Tập đoàn Sinh Lợi, ASISOV sẽ hợp tác chặt chẽ. Bởi, chức năng, nhiệm vụ của ASISOV là nghiên cứu và chuyển giao; trong nghiên cứu Viện có nghiên cứu về giống, nhân giống và có quy trình canh tác cho các đối tượng cây trồng chủ lực của các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ.
Tập đoàn Sinh Lợi và ASISOV làm việc về định hướng chiến lược cho phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả lớn tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.
Để triển khai chiến lược này, ngày 25/5, lãnh đạo Tập đoàn Sinh Lợi đã làm việc với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (viết tắt là ASISOV) và ký kết hợp tác trong công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Theo ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch Tập đoàn Sinh Lợi: Tập đoàn Sinh Lợi là sự kết hợp giữa Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Vạn Vạn Lợi (Bến Tre) và Công ty Đầu tư quốc tế Hằng Sinh (Trung Quốc). Hướng phát triển của Tập đoàn Sinh Lợi hiện nay là tập trung vào lĩnh vực chuyển giao khoa học công nghệ trong giống cây trồng . Vì đó, Tập đoàn Sinh Lợi cần có mối liên kết hợp tác với ASISOV, đơn vị chuyên nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Nam Trung bộ.
“Ngoài các loại cây ăn quả, Tập đoàn Sinh Lợi sẽ còn phát triển cây ươi trên những diện tích đất triền đồi của các huyện miền núi ở Bình Định. Đây là cơ hội để đồng bào miền núi tạo sinh kế, ổn định cuộc sống”, ông Bút chia sẻ.
Theo ông Trương Điện Sinh, Chủ tịch Công ty Đầu tư quốc tế Hằng Sinh, hiện là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sinh Lợi, mối liên kết hợp tác của Tập đoàn Sinh Lợi sẽ mở rộng xuống các địa phương trong khu vực, đến các HTX nông nghiệp và nông dân. Mục tiêu tiếp đến của Tập đoàn Sinh Lợi là xuất khẩu trái cây và nhiều loại nông sản khác của Bình Định và khu vực Nam Trung bộ sang thị trường Trung Quốc qua đường chính ngạch.
Hướng tới xuất khẩu chính ngạch bằng đường sắt “Hiện nay, Tập đoàn Sinh Lợi đang liên kết với 1 đơn vị chuyên nghiên cứu gen và nhân giống cây trồng lớn ở Trung Quốc là Tập đoàn Hoa Đạt. Hiện nay, Tập đoàn Hoa Đạt có hơn 130 chi nhánh trên thế giới nhưng chưa có chi nhánh tại Việt Nam. Tập đoàn Sinh Lợi đã làm việc với Tập đoàn Hoa Đạt để thành lập chi nhánh tại Việt Nam trong thời gian gần nhất. Ngoài ra, Tập đoàn Sinh Lợi còn có nhiều đối tác Trung Quốc chuyên xuất nhập khẩu nông sản tại Việt Nam”, ông Trương Điện Sinh cho biết.
Ông Trương Điện Sinh (phải), Chủ tịch Công ty Đầu tư quốc tế Hằng Sinh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sinh Lợi. Ảnh: VĐT.
Cũng theo ông Trương Điện Sinh, trước đây, giao thương xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc xuất nhập khẩu theo đường tiểu ngạch giữa 2 bên bị “tắc” do chính sách phòng dịch của Trung Quốc. Do đó, hướng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc của Tập đoàn Sinh Lợi đang hướng tới là đường chính ngạch bằng phương tiện tàu hỏa.
Nói về lý do lựa chọn Bình Định để đầu tư, ông Trương Điện Sinh khẳng định so với nhiều tỉnh khác trong khu vực miền Trung, Bình Định có nhiều ưu thế, nhất là về giao thông. Bình Định có cảng biển quốc tế, có cả đường tàu hỏa và tương lai sẽ có đường cao tốc. Về địa hình, Bình Định một mặt giáp biển, một mặt là đất liền. Về đồi núi, Bình Định thoải hơn so với các tỉnh Tây Nguyên, nên Tây Nguyên chỉ phát triển mạnh cây hồ tiêu, cà phê chứ ít lợi thế để phát triển các loại cây sầu riêng , dứa… do địa hình cao.
Những năm qua, Bình Định đã có bước đột phá trong phát triển cây ăn quả. Ảnh: VĐT.
“Bình Định có địa bàn khá bằng phẳng nên phù hợp với việc phát triển các loại cây ăn quả. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi rất mong các cấp ngành liên quan hỗ trợ cho Tập đoàn trong việc cấp mã vùng trồng. Bởi, hiện nay để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thì sản phẩm phải được đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bao bì, mã doanh nghiệp xuất khẩu. Tập đoàn rất mong sự hỗ trợ của ASISOV trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả và các loại nông sản khác tại Bình Định để vực dậy nền nông nghiệp của tỉnh nói riêng và của khu vực nói chung”, ông Trương Điện Sinh chia sẻ.
Nhiều lợi thế phát triển cây ăn quả
Trước những boăn khoăn về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng cho sản phẩm nông sản của Tập đoàn Sinh Lợi, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV cho biết: Đây đang là vấn đề được Bộ NN-PTNT rất quan tâm, để sản phẩm nông sản của Việt Nam đủ điều kiện để xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường nói chung, trong đó có Trung Quốc.
