In trang: 


Ứng dụng công nghệ nhà màng trong nông nghiệp: Giảm chi phí, tăng hiệu quả

Đăng ngày:12/10/2016 8:15:42 AM bởi admin

“Với tiến bộ khoa học như hiện nay, nhà màng đang được sử dụng ngày càng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, để bảo vệ mùa màng khỏi các bất lợi của thời tiết, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và nhân công. Trên cơ sở kết quả đánh giá mô hình, chúng tôi đã đề nghị mở rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất dưa chuột và dưa lưới trong nhà màng tại Bình Ðịnh và một số vùng Duyên hải Nam Trung

Từ khảo nghiệm thành công, Viện KHKT Duyên hải Nam Trung bộ đã có kế hoạch chuyển giao công nghệ cao trồng dưa trong nhà màng tại Bình Ðịnh và Quảng Nam. Mới đây, tại TP Quy Nhơn, kết quả của mô hình khảo nghiệm trước khi đưa ra ứng dụng thực tế được đơn vị này báo cáo trước các nhà khoa học, nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu, trường đại học trong vùng.

TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng Viện KHKT Duyên hải Nam Trung bộ, cho hay, công nghệ cao trồng trong nhà màng được Viện chuyển giao kỹ thuật cho một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch tại Nhơn Tân (TX An Nhơn) và các hộ dân được hỗ trợ kinh phí KH&CN tại tỉnh Quảng Nam. Ðối tượng cụ thể chuyển giao là dưa leo và dưa lưới.

Các nhà khoa học tham quan vườn dưa trồng theo công nghệ nhà màng do Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải  Nam Trung bộ triển khai.

Việc sử dụng các loại nhà màng để trồng, cũng như các thiết bị phục vụ cho công nghệ sản xuất rau quả an toàn theo kiểu công nghiệp đã được sản xuất ở hầu hết các nước trên thế giới. Trong vòng 10-15 năm gần đây, thế giới đã sử dụng nhà kính khoảng 30.000 ha. TS. Phương cho biết, tại Việt Nam đã có một số địa phương ứng dụng công nghệ này. Bên cạnh công tác chọn tạo giống, việc nghiên cứu các biện pháp canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng thích ứng tốt với điều kiện sinh thái vùng quyết định rất lớn đến hiệu quả sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Vì vậy, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới để sản xuất các loại rau quả rất cần thiết.

Trong năm 2016, Viện đã xây dựng mô hình khảo nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới tại Bình Ðịnh để sản xuất quanh năm dưa leo và dưa lưới, nhằm nâng cao sản xuất, chất lượng quả thương phẩm. 2 giống dưa được đưa vào sản xuất theo công nghệ này là giống dưa leo F1 The Hunter 1.0 đang trồng phổ biến và giống dưa lưới Chu Phấn. Mô hình được thí điểm trong 2 vụ Xuân - Hè (từ tháng 2 - 5.2016) và vụ Hè - Thu (từ tháng 7 - 10.2016) với quy mô 500 m2 nhà lưới/vụ cho mỗi mô hình. Mật độ trồng của mỗi mô hình là 33.000 cây/ha.

Hình thức tổ chức sản xuất trồng cây trong nhà màng, xung quanh có lưới ngăn côn trùng, mái lợp bằng tấm nhựa chuyên dùng. Cây được trồng trong các túi giá thể chứa vật liệu sạch, nền đất lót bạt, không tiếp xúc trực tiếp với đất. Việc chăm sóc, bón phân, tưới nước tiết kiệm thực hiện theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. Ngoài ra, cây trong nhà màng tiết giảm được công lao động, bởi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt được lập trình sẵn; phân bón được hòa vào nước, tự động tưới cho cây khi đến giờ. 

TS. Nguyễn Thanh Phương phân tích: “Giống dưa leo F1 The Hunter 1.0 và dưa lưới Chu Phấn được đánh giá thích hợp cho sản xuất trong nhà màng công nghệ cao tại Bình Ðịnh; cây sinh trưởng phát triển tốt, chỉ nhiễm sâu bệnh hại ở mức độ nhẹ, cho năng suất, chất lượng quả cao. Cây trồng trong nhà màng nên có thể sản xuất 3 vụ/năm, trái vụ. Việc sử dụng nhà màng cũng kiểm soát được nhiều yếu tố tác động đến cây trồng, giảm chi phí đầu tư, công lao động và hạn chế đáng kể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ðây là những ưu điểm nổi bật của mô hình trồng dưa trong nhà màng và công nghệ tưới nhỏ giọt”.

Kết quả đánh giá khảo nghiệm cho thấy, trên diện tích 1.000 m2, mô hình dưa leo trồng trong điều kiện công nghệ cao cho năng suất 7.345 kg; năng suất thực thu của giống dưa lưới Chu Phấn đạt từ 4.492 - 4.732 kg/1.000 m2. Hai khoản đầu tư quan trọng nhất của công nghệ này là: nhà màng 30 triệu đồng/1.000 m2 (khấu hao trong 20 vụ) và hệ thống tưới nhỏ giọt 30 triệu đồng (khấu hao trong 10 vụ). Với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg dưa leo, doanh thu đạt 73,45 triệu đồng/vụ, sau khi trừ chi phí 58 triệu đồng/vụ, lãi ròng khoảng 15,45 triệu đồng/vụ. Thời gian 1 vụ của dưa lưới là 90 ngày, trên diện tích 1.000 m2 cho năng suất đạt 4.612 kg, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, doanh thu 92,24 triệu đồng/vụ, trừ chi phí 65,18 triệu đồng/vụ cho lãi ròng 27 triệu đồng/vụ.

baobinhdinh.com.vn

Nguồn tin:


© 2016, Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘIn trang: