LỰA CHỌN ĐỐI TƯỢNG VÀ CCCT HÀNG NĂM THÍCH HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN HẠN HÁN VÀ THIẾU NƯỚC

admin24/02/2020 09:55 AM

NGHIÊN CỨU LỰA CHỌN ĐỐI TƯỢNG VÀ CƠ CẤU CÂY TRỒNG HÀNG NĂM THÍCH HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN

HẠN HÁN VÀ VÙNG CÓ NGUY CƠ THIẾU NƯỚC Ở CÁC TIỂU VÙNG SINH THÁI TỈNH KON TUM

1. Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu lựa chọn đối tượng và cơ cấu cây trồng hàng năm thích hợp với điều kiện hạn hán và vùng có nguy cơ thiếu nước ở các tiểu cùng sinh thái tỉnh Kon Tum.

2. Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Đỗ Thị Ngọc

3. Mục tiêu đề tài

* Mục tiêu chung

Góp phần ổn định sản xuất ở các tiểu vùng sinh thái hạn hán đặc trưng và nguy cơ thiếu nước tưới ở tỉnh Kon Tum.

*  Mục tiêu cụ thể

Đánh giá hiện trạng cơ cấu cây trồng trên các vùng hạn hán của tỉnh kon Tum.

Xác định được 2 - 3 đối tượng cây trồng hàng năm có khả năng chịu hạn và thích hợp với điều kiện đất đai của tỉnh Kon Tum.

Xác định được 3 - 4 cơ cấu cây trồng hàng năm phù hợp với điều kiện hạn hán và vùng có nguy cơ thiếu nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Đề xuất phương án bổ sung đối tượng cây trồng, cơ cấu trồng và cơ cấu mùa vụ thích ứng với điều kiện hạn hán ở các tiểu vùng sinh thái hạn hán đặc trưng.

4. Kết quả của nhiệm vụ.

1) Hiện trạng về đối tượng và cơ cấu cây trồng hàng năm ở các tiểu vùng sinh thái hạn hán và nguy cơ thiếu nước thuộc tỉnh Kon Tum:

- Điểm mạnh của các đối tượng và cơ cấu cây trồng hiện có: Điều kiện đất đai và khí hậu rất phù hợp để phát triển sản xuất các loại cây trồng hàng năm có nguồn gốc nhiệt đới. Là các đối tượng cây trồng truyền thống, có khả năng chịu hạn khá, phù hợp với điều kiện canh tác truyền thống của người dân địa phương, có lợi thế so sánh trong sản xuất nông nghiệp…

- Điểm yếu của các đối tượng và cơ cấu cây trồng hiện có: Trước diễn biến hạn hán kéo dài và thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây, hệ thống cây trồng hàng năm trong sản xuất trên đất đồi gò và đất bằng ở vùng hạn hán và nguy cơ thiếu nước đã bộc lộ một số hạn chế như: Một số đối tượng cây trồng tuy chịu hạn tốt nhưng không nằm trong qui hoạch mở rộng của tỉnh hay áp lực về tiêu thụ sản phẩm như lúa nương, mía; Cây sắn chịu hạn tốt nhưng giống sắn dang sử dụng trong sản xuất chủ yếu là KM94, giống này tuy có năng suất và hàm lượng tinh bột cao nhưng lại thuộc nhóm dài ngày và bị nhiễm bệnh chổi rồng do thoái hóa; Cây ngô tuy có nhu cầu nước tưới ít, nhưng để phát huy năng suất cần phải đảm bảo ẩm độ đất (70 - 80%) trong giai đoạn gieo trồng và trỗ cờ phun râu, trong khi đó thời gian hạn hán thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau nên mất mùa đối với cây ngô đã xảy ra trong cả vụ hè hu và thu đông; Cơ cấu Lúa Đông xuân - Lúa Hè thu tuy phù hợp cho những vùng chủ động nước tưới, tuy nhiên việc tập trung quá nhiều nước tưới cho cây lúa trong vụ Đông xuân sẽ làm tăng diện tích bỏ hoang trên đất bằng, cơ cấu Bỏ hoang đất Đông xuân - Lúa Hè thu chưa được khai thác hết tiềm năng của đất.

2) Từ kết quả thử nghiệm, đề tài đã xác định các cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khô hạn trên các chân đất ở tỉnh Kon Tum như sau:

- Xác định được 3 đối tượng cây trồng là ngô nếp ăn tươi, đậu đen (nhóm đậu cowpea), đậu xanh và 3 cơ cấu cây trồng Ngô nếp ăn tươi (HT) - Ngô nếp ăn tươi (TĐ), Đậu xanh (HT) - Ngô nếp ăn tươi (TĐ), Ngô nếp ăn tươi (HT) - Đậu đen (TĐ) phù hợp với đất đồi vùng hạn hán và nguy cơ thiếu nước ở các huyện phía Tây Trường Sơn của tỉnh Kon Tum.

- Xác định được 2 đối tượng cây trồng là ngô nếp ăn tươi, đậu đen và 2 cơ cấu cây trồng Ngô nếp ăn tươi (Hè) - Lúa (Hè thu), Đậu đen (Hè) - Lúa (Hè thu) phù hợp với đất bằng bỏ hoang (đất lúa 1 vụ/năm) vùng hạn hán và nguy cơ thiếu nước ở các huyện phía Tây Trường Sơn của tỉnh Kon Tum.

- Xác định được 2 đối tượng cây trồng là ngô nếp ăn tươi, đậu đen và 2 cơ cấu cây trồng Ngô nếp ăn tươi (Đông xuân) - Lúa (Hè thu), Đậu đen (Đông xuân) - Lúa (Hè thu) phù hợp với đất lúa 2 vụ/năm vùng hạn hán và nguy cơ thiếu nước ở các huyện phía Tây Trường Sơn của tỉnh Kon Tum.

- Xác định được các giống sắn ngắn ngày KM140, SM937-26 phù hợp để chuyển đổi cơ cấu giống trong cơ cấu chuyên canh cây sắn khi gặp hạn.

3) Từ các cơ cấu đề xuất, đề tài tiến hành xây dựng các mô hình với kết quả như sau:

- Mô hình sắn trên đất đồi gò vùng hạn hán và nguy cơ thiếu nước: Năng suất sắn đạt 24,7 tấn/ha cao hơn đối chứng ngoài mô hình (đạt 23,1 tấn/ha) là 7%; Lãi thuần đạt 26,3 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng ngoài mô hình (đạt 20,6 triệu đồng/ha) là 28,0%. Tỷ suất lãi so với vốn đầu tư sắn trong mô hình đạt 135,8%, nhưng ngoài mô hình chỉ đạt 93,1%.

- Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ Ngô hè thu - Ngô thu đông sang Đậu xanh hè thu - Ngô thu đông và Ngô hè thu - Đậu đen thu đông trên đất đồi gò ở vùng hạn hán và nguy cơ thiếu nước: Lãi ròng cơ cấu đậu xanh hè thu – ngô thu đông đạt 68,38 triệu đồng/ha/năm; cơ cấu ngô hè thu - đậu đen thu đông lãi đạt 71,94 triệu đồng/ha/năm thấp hơn cơ cấu đối chứng ngô hè thu – ngô thu đông (lãi 96,80 triệu đồng/ha/năm) từ 34,6 – 41,6%; Tỷ suất lãi so với vốn đầu tư của cơ cấu đối chứng ngô hè thu – ngô thu đông cao nhất đạt 173,2%, 2 cơ cấu còn lại tương đương nhau và đạt trên 140%.

- Mô hình sắn trên đất bằng vùng hạn hán và nguy cơ thiếu nước:  Năng suất sắn trong mô hình đạt 30,1 tấn/ha cao hơn đối chứng ngoài mô hình (đạt 27,5 tấn/ha) là 9,4%; Lãi ròng đạt 35,8 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng ngoài mô hình (đạt 27,5 triệu đồng/ha) là 30,1%. Tỷ suất lãi so với vốn đầu tư sắn trong mô hình đạt 181,0%, ngoài mô hình đạt 118,6%.

- Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa xuân hè - lúa hè thu sang Đậu đậu đen xuân hè - lúa hè thu và  ngô xuân hè – lúa hè thu trên đất bằng ở vùng hạn hán và nguy cơ thiếu nước (đất 2 vụ lúa): Lãi ròng cơ cấu đậu đen xuân hè – lúa hè thu đạt 41,7 triệu đồng/ha/năm, cao hơn cơ cấu đối chứng lúa xuân hè - lúa hè thu (đạt lãi ròng 36,4 triệu đồng/ha/năm) là 14,3%; Lãi ròng cơ cấu ngô xuân hè – lúa hè đạt 68,3 triệu đồng/ha/năm, cao hơn cơ cấu đối chứng 87,5%. Tỷ suất lãi so với vốn đầu tư của cơ cấu ngô xuân hè – lúa hè thu cao nhất đạt 135,3%, cơ cấu đậu đen xuân hè – lúa hè thu là 88,8%, cơ cấu đối chứng là 70,7%.

- Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất bỏ hoang xuân hè - lúa hè thu) sang đậu đen xuân hè - lúa hè thu trên đất bằng ở vùng hạn hán và nguy cơ thiếu nước (đất 1 vụ lúa): Lãi ròng của cơ cấu đậu đen xuân hè – lúa hè đạt 41,3 triệu đồng/ha/năm, cao hơn cơ cấu đối chứng đất bỏ hoang xuân hè – lúa hè thu (lãi ròng 21,6 triệu đồng/ha/năm) là 91,4%. Tỷ suất lãi so với vốn đầu tư của cơ cấu đậu đen xuân hè – lúa hè thu đạt 95,3%, của cơ cấu đối chứng chỉ đạt 84,9%.

5. Sản phẩm của nhiệm vụ:

- Báo cáo tổng kết đề tài

- Báo cáo tóm tắt

- Báo cáo phân tích hiện trạng và đề xuất lựa chọn các cơ cấu cây trồng hàng năm phù hợp với điều kiện hạn hán và vùng có nguy cơ thiếu nước

- Bài báo

Tin cùng chuyên mục