In trang: 


GIỐNG VỪNG BĐ.01

Đăng ngày:3/14/2023 9:27:17 AM bởi admin

Giống vừng BĐ.01 được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai đơn CUMS-17 x Vừng vàng Bình Định. Giống đã được tự công bố lưu hành giống cây trồng theo Quyết định số 491/VNTB-KH ngày 04/11/2022 của Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho vùng sinh thái Duyên hải Nam Trung bộ.

GIỚI THIỆU GIỐNG VỪNG BĐ.01


1. Nguồn gốc giống:

Giống vừng BĐ.01 được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai đơn CUMS-17 x Vừng vàng Bình Định.

Giống đã được tự công bố lưu hành giống cây trồng theo Quyết định số 491/VNTB-KH ngày 04/11/2022 của Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho vùng sinh thái Duyên hải Nam Trung bộ.

Sơ đồ chọn tạo:

CUMS-17 × Vừng vàng Bình Định

i

Năm 2018

F1

Trồng theo ô hỗn hợp.

i

Từ năm 2018 - 2020

F2

i

F6

Dùng phương pháp phả hệ để chọn cá thể ưu tú và dòng thuần.

i

Từ năm 2020 - 2021

Giống vừng BĐ.01

Khảo nghiệm tác giả,                                      khảo nghiệm vùng sinh thái

i

Năm 2022

Giống vừng BĐ.01

Khảo nghiệm sản xuất

2. Đặc điểm giống

Giống vừng BĐ.01 có dạng thân đứng, thuộc kiểu hình sinh trưởng vô hạn; số cành/cây từ 2,9 - 3,6 cành; lá ở phần dưới gốc xẻ thùy và ở phía trên có hình lưỡi mác; màu sắc tràng hoa màu hồng, có 1 hoa trên mỗi nách lá; quả khi chín có màu xanh vàng với 2 ngăn hạt (4 hàng hạt/quả); vỏ hạt màu vàng với cấu trúc gồ ghề; khối lượng 1.000 hạt từ 3,02 - 3,18 gram; nhiễm nhẹ bệnh đốm lá (điểm 3) và bệnh héo cây (điểm 1); không bị tách quả và chống đổ ngã tốt; hàm lượng dầu đạt 53,1%; thời gian sinh trưởng dưới 85 ngày; năng suất đạt từ 15 - 17 tạ/ha.

Hình ảnh: Dạng cây, dạng quả, dạng hạt và màu sắc hạt của giống vừng BĐ.01

3. Khuyến cáo áp dụng cho vùng/địa phương

Giống vừng BĐ.01 phù hợp để phát triển cho các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ

4. Tóm tắt quy trình gieo trồng và chăm sóc

- Thời vụ trồng: Vụ Hè Thu, gieo vào tháng 4 - 5 dương lịch và thu hoạch vào tháng 7 - 8 dương lịch.

- Chuẩn bị đất:

Vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp tàn dư thực vật. Cày đất, lên luống rộng 0,8-1,0 m hoặc lên băng từ 4-6 m (tùy thuộc vào khả năng thoát nước của từng chân ruộng), rãnh tưới tiêu rộng 30 cm, sâu 20 cm. Khi gieo, đất phải đủ ẩm, sau gieo cào nhẹ lớp đất mặt phủ lấp hạt mè sâu 1-2 cm.

- Kỹ thuật gieo:

+ Sử dụng phương pháp gieo vãi. 

+ Lượng hạt giống sử dụng là 4-6 kg/ha;

+ Chuẩn bị và xử lý hạt hạt giống: Giống trước khi gieo phải có tỷ lệ nảy mầm từ 90% trở lên, hạt giống được xử lý bằng Cruser Plus 312.5FS (Thiamethoxam + Defenoconazole + Fludioxonil) pha trong 30 ml nước sau đó trộn đều với 5 kg hạt giống, để khoảng 5 phút.

+ Khi gieo cần trộn hạt giống với cát theo tỉ lệ 1:10 (1 giống trộn với 10 cát xây).

