In trang: 


GIỐNG ĐẬU TƯƠNG ĐTDH.02

Đăng ngày:1/16/2016 9:14:06 AM bởi admin

TS. Hoàng Minh Tâm 1; TS. Hồ Huy Cường 1; TS. Lưu Văn Quỳnh 1; TS. Nguyễn Thị Kiều Tiên 2; ThS. Mạc Khánh Trang 1; TS. Đặng Bá Đàn 3; ThS. Cái Đình Hoài 1; KS. Đỗ Thị Xuân Thùy 1 (1 Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB ; 2Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long; 3 Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên)

GIỐNG ĐẬU TƯƠNG ĐTDH.02

TS. Hoàng Minh Tâm 1; TS. Hồ Huy Cường 1; TS. Lưu Văn Quỳnh 1; TS. Nguyễn Thị Kiều Tiên 2; ThS. Mạc Khánh Trang 1; TS. Đặng Bá Đàn 3; ThS. Cái Đình Hoài 1; KS. Đỗ Thị Xuân Thùy 1(Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB ; 2Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long; 3Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên)

I. Nguồn gốc

Giống đậu tương ĐTDH.02 do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chọn lọc từ tổ hợp lai MTĐ.176 x Melrose. Trong đó, giống MTĐ.176 do Trường Đại học Cần Thơ đưa vào sản xuất nhưng chưa đăng ký công nhận. Giống Melrose do CSIRO Tropical Agriculture chọn tạo, được công nhận tại Úc năm 1998 và được Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long nhập nội vào Việt Nam năm 1999. Được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống sản xuất thử theo Quyết định số 338/QĐ-TT-CCN ngày 18  tháng  7 năm 2011.

II. Đặc điểm nông học

Giống đậu tương ĐTDH.02 thuộc loại hình sinh trưởng hữu hạn, chiều cao cây trung bình, hoa màu tím, quả màu vàng, hạt màu vàng sáng, rốn hạt màu nâu, lá dạng hình trứng nhọn, thuộc loại hình hạt lớn và biến động từ 175-185gram/1.000 hạt, thời gian sinh trưởng: 85 ngày trong điều kiện khí hậu vùng Tây Nguyên và khả năng chống đỗ ngã tốt.Tuy nhiên, giống thường nhiễm bệnh đốm lá từ cấp 1 - 5, vì vậy trong sản xuất cần lưu ý để phòng trừ. 

Năng suất thực thu trong các thí nghiệm so sánh biến động từ 19,4 - 38,2 tạ/ha và năng suất bình quân qua 4 vụ là 28,5 tạ/ha. Năng suất thực thu tại các điểm khảo nghiệm biến động từ 24,5 - 30,1 tạ/ha và cao hơn so với đối chứng MTĐ176 từ 20,9 - 44,3% trong cùng điều kiện canh tác.

III. Quy trình trồng đậu tương ĐTDH.02

1. Đất trồng

- Chọn đất cát pha thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu, pH = 6 – 7.

- Đất được cày bừa kỹ, lên luống rộng 1,2 – 1,3m. Rạch rãnh sâu 5 – 7cm. Bón phân lót, lấp đất nhẹ và gieo hạt.

2. Thời vụ gieo trồng

-  Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ:

+ Vụ Đông Xuân: từ 22/12 đến 5/1.

+ Vụ Hè thu: Bố trí vào đầu tháng 4, hoặc cuối tháng 5 để tránh ra hoa vào tiết Mang chủng.

- Vùng Tây Nguyên: Tùy vào thời gian mưa để bố trí gieo trồng vào vụ 1 hoặc vụ 2.

3. Mật độ gieo trồng

Gieo 4 hàng dọc luống, với khoảng cách hàng cách hàng 30 – 35 cm, cây cách cây từ 10 – 15cm, mỗi hốc gieo 2 hạt.

4.  Phân bón

+ Lượng phân bón đầu tư cho 1 ha: 5 tấn phân chuồng + 30kg N + 60kg P2O5+ 60kg K2O + 400kg Vôi.

+ Cách bón

- Bón lót 100% phân chuồng, phân lân và vôi .

- Bón thúc lần 1: Sau gieo 15 ngày, bón 2/3 đạm +1/2 kali.

- Bón thúc lần 2: Sau gieo 25 ngày, bón hết lượng phân còn lại.

+  Để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nên bổ sung một số hoạt chất điều hòa sinh trưởng ở các dạng thương phẩm như Atonik, Kali Humat, Rong biển, ... với cách sử dụng, liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì.

5. Chăm sóc và tưới nước

- Dặm hạt vào nơi mất khoảng khi cây có lá mầm.

- Khi cây có từ 2- 3 lá thật, tiến hành tỉa định cây theo mật độ quy định, kết hợp với làm cỏ lần 1.

- Khi cây có từ 5 - 6 lá thật (sau gieo 22-25 ngày) tiến hành bón thúc lần 2 và làm cỏ vun gốc.

Cần đảm bảo đủ ẩm cho cây ở các thời kỳ, nếu bị ngập úng cần tiêu úng kịp thời.

6. Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh

Đối với cỏ dại, ngoài các biện pháp thủ công có thể dùng thuốc hóa học Dual theo liều lượng hướng dẫn.

Đối với sâu: Ở giai đoạn cây con thường có sâu xám, sâu keo, sùng đất  dùng các loại thuốc như Basudin, BAM, Padan. Giai đoạn sau thường bị dòi đục thân, lá, sâu xanh hại lá, rầy, bọ xít, rệp và sâu đục quả gây hại. Phòng trừ các đối tượng này bằng thuốc Supracid 40 ND, Proclaim, Padan.

Bệnh hại đậu tương như: Thối rễ, đốm nâu, phòng trừ bằng thuốc Bavistin.

7. Thu hoạch

Thu hoạch khi lá đậu tương đã chuyển sang màu vàng và rụng, vỏ quả đã chuyển sang màu xám bạc hoặc nâu đen, hạt đã rắn. Chú ý, sau khi tách hạt không phơi đậu tương trực tiếp trên nền gạch, bê tông, vì nhiệt độ trên sân quá nóng dễ gây chảy dầu, làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt.

IV/. Địa phương sản xuất.

Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông

V/. Tài liệu tham khảo

1. Bộ Nông nghiệp & PTNT. Quy phạm khảo nghiệm giống đậu tương 10TCN 339-98.

2. Ngô Thế Dân, Trần Đình Long, Trần Văn Lài, Đỗ Thị Dung, Phạm Thị Đào. Cây đậu tương, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 1999.

3. Hoàng Minh Tâm & CTV. Nghiên cứu tuyển chọn, phát triển một số giống lạc, đậu tương, đậu xanh có năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng với điều kiện sinh thái khó khăn vùng DHNTB. Báo cáo tổng kết nghiên cứu KH&PTCN, Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB, 2009.

4. Trương Cam Bảo (dịch), Đinh Văn Quang (Hiệu đính), Sản xuất đậu tương ở vùng nhiệt đới, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội 1990.

5. W. Kordes and Sons. Plant varieties Journal. Volume11, number 3, Quarter three 1998, PBR

Nguồn tin:


© 2016, Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘIn trang: