1. Tên đề tài: NGHIÊN CỨU XÁC LẬP CƠ CẤU CÂY TRỒNG HIỆU QUẢ TRÊN ĐẤT CÁT VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NGÃI
2. Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Trường Giang
3. Mục tiêu đề tài:
Mục tiêu tổng thể:
Xác định được cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phù hợp với tập quán canh tác ở vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi.
Mục tiêu cụ thể:
- Xác định được danh lục cây trồng và đánh giá được hiện trạng trồng trọt trên đất cát đang canh tác cây trồng cạn ở tỉnh Quảng Ngãi.
- Xác định được đối tượng và cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phù hợp với tập quán canh tác trên đất cát đang canh tác cây trồng cạn ở tỉnh Quảng Ngãi.
- Tuyên truyền, phổ biến các đối tượng và cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phù hợp với tập quán canh tác trên đất cát đang canh tác cây trồng cạn đến cộng đồng ở một số huyện/thị tỉnh Quảng Ngãi.
4. Kết quả của đề tài
4.1. Xây dựng danh lục đối tượng cây trồng, bộ tiêu bản và bộ sưu tập nguồn giống
- Đối tượng cây trồng hiện có trên đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn tỉnh Quảng Ngãi khá đa dạng. Danh lục đối tượng cây trồng được xây dựng với hơn 40 loài và tập trung vào các nhóm chính: Nhóm cây lâm nghiệp; Nhóm cây công nghiệp ngắn ngày; Nhóm cây nông nghiệp (Nhóm cây cho dầu béo sử dụng làm thực phẩm; Nhóm cây làm thức ăn cho người và gia súc; Nhóm cây dùng làm thuốc).
- Qua điều tra thực địa, thu thập và xây dựng bộ tiêu bản gồm ảnh và mẫu vật khô tổng số 19 loài thu thập được tại huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
- Trong quá trình triển khai đề tài đã xác định các loại cây trồng nông nghiệp bản địa và tiến hành thu thập nguồn gen là hạt giống, củ giống hoặc hom giống, gồm các đối tượng: Giống lạc sẻ địa phương, 2 giống củ từ, 1 giống khoai mỡ, giống củ sắn, giống củ mình tinh, giống nghệ vàng, giống cải ngọt, giống bí đỏ, giống rau mã đề và giống đinh lăng lá nhỏ. Cơ quan chủ trì đã tiến hành lưu giữ và bảo quản lạnh đối với nguồn gen là hạt giống.
4.2. Hiện trạng về trồng trọt trên đất cát ven biển tỉnh quảng ngãi
- Vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi có một nền nhiệt độ cao và ít biến động với số giờ nắng cao, nguồn nước ngầm tương đối ổn định. Đây là điều kiện cần thiết để cây trồng sinh trưởng phát triển, đặc biệt là các loài cây trồng nguồn gốc nhiệt đới. Điều này cũng là một thuận lợi cho sản suất nông nghiệp và tiềm năng lớn trong việc bố trí sản xuất cây trồng quanh năm. Lượng mưa phân bố không đều là trở ngại lớn cho sản xuât nông nghiệp của vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi.
- Chủng loại cây trồng đang canh tác trên đất cát ven biển rất phong phú,là các đối tượng truyền thống, phù hợp với điều kiện canh tác truyền thống của người dân địa phương, có lợi thế so sánh trong sản xuất nông nghiệp. Sản xuất cây trồng cạn trên vùng đất cát ven biển tập trung nhiều vào nhóm đậu đỗ (lạc), ngô, rau ăn quả (dưa hấu, bí đỏ...), rau rau ăn lá, ít trồng các đối tượng có giá trị kinh tế cao như măng tây, hành, tỏi và cây ăn quả.
- Các cơ cấu cây trồng phổ biến và đặc trưng canh tác trên vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi gồm: Cơ cấu thâm canh lạc 2-3 vụ/năm; cơ cấu luân canh lạc Đông xuân, rau màu (ngô, củ đậu, dưa hấu, ...) vụ HT và TĐ; Các cơ cấu chuyên canh sắn, mía, nghệ, cỏ chăn nuôi, dừa và thanh long. Thời vụ canh tác của người dân trong vùng rất đa dạng và rải vụ trong suốt cả năm.
- Đa phần các hộ dân đánh giá các loại rau như củ đậu, củ từ, dưa hấu, cà tím, kiệu cho hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất cao hơn các đối tượng còn lại
Các cơ cấu cây trồng trên đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi có mức độ thâm canh cao thể hiện qua mức đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, mật độ trồng hợp lý. Trong canh tác phân bón hóa học vẫn là loại phân được sử dụng chính. Việc sử dụng phân bón trong sản xuất chưa cân đối NPK, do bón thừa hoặc thiếu các loại phân đạm, lân và kali so với khuyến cáo tùy theo đối tượng cây trồng.
