In trang: 


Xoài cát Hòa Lộc làm hồi sinh một vùng đất chết

Đăng ngày:5/24/2021 9:16:07 AM bởi admin

Cả một vùng đất rộng lớn từng như một hoang mạc. Từ khi xuất hiện cây xoài cát Hòa Lộc, “sa mạc chết” bỗng hồi sinh, nông dân ăn nên làm ra.

Cả một vùng đất rộng lớn từng như một hoang mạc. Từ khi xuất hiện cây xoài cát Hòa Lộc, “sa mạc chết” bỗng hồi sinh, nông dân ăn nên làm ra.

Vùng xoài Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) đến vụ thu hoạch. Ảnh: Ngọc Thăng.

Vùng xoài Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) đến vụ thu hoạch. Ảnh:Ngọc Thăng.

“Sa mạc chết” hồi sinh

Nói về “sa mạc cát” nằm trên địa bàn 2 xã Cát Hanh và Cát Lâm thuộc huyện Phù Cát (Bình Định), ông Lương Văn Khoa, Phó phòng NN-PTNT huyện, nhớ lại: Trên địa bàn 2 xã Cát Hanh và Cát Lâm có vùng đất cát mênh mông, rộng cả trăm hecta.

Đây là đất cát chay, đến cả cây mì sống cũng không nổi. Một thời gian nông dân cắm trên đất này cây điều, nhưng sự khắc nghiệt của vùng đất cũng khiến cây điều cho quả không nổi.

“Hồi đó đi ngang vùng đất này buồn tẻ lắm, nhìn qua ngó lại chỉ thấy những vùng đất cát mênh mông, cát trải dài ngút tầm mắt, cây cối lưa thưa hoang tàn, bởi cây điều không cho hiệu quả nên nông dân chẳng thèm chăm sóc. Đất thì mênh mông nhưng nông dân chẳng biết làm gì”, ông Khoa kể lại.

Thế nhưng đó đã là chuyện ngày xưa. Cách đây hơn 10 năm, cây xoài cát Hòa Lộc bắt đầu được người dân ở đây đưa về trồng, ban đầu chỉ diện tích nhỏ của vài người đi tiên phong.

Không ngờ cây xoài cát Hòa Lộc lại phù hợp với vùng đất khắc nghiệt này, cho quả đạt năng suất, chất lượng lại ngon hơn quả trồng trên đất sinh ra nó. Đầu ra, giá cả luôn luôn ổn định nên nông dân vùng đất cát ngày càng “hít” cây xoài cát Hòa Lộc.

Do đó, chỉ mới hơn 10 năm mà cả vùng đất rộng gần 100ha ở 2 xã Cát Hanh và Cát Lâm (huyện Phù Cát) đã phủ kín cây xoài cát Hòa Lộc. Vùng đất ngày xưa hoang tàn, buồn tẻ bao nhiêu thì bây giờ mướt xanh bấy nhiêu. Những vườn xoài xum xuê đã phủ bóng mát kín cả “vùng đất chết”.

“Để khai thác tiềm năng vùng đất cát, năm 1998, chính quyền địa phương quy hoạch, cấp cho những hộ dân có nhu cầu mỗi hộ 2 – 3ha để xây dựng trang trại. Ai có vốn liếng mua thêm đất, diện tích tăng thêm lên đến 4 – 5ha.

Ban đầu chỉ 1 – 2 hộ dân đưa cây xoài cát Hòa Lộc về trồng thử nghiệm, không ngờ loại cây này lại vô cùng phù hợp với đất này. Nếu nông dân chịu khó thâm canh, tưới tắm phân thuốc đầy đủ thì chỉ 2 năm sau xoài cho ra trái bói, đến khi xoài được 3 năm tuổi là cho kinh doanh.

