“Bằng biện pháp làm đất, tăng cường bón phân hữu cơ, giảm phân vô cơ cùng với kết hợp các biện pháp quản lý, phòng trừ dịch hại tổng hợp, cây tỏi trong ruộng mô hình phát triển rất tốt; các chỉ tiêu sinh trưởng đều vượt trội; củ tỏi chắc, năng suất dự kiến đạt 6,34 tấn/ha, trong khi ruộng đại trà trung bình chỉ đạt 4,23 tấn/ha.
Tỏi là cây trồng có từ lâu đời ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Thương hiệu tỏi Lý Sơn nổi tiếng khắp cả nước với hương vị đặc trưng, rất được thị trường ưa chuộng. Mặc dù vậy, việc sản xuất tỏi của người dân trên địa bàn huyện này gặp nhiều khó khăn do thời tiết, sâu bệnh, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, giá cả bấp bênh.
Diện tích cây tỏi ở huyện Lý Sơn hiện tại khoảng 330ha. Ảnh: L.K.
Hiện nay, việc sản xuất cây tỏi ở huyện Lý Sơn vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống. Theo đó, cứ qua 1 đến 2 năm, người dân sẽ tiến hành bổ sung đất và thay cát trên đồng ruộng một lần. Nguồn đất để sản xuất cây tỏi chủ yếu là đất đỏ bazan ở địa phương và cát san hô hút lên từ dưới đáy biển.
Đất bazan sẽ được bổ sung bằng việc đào xới xuống sâu hoặc khai thác từ những vùng chân đồi. Lớp đất này có tác dụng cung cấp dinh dưỡng, giữ nước, hạn chế sâu bệnh hại. Cát san hô phủ lên bề mặt sẽ giữ ẩm, làm sạch lá khi trời mưa và mát củ khi trời nắng, hạn chế sâu bệnh hại, tạo độ xốp để củ phát triển, từ đó làm tăng năng suất và chất lượng của cây tỏi.
Với diện tích sản xuất tỏi hiện nay ở huyện Lý Sơn khoảng 330ha, mỗi năm vùng đất đảo này có đến hàng trăm nghìn m3 đất, cát để thay thế cũng như loại bỏ. Hệ lụy dẫn đến môi trường sinh thái chung của toàn huyện, nhất là môi trường sinh thái biển bị ảnh hưởng bởi sự xâm thực đang diễn ra với cường độ lớn và tốc độ nhanh. Thêm nữa, cách làm này cũng phát sinh chi phí khá cao.
Chưa hết, những năm gần đây, canh tác tỏi theo cách truyền thống còn đối mặt với không ít thách thức khiến giá trị của loại cây đặc sản này chưa tương xứng với tiềm năng. Trong đó có thể kể đến như: Sản phẩm chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do việc phun thuốc BVTV, chủ yếu là chống, ít tính đến phương án phòng là chính; chưa truy xuất được nguồn gốc; chưa có nhiều mô hình liên kết có hiệu quả; vấn đề bảo vệ thương hiệu chưa tốt; vụ tỏi nằm trong mùa mưa bão dẫn đến nguy cơ rủi ro cao.
Những năm qua, việc canh tác tỏi của người dân ở huyện Lý Sơn thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết, sâu bệnh hại. Ảnh: L.K.
Cùng với đó, theo đề án phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, huyện Lý Sơn sẽ tập trung đầu tư cho phát triển du lịch. Diện tích có hạn, cơ sở hạ tầng mọc lên đồng nghĩa với việc đất đai cho sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Trong khi đó, huyện này vẫn xác định, tỏi là cây trồng chủ lực nên bài toán đặt ra là phải làm sao để nâng giá trị cho cây tỏi Lý Sơn, đảm bảo được tính phát triển bền vững.
Với thực tế trên, từ năm 2015 đến 2017, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai đề tài thực nghiệm các giải pháp kỹ thuật trong canh tác tỏi ở huyện đảo Lý Sơn. Thay bằng việc bổ sung đất và thay cát san hô, phương pháp canh tác trong đề tài là cày xới lớp đất bazan bên dưới kết hợp bón phân hữu cơ, vô cơ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Đồng thời bổ sung thêm hàm lượng các chất có nhiều trong cát san hô như canxi, magie, lưu huỳnh… rồi dùng lớp xác thực vật phủ lên trên để giữ mát cho đất.
Kết quả cho thấy, cây tỏi vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất không bị sụt giảm. Qua phân tích, chất lượng củ tỏi vẫn đảm bảo như cách canh tác truyền thống của bà con. Chỉ có một vấn đề còn tồn tại là khi loại bỏ lớp cát san hô cũ thì hàm lượng sét trong đất cao dẫn đến việc thu hoạch tỏi khó hơn, đổ bỏ lớp cát cũ trên cánh đồng tỏi gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường và phát sinh thêm chi phí. Mặc dù vậy, khi kết thúc đề tài, chưa có các giải pháp tiếp theo để hoàn thiện và nhân rộng phương pháp này.
Tương lai rộng mở Tiếp tục phát triển từ đề tài nói trên, tháng 3/2021, Quảng Ngãi bắt đầu thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến tỏi Lý Sơn bền vững theo chuỗi giá trị”. Thời gian thực hiện trong vòng 36 tháng.
Đây là đề tài cấp quốc gia do Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín chủ trì thực hiện, với sự phối hợp của Viện KH-KT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ; Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lý Sơn.
Đề tài nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến tỏi Lý Sơn bền vững theo chuỗi giá trị bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2021. Ảnh: L.K.
Theo ông Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng Viện KH-KT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (đơn vị tham vấn kỹ thuật cho đề tài), kế thừa phương thức canh tác từ đề tài trước là không bổ sung đất đỏ bazan và không thay cát san hô mới, nhưng đề tài này đã tính đến việc giữ lại toàn bộ lớp cát san hô cũ, sau đó cày xới lẫn với lớp đất thịt bazan xuống độ sâu khoảng 20cm để tạo thành lớp đất cát pha có độ tơi xốp, đảm bảo được tính chất đất và dễ thu hoạch hơn.
Khi được cày xới lên, đất có tính chất cát pha rất tơi xốp, nhờ đó bộ rễ của cây tỏi phát triển mạnh, ăn sâu và rộng nên có khả năng chống đổ tốt, lấy nước cũng như chất dinh dưỡng tốt hơn, nhờ đó cây tỏi sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu, bệnh hại và điều kiện bất thuận của thời tiết tốt hơn.
Trước đây, nền đất bazan bên dưới người dân thường đầm chặt xuống rồi canh tác trên lớp cát nên rễ tỏi phát triển kém, chỉ phát triển theo chiều ngang và ăn không rộng. Gặp điều kiện thời tiết bất thuận như gió bão dễ bị ngã đổ, nắng hạn thì khả năng hút nước kém, phạm vi lấy dinh dưỡng hẹp nên cây tỏi sinh trưởng và phát triển kém, dễ bị sâu, bệnh hại tấn công gây hại, làm suy giảm năng suất cũng như tốn chi phí phân bón, thuốc BVTV và nước tưới.
Cây tỏi trong mô hình thể hiện khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao. Ảnh: L.K.
Sau khi thử nghiệm đề tài vào vụ tỏi năm 2021 – 2022 và thu được thành công, đến vụ tỏi năm nay (2022 – 2023), các đơn vị thực hiện đã triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tỏi Lý Sơn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 10ha. Trong vụ sản xuất này, cây tỏi của Lý Sơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thời tiết mưa kéo dài, sâu bệnh phát sinh và gây hại nặng đã dẫn đến mất mùa trầm trọng. Nhiều diện tích của người dân mất từ 80 – 90% năng suất nhưng các ruộng tỏi mô hình vẫn đạt sản lượng cao và ổn định.
“Bằng biện pháp làm đất, tăng cường bón phân hữu cơ, giảm phân vô cơ cùng với kết hợp các biện pháp quản lý, phòng trừ dịch hại tổng hợp, cây tỏi trong ruộng mô hình phát triển rất tốt; các chỉ tiêu sinh trưởng đều vượt trội; củ tỏi chắc, năng suất dự kiến đạt 6,34 tấn/ha, trong khi ruộng đại trà trung bình chỉ đạt 4,23 tấn/ha.
Mặc dù chi phí sản xuất trong ruộng mô hình nhỉnh hơn do sử dụng nhiều phân hữu cơ các loại để bón lót nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn nhiều. Nếu như lãi ròng của ruộng đại trà trong vụ này chỉ đạt gần 70 triệu đồng/ha thì ruộng mô hình đạt đến 307 triệu đồng/ha do năng suất và giá bán tăng”, ông Vũ Văn Khuê chia sẻ.
Cũng theo ông Khuê, hiện nay, canh tác tỏi và hành của người dân Lý Sơn vẫn còn một tồn tại cần khắc phục đó là trên cùng một đồng ruộng, người dân vẫn giữ cách canh tác cũ, mỗi năm 1 vụ tỏi và 2 – 3 vụ hành liên tục. Đây là 2 loại cây trồng cùng họ nên việc sản xuất liên tục như vậy dễ tiềm ẩn nguồn sâu bệnh trong đất và tàn dư cây trồng từ vụ trước.
Do đó, đơn vị này khuyến cáo người dân cần luân canh giữa vụ tỏi với vụ hành bằng các loại cây trồng khác như lạc, vừng, ngô… Cách làm này không chỉ cắt nguồn sâu bệnh, cải tạo đất mà còn sử dụng xác các loại cây trồng được luân canh làm vật liệu che phủ. Đồng thời, khi kết hợp việc làm đất, những vật liệu che phủ này sau mỗi vụ còn có tác dụng bổ sung nguồn phân hữu cơ vào đất.
Bộ rễ cây tỏi trong mô hình phát triển mạnh nên khả năng lấy nước và chất dinh dưỡng tốt, chống chịu được trước những điều kiện thời tiết bất thuận. Ảnh: L.K.
Ông Phan Sơn, đại diện đơn vị chủ nhiệm đề tài (Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín) cho rằng, đây là đề tài có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học, không chỉ giúp bà con Lý Sơn thay đổi tập quán canh tác trong vấn đề làm đất và kiểm soát dư lượng phân bón, thuốc BVTV mà còn hình thành quy trình mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả từ cây tỏi trước thực tế thường xuyên xảy ra mất mùa trong những năm gần đây.
Mô hình đã thể hiện được việc liên kết sản xuất giữa "4 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Sau khi bà con thu hoạch, đơn vị này cũng sẽ dựa trên nhu cầu thực tế, thống kê năng suất và thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường.
“Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành xây dựng, lắp đặt các trang thiết bị của nhà máy chế biến tỏi ở ngay trên huyện đảo này. Từ củ tỏi, hiện nay chỉ bán thô hoặc tỏi nhỏ không tiêu thụ được, chúng tôi sẽ chế biến thành những sản phẩm có thương hiệu. Trong năm 2023, nhất định chúng tôi sẽ có sản phẩm để đưa vào thị trường”, ông Phan Sơn khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, đối với cây tỏi Lý Sơn, hiện nay, đơn vị này đã cải tiến và hoàn thành quy trình bảo quản để giảm tỷ lệ hư hỏng, thất thoát với thời gian từ 6 – 9 tháng tùy theo từng điều kiện nhiệt độ. Cùng với đó, Viện cũng đã hoàn thiện công nghệ chế biến tỏi đen, nước tỏi đen mật ong, bột tỏi và nước sốt tỏi làm gia vị nhằm tạo ra được những sản phẩm chất lượng.
“Thời gian tới, khi có nhà máy chế biến, chúng tôi sẽ đưa những công nghệ này áp dụng trong điều kiện thực tiễn để tổ chức sản xuất tỏi Lý Sơn một cách bền vững”.