Vì vậy thời gian gia đình có thể đưa hài cốt ông về Việt Nam phải tới cuối tháng 7, đầu tháng 8. TS Tạ Minh Trường, con trai ông Tạ Minh Sơn (nguyên Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam), nhắn cho tôi. Vậy là những năm tháng cuối đời, ông không còn được thấy bạn bè và nhất là thấy những nông dân, thấy những cánh đồng mà cả đời mình đã gắn bó, hi sinh, đánh đổi nhiều thứ.
Anh hùng Lao động, giải thưởng Hòa bình Quốc tế
Có người gọi ông là “vua giống” với hơn 20 giống lúa được công nhận quốc gia, phổ biến ra hàng trăm ngàn ha khắp cả nước. Sản phẩm đầu tay của ông là giống X1, năm 1975 được tặng bằng sáng chế đầu tiên của đất nước mang số 001 với những tính trạng nổi trội như ngắn ngày, năng suất cao, chống bạc lá.
Chữ X trước tên giống là viết tắt của từ Xanthomonas Campestris tức bệnh bạc lá vi khuẩn. Để nghiên cứu về bệnh này ông đã đi khắp Bắc, Trung, Nam thu thập, phân lập các nòi vi khuẩn, lây bệnh nhân tạo rồi tạo ra các giống lúa kháng.
Xi 23 là giống chọn lọc cá thể từ nguồn vật liệu của Viện Lúa quốc tế vừa chống chịu giỏi vừa chất lượng tốt mà dân quen gọi là Xi dẻo. Giống này có thêm công sức của người con trai…
Hàng ngàn dòng giống lúa mới của ông đang được lưu giữ ở các đơn vị nghiên cứu trong nước. Năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, năm 2006 được nhận giải thưởng Hòa bình Quốc tế.
Khi đã nghỉ hưu rồi, ở nhà buồn nên thỉnh thoảng ông vẫn bảo với con trai, TS Tạ Minh Trường rằng: “Cuối tuần, con chở bố xuống cơ quan xem đồng ruộng một tí, ngó các dòng, cách chọn đã được chưa nhé”.
Tuy nhiên, anh Trường thấy sức khỏe của ông yếu, bị tiểu đường nặng, thường xuyên nhập viện, kèm bệnh thần kinh tọa nặng, đi lại rất khó khăn nên cứ hứa cho qua chuyện rằng: “Được rồi, hôm nào mát mát, rảnh rảnh con sẽ cho bố xuống”.
Nhưng khi thấy con trai quên thực hiện lời hứa, ông cứ nhắc đi, nhắc lại mãi nên anh đành phải đưa bố xuống khu ruộng thí nghiệm. Chỉ khi thấy màu xanh của cây lúa, nụ cười của ông mới tươi trở lại, ánh mắt của ông lại cháy lên những khát vọng tuổi thanh xuân.
Lúc đang học lớp 6, năm 1960, ông Tạ Minh Sơn nghe thầy giảng về học thuyết Mitsurin trong lai ghép tạo nên làm thử một phép lai thí nghiệm ghép chanh với bưởi, quả rất to nhưng cũng rất chua thành ra cũng chẳng ai trồng. Tuy sản phẩm đầu tay chưa hoàn thiện nhưng ông vẫn rất thích thú nên mượn bằng được một cái máy ảnh - của hiếm những năm 60 thế kỷ trước để chụp lại một bức đen trắng đặc tả một cành quả “banh” tên ghép vui giữa chanh và bưởi. Bức ảnh này sau mấy chục năm giờ ông vẫn còn giữ với mấy dòng chữ mộc mạc đề bên dưới rằng: “Say mê khoa học thủa trăng rằm. Trái chín trĩu cành mọi người thăm…”. Từ đó trong ông nhen nhóm lên ý tưởng sau này phải nghiên cứu nông nghiệp.
Quên tất cả để mà nghiên cứu khoa học
Cách đây mấy năm, được tin ông đang nằm điều trị ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tôi có ghé vào thăm. Căn phòng nhỏ kê tới 9 cái giường, từ khi có ông bỗng nhiên vui hẳn bởi bệnh nhân gồm nhiều vùng miền, nhưng chủ yếu là nông dân nên khi biết ông già nhỏ bé đi lại phải chống gậy này là tác giả của những giống lúa nổi tiếng suốt mấy chục năm nay, họ cứ xoắn đến mà hỏi chuyện. Những năm tháng cuối đời, ông theo con trai sang Úc vì TS Tạ Minh Trường định cư ở đây và đã ra đi lặng lẽ như vậy.
Sau giờ làm việc hay thứ Bảy, Chủ nhật, ông lại đội nón đi lai tạo ngoài đồng ruộng, quên cả việc gia đình, quên cả việc nghỉ ngơi. Ngoài cần cù, ông Sơn còn có kỹ năng rất tinh nhạy về chọn tạo giống. Có rất nhiều người lai theo phương pháp hiện đại tốt nhưng không có con mắt chọn dòng tốt như ông Sơn.
Ông rất tinh trong việc phát hiện ra những dòng năng suất cao, dễ tính, chống chịu ngoại cảnh khắc nghiệt, sâu bệnh mà nhất là dòng X chống bệnh bạc lá. Ông đi theo một con đường riêng trong nghiên cứu khoa học.
Ông sống rất giản dị, tuy là lãnh đạo Viện nghiên cứu nhưng đi công tác vẫn chuẩn bị sẵn nồi xoong, có thể nấu ăn ngay ở thực địa. Tính ông rất thật thà, làm thực sự, nghiên cứu thực sự, có được những kết quả lớn là từ khổ luyện, lao động không ngừng nghỉ, nghiên cứu gắn chặt với thực tiễn, nhanh đưa các giống mới ra sản xuất, khả năng chuyển giao tốt. Ngoài Bắc, thế hệ những nhà khoa học trong các Viện nghiên cứu như ông bây giờ quả là rất hiếm”.
PGS. TS. Anh hùng Lao động Tạ Minh Sơn sinh năm 1945, tại xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Do tuổi cao sức yếu, Anh hùng Lao động Tạ Minh Sơn mất hồi 13 giờ 20 phút ngày 11 tháng 6 năm 2022 (tức ngày 13 tháng 5 năm 2022 âm lịch) tại Thành phố Canberra - Australia, hưởng thọ 77 tuổi.