- Hầu hết các loại rau màu mới chỉ có thương lái thu mua chứ chưa hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Do đó, hiệu quả sản xuất chưa cao và thiếu bền vững.
4.3. Kết quả phân tích bổ sung đặc điểm thổ nhưỡng và nông hóa của đất cát ven biển ở vùng nghiên cứu
Tất cả các tầng trong phẫu diện không có lẫn sỏi cơm, thành phần cơ giới chủ yếu là từ cát pha đến cát, kết cấu đất từ xốp đến chặt. Độ ẩm của các tầng trong phẫu diện tương đối cao vì đất nằm ở vùng canh tác có nguồn nước tưới chủ động, dồi dào nên có lượng nước cần thiết để thẩm thấu. độ dày tầng đất > 130 cm là thuận lợi, thành phần cơ giới ở các tầng bên dưới chủ yếu từ cát pha đến cát nên dễ tiêu nước trong mùa mưa và dưỡng khí trong đất cao, qua đó làm tăng khả năng phát triển của bộ rễ cây lâu năm. Tuy nhiên với thành phần cơ giới chủ yếu là cát nên khả năng giữ nước, chất dinh dưỡng kém. Do vậy cần cung cấp chất hữu cơ liên tục (bón phân hữu cơ, phân xanh) giúp cải thiện khả năng giữ nước, giữ dinh dưỡng và cải thiện độ phì cho đất. Đối với các điểm bị ngập lụt vào mùa mưa chỉ nên đưa cơ cấu các loại cây trồng ngắn ngày vào canh tác và có lịch thời vụ thích hợp nhằm giảm thiểu rủi ro do thời tiết cực đoan gây nên.
Đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn tỉnh Quảng Ngãi bị nhiễm mặn trung bình và có phản ứng từ rất chua đến ít chua. Hàm lượng chất hữu cơ và đạm tổng số ở tầng đất mặt (0-20 cm) ở mức nghèo đến trung bình, K2O tổng số ở mức nghèo, P2O5 tổng số dao động từ nghèo đến giàu. Hàm lượng các kim loại nặng đều nằm trong giới hạn cho phép. Để cải tạo độ mặn và chỉ số pH đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi trong canh tác cây trồng cạn cần thiết bón vôi với lượng từ 0,5 - 1,0 tấn/ha và sử dụng phân lân nung chảy.
4.4. Kết quả nghiên cứu đánh giá khả năng phù hợp của các cơ cấu cây trồng trên vùng đất cát đang canh tác cây trồng cạn tỉnh quảng ngãi
Từ kết quả thử nghiệm bước đầu cho thấy, cây dừa xiêm xanh, cây na Thái và cây nha đam phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất cát ven biển.
Kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế của cây na Thái qua 3 năm trồng cho thấy, ở năm thứ 3 cây na Thái đã bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế với lãi thuần bình quân của 3 điểm thử nghiệm là 27,55 triệu đồng/ha.
Trên cơ sở thử nghiệm tại thị xã Đức Phổ (xã Phổ Khánh và phường Phổ Vinh) và huyện Mộ Đức, kết quả tổng hợp chung hiệu quả kinh tế của 5 cơ cấu cây ngắn ngày ở 3 điểm đã cho thấy 2 cơ cấu cây trồng trong thực nghiệm có lãi ròng và tỷ suất lãi so với vốn đầu tư đạt cao hơn so với cơ cấu đối chứng (Lạc - Đậu xanh - Khoai lang) là:
- Cơ cấu Tỏi - Hành - Kiệu có lãi ròng là 261,63 triệu đồng/ha/năm và cao hơn 107,9 % so với đối chứng;
- Cơ cấu Cà rốt - Hành - Khoai môn có lãi ròng là 422,68 triệu đồng/ha/năm và cao hơn 235,9 % so với đối chứng.
Kết quả đánh giá cũng cho thấy cây tỏi và cây cà rốt có hiệu quả kinh tế thấp. Cây hành tím lấy củ mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên sâu bệnh hại trên cây hành tương đối nhiều và xảy ra thường xuyên hơn so với các đối tượng thử nghiệm khác, đặc biệt là các sâu bệnh hại tồn dư trong đất cát đang canh tác cây trồng cạn. Việc sử dụng các loại thuốc sâu, bệnh rải đất đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thêm vào đó cây hành đòi hỏi chi phí đầu tư cho sản xuất cao, đặc biệt là chi phí giống. Chi phí đầu tư giống hành trung bình là 150 triệu đồng/ha, chiếm trên 70% tổng chi.
Dựa trên các kết quả thử nghiệm về thời gian sinh trưởng, thời vụ gieo trồng, tính thích nghi, hiệu quả kinh tế, tác động môi trường của các đối tượng cây trồng ngắn ngày để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích các đối tượng cây ngắn ngày được lựa chọn gồm: Lạc, đậu xanh, khoai lang Nhật, khoai môn sáp vàng và kiệu. Lãi ròng của từng đối đượng là lạc vụ Đông xuân 45,75 triệu đồng/ha, lạc vụ Xuân hè - 31,49 triệu đồng/ha, đậu xanh - 8,87 triệu đồng/ha, khoai lang Nhật - 72,09 triệu đồng/ha, khoai môn sáp vàng - 222,88 triệu đồng/ha và kiệu - 235,88 triệu đồng/ha.
Như vậy, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện vùng đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn ở tỉnh Quảng Ngãi là:
+ Bước đầu xác định được 2 đối tượng cây dài ngày sinh trưởng phát triển tốt và có tiềm năng mở rộng là: Cây dừa xiêm xanh và cây na Thái.
+ Xác định được 5 đối tượng cây trồng ngắn ngày là lạc, đậu xanh, khoai lang Nhật, khoai môn sáp vàng, kiệu và các cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn ở tỉnh Quảng Ngãi: vụ ĐX - cây lạc, vụ XH và vụ H - cây lạc/đậu xanh, vụ HT/TĐ - cây kiệu/khoai môn sáp vàng/ khoai lang Nhật.
Khuyến cáo không phát triển sản xuất trên vùng đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn tỉnh Quảng Ngãi các đối tượng cây trồng gồm: lựu đỏ, măng tây, cà rốt, hành và tỏi vì các lý do sau: Qua thực nghiệm cây lựu đỏ sinh trưởng kém, thường xuyên xuất hiện sâu hại (sâu đục thân, bọ trĩ), mặc dù cây ra hoa đậu quả tuy nhiên chất lượng quả không đạt (quả nhỏ, ít nước); Mùa mưa tập trung với lượng mưa lớn; Chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả bệnh hại trên thân cành và rễ măng tây tại vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi; Cây hành, tỏi và cà rốt mẫn cảm với tuyến trùng trong đất, trong khi đó mật độ tuyến trùng trong đất cát ven biển đang canh tác cây trồng cạn cao và khó phòng trị.
4.5. Sản phẩm của đề tài
TT | Sản phẩm | Đơn vị tính | Theo kế hoạch | Thực tế đạt được | % thực hiện |
1 | Danh mục cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất canh tác cây trồng cạn tại các vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi | Cơ cấu cây trồng mới | 5-6 | 6 | 100 |
2 | Bộ phiếu điều tra khảo sát | Phiếu | 840 | 840 | 100 |
3 | Báo cáo phân tích số liệu điều tra | Báo cáo | 1 | 1 | 100 |
4 | Mô hình trình diễn các cơ cấu cây trồng trên đất canh tác cây trồng cạn ở ven biển tỉnh Quảng Ngãi | Mô hình | 10 | 10 | 100 |
5 | Báo cáo kết quả xây dựng mô hình trình diễn 10 cơ cấu cây trồng trên đất cát canh tác cây trồng cạn ở ven biển tỉnh Quảng Ngãi | Báo cáo | 1 | 1 | 100 |
6 | Bộ tiêu bản các loài cây trồng chủ yếu vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Ngãi | Bộ | 1 | 1 | 100 |
7 | Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc đối với các đối tượng cây trồng có hiệu quả trên đất cát đang canh tác cây trồng cạn ở tỉnh Quảng Ngãi | Hướng dẫn | 1 | 1 | 100 |
8 | Các báo cáo chuyên đề: | Báo cáo | 5 | 5 | 100 |
8.1 | Danh lục đối tượng cây trồng hiện có trên đất cát đang canh tác cây trồng cạn ở vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi. | Báo cáo | 1 | 1 | 100 |
8.2 | Hiện trạng về cơ cấu, biện pháp canh tác và hiệu quả kinh tế của cây trồng trên đất cát đang canh tác cây trồng cạn tỉnh Quảng Ngãi. | Báo cáo | 1 | 1 | 100 |
8.3 | Đánh giá bổ sung đặc điểm thổ nhưỡng và nông hóa của đất cát đang canh tác cây trồng cạn ở tỉnh Quảng Ngãi | Báo cáo | 1 | 1 | 100 |
8.4 | Thử nghiệm cơ cấu cây trồng mới trên đất cát đang canh tác cây trồng cạn ở tỉnh Quảng Ngãi. | Báo cáo | 1 | 1 | 100 |
8.5 | Lựa chọn cơ cấu cây trồng có hiệu quả trên đất cát đang canh tác cây trồng cạn ở tỉnh Quảng Ngãi | Báo cáo | 1 | 1 | 100 |
9 | Phim tư liệu | Phim | 1 | 1 | 100 |
10 | Bài báo khoa học | Bài báo | 2 | 2 | 100 |
11 | Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài | Báo cáo | 1 | 1 | 100 |
12 | Báo cáo tóm tắt kết quả đề tài | Báo cáo | 1 | 1 | 100 |