In trang: 


Phục tráng giống lúa ĐV 108

Đăng ngày:1/16/2016 9:10:00 AM bởi admin

ĐV 108 là giống lúa chủ lực của tỉnh Bình Định, cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, được nông dân ưa trồng. Tuy vậy qua nhiều năm giống lúa này bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, có nguy cơ bị cấm sản xuất. Từ yêu cầu thực tế, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh “đặt hàng” cho Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phục tráng lại giống lúa này .....

PHỤC TRÁNG GIỐNG LÚA ĐV108

ĐV 108 là giống lúa chủ lực của tỉnh Bình Định, cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, được nông dân ưa trồng. Tuy vậy qua nhiều năm giống lúa này bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, có nguy cơ bị cấm sản xuất. Từ yêu cầu thực tế, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh “đặt hàng” cho Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phục tráng lại giống lúa này, thông qua một đề tài khoa học cấp tỉnh, thực hiện trong 3 năm (2013 – 2015).

Theo quy trình phục tráng, những người thực hiện đề tài phải thu thập mẫu của cả trăm dòng, giống lúa ĐV 108 từ các huyện trong tỉnh. Ví dụ, ở TX An Nhơn 14 mẫu, Phù Mỹ 14 mẫu, Tây Sơn 9 mẫu, từ Trung tâm Tài nguyên di truyền thực vật 2 mẫu, từ chính Viện KHKT Duyên hải Nam Trung bộ 15 dòng thuần,… Các mẫu hạt được gieo mạ, cấy thành từng khóm. Mỗi mẫu giống bố trí 1 ô 5m2. Riêng mẫu dòng thuần của giống lúa này cũng cấy riêng để chọn cá thể nhiễm nhẹ sâu bệnh.

Với điều kiện chăm bón bình thường, không can thiệp thuốc trừ sâu bệnh, để các dòng thể hiện tính trội của mình. Trong quá trình cây lúa sinh trưởng, phát triển, được nhà nông học theo dõi, ghi chép cụ thể. Đến khi thu hoạch chọn khoảng 10 – 12 dòng có tính trội hơn hẳn, sạch bệnh, dài bông,… để tiếp tục thí nghiệm ở các vụ sau. Các dòng còn lại sẽ được thải loại. Cứ như vậy sau 3 năm tức khoảng 6 vụ liên tục sẽ chọn được một số dòng sạch bệnh, năng suất cao, vẫn giữ được tính thuần của giống gốc lúc ban đầu. Các dòng này sẽ được đưa đến Cục Bảo vệ Thực vật để phun nguồn lây bệnh, qua đó xác định một vài dòng kháng bệnh tốt để đưa vào sản xuất. Trước khi đưa ra sản xuất đại trà, đề tài cũng thực hiện nhiều mô hình để nhân giống và hoàn thiện quy trình sản xuất.

Vụ đầu tiên thí nghiệm phục tráng giống lúa ĐV 108 được thực hiện tại cơ sở khảo nghiệm giống của Viện (TX An Nhơn). Trên diện tích 0,25 ha trồng đến gần 60 dòng lúa  ĐV 108 thu thập từ các địa phương trong tỉnh, và dòng thuần có tại Viện. Mỗi dòng thu thập, được cấy thành khóm riêng, có đánh dấu số. Đến gần cuối tháng 8, lúa đã chín, chuẩn bị thu hoạch. Nhìn những bông lúa vàng trĩu hạt, bóng mẩy người thường khó phân biệt được đâu là dòng được chọn đâu là không. Tiến sĩ Lại Đình Hòe – Chủ nhiệm đề tài: Đã có nguồn lúa giống thuần ở Viện. Đây là điều kiện thuận lợi để quá trình thuần hóa giống lúa ngắn gọn hơn. Dòng lúa thu thập từ các địa phương trong tỉnh phải đem về khảo nghiệm chọn dòng thuần. Do giống ĐV 108 có nguồn gốc từ nước ngoài, nên việc lưu giữ giống gốc không được như các giống nội địa khác. Muốn làm thuần lại giống này Viện phải thu thấp các dòng ở các địa phương trong tỉnh, và phải qua quá trình tuyển chọn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân – Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh:  ĐV 108 là giống lúa chủ lực của tỉnh. Một số vùng xã Phước Sơn, Phước Thuận (Tuy Phước) có vụ năng suất giống lúa này lên đến 70 – 80 tạ/ha. Nông dân trong tỉnh ưa chuộng giống này, do dễ canh tác, năng suất cao, chất lượng gạo tương đối ngon, bán được giá. Tuy vậy qua nhiều năm sản xuất, giống bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh nặng và có nguy cơ bị loại khỏi cơ cấu giống lúa của tỉnh. Từ yêu cầu thực tế, tỉnh chủ trương phục tráng lại giống lúa này, bằng cách “đặt hàng” cho Viện thực hiện. Khi phục tráng được giống  ĐV 108, sẽ giảm được các giống lúa bản quyền quá đắt (nguyên chủng khoảng 12 ngàn đồng/kg), giảm chi phí đầu tư giống cho nông dân. Vụ đầu tiên phục tráng, Viện thực hiện đúng tiến độ, chăm sóc đúng quy định.

Ông Đặng Quang Tám – Chi cục phó – Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh: Mới bước đầu chỉ chọn cá thể tốt, đến giai đoạn 2 mới đánh giá được. Chưa can thiệp thuốc bảo vệ thực vật nên cũng chưa đánh giá gì về sâu bệnh. Chỉ khi chọn được dòng thuần, đưa ra sản xuất tại các mô hình thì mới xem xét đánh giá mức độ nhiễm sâu bệnh.

Sau khi chọn, thu hoạch dòng lúa được đánh giá đạt yêu cầu ở ngoài đồng ruộng, loại bỏ dòng không đạt yêu cầu, những người thực hiện đề tài tiếp tục đo đếm các chỉ tiêu trong phòng thí nghiệm, chọn dòng tốt để chuẩn bị tiếp tục khảo nghiệm ở vụ Đ-X 2013 – 2014.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Bình Định 

Nguồn tin: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Bình Định


© 2016, Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘIn trang: