: Nông dân trong vùng sản xuất lúa hữu cơ, đại diện các HTX Nông nghiệp, đại diện sở NN&PTNT, Phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân, TT dịch vụ Nông nghiệp Hoài Ân, cơ quan báo chí
- Thời gian thực hiện: Vụ HT 2024 và ĐX 2024-2025.
- Phương pháp: Sử dụng phương pháp có sự tham gia của nông dân/Hợp tác xã/Doanh nghiệp/Nhà khoa học/Nhà quản lý/Cơ quan báo chí để đánh giá và quảng bá mô hình canh tác lúa hữu cơ.
* Hội thảo khoa học
- Địa điểm: Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ
- Số lượng: 01 hội thảo/40 lượt người
- Thành phần tham dự: Nhà khoa học và nông dân trong vùng sản xuất lúa hữu cơ
- Thời gian thực hiện: tháng 6-12/2025
- Phương pháp: + Sử dụng phương pháp chuyên gia thông qua hội nghị khoa học để thu thập các thông tin liên quan phục vụ việc hoàn thiện quy trình canh tác lúa hữu cơ, đánh giá và tổng kết kết quả thực hiện đề tài cũng như nhân rộng khi kết thúc.
6. Thời gian thực hiện: 36 tháng, từ tháng 11/2022 đến 11/2025
7. Phương thức khoán chi: Khoán từng phần;
8.Tổng số kinh phí thực hiện: 946.176.000 đồng
- Kinh phí từ NSNN: 859.051.000 đồng
+ Kinh phí khoán: 440.834.000 đồng
+ Kinh phí không khoán: 418.217.000 đồng