- Kỹ thuật bón phân:

+ Lượng phân bón đầu tư cho 1,0 ha là 90 N + 90 P2O5 + 45 K2O + 5 tấn phân chuồng hoai mục hoặc 500 kg phân hữu cơ vi sinh + 300 kg vôi bột (tương ứng với lượng phân đơn thương phẩm là: 200 kg urê + 560 kg super lân + 75 kg kali clorua + 5 tấn phân chuồng hoai mục hoặc 500 kg phân hữu cơ vi sinh + 300 kg vôi bột).

+ Cách bón:

-  Quản lý nước:

+ Nguyên tắc đất đủ ẩm, không đọng nước sau mưa, sau tưới, có hệ thống thoát úng tốt, tranh thủ xuống giống khi đất còn ẩm.

+ Cần chú ý các giai đoạn: Nảy mầm (sau gieo); Bắt đầu ra hoa (25 NSG); Giai đoạn đậu trái (40 NSG); Thời kỳ vào chắc (55 NSG); Thời kỳ chín (70 NSG).

- Kỹ thuật tỉa thưa và dặm:

+ Tỉa thưa: Là kỹ thuật bắt buộc, giúp cây phát triển đồng đều, khỏe, phân cành mạnh. Tỉa sớm khi cây 12-14 ngày tuổi, đảm bảo mật độ 30-35 cây/m2.

+ Dặm vừng: sau gieo từ 5-7 ngày, nếu diện tích vừng chết 25% nên gieo lại.

- Sử dụng chất điều hòa sinh trưởng:

Phun chế phẩm Ethephon với nồng độ 0,015% giúp giống vừng BĐ.01 chín tập trung, thuận tiện trong khâu thu hoạch và làm sạch hạt vừng do rụng lá.

- Quản lý sâu bệnh hại

+ Sâu hại: Sâu sa/sâu sừng (Acherontia lachesis), Sâu khoang (Spodoptera litura Fabr), Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua), Sâu cuốn lá (Antigastra Catalaunalis), Câu cấu, bọ rầy hại mè. 

+ Bệnh hại: Bệnh héo cây (Rhizoctonia sp; Pythium sp.Fusariumsp), Bệnh xù đầu lân (do phytoplasma gây ra) ... 

+ Biện pháp phòng trừ: Phòng trừ sâu bệnh hại theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp - IPM:

Điều tra, phân tích hệ sinh thái hàng tuần để quyết định biện pháp xử lý; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắt 4 đúng: Sử dụng đúng chủng loại thuốc BVTV cho từng đối tượng sâu, bệnh hại; Sử dụng đúng liều lượng và nồng độ hướng dẫn; Sử dụng đúng thời điểm; Phun đúng kỹ thuật theo từng đối tượng sâu, bệnh hại.

- Phòng trừ cỏ dại:

+ Sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm theo hướng dẫn chung của ngành bảo vệ thực vật. Phun khi đất còn ẩm (ngay sau gieo) để tăng hiệu lực thuốc.

+ Trên ruộng có nhiều lúa rài (nếu làm trên đất lúa 1 vụ), cỏ gạo, đuôi phụng… sử dụng các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm theo hướng dẫn chung của ngành bảo vệ thực vật khi vừng từ 14 - 18 ngày tuổi.

+ Sau khi lúa rài (nếu làm trên chân đất lúa 1 vụ) và cỏ dại chết, tiến hành phun các loại phân bón lá như Kali Humate, Hydrophos, Super Humic, HPC-97R… để giúp bộ rễ phát triển mạnh, cây nhanh chóng phục hồi, sinh trưởng và phát triển tốt.

- Thu hoạch và bảo quản:

+ Khi lá chuyển màu xanh vàng, vàng, trái gốc chuyển vàng và bắt đầu nứt, cắt cây khi trời khô ráo, ủ, phơi và ra hạt bằng máy tuốt lúa.

+ Sau khi thu hoạch, loại bỏ các tạp chất để bảo quản, cụ thể như sau:

Nếu bảo quản làm giống cho mùa sau, phải giữ vừng trong chai, lu hũ, bên trong đựng hạt giống, bên trên có một lớp tro trấu để hút ẩm. Chú ý lấy những trái ở giữa cây để làm giống.

Nếu thu hoạch để bán hạt, chỉ cần đựng vào các bao đay để nơi thoáng mát.

Nguồn tin:


© 2016, Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘIn trang: