ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ XÂY DỰNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TẠI XÃ AN MỸ VÀ AN CƯ,
HUYỆN TUY AN, TỈNH PHÚ YÊN
1. Tên Dự án: Ứng dụng Khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại xã An Mỹ và An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
2. Chủ nhiệm dự án: TS. Hồ Huy Cường
3. Mục tiêu dự án:
Nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị đất canh tác và thu nhập của nông hộ, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại xã An Cư và An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Mục tiêu cụ thể
- Phân tích và đánh giá hiện trạng sản xuất và hiệu quả sản xuất lúa gạo đỏ ở xã An Cư và An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
- Đào tạo được 40 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn, hội nghị tham quan đầu bờ cho 350 lượt người tham dự.
- Xây dựng được: Mô hình nhân rộng 1 ha cây cà gai leo, cung cấp nguyên liệu cho ngành dược phẩm, hiệu quả kinh tế tăng hơn 20% so với phương thức sản xuất hiện tại (Lúa ĐX - Dưa HT); Mô hình sản xuất dừa uống nước với diện tích 2 ha vừa tạo cảnh quan phục vụ du lịch và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; Mô hình sản xuất lúa gạo đỏ với diện tích 8 ha theo hướng giảm chi phí đầu vào sản xuất, hiệu quả kinh tế tăng hơn 20% so với giống và kỹ thuật canh tác hiện tại; Mô hình nuôi cá chình bông theo hướng thâm canh với 2 hộ (60 m2/hộ), hiệu quả kinh tế tăng hơn 20% so với nuôi trồng thủy sản hiện tại.
4. Kết quả của dự án:
- Đã tổ chức điều tra hiện trạng sản xuất lúa (lúa gạo đỏ) ở vùng dự án. Qua đó, phân tích được điểm mạnh, điểm yếu và đề ra được giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Xác định được hiệu quả sản xuất lúa (lúa gạo đỏ) ở vùng dự án để làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả các mô hình.
- Đã xây dựng được 01 ha mô hình trồng cà gai leo trên chân đất lúa 1 vụ. Năng suất cà gai leo khô đạt 6,070 tấn/ha. Lợi nhuận đạt 125,300 triệu đồng/ha/năm, tăng 8,18 lần so với phương thức sản xuất hiện tại {Lúa (TĐ) - Dưa (XH)}.
- Đã xây dựng được 02 ha mô hình trồng dừa uống nước. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.
- Đã xây dựng được 08 ha/2 năm mô hình canh tác lúa gạo đỏ. Năng suất lúa bình quân đạt 45,6 tạ/ha. Lợi nhuận đạt 25,740 triệu đồng/ha, tăng 32,0% so với phương thức sản xuất hiện nay tại địa phương.
- Đã xây dựng mô hình nuôi cá chình bông thâm canh với 2 hộ tham gia với diện tích 60m2/hộ. Trọng lượng cá bình quân đạt 1,4 kg/con. Lãi ròng đạt 43,542 triệu đồng/hộ, tăng 24,4% so với phương thức sản xuất hiện nay tại địa phương.
- Tổ chức đào tạo được 40 kỹ thuật viên là người địa phương, tập huấn kỹ thuật cho 120 lượt người và tổ chức hội nghị đầu bờ kết quả các mô hình cho 300 lượt người tham gia.
Kết quả đạt được của dự án đã khẳng định sự đóng góp của khoa học công nghệ trong việc tăng năng suất chất lượng của các đối tượng cây trồng, vật nuôi trong dự án, giảm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả trên đơn vị đất canh tác, sử dụng tài nguyên đất bền vững, hợp lý. Qua đó góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân ở vùng dự án nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung.
5. Sản phẩm của dự án:
- Báo cáo tổng kết
- Báo cáo tóm tắt
- Báo cáo phân tích hiện trạng canh tác và hiệu quả sản xuất lúa gạo đỏ ở vùng dự án
- Quy trình Hướng dẫn kỹ thuật trồng cà gai leo trên đất lúa 1 vụ lúa thiếu nước
- Quy trình Hướng dẫn kỹ thuật trồng dừa uống nước
- Quy trình Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa gạo đỏ
- Quy trình Hướng dẫn nuôi cá chình bông thương phẩm thâm canh