Về việc phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả tại Bình Định của Tập đoàn Sinh Lợi, ASISOV sẽ hợp tác chặt chẽ. Bởi, chức năng, nhiệm vụ của ASISOV là nghiên cứu và chuyển giao; trong nghiên cứu Viện có nghiên cứu về giống, nhân giống và có quy trình canh tác cho các đối tượng cây trồng chủ lực của các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ.
TS Hồ Huy Cường đánh giá lợi thế, triển vọng rất lớn cho việc xây dựng các vùng nguyên liệu cây ăn quả lớn gắn với xuất khẩu tại các tỉnh Nam Trung bộ nói chung và Bình Định nói riêng. Ảnh: VĐT.
Trong quá trình hoạt động, ASISOV đã thiết lập được mối quan hệ với chính quyền và ngành chức năng các địa phương, đây là điều kiện để sự hợp tác giữa Tập đoàn Sinh Lợi và ASISOV được thuận lợi hơn trong việc phát triển cây ăn quả tại Bình Định và trong khu vực thời gian tới.
“Hiện ASISOV đang hoạt động mạnh tại tỉnh Khánh Hòa, địa phương trồng sầu riêng và xoài trọng điểm của vùng Nam Trung bộ và Bình Định, đây cũng là vùng trồng xoài trọng điểm, nhất là giống xoài cát mốc, loại xoài có vỏ dày rất phù hợp trong việc vận chuyển trong quá trình xuất khẩu.
Riêng cây dừa, Viện đang tập trung đánh giá giống dừa xiêm uống nước của Tam Quan (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Dừa xiêm Tam Quan có 2 đối tượng, một là giống dừa xiêm xanh và dừa xiêm đỏ. Diện tích dừa ở Bình Định đang có khoảng 12.000 - 14.000 ha, chủ yếu tập trung trên vùng đất cát, kéo dài từ các huyện Phù Cát, Phù Mỹ đến Thị xã Hoài Nhơn.
Đặc biệt, dừa trên vùng đất cát ven biển có nước rất ngọt. Nếu dừa được gọt vỏ đưa đi tiêu thụ thì riêng thị trường trong nước đã có dư địa rất lớn, rất mong Tập đoàn quan tâm trong thời gian tới”, TS Hồ Huy Cường chia sẻ.
Qũy đất gò đồi, vùng bán sơn địa rất thuận lợi cho phát triển cây ăn quả tập trung, quy mô lớn ở Bình Định hiện còn rất dồi dào. Ảnh: VĐT.
Cũng theo TS Hồ Huy Cường, hiện đang là thời điểm “nóng” Bình Định phát triển chuỗi cung ứng của các mặt hàng nông sản, trong chuỗi này thì địa phương đang thiếu các doanh nghiệp tham gia. Tập đoàn Sinh Lợi đầu tư vào Bình Định trong lúc này là đúng thời điểm chính quyền địa phương đang cầu thị.
Hiện nay, cây ăn quả của Bình Định nói riêng và các tỉnh Nam Trung bộ nói chung, kể cả vùng rìa các tỉnh Tây Nguyên diện tích cộng lại không nhiều bằng diện tích cây ăn quả ở ĐBSCL. Nhưng cây ăn quả ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên có lợi thế lớn là phát triển sau vùng cây ăn quả của ĐBSCL, vì vậy sẽ có thuận lợi hơn trong việc thiết kế vùng trồng theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, đáp ứng các yêu cầu vùng nguyên liệu của các thị trường trên thế giới.
"Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cây ăn quả ở vùng Nam Trung bộ nói chung và Tập đoàn Sinh Lợi đầu tư vào Bình Định nói riêng có điều kiện thiết kế vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Thêm vào đó, lâu nay đất của vùng Nam Trung bộ chưa phát triển mạnh cây ăn quả, bây giờ đầu tư thì không phải mất 3 - 4 năm để giải quyết những bất cập trong sản xuất cây ăn quả của giai đoạn trước để lại như tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV, mà sẽ có thuận lợi để phát triển theo hướng hữu cơ ngay từ ban đầu", TS Hồ Huy Cường nhấn mạnh.
Ông Phan Thanh Bút (trái), Chủ tịch Tập đoàn Sinh Lợi và TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV trao đổi về xoài cát mốc, sản phẩm Tập đoàn Sinh Lợi đang rất quan tâm. Ảnh: V.Đ.T.
“Một lợi thế lớn nữa là 3 tỉnh Kon Tum, Bình Định và Gia Lai đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép làm đường cao tốc. Hiện nay, cung đường xe tải đi từ Gia Lai xuống Bình Định mất 3 tiếng, nhưng khi đã có đường cao tốc thì thời gian sẽ rút ngắn lại chỉ còn 1 tiếng rưỡi. Cây sầu riêng trồng trên Gia Lai tháng 5, tháng 6 đã cho thu hoạch, trùng với thời điểm thu hoạch của sầu riêng của vùng ĐBSCL. Còn cây sầu riêng trồng ở Bình Định hay ở các tỉnh Nam Trung bộ thời điểm thu hoạch sẽ rơi vào tháng 7 tháng 8. Thời điểm thu hoạch sầu riêng ở các vùng chênh lệch nhau sẽ đảm bảo sản lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV phân tích.
Nguồn: Vũ Đình Thung - Báo Nông nghiệp Việt Nam