In trang: 


Lễ kỷ niệm lần thứ 36 Ngày Lương thực thế giới tại Ninh Thuận

Đăng ngày:10/18/2016 9:29:40 AM bởi admin

Ngày 14/10, tại tỉnh Ninh Thuận, Bộ NN&PTNT và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm lần thứ 36 Ngày Lương thực thế giới với chủ đề “Sản xuất lương thực và nông nghiệp phải thay đổi do biến đổi khí hậu”.

Biến đổi khí hậu có tác động lớn đến vấn đề an ninh lương thực thế giới do việc sụt giảm năng suất, sản lượng các loại cây trồng. Vì vậy, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu có vai trò quyết định đối với cuộc chiến chống đói nghèo trong tình hình hiện nay. Chủ đề “Sản xuất lương thực và nông nghiệp phải thay đổi do biến đổi khí hậu” là thông điệp được đưa ra tại  lễ kỷ niệm 71 năm ngày thành lập tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, gọi tắt là  FAO và 36 năm ngày Lương thực thế giới. Sự kiện này được FAO và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức sáng ngày 14 /10 tại Ninh Thuận. Tham dự lễ kỷ niệm có đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Lê Quốc Doanh Phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Tại Lễ Kỷ niệm Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Lê Quốc Doanh đã nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do BĐKH và thiên tai. Những dự báo cho thấy do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm cho nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ giảm 7,2 triệu tấn lúa và ảnh hưởng đến 32,2% diện tích đất nông nghiệp vào cuối thế kỷ này. ... Để nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH, chúng ta cần phải củng cố và tăng cường vai trò của các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp – đơn vị sản xuất nhỏ nhất – cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, quan tâm đến phụ nữ nông thôn và vấn đề bình đẳng giới trong nông nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội”. 

Theo quy mô toàn cầu, BĐKH là thách thức lớn nhất đối với an ninh lương thực và tác động trực tiếp đến sinh kế, đời sống của nhóm người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất bởi thiên nhiên và BĐKH. Ông Matthias Halwart, Điều phối viên Chương trình hiện trường FAO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết, theo dự báo, dân số thế giới sẽ tăng lên tới 9,6 tỷ người vào năm 2050, để đáp ứng nhu cầu lương thực, nông nghiệp và hệ thống thực phẩm không chỉ có khả năng chống chịu tốt hơn, hiệu quả và bền vững hơn mà còn phải tăng cường đổi mới, sáng tạo cả về quy trình công nghệ và thực hành sản xuất tốt của chuỗi giá trị nông sản.

FAO cho rằng, để các quốc gia “không còn người đói” trong bối cảnh phải thích ứng với BĐKH, cần phải thay đổi bảy lĩnh vực liên quan đến lương thực và sản xuất nông nghiệp, gồm: trồng trọt, tổn thất sau thu hoạch và lãng phí thực phẩm, hệ thống thực phẩm, ngư nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và tài nguyên thiên nhiên. Ông JongHa Bae, Chủ nhiệm Chương trình nông nghiệp bền vững toàn cầu (FAO), cho hay, FAO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thích ứng với BĐKH. Ông nói: “Chúng tôi đang nỗ lực trợ giúp nông dân, người chăn nuôi, ngư dân và người sống ở rừng tăng cường năng lực để thích ứng, bằng cách tư vấn lồng ghép các thực hành thích ứng với BĐKH và chính sách quốc gia”.

Đ/c PCT UBND tỉnh Trần Quốc Nam phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Ninh Thuận là một trong những vùng thường xuyên phải chịu tổn thất to lớn do hạn hán gây ra. Đặc biệt từ cuối năm 2014 đến tháng 6 năm 2016, tình hình hạn hán gay gắt, diễn ra trên diện rộng là đợt hạn khốc liệt nhất trong vòng 11 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị có lợi thế cạnh tranh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai và nguồn nước. Qua sự kiện này, tỉnh sẽ tích cực phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tổ chức FAO thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhất nhằm ổn định nguồn lương thực, đảm bảo đời sống và an sinh xã hội cho người dân địa phương.


Sau Lễ Kỷ niệm, đoàn đại biểu của FAO và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đã đến thăm mô hình trình diễn về "Quản lý cây trồng tổng hợp đối với ngô lai trên đất lúa" và lớp Tập huấn FFS về "Quản lý sâu bệnh hại tổng hợp đối với ngô lai" ở xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận. Đây là một trong những địa điểm thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật của FAO, do Chương trình chung của Chính phủ và Liên hợp quốc về dinh dưỡng và an ninh lương thực tài trợ./.

Đoàn thăm quan mô hình Ngô lai do Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ tổ chức trong khuôn khổ dự án FAO tại Ninh Thuận

Nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bùi Bá Bổng thăm lớp tập huấn FFS do Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ tổ chức trong khuôn khổ dự án FAO tại Ninh Thuận

Ông JongHa Bae, Chủ nhiệm Chương trình nông nghiệp bền vững toàn cầu (FAO) cùng một số cán bộ

Một số hình ảnh thăm gian hàng trưng bày của Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ

Nguồn tin:


© 2016, Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘIn trang: