In trang: 


Những cây trồng cạn 'uống' ít nước, cho nhiều tiền

Đăng ngày:4/2/2024 5:31:05 PM bởi admin

Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ đang tích cực chuyển đổi sản xuất lúa sang các cây trồng cạn cho giá trị kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải.

Những cây trồng cạn 'uống' ít nước, cho nhiều tiền

Giống đậu phộng chinh phục đất cát ven biển

Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV), đậu phộng(lạc) là cây công nghiệp ngắn ngày, cây hàng hóa quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Đơn cử như ở Bình Định, diện tích trồng lạc hàng năm luôn chiếm trên 60% so với tổng diện tích gieo trồng cây công nghiệp ngắn ngày trên địa bàn tỉnh.

Hiện diện tích đậu phộng ở Bình Định đạt gần 10.000ha/năm, tập trung tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và Tây Sơn, chủ yếu được gieo trồng trên chân đất phù sa, đất xám, đất xám bạc màu và đất cát thuộc địa hình đồng bằng giáp biển.

Mô hình sản xuất đậu phộng của ASISOV. Ảnh: V.Đ.T

Mô hình sản xuất đậu phộng của ASISOV. Ảnh: V.Đ.T

Tuy nhiên, do áp lực của quá trình đô thị hóa và nguy cơ xâm nhập mặndo biến đổi khí hậu gây ra nên diện tích trồng đậu phộng nói riêng và đất sản xuất nông nghiệp ở Bình Định nói chung đang dần bị thu hẹp do diện tích bị mặn hóa ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê, diện tích đất nhiễm mặn ở Bình Định là 12.759ha, trong đó diện tích nhiễm mặn trung bình và ít là 9.618ha, chiếm 1,6% diện tích đất tự nhiên và 75,4% trong tổng diện tích đất nhiễm mặn.

Đây là loại đất nhiễm mặn có thể sử dụng được để đa dạng hóa cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Cây đậu phộng hiện nay là lựa chọn số một của nông dân gắn với khai thác và sử dụng hợp lý đất nhiễm mặn. Đây cũng là hướng đi mà ngành chức năng Bình Định đang quan tâm.

Tuy nhiên, theo TS Hồ Huy Cường, hiện trên cả nước chưa có nhiều công trình nghiên cứu về chọn tạo giống đậu phộng chịu mặn, ngoại trừ công tác bảo tồn quỹ gen có thu thập giống đậu phộng 3 tháng chịu mặn, nhưng kết quả phân lập tập đoàn để lưu giữ lại chưa quan tâm đến khả năng chịu mặn của các giống. Vì vậy, để từng bước khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng diện tích sản xuất đậu phộng trên đất nhiễm mặn ở các tỉnh ven biển vùng Duyên hải Nam Trung bộ, việc thực hiện nghiên cứu chọn tạo giống lạc có khả năng chịu mặn, năng suất cao, kháng bệnh héo xanh và thích hợp với điều kiện sinh thái vùng ven biển là rất cần thiết.

“Từ đó, ASISOV đã chọn tạo được giống đậu phộng LDH.01 thuộc có vỏ mỏng, năng suất cao, phù hợp với chế biến dầu ăn và giống LDH.09 thuộc nhóm quả to, năng suất quả tươi cao, phù hợp với ăn tươi”, TS Hồ Huy Cường chia sẻ.

Mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng đậu phộng tại xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng đậu phộng tại xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Giống đậu phộng ICG20 và 9205-H1 có nguồn gốc từ Ấn Độ đã được ASISOV chọn làm giống bố mẹ để lai tạo ra giống đậu phộng LDH.09đã chinh phục những vùng đất lúa chuyển đổi tại các địa phương ven biển Bình Định. Xã Cát Hải (huyện Phù Cát) là địa phương có diện tích đậu phộng sử dụng giống LDH.09 nhiều nhất Bình Định với khoảng 400 - 500ha/năm.

Ông Võ Kế Hùng, cán bộ nông nghiệp xã Cát Hải chia sẻ: “Trước đây, nông dân địa phương chủ yếu sử dụng giống đậu phộng L14 và HL 25. Tuy nhiên, do canh tác nhiều năm, các giống nói trên đã thoái hóa nên tỷ lệ cây nhiễm bệnh khá nhiều, dẫn đến mất năng suất. Từ năm 2021 đến nay, bà con chuyển sang trồng giống LDH.09, năng suất khô đạt khoảng 35 - 40 tạ/ha, năng suất thu bán tươi khoảng 80 - 90 tạ/ha, lãi khoảng 70 - 90 triệu đồng/ha. Những vụ đông xuân, toàn xã Cát Hải trồng gần 170ha/vụ giống đậu phộng LDH.09, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và TP.HCM”.

“Giống đậu phộng LDH.09 có khả năng chịu mặn tốt hơn so với các giống đậu phộng sản xuất đại trà tại địa phương, đặc biệt là kháng được bệnh héo xanh. Năng suất (khô) của giống đậu phộng LDH.09 đạt bình quân hơn 35 - 40 tạ/ha, cao hơn 27,1% so với giống L14, lại chắc quả, đặc biệt phù hợp với thị hiếu ăn tươi”, ông Võ Kế Hùng cho hay.

Khảo nghiệm giống đậu xanh mới do ASISOV nghiên cứu, chọn tạo. Ảnh: V.Đ.T.

Khảo nghiệm giống đậu xanh mới do ASISOV nghiên cứu, chọn tạo. Ảnh: V.Đ.T.

Đậu xanh, mè chịu hạn, hiệu quả cao

Mặc dù đậu xanhvà mè (vừng) không xếp vào đối tượng cây trồng chủ lực, tuy nhiên, trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn theo chủ trương của Bộ NN-PTNT, hiện nay, diện tích gieo trồng đậu xanh trong cả nước đã đạt hơn 40.000ha và diện tích gieo trồng mè hơn 33.000ha. Các tỉnh phía Nam chiếm trên 75% diện tích đậu xanh và mè của cả nước, trong đó đặc biệt có vùng sinh thái Nam Trung bộvà Tây Nguyên.

Trước diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu, lượng mưa chủ yếu tập trung trong mùa mưa và khô hạn thường xuyên kéo dài trong mùa nắng nóng. Cây đậu xanh và cây mè ngày càng được nông dân vùng Duyên hải Nam Trung bộ lựa chọn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi đậu xanh và mè là những cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, thời gian sinh trưởng ngắn nên có khả năng thích ứng cao.

Từ thực tế trên, Bộ NN-PTNT đã giao cho ASISOVchọn tạo những giống đậu xanh có thời gian sinh trưởng ngắn, kháng cao với bệnh khảm vàng, chín tập trung để phù hợp cơ giới hóa. Đồng thời nghiên cứu, chọn tạo giống mè có thời gian sinh trưởng ngắn, có hàm lượng dầu trên 53%, nhiễm trung bình với bệnh đốm lá. Ngoài ra, ASISOV còn xây dựng quy trình canh tác cho giống đậu xanh và mè mới chọn tạo.

Mô hình thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi của Trung tâm Khuyến nông Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi của Trung tâm Khuyến nông Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân Bình Định thời gian qua đã sử dụng phổ biến 2 giống đậu xanh mới do ASISOV chọn tạo là ĐXBĐ.07 và ĐXBĐ.08. Hai giống đậu xanh mới này có khả năng kháng được bệnh khảm lá và chín tập trung, giúp nông dân giảm số lần thu hoạch và dần tiến tới cơ giới hóa khâu thu hoạch để giảm công thu hoạch.

Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều mô hình khảo nghiệm giống đậu xanh mới để phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Sự ra đời của 2 giống đậu xanh mới ĐXBĐ.07 và ĐXBĐ.08 do ASISOV chọn tạo đã cho nông dân Bình Định thêm sự lựa chọn trong sản xuất.

“2 giống đậu xanh nói trên trái chín tập trung hơn giống đậu xanh nông dân đang sản xuất đại trà. Ưu điểm này đã giúp rút ngắn được thời gian cây đậu xanh đứng trên đồng, phù hợp để chuyển đổi trên chân đất lúa thiếu nước và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, theo TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV, trong quá trình xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số tỉnh Nam Trung bộ, một số địa địa phương cũng đã tích cực thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa có nguy cơ khô hạn cao trong vụ hè thu sang trồng các cây trồng cạn, trong đó có mô hình chuyển đổi xen canh cây mè với diện tích 20ha rất thành công, cho năng suất trên 1 tấn/ha.

“Mô hình chuyển đổi canh tác 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa đông xuân và 1 vụ mè vụ hè thu tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định cho hiệu quả vượt kỳ vọng. Ví như mô hình chuyển đổi sang trồng mè tại xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho năng suất thực thu đạt 8,5 tạ/ha; mô hình mè tại xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho năng suất thực thu đạt 10,7 tạ/ha; mô hình mè tại xã Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cho năng suất thực thu đạt 10,3 tạ/ha và mô hình tại xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho năng suất thực thu đạt 8,1 tạ/ha”, TS Vũ Văn Khuê chia sẻ .

“Duyên hải Nam Trung bộ là vùng khô hạn, chuyển đổi những chân đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạnít sử dụng nước tưới, lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn làm lúa gấp nhiều lần, đây là giải pháp tối ưu. Ví như 1ha đậu phộng ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định) cho doanh thu đến 150 triệu/vụ, lại tiêu thụ rất ổn định. Một lợi ích khác là khi canh tác ít sử dụng nước tưới sẽ giảm yếm khí và phát thải sẽ giảm theo”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV chia sẻ.

Nguồn tin:


© 2016, Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘIn trang: