Cải thiện bưởi Đại Bình
Đăng ngày:1/16/2016 9:09:07 AM bởi adminPhòng Kinh tế - hạ tầng huyện phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai xây dựng vườn ươm tại Đại Bình với diện tích 5.000m2 và nhân giống hơn 3ha cây bưởi trụ.
Những năm qua, trên địa bàn huyện Nông Sơn, nhiều dự án/mô hình cải thiện, nhân rộng giống cây ăn quả, đặc biệt là bưởi trụ Đại Bình được triển khai với mục tiêu cải thiện, tạo giống sạch bệnh, đáp ứng nhu cầu bức thiết về nguồn giống trong dân.
Làng Đại Bình, xã Quế Trung (Nông Sơn) - “miệt vườn” xứ Quảng có 250 hộ trồng cây ăn quả, trong đó chiếm ưu thế là cây bưởi trụ lông. Tổng diện tích cây ăn quả chiếm 28/131ha đất sản xuất tự nhiên của thôn. Tuy nhiên, năm nay vườn cây trái Đại Bình bị thất thu, ảnh hưởng tới đời sống, thu nhập của bà con. Bên cạnh nhiều nguyên nhân vì ảnh hưởng của thời tiết, nắng hạn khiến sản lượng cây ăn quả, đặc biệt là bưởi trụ sụt giảm nghiêm trọng thì sự thiếu chủ động chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh gây hại cho cây trồng của người dân cũng là tác nhân không nhỏ của mất mùa. Quan trọng, việc ít chú trọng tới việc tiếp cận khoa học kỹ thuật cùng với việc thiếu đầu tư cải thiện vườn cây bố mẹ khiến cây bị già cỗi gốc, năng suất và phẩm chất trái giảm sút cũng góp phần gây tình trạng thất thu. Ông Lê Trần Toàn, thôn Đại Bình, xã Quế Trung có tổng diện tích vườn trồng cây ăn quả 3.500m2, tuy nhiên phần lớn cây già cỗi, có những cây đã 30 - 40 tuổi, năng suất và chất lượng quả không cao. “Gia đình tôi đang có hướng cải tạo lại vườn, phá bỏ những cây trồng già cỗi, hiện chúng tôi đã trồng mới 1.000m2 cây ăn quả chủ yếu là bưởi trụ Đại Bình, số được hỗ trợ cây giống, số gia đình tự nhân giống trồng, đến nay cây đã 2 - 3 năm tuổi, cây phát triển tốt” - ông Toàn nói. Giống bưởi trụ lông Đại Bình nay đã có thương hiệu, được người tiêu dùng nhiều nơi ưa chuộng song sức cạnh tranh của sản phẩm rất thấp do sản lượng không ổn định, tình trạng sâu bệnh (sâu vẽ bùa, sâu đục phá thân, bọ xít, vàng lá, ruồi đục quả, nứt thân xì mủ)… ảnh hưởng lớn đến năng suất và phẩm chất trái. Theo ông Trần Kim Hùng - Trưởng thôn Đại Bình, trước tình trạng thoái hóa giống bưởi trụ, 5 năm trở lại đây, huyện Nông Sơn đã có một số đề tài/ dự án/ mô hình nghiên cứu cải thiện vườn cây ăn quả. Chẳng hạn, giai đoạn 2009-2011, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai xây dựng vườn ươm tại Đại Bình với diện tích 5.000m2 và nhân giống hơn 3ha cây bưởi trụ. Đề tài đã hỗ trợ nhiều hộ dân khu vực thôn Đại Bình nói riêng và một số vùng lân cận trồng mới diện tích với kích thước trồng mỗi sào tương đương 16 cây giống. Từ năm 2012 trở đi, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện tiếp tục triển khai nhân giống không chỉ hỗ trợ người dân Đại Bình mà còn nhiều vùng lân cận trồng mới diện tích. “Những đề tài/mô hình trên từng bước góp phần cải thiện chất lượng giống bưởi trụ và nhờ đó, diện tích vườn cây bưởi trụ Đại Bình nói riêng, Nông Sơn nói chung không ngừng tăng lên” - ông Hùng khẳng định. Được biết, giai đoạn 2013 - 2014, dự án nhân rộng cây bưởi trụ sạch bệnh do Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện bước đầu đã có nhiều thành quả tích cực. Giai đoạn 2011 - 2013, đã có 7ha bưởi trụ được hỗ trợ trồng mới tại một số xã nằm ven sông Thu Bồn như: Quế Ninh, Quế Trung, Sơn Viên… Theo kế hoạch, năm 2014, trạm sẽ tiếp tục nhân rộng thêm 2ha, giúp người dân cải tạo vườn tạp trồng cây bưởi trụ cải thiện thu nhập. Ông Nguyễn Đình Sử - Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện thông tin: Chỉ riêng năm 2014, trạm đã phát triển được hơn 1.000 cây bưởi trụ ghép cành tại vườn ươm, dự kiến sau đợt mưa lũ sẽ hỗ trợ cây giống đến người dân trồng nhân rộng tại Đại Bình và một số khu vực lân cận có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng. Hộ được hỗ trợ cây giống phải là những hộ dân có diện tích đất trồng mới từ 1 sào trở lên. Trạm cũng sẽ phối hợp cùng với dự án Làng du lịch sinh thái Đại Bình, tiến hành chọn lọc, vận động phá bỏ những diện tích cây bố mẹ già cỗi, đầu tư trồng mới nguồn giống sạch bệnh. Hiện tại, huyện đã tuyển chọn được 11 cây đầu dòng phục vụ cho việc nhân giống bưởi trụ sạch bệnh. Giai đoạn 2014 - 2019, đề tài “Điều tra tình hình phân bố, chọn lọc, bảo tồn nguồn giống tiêu Tiên Phước, bưởi trụ lông Đại Bình - Nông Sơn, Quảng Nam” do ThS. Phan Hùng Vĩnh (Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam) chủ nhiệm là hướng đi mới trong việc cải thiện giống bưởi trụ. Trải qua nhiều công đoạn như: điều tra thực tế, xác định hiện trạng, đánh giá cây bưởi trụ lông Đại Bình; tuyển chọn những cây đầu dòng có năng suất cao để phục vụ nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô vi ghép đỉnh sinh trưởng. Mục tiêu đề tài là tạo cây giống gốc (S0) trong phòng thí nghiệm rồi tiếp tục tạo cây giống ghép S1 sạch bệnh tại nhà lưới đặc chủng trước khi đưa ra cung cấp cho bà con trồng. “Lâu nay, bà con chủ yếu chiết cành, năng suất nhân giống thấp và cây nhanh già cỗi gốc, năng suất và phẩm chất trái chưa như mong đợi, nguồn giống lại lẫn tạp. Việc nhân giống từ kỹ thuật nuôi cấy mô vi ghép đỉnh sinh trưởng sẽ tạo ra nguồn cây giống sạch bệnh, mang đặc tính di truyền tốt từ cây bố mẹ và có hệ số nhân giống hàng loạt” - ThS. Phan Hùng Vĩnh nói. Nguồn: Báo Quảng Nam |
Nguồn tin: Báo Quảng Nam