Hiện trên địa bàn huyện Phù Cát có gần 100ha xoài cát Hòa Lộc trồng tập trung tại 2 xã Cát Hanh và Cát Lâm, riêng xã Cát Hanh đã trồng được đến 85ha. Giá cả luôn ổn định, dao động từ 16.000đ – 24.000đ/kg, người trồng lãi to. Nông dân trồng xoài ở đây có người đã mua ô tô 700 – 800 triệu”, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát Lương Văn Khoa, chia sẻ.

Nông dân Nguyễn Ngọc trong trại trồng xoài cát Hòa Lộc rộng 4ha của mình. Ảnh: Ngọc Thăng.

Nông dân Nguyễn Ngọc trong trại trồng xoài cát Hòa Lộc rộng 4ha của mình. Ảnh: Ngọc Thăng.

Cũng theo ông Khoa, xoài ở Phù Cát cho năng suất khá cao. Ví như ông Nguyễn Ngọc (65 tuổi) ở thôn Tân Hóa Nam xã Cát Hanh (huyện Phù Cát), người đang sở hữu trang trại trồng xoài cát Hòa Lộc rộng đến 4ha, trong đó có 750 cây xoài đã ngoài 10 năm tuổi. Nhờ ông Ngọc thâm canh tốt nên những cây xoài từ 7 năm tuổi trở lên của ông cho năng suất đạt đến 12 tấn/ha/năm.

Người tiên phong

Nhắc đến cây xoài cát Hòa Lộc trên đất Phù Cát là lập tức cái tên Nguyễn Ngọc ở xã Cát Hanh được xướng lên. Bởi, ông là người tiên phong đưa cây xoài cát Hòa Lộc về trồng trên vùng đất này.

Trước đây, gia đình ông Ngọc chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng, lúa thu hàng vụ không đủ cả nhà ăn giáp hạt, cuộc sống cơ cực tứ bề.

Năm 2018, một nông trường lớn ở địa phương giải thể, UBND xã Cát Hanh kêu gọi người dân thuê đất của nông trường trả lại để phát triển kinh tế trang trại.

Tuy nhiên, vùng đất cát mênh mông, khô cằn chẳng thể hấp dẫn được ai. Có người thuê đất rồi bỏ không, bởi đến cả cây mì sống còn không nổi thì liệu trồng cây gì cho được.

“Khi ấy, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, nhưng giấc mơ làm giàu luôn đeo đuổi tôi. Muốn làm giàu mà không có vốn liếng, không có đất đai thì cũng “bó tay”.

Khi chính quyền xã có chính sách cho thê đất, tôi biết sẽ rất khó để khai phá tiềm năng của vùng đất này, nhưng xác định đây là cơ hội nên làm liều thuê ngay 4ha và bắt tay xây dựng trang trại”, ông Ngọc nhớ lại.

Sau khi cải tạo hoàn tất 4ha đất, ông Ngọc liền nghe ngóng thông tin về các loại cây trồng phù hợp với đất cát. Cuối cùng ông chọn cây xoài cát Hòa Lộc để khởi nghiệp. Ông lặn lội vào miền Nam mua 300 cây về trồng. Để có điều kiện thâm canh, ông Ngọc đóng giếng lấy nước tưới.

Bất ngờ chỉ 2 năm sau là xoài cho quả bói, 1 năm sau đó cho thu hoạch rộ. Cây xoài đã vực dậy cuộc sống của gia đình ông, từ là một hộ khó khăn gia đình ông Ngọc nhanh chóng trở nên khá giả.

Nhận thấy cây xoài cát Hòa Lộc phù hợp với đồng đất này, năm 2005, ông Ngọc tiếp tục mua 450 cây nữa về trồng.

Tiếng lành đồn xa, dần dà tất cả những diện tích đất cát ở xã Cát Hanh trước đây “nhìn là thấy sợ” được người dân thuê tất, hàng loạt trang trại xoài mọc lên.

Đất ở xã Cát Hanh hết, nông dân thuê đất của xã Cát Lâm để trồng xoài. Chẳng bao lâu sau, huyện Phù Cát có vùng trồng xoài tập trung rộng gần 100ha tại 2 xã Cát Hanh và Cát Lâm.

Theo nông dân Nguyễn Ngọc, do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Định khác với các tỉnh miền Nam, nên thời điểm cây xoài tỉnh này cho thu hoạch trái vụ với xoài trồng ở các tỉnh miền Nam, muộn hơn vụ xoài miền Nam từ 1 - 2 tháng. Nhờ đó, xoài trồng ở Phù Cát tiêu thụ rất thuận lợi, bán được giá cao.

Đặc điểm của cây xoài cát Hòa Lộc là phải được tưới nước đầy đủ mới cho năng suất cao, chất lượng tốt. Vì trong giai đoạn nuôi quả, nếu cây xoài bị khô nước, khi gặp mưa sẽ xảy ra hiện tượng rụng trái và nứt trái.

Do đó, vì lo xa người trồng xoài ở đây cứ tưới đầm tưới đìa, lượng nước tưới vào cây xoài nhiều hơn nhu cầu nó cần, gây lãng phí nguồn nước và công lao động.

Tham quan mô hình tưới tiết kiệm cho xoài tại trang trại của nông dân Nguyễn Ngọc ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh. Ảnh: Ngọc Thăng.

Tham quan mô hình tưới tiết kiệm cho xoài tại trang trại của nông dân Nguyễn Ngọc ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh. Ảnh: Ngọc Thăng.

Trước thực trạng trên, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã kịp thời chuyển giao kỹ thuật tưới tiết kiệm sử dụng chảo bốc thoát hơi nước và mini pan để tưới nhỏ giọt.

“Phương pháp tưới nhỏ giọt cho cây xoài lợi tứ bề. Trước đây, với 100 cây xoài, nếu tưới theo cách truyền thống thì tôi phải mất hơn 1 ngày, còn bây giờ chỉ cần kéo cầu dao lên 3 tiếng đồng hồ sau là đủ lượng nước, sau đó nhìn lượng nước bốc hơi trong chảo, khi thấy cây cần nước là tôi tưới lại, vừa đỡ tốn công vừa không lãng phí nước”, nông dân Nguyễn Ngọc chia sẻ.

“Mô hình tưới tiết kiệm đáp ứng đủ lượng nước tưới cho cây, không thừa cũng không thiếu. Cây xoài mà tưới thừa nước sẽ dẫn tới hiện tượng rụng quả non.

Tưới nhỏ giọt, sau thu hoạch cây xoài sẽ phục hồi nhanh hơn, mùa sau cho hoa cho quả nhiều hơn, lại tiết kiệm được lượng nước rất lớn, trong suốt vụ chỉ sử dụng 210m3/ha, trong khi tưới thả ống hay xả bồn như trước đây lượng nước tiêu hao đến 330m3/ha.

Tưới nhỏ giọt cho xoài còn làm tăng năng suất quả lên 29% và giảm lượng nước tưới từ 36 - 40% so với phương pháp tưới truyền thống”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ.

“Thời vụ thu hoạch xoài ở Phù Cát trái vụ với xoài ở các tỉnh miền Nam nên đầu ra luôn ổn định. Tháng 5 âm lịch hàng năm là vùng xoài cho thu hoạch. Mấy năm trước, người trồng xoài ở đây phun thuốc kích hoa để xoài cho hoa đồng loạt, thu hoạch đồng loạt. Thế nhưng nhận thấy xử lý thuốc kích hoa như thế thì sinh trưởng của cây bị ảnh hưởng, do đó mấy năm nay nông dân cho xoài ra hoa tự nhiên. Tuy là vùng đất cát nhưng mạch nước ngầm rất dồi dào, theo đó các trang trại trồng xoài đều đóng giếng đóng hoặc đào giếng để tưới xoài”, ôngLương Đình Khoacho hay.

Nguồn tin:


© 2016, Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘIn trang: